Nâng cao lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần 

Vũ Thành Long
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là vấn đề quan trọng và cấp thiết, góp phần đào tạo những sĩ quan “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Từ khóa: Lối sống văn hóa; học viên đào tạo sĩ quan; nâng cao; Học viện Hậu cần.

1. Đặt vấn đề

Học viện Hậu cần là trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần cho toàn quân, có sứ mệnh quan trọng trong việc trang bị cho học viên không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả những giá trị văn hóa tốt đẹp. Lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội tại Học viện Hậu cần hiện nay có ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường văn hóa quân sự sau này. Một lối sống văn hóa tích cực sẽ tạo ra môi trường đoàn kết, kỷ luật, trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả học tập và rèn luyện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi, việc duy trì và phát triển lối sống văn hóa cho học viên vẫn đối mặt với không ít thách thức. Vì vậy, nâng cao lối sống văn hoá của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần  là một vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

2. Thực trạng lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần 

Lối sống văn hóa của học viên sĩ quan hậu cần cấp phân đội là tổng hòa các giá trị, chuẩn mực, hành vi ứng xử, hoạt động vật chất và tinh thần diễn ra thường xuyên trong quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt tại Học viện, bao gồm: nhận thức chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ học tập, rèn luyện thể lực, quan hệ đồng chí, đồng đội, ứng xử với cấp trên, cấp dưới, gia đình và xã hội cũng như đời sống tinh thần, thẩm mỹ. 

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cùng sự nỗ lực của các cơ quan, khoa, đơn vị và bản thân mỗi học viên, lối sống văn hóa của học viên sĩ quan cấp phân đội tại Học viện Hậu cần đã đạt được nhiều kết quả tích cực song cũng còn tồn tại những hạn chế, bất cập cần được nhìn nhận và khắc phục.

Bảng. Tổng hợp kết quả khảo sát lối sống văn hóa lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần1

(tháng 12/2024)

STTNội dungSố lượng%
1Nhận thức về vai trò của lối sống văn hóaQuan trọng187/20093.50
Bình thường13/2006.50
Khó trả lời0/2000.00
2Thái độ, động cơ, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần Tốt166/20083.00
Khá25/20012.50
Trung bình9/2004.50
3Ý thức chấp hành kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cầnTốt189/20094.50
Bình thường11/2005.50
Khó trả lời0/2000.00

Từ tổng hợp kết quả khảo sát trên cho thấy:

Một là, vẫn còn một số học viên có nhận thức về lối sống văn hóa chưa toàn diện.

Trong đó, chưa nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của lối sống văn hóa trong việc hình thành nhân cách và năng lực của quân nhân. Một số học viên xem nhẹ các quy định về nếp sống, sinh hoạt, ứng xử và coi đây là những điều nhỏ nhặt, không ảnh hưởng lớn đến công việc học tập và rèn luyện. Điều này dẫn đến việc học viên thiếu chủ động, tự giác trong việc thực hiện các quy định về lối sống văn hóa. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6,5% số học viên được hỏi cho rằng vai trò của lối sống văn hóa đối với quá trình học tập, rèn luyện của học viên ở Học viện Hậu cần là bình thường2.

Hai là, một số học viên có phẩm chất đạo đức chưa cao.

Tính tự giác, chủ động trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một số học viên chưa cao. Việc chấp hành kỷ luật còn mang tính đối phó, chỉ thực hiện nghiêm túc khi có sự giám sát, kiểm tra của cán bộ quản lý. Khi không có sự giám sát trực tiếp, vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định nhỏ về giờ giấc, lễ tiết tác phong, sắp xếp nội vụ, vệ sinh… Họ chưa nhận thức đầy đủ rằng, việc rèn luyện kỷ luật, tác phong chính là rèn luyện ý chí, bản lĩnh và phẩm chất cần có của người quân nhân cách mạng, đặc biệt là sĩ quan hậu cần – người nắm giữ và quản lý tài sản, vật chất của quân đội. Qua khảo sát, có 4,5% học viên được hỏi cho rằng thái độ, động cơ, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần ở mức trung bình3.

Ba là, vẫn còn có những học viên có hành vi và ứng xử chưa đúng chuẩn mực. 

