Chính sách sử dụng người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII – XVIII)

Nguyễn Phương Đại
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính sách khai phá vùng đất Nam Bộ thời chúa Nguyễn thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, với sự kết hợp linh hoạt giữa quyền lực mềm và tổ chức không gian lãnh thổ. Bài viết tập trung làm nổi bật các chính sách trọng yếu mà chúa Nguyễn đã áp dụng, đặc biệt là cách huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực người Việt trong quá trình di dân, khai hoang và xác lập chủ quyền. Trên cơ sở phân tích các chính sách cụ thể và những kết quả đã đạt được trong thế kỷ XVII – XVIII, bài viết đưa ra các hàm ý chính sách phù hợp cho Việt Nam hiện nay, nhất là trong chiến lược phát triển vùng, quản trị xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi địa – chính trị khu vực.

Từ khoá: Chính sách, chúa Nguyễn, khai phá Nam Bộ, người Việt.

1. Đặt vấn đề

Lịch sử khai mở phương Nam không đơn thuần là một tiến trình địa lý mà là biểu hiện sinh động của năng lực tự tổ chức không gian sống và khẳng định bản thể chính trị – văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong dòng chảy đó, thế kỷ XVII – XVIII dưới thời chúa Nguyễn đánh dấu một bước ngoặt, khi không gian Nam Bộ – từ lưu vực Đồng Nai đến châu thổ sông Cửu Long – không chỉ được khai phá về mặt thực địa mà còn được thiết lập như một phần tất yếu trong cấu trúc quốc gia Đại Việt. Sự kiện đó không phải là ngẫu nhiên lịch sử mà là kết quả của một tầm nhìn chính trị mang tính thế giới quan, trong đó việc sử dụng người Việt như một chủ thể kiến tạo trật tự mới đóng vai trò trung tâm.

Không như mô hình thực dân phương Tây – nơi con người bản địa bị ngoại lực áp đặt, triều chúa Nguyễn chủ trương nội lực hóa việc mở cõi, thông qua sự dịch chuyển của người Việt từ Thuận – Quảng vào vùng đất mới. Họ không chỉ là lực lượng sản xuất mà còn là “người mang theo trật tự”, kiến tạo làng xã, văn hóa, pháp chế và bản sắc chính trị của quốc gia. Chính sách đó là sự kết hợp giữa ý chí quyền lực và trí tuệ tổ chức xã hội, giữa chiến lược địa chính trị và triết lý nhân văn khai sáng.

2. Một số chính sách khai mở và quản trị của chúa Nguyễn ở Nam Bộ

Chính sách Nam tiến của chúa Nguyễn là sự kết hợp khéo léo giữa quyền lực mềm và chiến lược tổ chức không gian. Thay vì dùng bạo lực, các chúa đã linh hoạt vận dụng hôn nhân, ngoại giao, quân sự và di dân để tạo dựng trật tự chính trị – xã hội mới ở phương Nam. Đây là hành trình mở cõi bằng tư duy quyền lực mềm dẻo nhưng sâu sắc và bền vững.

Thứ nhất, chính sách hôn nhân và ngoại giao chính trị tạo điều kiện cho người Việt khai phá.

Sự mở rộng không gian cư trú trong lịch sử không chỉ là dịch chuyển dân cư, mà là biểu hiện của ý chí sinh tồn và khát vọng hiện hữu của một cộng đồng. Với người Việt thế kỷ XVII, Nam tiến là hành trình bản thể kiếm tìm không gian sống để tự chủ và xác lập bản sắc. Trong tiến trình đó, chúa Nguyễn không dùng bạo lực mà triển khai quyền lực mềm qua hôn nhân chính trị và ngoại giao liên minh – một chiến lược quyền lực mang chiều sâu triết lý về sự tồn tại và hòa nhập.

