Phát triển nguồn nhân lực hướng tới kỷ nguyên số sau 50 năm thống nhất đất nước – vấn đề quản lý nhà nước 

TS. Nguyễn Thị Thu Huyền
Trường Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông
Đại học Thái Nguyên

(Quanlynhanuoc. vn) – Nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số vì sự phát triển của nền kinh tế và xã hội phụ thuộc vào khả năng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn gặp phải nhiều thách thức lớn. Bài viết phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh kỷ nguyên số. Đồng thời, cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ. Những giải pháp này sẽ giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số và hội nhập toàn cầu.

Từ khóa: Quản lý nhà nước; kỷ nguyên số; hạ tầng cơ sở; nguồn nhân lực; sau 50 năm thống nhất.

1. Đặt vấn đề

Sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Về kinh tế, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới (từ năm 1986) trở thành nền kinh tế đang phát triển năng động ở khu vực Đông Nam Á. Chính trị ổn định, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định. Dân chủ ngày càng được mở rộng, quyền và lợi ích của người dân được bảo đảm. Quốc phòng – An ninh vững mạnh; chủ quyền quốc gia được giữ vững. Giáo dục phổ cập toàn dân; phát triển đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống y tế được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng cao. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Về khoa học – công nghệ, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Về vị thế quốc tế, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và uy tín trên trường quốc tế.

Kỷ nguyên số đang thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế – xã hội. Bước vào kỷ nguyên số với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), tự động hóa và nền kinh tế số đã và đang đặt ra những thách thức to lớn và yêu cầu cấp thiết về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có những giải pháp chiến lược, đồng bộ và kịp thời để phát triển nguồn nhân lực để đưa đất nước vươn mình trong thời đại công nghệ số, vừa để tận dụng cơ hội, vừa để tránh nguy cơ tụt hậu. 

2. Cơ hội và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam trong kỷ nguyên số 

a. Những cơ hội

Một là, mở rộng thị trường lao động. Công nghệ số giúp người lao động không bị giới hạn bởi không gian địa lý, dễ dàng tiếp cận việc làm từ xa, làm việc xuyên biên giới (freelance, remote work). Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ quốc tế, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao. Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tận dụng “đà” chuyển đổi số cùng với AI. Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, thị trường AI tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng gần 16% mỗi năm, từ 547 triệu USD (13,8 nghìn tỷ đồng) năm 2023 lên hơn 2 tỷ USD (50,8 nghìn tỷ đồng) vào năm 2032, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ1.

Hai là, nhu cầu cao về nhân lực số. Các ngành, như: công nghệ – thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, thương mại điện tử, an ninh mạng… đang “khát” nhân lực. Người lao động có kỹ năng số sẽ có cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, cơ hội thăng tiến lớn.

Ba là, cơ hội học tập và phát triển không giới hạn. Công nghệ mở ra cơ hội học tập suốt đời thông qua các nền tảng số, học online, học từ xa. Người lao động có thể liên tục nâng cao trình độ, học thêm kỹ năng mới với chi phí thấp.

Bốn là, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều cơ hội cho giới trẻ khởi nghiệp số (startup), ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Năm là, được tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhân lực số giúp Việt Nam có thể tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao như lập trình, thiết kế, quản lý dữ liệu, phân tích kinh doanh… Tăng khả năng cạnh tranh của người lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế.

b. Những thách thức

Thứ nhất, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Số lượng lao động có kỹ năng số, tư duy công nghệ còn thấp so với nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, thiếu nhân lực trong các lĩnh vực ,như: AI, dữ liệu lớn, an ninh mạng, lập trình… Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam năm 2020 đạt 69%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV/2024 là 28,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm2.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hầu hết chỉ tiêu về nhân lực của Việt Nam đều thấp. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Về chỉ số nguồn nhân lực, Việt Nam xếp thứ 70/100; chỉ số lao động có chuyên môn cao, Việt Nam xếp hạng 81/100; chỉ số chất lượng đào tạo nghề, Việt Nam được xếp hạng 80/100 quốc gia. Nếu so sánh với các nước ASEAN, gần như tất cả chỉ số của Việt Nam chỉ vượt hơn được nước Campuchia3.

Thứ hai, chênh lệch về tiếp cận công nghệ. Khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền vẫn còn lớn. Người lao động ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận thông tin, đào tạo kỹ năng số.

Thứ ba, giáo dục – đào tạo chậm đổi mới. Nhiều chương trình đào tạo chưa theo kịp yêu cầu thực tế của thị trường lao động số. Thiếu sự gắn kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – cơ quan quản lý.