Việc chấp hành điều lệnh, chế độ quy định của học viên chưa thực sự tự giác và thống nhất. Mặc dù được quán triệt và rèn luyện thường xuyên nhưng việc chấp hành các quy định về giờ giấc, chế độ trong ngày, trong tuần; việc thực hiện các động tác điều lệnh đội ngũ; việc mang mặc quân phục, lễ tiết tác phong quân nhân ở một số học viên đôi khi còn chưa nghiêm túc, thống nhất và tự giác. Biểu hiện cụ thể là tình trạng đi muộn, về sớm trong một số hoạt động; tác phong còn tùy tiện, thiếu chuẩn mực khi không có sự kiểm tra, đôn đốc của cán bộ quản lý; việc chào hỏi, xưng hô đôi lúc chưa đúng điều lệnh; việc sắp xếp nội vụ, vệ sinh cá nhân và khu vực công cộng chưa thực sự ngăn nắp, gọn gàng theo quy định. Từ kết quả khảo sát, có 5,5% học viên được hỏi cho rằng ý thức chấp hành kỷ luật của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần là bình thường4.

3. Một số giải pháp 

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới toàn diện đồng bộ chương trình, nội dung, phương thức giáo dục, rèn luyện học viên.

Đổi mới mạnh mẽ nội dung dạy học theo hướng tinh gọn, thiết thực, cập nhật. Nội dung từng môn học, học phần phải là sự chắt lọc những kiến thức cốt lõi, cập nhật và có khả năng ứng dụng cao, tập trung vào năng lực cốt lõi, xác định rõ những kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi nhất mà người cán bộ hậu cần tương lai bắt buộc phải nắm vững và thành thạo. Khuyến khích giảng viên đưa các kết quả nghiên cứu mới nhất của mình vào bài giảng, biên soạn, số hóa hệ thống giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo.

Cần đổi mới triệt để phương pháp dạy học, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học. Phương pháp phải là cầu nối hiệu quả để chuyển tải nội dung và hình thành năng lực cho người học, lấy người học làm trung tâm, giảng viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ; học viên là chủ thể tích cực, chủ động chiếm lĩnh tri thức, hình thành kỹ năng thông qua các hoạt động học tập đa dạng, áp dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực phổ biến và áp dụng hiệu quả các phương pháp, như: dạy học dựa trên vấn đề/dự án, học tập qua trải nghiệm, học tập kết hợp lớp học đảo ngược, học tập hợp tác, phương pháp nghiên cứu tình huống, tranh luận khoa học, seminar chuyên sâu… 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy học, khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ mô phỏng, thực tế ảo, thực tế tăng cường để làm cho bài giảng sinh động, trực quan, tăng cường tương tác và cá nhân hóa lộ trình học tập, sử dụng hiệu quả các hệ thống quản lý học tập.

Bên cạnh đó, cần đổi mới căn bản hoạt động kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá năng lực và vì sự tiến bộ của người học. Kiểm tra, đánh giá phải phản ánh trung thực năng lực người học và cung cấp thông tin phản hồi hữu ích cho quá trình cải tiến, đánh giá đa dạng, toàn diện chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực tổng hợp (kiến thức, kỹ năng, thái độ). Sử dụng phối hợp nhiều hình thức đánh giá, đánh giá quá trình, đánh giá kết quả; đánh giá định tính, định lượng; đánh giá lý thuyết, thực hành; đánh giá cá nhân, nhóm; tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, đánh giá của giảng viên, đánh giá từ đơn vị thực tập… Phát triển các bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng cho từng loại hình bài tập, dự án, kỹ năng. Xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập tình huống phong phú, chuẩn hóa, đảm bảo độ khó và độ phân biệt phù hợp, tăng cường sử dụng phần mềm thi trắc nghiệm trên máy tính, phần mềm chấm điểm tự động (cho một số dạng bài), phần mềm quản lý kết quả học tập, phần mềm phát hiện đạo văn.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm.