Năm 1620, cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Vạn và quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II không chỉ là một kết nối gia tộc mà là một bước ngoặt trong tư duy chiến lược của chính quyền Đàng Trong: thay vì đối đầu trực diện, chúa Nguyễn lựa chọn thẩm thấu quyền lực qua con đường thiết lập cộng sinh chính trị. Chính sách này vừa bảo đảm an ninh biên giới, vừa mở ra không gian hợp pháp cho người Việt tiến vào các vùng đất phía Nam như Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai và Prei Nokor (Sài Gòn). Đây là biểu hiện của một cách tiếp cận “phi xâm lược”, nhưng mang tính chiếm lĩnh sâu sắc thông qua sự dung hòa lợi ích và tái định nghĩa quan hệ quyền lực giữa Đàng Trong và Chân Lạp.

Đến năm 1623, với sự hậu thuẫn của hoàng hậu Ngọc Vạn, chúa Nguyễn đã thành công trong việc thiết lập hai trạm thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei – một bước đi chính trị quan trọng thể hiện năng lực tổ chức và quản trị trên vùng đất chưa thuộc chủ quyền chính thức. Việc cho phép lập dinh điền tại Mô Xoài cùng với sự ổn định dân cư đã dần chuyển hóa không gian tự nhiên thành không gian chính trị – hành chính mang dấu ấn người Việt. Nơi đây không còn đơn thuần là nơi trú ngụ tạm thời mà đã trở thành phần mở rộng của thân thể quốc gia Đàng Trong.

Sau khi Chey Chettha II mất (1628), chúa Nguyễn không chọn bạo lực để sáp nhập Chân Lạp mà can thiệp có giới hạn, bảo vệ phe thân Đàng Trong và mở rộng ảnh hưởng một cách trật tự. Chiến lược mềm này giúp tái cấu trúc quyền lực bản địa theo hướng có lợi cho người Việt, tạo điều kiện cho khai khẩn và định cư. Xét về triết học chính trị, đây là biểu hiện của quyền lực chuyển hóa – chiếm lĩnh mà không cần thống trị, Việt hóa không gian một cách mềm dẻo và bền vững.

Thứ hai, chính sách sử dụng quân đội bảo vệ lưu dân khai phá.

Ngay từ đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã nhận thức rõ rằng việc mở cõi không thể chỉ dựa vào di dân tự phát, mà đòi hỏi một chiến lược tổ chức không gian toàn diện, nơi lưu dân, quân đội và thiết chế hành chính cùng vận hành như một chỉnh thể quyền lực. Việc lập trạm thu thuế ở Prei Nokor và khu dinh điền tại Mô Xoài năm 1623 không chỉ là động thái kinh tế – hành chính mà là biểu hiện sớm của một mô hình nhà nước mở rộng theo bước chân lưu dân nhưng dưới sự dẫn dắt chủ động của quyền lực trung ương. Trong mô hình đó, quân đội không đơn thuần là lực lượng phòng thủ mà đóng vai trò khai phá và kiến tạo – biểu hiện của quá trình “quân sự hóa định cư” như một cách tổ chức không gian chính trị mới.

Từ giữa thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), chính sách này tiếp tục được đẩy mạnh. Theo sử liệu, chúa đã “sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, xây cất đồn dinh, đặt nha thự cho các quan Thống suất, Giám quân, Cai bạ, Ký lục trú đóng…1, đồng thời tổ chức các trại quân có rào giậu, canh phòng nghiêm ngặt, bảo vệ dân trưng chiếm lập làng, mở chợ. Đây là một bước chuẩn bị bài bản để tiến tới việc chính thức hóa đơn vị hành chính, sáp nhập lãnh thổ mới vào bản đồ Đàng Trong, mở đầu cho quá trình thiết chế hóa quyền lực nhà nước ở miền Nam.

