Nguyễn Ngọc Hiếu
Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động doanh nghiệp với lợi ích/chi phí từ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại các địa phương phân theo các vùng kinh tế khác nhau. Tác giả ước tính chi phí bằng phương pháp tăng thu, ước tính lợi ích bằng phân tích lợi tức đầu tư (ROI) trong khoảng thời gian từ 2016 – 2021. Kết quả cho thấy, nhóm doanh nghiệp ở các tỉnh có chỉ số B/C cao có hiệu quả hoạt động cao hơn, tuy nhiên chính sách ưu đãi thuế tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn dễ dẫn đến tình trạng tránh thuế bằng cách dịch chuyển trụ sở văn phòng chứ chưa hẳn dịch chuyển nơi kinh doanh thật sự và như vậy chính sách ưu đãi thuế trở nên vô nghĩa.
Từ khóa: Lợi ích – chi phí cạnh tranh thuế, hiệu quả doanh nghiệp, khu vực kinh tế.
1. Đặt vấn đề
Một số nghiên cứu gần đây đã khẳng định vai trò của thể chế trong việc giảm chi phí giao dịch, giảm sự không chắc chắn trong hoạt động kinh tế, ảnh hưởng lên cấu trúc khuyến khích của nền kinh tế, từ đó thể chế ảnh hưởng quan trọng lên tăng trưởng kinh tế (Nguyễn Văn Phúc, 2013). Thể chế được hiểu bao gồm các khía cạnh mang tính pháp lý và phi pháp lý (Đào Minh Hồng và Mai Hồng Hiệp, 2013), trong các yếu tố mang tính quy định chính thức về mặt pháp lý lại có nhiều yếu tố khác nhau, như yếu tố về tài chính Khanna và Palepu (1999), hoạt động của chính phủ Roting (2016), các quy định pháp lý Narooz và Child (2017) và các yếu tố thuộc về điều kiện cơ sở hạ tầng (Nguyễn Văn Nghi, 2021).
Mặc dù Việt Nam theo cơ chế quản lý tập trung, nhưng trong chính sách cũng thể hiện sự thích nghi theo vùng, miền và địa phương. Chính vì vậy đã tạo ra tính cạnh tranh về thuế trong thu hút đầu tư một cách tự động, nhà kinh doanh và đầu tư cũng sẽ thực hiện đánh giá những mặt được và mất khi đầu tư kinh doanh tại địa phương này thay vì địa phương khác,…Và các tỉnh để có được cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ tốt phục vụ người dân và doanh nghiệp cần có nguồn tài chính tốt để đầu tư, tuy nhiên sự khác nhau trong nguồn thu tài chính tạo ra sự khác nhau trong mức độ tự chủ tài chính và cũng trở thành rào cản cho các địa phương về mặt này.
Gần đây, có các nghiên cứu về vai trò thể chế mà cụ thể là: (1) Vai trò của cạnh tranh thuế đối với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (Yongzheng Liu, 2014); (2) Tự chủ ngân sách địa phương và hiệu quả doanh nghiệp (Enid Slack, 2017); (3) Chất lượng thể chế và hiệu quả doanh nghiệp (Chu Thị Mai Phương, 2017). Trong khi tại Việt Nam, các nghiên cứu tác động yếu tố thể chế, như: cạnh tranh về thuế, đánh giá lợi ích – chi phí từ việc ưu đãi thuế, điều kiện hạ tầng công nghệ có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động kinh doanh về mặt tài chính của doanh nghiệp tại các tỉnh thành phố hiện nay chưa được nghiên cứu. Trong bài viết, tác giả tập trung vào việc xem xét tiếp cận khung phân tích lợi ích – chi phí từ ưu đãi thuế, từ đó xem xét ảnh hưởng của nó đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại các địa phương.
2. Cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu
Các lý thuyết chuẩn về cạnh tranh thuế phần lớn được thúc đẩy bởi quan điểm cho rằng cạnh tranh về vốn dẫn đến mức thuế suất thấp và mức chi tiêu công không hiệu quả. Quan điểm này được Oates (1972) nêu ra và được Zodrow và Mieszkowski (1986) và Wilson (1986) mô hình hóa chính thức. Nhiều tác giả đã mở rộng và tinh chỉnh quan điểm cho rằng, cạnh tranh thuế làm giảm phúc lợi. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu điều tra khả năng cạnh tranh thuế có thể có những tác động mong muốn. Một chủ đề nổi lên từ nghiên cứu này là cạnh tranh thuế có thể dẫn đến chi tiêu công và thuế cao hơn đối với các yếu tố di động và những tác động như vậy có thể là dấu hiệu của cạnh tranh thuế nâng cao hiệu quả.