Thứ tư, tư duy cũ và thiếu kỹ năng mềm. Một bộ phận lao động chưa sẵn sàng thích nghi với thay đổi, thiếu tư duy phản biện, sáng tạo, làm việc nhóm… Kỹ năng học tập suốt đời, tự học, tự nâng cấp bản thân còn yếu.

Thứ năm, nguy cơ mất việc do tự động hóa. Những công việc đơn giản, lặp lại có thể bị thay thế bởi máy móc, robot, AI. Lao động phổ thông dễ bị đào thải nếu không được đào tạo lại. Sự phát triển của kinh tế số sẽ làm mất đi một số lượng lớn công việc, ví dụ, thay thế tới 1/3 lực lượng lao động chế biến nông sản, thay thế 26% số lao động trong ngành Logistics ở Việt Nam4. Người lao động sẽ mất việc nếu thiếu các kỹ năng cần thiết để chuyển sang làm công việc mới nếu không có sự đầu tư đầy đủ và kịp thời cho việc phát triển kỹ năng.

Thứ sáu, sự bất cập trong quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực. Công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng vẫn còn nhiều bất cập, đâylà nguyên nhân chính cản trở việc nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Nguyên nhân do chiến lược và quy hoạch yếu kém, hệ thống chính sách chưa đồng bộ và hiệu quả thấp, tuyển dụng nặng về bằng cấp, bố trí sử dụng chưa hợp lý, chế độ tiền lương và đãi ngộ bất cập, môi trường làm việc chưa tốt…

3. Thực trạng nguồn nhân lực trong 50 năm qua 

Nguồn nhân lực Việt Nam trong 50 năm qua đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội. 

(1) Giai đoạn sau thống nhất (1975 – 1985.)

Nguồn nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ học vấn và kỹ năng còn thấp. Hệ thống giáo dục – đào tạo còn thiếu thốn, chưa đồng bộ giữa các vùng miền. Chủ yếu phục vụ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, ít tiếp xúc với công nghệ hiện đại (Xem Bảng 1).

Bảng 1. Nguồn nhân lực giai đoạn sau thống nhất (1975 – 1986)

Chỉ tiêu197519801985Ghi chú
Tổng dân số(triệu người)49,1 53,7 58,7 Dân số Việt Nam tăng trưởng ổn định sau thống nhất
Tỷ lệ lao động tham gia thị trường72%73%74%Tỷ lệ lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, dịch vụ
Tỷ lệ lao động có trình độ đại học0,6%1,0%1,5%Trình độ giáo dục còn thấp, đa phần là lao động phổ thông
Tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp3,2%4,0%5,5%Lao động có tay nghề và kỹ thuật gia tăng trong giai đoạn này
Tổng số công nhân trong các ngành công nghiệp (triệu người)2,8 3,5 4,2 Nền kinh tế chuyển hướng từ nông nghiệp sang công nghiệp
Tỷ lệ lao động nông nghiệp80%75%70%Lao động nông nghiệp giảm dần, chuyển dịch sang công nghiệp và dịch vụ
Nguồn: Tổng cục Thống kê năm 1975, 1980, 1985. 

(2) Thời kỳ đổi mới và hội nhập (1986 – 2010).

Giáo dục – đào tạo được chú trọng hơn, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Nguồn nhân lực bắt đầu chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (xem Bảng 2).

Bảng 2. Nguồn nhân lực thời kỳ đổi mới và hội nhập (1986 – 2010)

Chỉ tiêu1986199520002010Ghi chú
Tổng dân số (triệu người)~60~72,5~77,6~86,9Dân số tăng ổn định
Lực lượng lao động (triệu người)~33,5~37,5~40,6~49,0Tỷ lệ lao động chiếm khoảng 50 – 55% dân số
Tỷ lệ lao động nông nghiệp (%)~70%~65%~60%~48%Giảm dần, chuyển sang công nghiệp và dịch vụ
Tỷ lệ lao động công nghiệp (%)~12%~15%~18%~22%Công nghiệp phát triển mạnh
Tỷ lệ lao động dịch vụ (%)~18%~20%~22%~30%Dịch vụ bùng nổ sau hội nhập
Tỷ lệ biết chữ (≥15 tuổi)~85%~88%~90%>94%Giáo dục phổ cập, đặc biệt là tiểu học
Số sinh viên đại học (ngàn người)~90~480~800~1.800Mở rộng đại học, cao đẳng
Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)~10%~15%~23%~40%Đào tạo nghề & đại học phát triển
Tỷ lệ thất nghiệp/thừa lao động (%)~15%~7,4%~6,4%~4,6%Giảm dần do tăng việc làm phi chính thức
Nguồn: Tổng cục Thống kê năm 1986, 1995, 2000, 2010.