Tình hình Chân Lạp vào thời điểm này cũng tạo cơ hội cho chính quyền chúa Nguyễn can thiệp sâu hơn vào vùng đất phía Nam. Sau khi vua Chân Lạp Barom Reachea V mất năm 1672, nội bộ nước này rơi vào tranh chấp quyền lực giữa Nặc Ông Đài và Nặc Ông Nộn. Trong khi Nặc Ông Đài cầu viện Xiêm, thì Nặc Ông Nộn quay sang xin giúp đỡ từ chúa Nguyễn. Khi nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi để mở rộng ảnh hưởng, chúa Hiền đã quyết định cử binh viện trợ, thể hiện rõ tư tưởng “phiên thần hữu sự, triều đình bất khả bất cứu2. Các tướng Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên Phái được giao chỉ huy hai đạo quân đánh phá lũy Mô Xoài do tướng Bô Tâm chỉ huy, giành lại quyền kiểm soát khu vực chiến lược này. Chiến thắng này không chỉ khẳng định sức mạnh quân sự của Đàng Trong mà còn mở đường cho việc ổn định dân cư, mở dinh, thiết lập khu dinh điền tại vùng đất mới.

Chính sách dùng quân đội không chỉ dừng ở bảo vệ lưu dân mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình khai khẩn đất đai. Quân đội trở thành lực lượng lao động tổ chức sản xuất, bảo vệ an ninh, và đóng vai trò tiên phong trong việc thiết lập quyền lực nhà nước ở vùng biên viễn. Sự kiện năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất Đồng Nai, lập hai huyện Phước Long và Tân Bình, xây dựng phủ Gia Định, dinh Trấn Biên và Phiên Trấn là bước ngoặt xác lập hệ thống hành chính chính thức của Đàng Trong ở miền Nam. Theo Trịnh Hoài Đức, “dân số vào thời điểm này đã đạt hơn 4 vạn hộ, cho thấy hiệu quả từ chiến lược kết hợp giữa quân sự và di dân định cư3.

Chiến lược này tiếp tục được duy trì và mở rộng trong thế kỷ XVIII. Năm 1755, nhân biến loạn ở Chân Lạp, chúa Nguyễn Phúc Khoát cử các tướng Nguyễn Thiện Chính, Nguyễn Cư Trinh mang quân sang can thiệp, giải cứu người Côn Man bị sát hại. Đến năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên sau thất bại đã phải dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội. Ban đầu, chúa Nguyễn không đồng ý, nhưng sau khi nghe lời tâu của Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh phân tích lợi – hại, đã quyết định nhận lấy hai phủ, đặt lũy đóng quân, cấp ruộng đất cho binh dân khai phá. Cách làm này được Nguyễn Cư Trinh ví như “kế tằm ăn dâu” – từng bước mở rộng lãnh thổ, không vội vàng nhưng vững chắc, kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ một cách liên tục”4.

Tiếp nối tư duy này, năm 1757, sau khi Nặc Ong Tôn – cháu Nặc Nguyên được chúa Nguyễn giúp đỡ lên ngôi, ông đã dâng đất Tầm Phong Long (bao gồm các vùng Sa Đéc, Cù Lao Giêng, Châu Đốc…) để tạ ơn. Chính quyền chúa Nguyễn lập tức thiết lập các đơn vị quân sự – hành chính mới như đạo Đông Khẩu (Sa Đéc), đạo Tân Châu, đạo Châu Đốc, điều binh đồn trú và chiêu dân lập ấp. Mạc Thiên Tứ – tổng trấn Hà Tiên – cũng hiến lại năm phủ vùng Rạch Giá, Cà Mau và xin đặt các đạo Kiên Giang, Long Xuyên. Nhờ đó, một vành đai quân sự – hành chính rộng lớn từ Gia Định đến Hà Tiên được thiết lập, mở rộng không gian chính trị và bảo đảm an ninh vùng biên giới.

Đến năm 1772, đạo Trường Đồn (tiền thân của dinh Trường Đồn, sau là trấn Định Tường) được thành lập tại Mỹ Tho, “chấm dứt tình trạng quản lý lỏng lẻo trước đó của chính quyền Đàng Trong đối với vùng đất quan trọng này5. Như vậy, có thể khẳng định rằng trong suốt quá trình Nam tiến, chính quyền chúa Nguyễn đã vận dụng linh hoạt lực lượng quân đội không chỉ với tư cách là công cụ bảo vệ an ninh lãnh thổ, mà còn là lực lượng khai phá, kiến tạo và tổ chức nhà nước trên vùng đất mới.