Trong những trường hợp khác, có mối quan hệ tiêu cực giữa tổng doanh thu thuế và các chỉ số khác nhau của cạnh tranh thuế. Lập luận cơ bản về lý do tại sao cạnh tranh thuế giúp tăng hiệu quả đối với vốn lưu động hoặc các công ty theo giả thuyết của Tiebout (1956), cho rằng, cạnh tranh pháp lý giữa các khu vực đối với hộ gia đình dẫn đến việc cung cấp hiệu quả các hàng hóa công cộng tại địa phương. Cụ thể, các hộ gia đình bỏ phiếu “bằng chân” thông qua cách phân loại hiệu quả giữa các khu vực và chính quyền địa phương trong việc điều chỉnh thuế và chi tiêu theo sở thích của cư dân. Mặc dù lý thuyết này ban đầu được áp dụng cho tính di động của hộ gia đình, nhưng nó cũng có thể được áp dụng và hầu như không thay đổi cho sự cạnh tranh giữa các khu vực đối với các công ty (Wellisz, 2000).
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là một tập hợp con trong chi tiêu thuế của chính phủ, là những khoản chi tiêu ngoài hệ thống chuẩn mực và chỉ được cấp cho những nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư đáp ứng theo các điều kiện quy định trong luật thuế (Easson và Zolt, 2002). Theo các nghiên cứu và tổng lược của (IMF, OECD, UN và WorldBank 2015b) có ba phương pháp phổ biến ước tính chi phí ưu đãi thuế và ba phương pháp phổ biến ước tính lợi ích từ ưu đãi thuế.
Các phương pháp ước tính chi phí gồm: (1) Phương pháp tính trước doanh thu (revenue foregone); (2) Phương pháp tăng thu (revenue gain) và (3) Phương pháp tương đương chi phí ước tính (outlay equivalence). Ba phương pháp ước tính lợi ích từ ưu đãi thuế phổ biến gồm: (1) Phân tích lợi tức đầu tư (ROI); (2) Phân tích hồi quy ngành (Sectoral regression analysis); (3) Các cuộc khảo sát về động lực của nhà đầu tư (Investor motivation surveys). Tùy vào điều kiện và đặc thù của từng quốc gia hay khu vực địa lý mà nhà quản trị có thể sử dụng từng thước đo cho phù hợp. Tại Việt Nam hiện chưa có công trình dùng công cụ này phân tính sự khác biệt lợi ích và chí phí từ ưu đãi thuế giữa các tỉnh, thành trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Kết quả nghiên cứu
Trong nghiên cứu này, ước tính chi phí bằng phương pháp tăng thu, ước tính lợi ích bằng phân tích lợi tức đầu tư (ROI). Vì các phương này có những lợi thế như dễ tính toán và phù hợp khi tính lợi ích – chi phí ở cấp địa phương (Forstater, 2017). Tiếp theo tác giả tính tỷ lệ lợi ích/chi phí (B/C-Cost-benefit ratios) đại diện cho yếu tố đầu vào quan trọng để cung cấp thông tin cho các cải cách chính sách đối với chế độ khuyến khích thuế ở cấp địa phương.
Tác giả sử dụng dữ liệu sản xuất, kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp ở 63 tỉnh thành thông qua hai nguồn: nguồn báo cáo thống kê và từ nguồn sách trắng doanh nghiệp Việt Nam các năm từ năm 2015 đến 2023.