(3) Thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa (2010 – 2020).

Lực lượng lao động trẻ, dồi dào nhưng phần lớn vẫn chưa qua đào tạo chuyên sâu. Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện mở rộng đào tạo nghề, đại học nhưng còn thiếu kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo. Mất cân đối giữa “cung – cầu” lao động ở nhiều ngành nghề (xem Bảng 3).

Bảng 3. Nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa (2010 – 2020)

Chỉ tiêu201020152020Ghi chú
Tổng dân số (triệu người)86,991,797,6Tăng đều, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao
Lực lượng lao động (triệu người)49,053,755,4Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động duy trì ổn định
Tỷ lệ lao động nông nghiệp (%)48%41%32%Giảm mạnh do đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu
Tỷ lệ lao động công nghiệp (%)22%25%28%Công nghiệp, xây dựng tăng mạnh
Tỷ lệ lao động dịch vụ (%)30%34%40%Tăng nhờ du lịch, tài chính, công nghệ
Tỷ lệ lao động biết chữ (≥15 tuổi)>94%~95,5%~96,5%Gần đạt phổ cập trung học cơ sở
Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)40%51,6%64,5%Trong đó có bằng cấp chứng chỉ ~26% (năm 2020)
Số sinh viên đại học (triệu người)~1,8~2,1~1,7Giảm nhẹ sau giai đoạn bùng nổ
Tỷ lệ thất nghiệp (%)~4,6%~2,3%~2,5%Ổn định, thấp so với khu vực
Tỷ lệ lao động phi chính thức (%)~56%~54%~55%Cao, đặc biệt tại khu vực nông thôn
Nguồn: Tổng cục Thống kê năm 2010, 2015, 2020.

(4) Giai đoạn chuyển đổi số (2020 – 2025).

Bắt đầu hình thành lực lượng lao động trong các lĩnh vực công nghệ số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, tỷ lệ nhân lực có trình độ cao, kỹ năng số còn thấp so với khu vực và thế giới. Chất lượng đào tạo chưa đồng đều, vẫn tồn tại khoảng cách giữa nhà trường và thị trường lao động (xem Bảng 4).

Bảng 4. Nguồn nhân lực giai đoạn chuyển đổi số (2020 – 2025)

Chỉ tiêu202020232025(dự báo)Ghi chú
Tổng dân số (triệu người)97,6100,3~102Tăng chậm, tốc độ già hóa dân số bắt đầu rõ nét
Lực lượng lao động (triệu người)55,452,3~52,7Có xu hướng chững lại do già hóa và dịch chuyển ra nước ngoài
Tỷ lệ lao động nông nghiệp (%)32%~27%~24%Giảm dần theo quá trình đô thị hóa & công nghệ hóa
Tỷ lệ lao động công nghiệp (%)28%~30%~32%Tăng nhẹ nhờ sản xuất thông minh, FDI tăng
Tỷ lệ lao động dịch vụ (%)40%~43%~44%Phát triển mạnh: thương mại điện tử, tài chính, công nghệ
Tỷ lệ lao động biết chữ (≥15 tuổi)~96,5%~97%~97,5%Gần đạt mức tiệm cận tối đa
Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%)64,5%~68%~70%Trong đó có bằng cấp/chứng chỉ khoảng 28–30%
Tỷ lệ lao động CNTT – công nghệ số (%)~2,5%~3,6%~5–6%Tăng nhanh do nhu cầu ngành công nghệ
Tỷ lệ lao động làm việc từ xa (%)~5%~12%~15%Xu hướng phát triển hậu COVID và kinh tế số
Tỷ lệ thất nghiệp chung (%)~2,5%~2,3%~2,1%Ổn định nhờ thị trường linh hoạt hơn
Tỷ lệ lao động phi chính thức (%)~55%~51%~48%Có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn cao
Nguồn: Tổng cục Thống kê năm 2020, 2023

Tính đến tháng 12/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo5. Con số này cho thấy, thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo nhìn chung chưa cao; trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu và theo kịp xu hướng thời đại 4.0 hiện nay; năng lực xã hội, khả năng thích ứng với công việc còn hạn chế. Chẳng hạn, như nhân lực ngành công nghệ thông tin, có 72% số sinh viên ngành công nghệ thông tin không có kinh nghiệm thực hành, 42% số sinh viên thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Chất lượng giáo dục đại học còn thấp và không đáp ứng nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động. Cơ cấu đào tạo và giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%; năm 2023, lực lượng lao động của Việt Nam đạt hơn 52,6 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm khoảng 10%6. Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào năm 2022 chỉ ra rằng, phần lớn lực lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, và trình độ công nghệ thông tin7.  

4. Đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực hướng tới kỷ nguyên số 

Để phát triển nguồn nhân lực hướng tới kỷ nguyên số, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong giáo dục, đào tạo nghề, khởi nghiệp và hợp tác công – tư. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục và tạo môi trường làm việc đổi mới sáng tạo sẽ giúp nguồn nhân lực Việt Nam sẵn sàng đón đầu những cơ hội và thách thức của thời đại số. 

Thứ nhất, đổi mới chương trình giáo dục và đào tạo.

Cải cách chương trình đào tạo để tích hợp các kỹ năng số và tư duy sáng tạo vào tất cả các cấp học. Phát triển giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) từ cấp tiểu học đến đại học, nhằm trang bị kiến thức nền tảng vững chắc cho học sinh, sinh viên. Đưa học liệu số, học trực tuyến vào hệ thống giáo dục để tăng cường khả năng tiếp cận và học tập linh hoạt.

Thứ hai, tăng cường đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng số.

Phổ cập kỹ năng số cho lao động, đặc biệt là lao động phổ thông và khu vực nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo lại (reskilling) và nâng cao kỹ năng (upskilling) cho người lao động hiện tại để đáp ứng yêu cầu công việc trong kỷ nguyên số. Khuyến khích các chương trình đào tạo nghề số, phát triển các khóa học trực tuyến, workshop và các nền tảng học tập mở.

Thứ ba, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp số.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các startup công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ số, như: AI, blockchain, dữ liệu lớn. Phát triển các vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp của giới trẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục.

Xây dựng các chương trình hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp, giúp học sinh, sinh viên có cơ hội thực tập và tiếp cận công việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin về nhu cầu kỹ năng, từ đó giúp các cơ sở giáo dục điều chỉnh chương trình học phù hợp.

Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đào tạo.

Ứng dụng các công nghệ tiên tiến, như: AI, học máy trong giáo dục để cá nhân hóa quá trình học tập, giúp học viên học theo lộ trình riêng. Xây dựng các nền tảng học tập số có tính tương tác cao, hỗ trợ học viên tiếp cận tài nguyên học tập phong phú, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ sáu, bảo đảm tiếp cận công nghệ cho mọi người.

Giảm khoảng cách số giữa các vùng miền, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa, để mọi người dân có thể tiếp cận công nghệ, học tập và làm việc trong môi trường số. Xây dựng các chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên, người lao động nghèo trong việc tiếp cận thiết bị học tập, internet và các khóa học trực tuyến.

Thứ bảy, đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về nguồn nhân lực và nhân tài.

Chính phủ cần hoàn thiện thể chế và chính sách tổng thể , đổi mới chính sách tuyển dụng, hoàn thiện chính sách sử dụng và bố trí, đột phá về chính sách tiền lương và đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản lý giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực.

Để khuyến khích chính sách đổi mới sáng tạo và hỗ trợ nhân lực số, Chính phủ cần ban hành các chính sách thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các chuyên gia quốc tế, giúp phát triển nguồn nhân lực số trong nước. Tạo ra các chế độ đãi ngộ hợp lý, khuyến khích đội ngũ nhân lực số không chỉ phát triển về chuyên môn mà còn có cơ hội thăng tiến và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. 

5. Kết luận

Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần đưa đất nước tiến bộ về mọi mặt. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên số với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu mới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp: đổi mới giáo dục – đào tạo gắn với thực tiễn, phát triển kỹ năng số và tư duy sáng tạo, đẩy mạnh học tập suốt đời, tăng cường hợp tác giữa Nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường và bảo đảm cơ hội tiếp cận công bằng cho mọi tầng lớp lao động. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với thời đại công nghệ số không chỉ là mục tiêu cấp bách, mà còn là chiến lược lâu dài để Việt Nam bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.

Chú thích:
1. Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. https://vneconomy.vn/techconnect/thuc-day-dao-tao-nguon-nhan-luc-trong-ky-nguyen-so.htm
2. Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2024. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2025/01/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2024.
3. 4. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số tại Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-boi-canh-nen-kinh-te-so-tai-viet-nam-89049.htm
5, 6. Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/tinh-hinh-thi-truong-lao-dong-viet-nam-nam-2023.
7. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thế giới biến đổi. https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-boi-canh-the-gioi-bien-doi-post724668.html
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Xuân Cầu (2019). Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực. H. NXB Kinh tế quốc dân.
2. Phạm Minh Hạc (2001). Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. H. NXB Chính trị quốc gia. 
3. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/50924/phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-o-nuoc-ta-truoc-tac-dong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.aspx4. Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/03/20/phat-trien-nguon-nhan-luc-viet-nam.