Thứ ba, chính sách thu hút và tạo điều kiện cho dân lưu tán người Việt.

Trong thế kỷ XVII, chiến tranh Trịnh – Nguyễn khiến nhiều lưu dân người Việt từ vùng ngũ Quảng di cư vào Nam Bộ. Họ đi theo từng nhóm nhỏ hoặc cả gia đình, bằng đường bộ lẫn đường biển, định cư tại những nơi như Mô Xoài và Đồng Nai – hai địa điểm được xem là có người Việt sinh sống sớm nhất6. Người Việt cũng hiện diện ở cả thủ đô Udong của Chân Lạp, góp phần phát triển kinh tế nơi đây từ khá sớm7.

Năm 1658, sau khi vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân xâm lấn phía Nam, chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân đánh trả, bắt được Nặc Ông Chân và buộc Chân Lạp phải thần phục, mở đường cho người Việt vào khai khẩn vùng Mô Xoài một cách an toàn. Sau đó, năm 1669, Nguyễn Phúc Tần ra lệ công nhận ruộng tư với người tự khai phá rừng hoang, cho thấy hợp thức hóa quyền sở hữu đất đai và khuyến khích sản xuất nông nghiệp.

Chính quyền Nam Bộ thời kỳ đầu còn rất khoan dung, cho phép tự do khai khẩn, không phân biệt tốt xấu, thuế khóa nhẹ, “phép tắc hãy còn khoan dung giản dị8. Đất rộng, dân thưa, điều kiện thuận lợi đã tạo ra sức hút lớn đối với cư dân nghèo miền Trung trong chiến tranh.

Giữa thế kỷ XVIII, những người Việt từng lưu lạc ở Chân Lạp được đưa về Đồng Nai, Gia Định và được chia ruộng đất, miễn tô thuế, binh dịch trong ba năm để ổn định cuộc sống, mở rộng khai phá. Chính sách “tự chiếm” được chính thức hóa dưới thời Gia Long: cho phép dân tùy tiện lập ấp, khai hoang, ruộng đất chỉ ước lượng đại khái, không phân loại. Nhờ đó, tầng lớp nông dân tư hữu phát triển, hình thành các vùng sản xuất trù phú, giàu có.

Thứ tư, chính sách thu hút “dân có vật lực”.

Từ thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã chú trọng chiêu mộ những người “có vật lực”, tức các gia đình giàu có, để khai phá vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Chính sách này tiếp tục được đẩy mạnh trong thế kỷ XVIII, khi hệ thống hành chính đã được thiết lập và nhu cầu mở rộng chủ quyền ngày càng cấp thiết. Trung tâm Gia Định được xem là vùng đất “màu mỡ, địa lợi có đủ ruộng đồng, đầm phá, sông, biển; muối, lúa, đậu rất nhiều9. Chính vì thế, chúa Nguyễn đã “chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho dời tới đây, phát chặt mở mang hết thảy thành bằng phẳng, đất đai màu mỡ cho dân tự chiếm trồng cau và làm nhà cửa10.

3. Hiệu quả chính sách của chúa Nguyễn qua thực tiễn lịch sử

Cộng đồng cư dân đến khai phá vùng đất Nam Bộ trong buổi đầu rất đa dạng, cả về nguồn gốc địa lý lẫn thành phần xã hội. Trong số đó, người Việt chiếm ưu thế và chủ yếu tham gia vào quá trình khai phá đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ngay trong nhóm cư dân người Việt cũng không phải là một khối đồng nhất mà bao gồm nhiều nhóm nhỏ có xuất xứ khác nhau từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Một hiện tượng đáng chú ý được rút ra từ việc khảo sát địa danh làng xã thời kỳ đầu là sự thiếu vắng mối liên hệ rõ ràng giữa tên làng quê cũ và tên làng quê mới. Hiện tượng này cho thấy các nhóm lập ấp ở Nam Bộ phần lớn không phải là đồng hương với nhau. Điều đó cũng gợi ý rằng thiết chế làng xã truyền thống từ miền Trung và miền Bắc (đặc biệt là từ đồng bằng sông Hồng) không còn giữ vai trò tổ chức trung tâm trong việc hình thành các thôn ấp mới ở vùng đất mới như Đồng Nai hay đồng bằng sông Cửu Long11. Thực tế này phản ánh một quá trình di dân mang tính linh hoạt và phân tán, trong đó các cộng đồng cư dân mới được thiết lập trên cơ sở nhu cầu kinh tế và điều kiện địa lý hơn là mối quan hệ địa phương cũ. Điều này góp phần hình thành nên một cấu trúc xã hội “mở”, ít ràng buộc bởi các quan hệ huyết tộc hay địa vực như ở các làng xã truyền thống miền Bắc, miền Trung. Đây cũng là đặc điểm làm nên tính năng động và phóng khoáng của cư dân Nam Bộ sau này.