Theo Điều 3 của Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Việt Nam chia thành 6 vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, trong bài viết, tác giả phân chia thành 7 vùng, tức là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chia thành 2 vùng (vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam trung bộ)
Bảng 1. Giá trị ROA trung bình qua các năm của 7 vùng kinh tế
ROA phân nhóm vùng kinh tế | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Trung bình |
Miền núi phía Bắc | 1,65 | 2,09 | 1,69 | 1,71 | 1,44 | 1,57 | 1,69 |
Đồng bằng Bắc bộ | 1,20 | 4,23 | 3,63 | 3,36 | 2,75 | 2,82 | 3,00 |
Bắc Trung bộ | 0,20 | 0,25 | -0,17 | -0,55 | -0,90 | 1,38 | 0,04 |
Nam Trung bộ | 3,54 | 3,19 | 2,28 | 2,08 | 0,88 | 2,23 | 2,37 |
Tây Nguyên | 1,80 | 2,04 | 0,58 | 0,38 | 1,32 | 1,64 | 1,29 |
Đông Nam bộ | 4,12 | 4,20 | 3,57 | 3,43 | 3,72 | 2,78 | 3,64 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 4,88 | 4,23 | 3,49 | 2,55 | 2,67 | 2,21 | 3,34 |
Bảng 1 mô tả giá trị ROA trung bình chung của doanh nghiệp phân theo từng khu vực từ năm 2016 đến năm 2021. Kết quả mô tả cho thấy, năm 2020 và 2021 giá trị ROA gần như giảm hẳn so với các năm khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Xét chung về giá trị trung bình qua 6 năm, cho thấy giá trị ROA thấp nhất của doanh nghiệp của khu vực Bắc Trung bộ (0,04%), thấp thứ hai là khu vực Tây Nguyên (1,29%) và thấp thứ 3 là khu vực Miền núi phía Bắc (1,69%). Do vậy, trong phần phân tích định lượng, tác giả chọn vùng Bắc Trung bộ làm khu vực chuẩn để so sánh với 6 vùng kinh tế còn lại. Giá trị trung bình ROA cao nhất thuộc về vùng Đông Nam bộ (3,64%), tiếp theo là vùng đồng bằng sông Cửu Long (3,34%), theo sau là vùng đồng bằng Bắc Bộ (3%) và cuối cùng là vùng Nam Trung bộ (2,37%).
Bảng 2. Kết quả quan hệ giữa chỉ số lợi ích-chi phí từ ưu đãi thuế với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp cấp tỉnh
Chỉ số | Phân nhóm tỉnh | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
B/C ưu đãi thuế | Nhóm thấp | -1,5796 | -0,0428 | -0,7374 | -1,5829 | -0,8719 | -0,4742 |
Nhóm trung bình | 0,9217 | 1,4133 | 1,1115 | 1,1891 | 1,1668 | -0,0875 | |
Nhóm cao | 8,3103 | 5,4339 | 6,5166 | 11,5933 | 6,4297 | -0,0031 | |
Hiệu quả hoạt động | Nhóm có B/C thấp | 0,33 | 0,36 | 0,16 | 0,2 | -0,58 | 4,12 |
Nhóm có B/C TB | 2,38 | 2,9 | 1,84 | 2,04 | 1,96 | 1,9 | |
Nhóm có B/C cao | 6,42 | 5,84 | 5,07 | 3,86 | 4,05 | 0,23 |
Chi phí từ chính sách ưu đãi thuế thu nhập tác giả ước tính chi phí bằng phương pháp tăng thu, nghĩa là với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi ở từng năm, nếu không có ưu đãi sẽ nộp nghĩa vụ thuế với mức thuế phổ thông, phần nguồn thu này sẽ lớn hơn nguồn thu thực tế thu được.
Để ước tính lợi ích từ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tác giả ước tính lợi ích bằng phân tích lợi tức đầu tư (ROI), nghĩa là với suất lợi tức đầu tư như vậy nếu chính sách ưu đãi thuế 1 đồng, cũng phải mang lại lợi suất đầu tư là r% như suất đầu tư do khu vực tư nhân mang lại. Lợi ích từ ưu đãi thuế càng lớn hơn chi phí từ ưu đãi thì chỉ số B/C càng lớn hơn 1, và chính sách ưu đãi có lợi ích tốt khuyến khích đầu tư và gia tăng hiệu quả cho doanh nghiệp, chính vì vậy kết quả từ bảng 2 cho thấy, ở nhóm doanh nghiệp ở các tỉnh có chỉ số B/C cao có hiệu quả hoạt động cao nhất. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài các ưu đãi thông thường, chính phủ còn ưu đãi giảm thêm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi năm này phần lớn doanh nghiệp kinh doanh giảm dẫn đến có kết quả sai lệch.