Trong giáo dục, đào tạo nói chung, ở Học viện Hậu cần nói riêng, phẩm chất, nhân cách của học viên chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ môi trường đào tạo ra họ. Vì vậy, để đào tạo ra những cán bộ hậu cần có phẩm chất đạo đức tốt, không tham nhũng, tiêu cực thì cùng với xây dựng các yếu tố khác, Học viện phải là môi trường mẫu mực. Các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị quản lý học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa, sư phạm tốt đẹp lành mạnh, phong phú”; xây dựng môi trường công tác, học tập dân chủ, nhân văn, làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh; xây dựng mối quan hệ, nhất là quan hệ thầy – trò trong sáng, đề cao tình thương, trách nhiệm.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa quân sự ở Học viện Hậu cần hiện nay, trước hết phải xây dựng và tạo nên sự thống nhất cao về ý chí và hành động giữa các học viên, phản ánh tính đa dạng của các mối quan hệ giữa quân nhân với quân nhân, quân nhân với tập thể quân nhân và xã hội, được tập thể quân nhân và xã hội thừa nhận. Việc lựa chọn những giá trị tiêu biểu của truyền thống dân tộc, quân đội và truyền thống của Học viện phải phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của học viên để đưa vào chương trình, nội dung giáo dục và truyền tải vào mọi mặt trong hoạt động ở đơn vị. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng cảnh quan văn hóa chứa đựng các giá trị văn hóa phục vụ cho việc giáo dục lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Cảnh quan văn hóa đó phải mang tính thẩm mỹ cao, nó là sự kết tinh những giá trị văn hóa quân sự. Hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập, nhà ở, nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh, vườn hoa thanh niên, câu lạc bộ, hệ thống panô, áp phích, các trang bị, phương tiện trong huấn luyện… không chỉ phục vụ nhiệm vụ quân sự mà còn tạo ra sự hài hòa, hợp lý, sinh động trong đời sống học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội.

Thứ ba, phát huy nhân tố chủ quan của học viên.

Học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong huấn luyện, rèn luyện trong quá trình học tập, công tác tại Học viện, tự giác, chủ động tiếp nhận tri thức về lối sống văn hóa. Đây là biện pháp nhằm làm chuyển biến các phẩm chất tâm lý trong nhận thức, tình cảm và ý chí phấn đấu của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Họ phải thường xuyên tự giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, động cơ, thái độ đúng đắn, nhận thức rõ mục đích, yêu cầu của quá trình huấn luyện, rèn luyện để không ngừng vươn lên lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo quân sự. Đồng thời quá trình giáo dục, bồi dưỡng lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội phải bắt đầu từ quá trình họ nhận thức đúng đắn về nội dung này, làm cơ sở, tiền đề vững chắc để chuyển hóa thành thái độ, hành vi lối sống văn hóa.

Tiếp tục phát huy tính tích cực, tự giác của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trong chuyển hóa nhận thức thành động cơ, ý chí, tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện lối sống văn hóa. Quá trình chuyển hóa này cũng được sự giúp đỡ của các chủ thể khác như tổ chức lãnh đạo, chỉ huy nhưng có ý nghĩa quyết định là bản thân mỗi học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội phải tự nỗ lực thực hiện sự chuyển hóa này. Về cơ bản từ nhận thức càng cao thì thái độ, động cơ, ý chí càng lớn. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng diễn ra sự tương quan tỷ lệ thuận đó, có nhiều trường hợp động cơ ý chí không tương xứng với trình độ nhận thức. Hiểu biết tốt nhưng chưa hẳn đã có động cơ, ý chí quyết tâm cao. Cần không ngừng rèn luyện hành vi theo chuẩn mực của lối sống văn hóa. Mỗi bước tiến của nhận thức, động cơ, ý chí quyết tâm là học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội phải tự hình thành cho mình một thói quen, hành vi theo chuẩn mực lối sống văn hóa. 

4. Kết luận

Lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện Hậu cần là toàn bộ phương thức hoạt động sống của quân nhân trong tổ chức và hoạt động quân sự mang tính đặc thù ở Học viện, là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc; được biểu hiện cụ thể qua việc định hướng giá trị sống, các hoạt động thực tiễn như học tập, rèn luyện và qua cách thức giải quyết các quan hệ, giao tiếp ứng xử xã hội và cá nhân của học viên theo tiêu chí chân – thiện – mỹ. 

Nâng cao lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội ở Học viện là quá trình mang tính chủ đích của các chủ thể, các lực lượng ở Học viện Hậu cần bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành nhằm định hình lối sống văn hóa của học viên theo giá trị, chuẩn mực văn hóa quân sự.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Tổng hợp kết quả khảo sát trong nghiên cứu của tác giả thực hiện tháng 12/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 216.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H.NXB Chính trị quốc gia, tr. 16. 
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 1. H.NXB Chính trị quốc gia, tr. 284.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H.NXB Chính trị quốc gia, tr. 612.
5. Văn Đức Thanh (Chủ biên) (2014). Văn hóa quân sự Việt Nam – truyền thống và hiện đại. H. NXB Chính trị quốc gia.
6. Thường vụ Quân ủy Trung ương (2021). Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
7. Nguyễn Phú Trọng (2024). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
8. V.I.Lênin toàn tập (2005). Tập 18. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr.167.