Sở dĩ có thể đưa ra nhận định về tính phi đồng hương trong quá trình lập làng ở Nam Bộ là bởi cách thức đặt tên các thôn ấp tại vùng đất này mang dấu ấn rất đặc thù, không phản ánh một hệ quy chiếu địa phương thống nhất từ vùng cư trú cũ.

Cụ thể, có ba cách đặt tên Nôm phổ biến trong các thôn ấp buổi đầu ở Nam Bộ.

Thứ nhất, đặt tên theo đặc điểm tự nhiên hoặc hiện tượng quan sát tại địa bàn cư trú, chẳng hạn như núi Ba Ba (do hình dạng giống con ba ba), Vườn Trầu (vì có nhiều cây trầu), Chùa Cây Mai… Cách đặt tên này thể hiện mối quan hệ trực tiếp và linh hoạt giữa con người với môi trường sống mới, không lệ thuộc vào ký ức hay biểu tượng quê cũ.

Thứ hai, đặt theo tên các vị tiền hiền, hậu hiền – tức những người có công khai phá hay có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng cư dân đầu tiên. Ví dụ như rạch Bà Nghè, rạch Ông Cỏi, giồng Ông Mẫn… Việc lấy tên người để đặt tên địa danh vừa ghi nhớ công lao tiền nhân, vừa cho thấy việc lập ấp có tính cá nhân hoặc nhóm nhỏ, không nhất thiết là cả cộng đồng làng cũ di chuyển tập thể.

Thứ ba, duy trì hoặc tiếp thu các tên gọi vốn đã tồn tại từ trước – chủ yếu là các tên gốc bản địa của người Khmer hay các nhóm cư dân tiền trú khác. Việc tiếp nhận những địa danh này phản ánh sự tiếp xúc và giao thoa văn hóa ngay từ giai đoạn đầu khai phá, đồng thời cho thấy người Việt đến sau trong không gian đã có dấu tích cư trú của các cộng đồng khác.

Từ ba phương thức đặt tên này có thể thấy rõ, quá trình hình thành các thôn ấp ở Nam Bộ không dựa vào sự chuyển tiếp nguyên vẹn mô hình làng xã cũ từ miền ngoài mà mang tính tự phát, linh hoạt, thích ứng cao với điều kiện địa lý và xã hội mới. Điều này một lần nữa phản ánh nguồn gốc đa dạng và kết cấu phi truyền thống của cộng đồng người Việt trong buổi đầu khai phá vùng Mô Xoài nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Bước sang nửa sau thế kỷ XVII, tiến trình Nam tiến của người Việt đã đạt tới một giai đoạn mới, đánh dấu bằng sự hiện diện ngày càng đông đảo tại vùng đất Mô Xoài – Đồng Nai, nơi được xem là cửa ngõ phía Đông Nam Bộ. Sự định cư của người Việt tại đây không diễn ra một cách đơn lẻ mà là kết quả của một chiến lược khai phá có tổ chức, dưới sự bảo trợ của chính quyền chúa Nguyễn. Từ những nhóm nhỏ khai canh ban đầu, chủ yếu bằng đường biển từ Thuận Quảng đổ bộ vào Rạch Dừa, vượt sông Ba Cói rồi đến định cư ven sông Dinh (thuộc khu vực xóm Lăng và xóm Đình ngày nay), cư dân đã từng bước mở rộng ra nhiều vùng phụ cận như Long Hương, Phước Lễ, Long Thạnh, An Ngãi, Phước Hải, Long Điền, Long Lập, Long Kiên và đảo Long Sơn12.