Bảng 3. Kết quả quan hệ giữa thuế suất hiệu dụng với hiệu quả hoạt động doanh nghiệp cấp tỉnh
Chỉ số | Phân nhóm tỉnh | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Thuế suất hiệu dụng | Nhóm thấp | 0,0327 | 0,0423 | 0,0441 | 0,0493 | 0,0487 | 0,0475 |
Nhóm trung bình | 0,0582 | 0,0672 | 0,0703 | 0,0773 | 0,0777 | 0,0797 | |
Nhóm cao | 0,1768 | 0,1442 | 0,1505 | 0,1619 | 0,1575 | 1,1523 | |
Hiệu quả hoạt động | Nhóm có thuế suất hiệu dụng thấp | 2,18 | 1,79 | 1,49 | 1,23 | 1,34 | 1,34 |
Nhóm có thuế suất hiệu dụng TB | 3,12 | 3,11 | 1,77 | 1,87 | 1,77 | 2,27 | |
Nhóm có thuế suất hiệu dụng cao | 3,83 | 4,20 | 3,82 | 3,00 | 2,33 | 2,64 |
Mức thuế suất hiệu dụng tính bằng tổng thu từ thuế so với GRDP các địa phương, do đó ở các tỉnh/thành có GRDP cao (các địa phương có kinh tế phát triển) thường có nguồn thu lớn từ thuế và có mức thuế suất hiệu dụng cao. Các địa phương có kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế kỹ thuật tốt, có vị trí chiến lược dễ thu hút đầu tư, có môi trường kinh doanh tốt dễ dàng cho khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp phát triển, tạo ra sự đóng góp nguồn thu ngân sách và tăng trưởng, kết quả từ bảng 3 thể hiện điều này. Nghĩa là ở các địa phương có mức thuế suất hiệu dụng cao thì khu vực doanh nghiệp lại hoạt động có hiệu quả, trong khi địa phương có kinh tế kém phát triển, nguồn thu thấp (thuế suất hiệu dụng thấp) ít hấp dẫn đầu tư vì hạ tầng kém, thiếu điều kiện phát triển… doanh nghiệp khó phát triển và do vậy kết quả kinh doanh cũng kém.
4. Kết luận và hàm ý
Trong kết quả phân tích lợi ích/chi phí cho thấy, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thật sự dựa trên hiệu quả từ chính sách ưu đãi chứ chưa hẳn giảm thuế, miễn thuế sẽ có hiệu quả. Trong thời gian dài, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013 tới giờ vẫn còn giữ quan điểm ưu đãi thuế để thu hút đầu tư tại các địa phương địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng rõ ràng xét trên phân tích hiệu quả ưu đãi vẫn chưa đạt, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp cũng chưa có.
Với chính sách ưu đãi thuế tại các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng chính sách thuế cao nhất. Điều này trong thực tế dẫn đến tình trạng tránh thuế bằng cách dịch chuyển hoặc mở trụ sở tại các địa bàn này để hưởng chính sách ưu đãi nhưng địa điểm kinh doanh thực sự lại là một nơi khác và như vậy ưu đãi thuế là vô nghĩa, vừa thất thu nguồn thu thuế vừa không giải quyết được công ăn việc làm và giúp tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Từ phân tích nêu trên, tác giả đề xuất nên rà soát lại chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay vì nó đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới. Chính phủ sớm rà soát lại các nhóm ngành nghề, vùng ưu đãi nên xem xét chuyển từ ưu đãi theo địa bàn, theo ngành thì nên chuyển theo phương pháp đánh thuế lũy tiến theo thu nhập với lưu ý quan trọng là ngưỡng doanh thu cao đáp ứng theo GMT (nhất là các tập đoàn, các nhà đầu tư nước ngoài lớn) thì áp thuế suất lũy tiến tối thiểu 15% để tránh xói mòn thuế và thất thu thuế. Ngoài ra, với cách đánh thuế này cũng sẽ bảo đảm được tính hiệu quả và cả tính công bằng theo chiều ngang.
Tài liệu tham khảo:
1. Chu Thị Mai Phương (2017). Impacts of Institutions on the Performances of Enterprises in Vietnam. Working Paper No. 23/2017/December 2017
2. Đào Minh Hồng, Mai Hồng Hiệp (2013). Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế. Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh năm 2013.
3. Nguyễn Văn Phúc (2013). Thể chế và tăng trưởng kinh tế: Lý thuyết và thực tiễn. Tạp chí Phát triển kinh tế, Số 191, tháng 5/2013.
4. Nguyễn Văn Nghi (2021). Phát triển hạ tầng giao thông để đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam. Tạp chí Công thương, tháng 5/2021.
5. Enid Slack (2017). How Much Local Fiscal Autonomy Do Cities Have? Institute on Municipal Finance & Governance, Toronto, Ontario, Canada M5S 3K7.
6. Oates, W., (1972). Fiscal Federalism. Harcourt-Brace, New York.
7. Roting, D. (2016). Institutions and emerging markets: effects and implications for multinational.
8. Wellisch, Dietmar (2000). The Theory of Public Finance in a Federal State. New York: Cambridge University Press, 2000.
9. World Bank (2016). South Africa: Sector Study of Effective Tax Burden and Effectiveness of Investment Incentives in South Africa-Firm-Level Analysis.
10. World Bank. Washington, DC. Unpublished. 11. Zodrow, George R., and Peter Mieszkowski (1986). “Pigou, Tiebout, Property Taxation, and the Underprovision of Local Public Goods. Journal of Urban Economics 19 (1986): 356-3.