Việc thiết lập hệ thống làng xã tại đây không chỉ mang ý nghĩa dân cư đơn thuần mà còn là biểu hiện cụ thể của tiến trình thiết lập chủ quyền lãnh thổ. Vào năm 1698, chúa Nguyễn cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý vùng đất Gia Định, đặt dinh Trấn Biên quản lý huyện Phước Long (bao gồm cả vùng Mô Xoài) và dinh Phiên Trấn trông coi huyện Tân Bình, qua đó chính thức xác lập hệ thống hành chính cho vùng đất mới13. Theo ghi nhận, lúc này đã có đến 4 vạn hộ dân cư trú tại đây, tương đương với khoảng 200.000 người, cho thấy vùng đất này đã trở thành một trọng điểm dân cư lớn vào cuối thế kỷ XVII.

Tư liệu thống kê năm 1796 cho thấy, tổng Phước An thuộc huyện Phước Long có 581 đinh, điểm thêm 170, tức khoảng 3.755 người; tổng Long Thành có 476 đinh, điểm thêm 130, tức khoảng 3.030 người. Theo cách tính phổ biến trong các nguồn tư liệu cổ (1 đinh tương ứng với một hộ gia đình 5 người), con số này phản ánh sự hình thành và ổn định của các cộng đồng nông nghiệp người Việt tại Đông Nam Bộ – đặc biệt là những tụ điểm dân cư đã bước đầu định hình cơ cấu xã hội, kinh tế và hành chính vùng14.

Sang thế kỷ XVIII, cùng với làn sóng di cư và khai thác đất đai mạnh mẽ hơn từ phía Bắc, vùng Đồng Nai tiếp tục phát triển thành vùng kinh tế – xã hội sôi động. Báo cáo của Nguyễn Khoa Thuyên năm 1776 ghi nhận huyện Phước Long có hơn 250 thôn với khoảng 8.000 đinh, nộp thuế ruộng hơn 2.000 hộc – một con số tuy chưa phản ánh toàn diện dân số nhưng đủ cho thấy mật độ dân cư khá cao so với các vùng đất mới khác vào thời kỳ này. Đặc biệt, các cù lao ven sông Đồng Nai như Tân Triều, Tân Chánh, Cái Tắt trở thành những trung tâm tụ cư quan trọng. Dân cư nơi đây phát triển các mô hình kinh tế đặc thù như trồng trầu, mía, dâu, làm vườn, sản xuất đường và đánh bắt thủy sản. Di tích mộ đá ong có trát vôi vữa tại Tân Triều còn cho thấy, một cộng đồng cư dân đã sống lâu dài với các đặc trưng văn hóa vật chất riêng biệt15. Đồng thời, hoạt động thương mại ở các đô thị sơ khai như Cù Lao Phố cũng phát triển mạnh mẽ. Theo miêu tả của Trịnh Hoài Đức, nơi đây là “chốn đô hội” sầm uất, có phố xá ngói vôi, lầu quán, tàu thuyền buôn bán nhộn nhịp kéo dài năm dặm.

Không chỉ tập trung ở nội địa, người Việt trong tiến trình khai phá Nam Bộ còn tiến ra các vùng ven biển và hải đảo. Vùng ven biển từ Gia Định đến Tiền Giang được khai phá sớm, với sự định cư đáng kể tại các địa phương như Bến Tre, nơi khảo sát 261 gia phả cho thấy, 3,6% số hộ đã đến lập nghiệp từ thế kỷ XVII và 32,5% từ thế kỷ XVIII, với đa số người gốc từ Quảng Nam và Thuận Hóa16. Đặc biệt, Côn Đảo là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn biển đảo trong chiến lược khai phá. Báo cáo gửi Công ty Đông Ấn Pháp năm 1723 cho biết có khoảng 200 người Nam Kỳ sinh sống tại đây – một cộng đồng người Việt hiện diện sớm trên đảo, dù với lý do “không muốn cho biết”, có thể vì liên quan đến những hoạt động phi chính thức hoặc chạy trốn chiến tranh, bắt lính.

Khu vực cầu nối giữa miền Đông và Tây Nam Bộ – đặc biệt là Mỹ Tho – cũng nhanh chóng trở thành trung tâm thương nghiệp quan trọng. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi với hệ thống sông ngòi chằng chịt và thông thương dễ dàng với Bến Nghé – Sài Gòn, Mỹ Tho trở thành nơi định cư lý tưởng của người Việt và người Hoa, trong đó có nhóm Dương Ngạn Địch. Vào cuối thế kỷ XVIII, Tam Lạch (thuộc Mỹ Tho) có đến 100 thôn với 4.000 đinh và hơn 5.000 thửa ruộng. Các vùng phụ cận như Bả Canh, Bà Lai, Rạch Kiến cũng có quy mô tương tự, cho thấy mạng lưới định cư và nông nghiệp đã khá hoàn chỉnh, dù diện tích các thửa ruộng chưa được đo đạc thống nhất.

Có thể thấy, từ nửa sau thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XVIII, quá trình người Việt định cư tại Nam Bộ đã diễn ra sâu rộng, có tổ chức, trải dài từ vùng nội địa Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đến các cù lao ven sông, hải đảo và vùng ven biển phía đông, cũng như các trung tâm thương mại mới nổi như Mỹ Tho. Quá trình này không chỉ đánh dấu sự mở rộng không gian sinh tồn của người Việt mà còn là sự định hình rõ nét các đặc trưng kinh tế – xã hội, hành chính và văn hóa tại vùng đất mới, đặt nền móng cho sự phát triển của Nam Bộ trong các thế kỷ tiếp theo.

4. Kết luận và hàm ý chính sách

Từ hiệu quả chính sách của chúa Nguyễn trong quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ thế kỷ XVII – XVIII, có thể rút ra nhiều bài học và gợi ý có giá trị thực tiễn sâu sắc cho Việt Nam hiện nay trong chiến lược phát triển vùng, quản trị lãnh thổ và định hình cấu trúc xã hội.

Thứ nhất, nổi bật là tư duy mở và linh hoạt trong thiết kế chính sách vùng. Chính quyền chúa Nguyễn không áp đặt mô hình tổ chức xã hội cứng nhắc từ miền ngoài mà để các cộng đồng mới tại Nam Bộ tự hình thành theo điều kiện tự nhiên và kinh tế cụ thể. Bài học này cho thấy, cần thiết kế chính sách phát triển vùng theo hướng mở, khuyến khích thích ứng địa phương, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và chuyển đổi mô hình phát triển ở các vùng biên giới, ven biển, Tây Nguyên hay đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, cấu trúc xã hội ở Nam Bộ buổi đầu không dựa vào các mối quan hệ đồng hương hay huyết tộc, mà hình thành theo nhu cầu canh tác và khai phá. Đây là nền tảng cho một xã hội “mở”, năng động, ít phân tầng, mang tính hội nhập cao. Gợi mở cho hiện tại là cần khuyến khích chính sách xây dựng cộng đồng đa văn hóa trong đô thị, giảm định kiến vùng miền, hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người di cư và người yếu thế trong tiến trình phát triển.

Thứ ba, việc lập làng và đặt dinh ở các vùng như Mô Xoài, Gia Định không chỉ có tính chất dân cư mà còn mang ý nghĩa xác lập chủ quyền lãnh thổ. Định cư trở thành một hình thức bảo vệ chủ quyền “mềm” nhưng hiệu quả. Gợi ý đặt ra là cần tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện sinh kế và an cư cho người dân tại các khu vực biên giới, hải đảo, ven biển, như: Trường Sa, Côn Đảo, Tây Nam Bộ – gắn phát triển với quốc phòng.

Thứ tư, tinh thần quản trị bằng dữ liệu thể hiện qua việc thống kê dân số, thuế ruộng, hộ khẩu thời chúa Nguyễn, là nền tảng cho hệ thống chính quyền thực chất và hiệu quả. Hiện nay cần tiếp tục đẩy mạnh chính phủ số, quản lý thông minh trên cơ sở dữ liệu lớn, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Thứ năm, vai trò nổi bật của các cá nhân, nhóm nhỏ trong khai khẩn, đặt tên địa danh… cho thấy sáng kiến địa phương đóng vai trò quyết định trong phát triển cộng đồng. Do đó, chính sách hiện đại cần chú trọng đến việc hỗ trợ khởi nghiệp địa phương, kinh tế cộng đồng, phát triển nông thôn theo hướng “dưới lên”.

Thứ sáu, các mô hình kinh tế đặc thù như trồng trầu, làm đường, thương mại sông nước ở Tân Triều, Cù Lao Phố là hình mẫu cho phát triển kinh tế sinh thái. Chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh tại các vùng đồng bằng và miền núi.

Thứ bảy, chính sách của chúa Nguyễn thể hiện rõ tư duy tích hợp giữa phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và củng cố quốc phòng. Đây chính là định hướng chiến lược hiện nay trong việc quy hoạch các “cực tăng trưởng tích hợp” tại các vùng ven biển và hải đảo – nơi hội tụ các lợi ích dân sinh, kinh tế và an ninh lâu dài.

5. Kết luận

Chính sách khai phá Nam Bộ của chúa Nguyễn thể hiện tư duy mở, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Những kinh nghiệm này gợi mở trong việc phát triển vùng, xây dựng cộng đồng đa văn hóa và quản trị bằng dữ liệu. Đồng thời, cho thấy tầm quan trọng của định cư chiến lược, phát triển kinh tế sinh thái và tích hợp quốc phòng trong quy hoạch vùng ven biển, hải đảo.

Chú thích:
1, 3, 6, 9, 15. Trịnh Hoài Đức (2005). Gia Định thành thông chí. H. NXB Tổng hợp Đồng Nai, Biên Hòa, tr. 216, 189 – 190, 109, 108, 238.
2, 4, 8, 14. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục. Tập I. H. NXB Giáo dục, tr. 89, 165 -166, 207, 344.
5. Đỗ Quỳnh Nga (2013). Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn. H. NXB Chính trị Quốc gia, tr. 86.
7. Nguyễn Đình Đầu (1992). Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh. H. NXB Hà Nội, tr. 46.
10, 13. Lê Quý Đôn (2017). Phủ Biên tạp lục. H. NXB Khoa học Xã hội, tr. 345, 64.
11. Đặng Thu (1994). Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX. Phụ san Nghiên cứu Lịch sử, tr. 99 – 100.
12. Nguyễn Quang Ngọc (2023). Quá trình khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ thế kỷ XVII-XIX. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 37 – 38.
16. Thạch Phương, Đoàn Tứ (1991). Địa chí Bến Tre. H. NXB Khoa học Xã hội, tr. 120.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Huy Chú (2008). Lịch triều hiến chương loại chí. Tập 1. H. NXB Giáo dục.
2. Phan Khoang (2001). Việt sử xứ Đàng Trong 1558-1777: Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam. H. NXB Văn học.
3. Trần Đức Cường (2014). Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ: Từ khởi thủy đến năm 1945. H. NXB Khoa học Xã hội.
4. Trần Nhất Linh (2006). Quá trình hình thành và phát triển trấn Hà Tiên từ năm 1708 đến năm 1771. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
5. Adhemard Leclere (1914). Histore du Camboge. Librairie Paul Gauthner, Paris.
6. Cristophoro Bori (2014). Xứ Đàng Trong 1621. Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch. NXB TP. Hồ Chí Minh.
7. Henri Russier (1914). Histoire sommaire du royaume de Cambodge, des origines à nos jours. Imprimerie Commerciale C.Ardin.
8. J. Morau (1883).  Royaume de Cambodge. Paris.