Trần Minh Nhật
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh lớn ở Việt Nam, có ảnh hưởng sâu rộng tại vùng Nam Bộ. Với hệ thống tổ chức chặt chẽ và các hoạt động phong phú trên nhiều lĩnh vực, Đạo Cao Đài đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển bền vững của vùng. Bài viết phân tích thực trạng đóng góp của Đạo Cao Đài đối với phát triển bền vững vùng Nam Bộ, đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và phát huy nguồn lực này.
Từ khóa: Đạo Cao Đài, phát triển bền vững, vùng Nam Bộ, nguồn lực tôn giáo, quản lý nhà nước.
1. Đặt vấn đề
Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”1. Đây không chỉ là nhận thức mới trong tư duy phát triển mà còn là yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, tôn giáo không chỉ là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân mà còn là một nguồn lực quan trọng, có thể đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước nếu được quản lý và phát huy đúng hướng. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, việc huy động các nguồn lực phi nhà nước, bao gồm nguồn lực từ các tổ chức tôn giáo, trở nên ngày càng quan trọng2.
Vùng Nam Bộ là khu vực có truyền thống đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo, nơi hội tụ nhiều tôn giáo nội sinh có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, trong số đó, Đạo Cao Đài nổi bật như một tôn giáo nội sinh đặc sắc, với hơn 1,24 triệu tín đồ3. Không chỉ là một tổ chức tôn giáo, Đạo Cao Đài còn là một lực lượng xã hội tích cực trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Cơ sở lý luận
Phát triển bền vững là định hướng chiến lược quan trọng trong tiến trình phát triển toàn cầu và tại Việt Nam. Theo Báo cáo Tương lai chung của WCED năm 1987, phát triển bền vững được hiểu là “sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”4. Trên cơ sở đó, Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc đã xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) nhằm thúc đẩy mô hình phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững ở mọi lĩnh vực5.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã tiếp thu và cụ thể hóa khái niệm này trong nhiều văn kiện quan trọng. Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh: “Phát triển bền vững là sự phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”6,7. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh thêm yếu tố bền vững về quốc phòng, an ninh nhằm giữ vững ổn định chính trị – xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Theo đó, phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay được tiếp cận trên bốn trụ cột chính: (1) Kinh tế bền vững; (2) Xã hội bền vững; (3) Môi trường bền vững; (4) Quốc phòng, an ninh bền vững.
Cách tiếp cận này đặt cơ sở quan trọng cho việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển bền vững, trong đó việc phát huy nguồn lực tôn giáo, bao gồm nguồn lực của Đạo Cao Đài được xem là một trong những thành tố tích cực góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung.
Trong bối cảnh phát triển bền vững, tôn giáo không chỉ được nhìn nhận là một hiện tượng văn hóa – xã hội mà còn là một nguồn lực quan trọng có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển quốc gia nếu được quản lý và phát huy hiệu quả8. Theo cách tiếp cận quản lý phát triển, nguồn lực tôn giáo được hiểu là tổng hợp các giá trị vật chất và phi vật chất do các tổ chức và cộng đồng tôn giáo tạo ra, có khả năng đóng góp vào các mục tiêu phát triển của xã hội9.
Nguồn lực tôn giáo có thể được phân thành các dạng chủ yếu, như: nguồn lực vật chất gồm các cơ sở vật chất, tài chính huy động từ hoạt động tôn giáo, đóng góp cho công tác từ thiện, y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Nguồn lực phi vật chất là các giá trị đạo đức, tinh thần, niềm tin tôn giáo có tác dụng định hướng hành vi, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Nguồn lực văn hóa – xã hội gồm hệ giá trị, phong tục, tập quán, di sản văn hóa do tôn giáo duy trì và phát huy. Nguồn lực môi trường – sinh thái, như: nhận thức, giáo lý khuyến khích bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cộng đồng tín đồ. Nguồn lực an ninh – xã hội chính là vai trò của tôn giáo trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia giữ gìn trật tự an ninh tại cộng đồng cơ sở10.
Nhờ tính chất rộng mở và gắn bó chặt chẽ với đời sống cộng đồng, nguồn lực tôn giáo có khả năng đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực: thúc đẩy an sinh xã hội và giảm nghèo; xây dựng cộng đồng bền vững và đoàn kết; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; giáo dục đạo đức, lối sống văn minh; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu11. Cách tiếp cận này phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời mở ra những không gian chính sách mới cho việc quản lý, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tôn giáo trong chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Nhận thức rõ vai trò và giá trị của tôn giáo đối với sự nghiệp phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, đồng thời, khẳng định tôn giáo là một bộ phận quan trọng của đời sống xã hội, có thể trở thành nguồn lực tích cực góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững quốc gia.
Chủ trương của Đảng luôn nhấn mạnh đến việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước; khuyến khích các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, nổi bật là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các nghị định hướng dẫn thi hành, tạo khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động tôn giáo trong điều kiện phát triển mới.
Trong bối cảnh phát triển bền vững, vai trò của Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo không chỉ dừng ở quản lý hành chính mà cần chuyển mạnh sang vai trò kiến tạo, hỗ trợ, phối hợp và đồng hành với các tổ chức tôn giáo. Cụ thể: bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động vì sự phát triển cộng đồng và quốc gia; khuyến khích, hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực để các hoạt động của tôn giáo phát huy tối đa giá trị trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an sinh; thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức tôn giáo, qua đó, thúc đẩy sự tham gia tích cực của tôn giáo vào các chương trình, dự án phát triển bền vững ở các cấp. Cách tiếp cận này phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế quản trị hiện đại, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trong điều kiện phát triển mới, hướng tới một mô hình quản trị hợp tác, vì mục tiêu phát triển bền vững toàn diện12.
3. Thực trạng phát huy nguồn lực Đạo Cao Đài trong phát triển bền vững vùng Nam Bộ
3.1. Thực trạng chính sách và môi trường pháp lý hiện hành
Những năm qua, hệ thống chính sách và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội. Cụ thể, khung pháp lý hiện hành về quản lý hoạt động tôn giáo được xây dựng tương đối đầy đủ, đồng bộ. Nổi bật là Hiến pháp năm 2013 đã hiến định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (Điều 24). Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các nghị định hướng dẫn thi hành (như Nghị định số 162/2017/NĐ-CP) đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng, bảo đảm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, đồng thời quy định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong quản lý hoạt động tôn giáo. Bên cạnh đó, các chương trình, chiến lược phát triển quốc gia cũng đã từng bước lồng ghép nội dung phát huy nguồn lực tôn giáo vào các mục tiêu phát triển bền vững. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới và gần đây nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn chung, môi trường pháp lý hiện nay về quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, đồng thời mở ra không gian thuận lợi để các tổ chức tôn giáo, trong đó có Đạo Cao Đài tham gia ngày càng tích cực vào quá trình phát triển bền vững ở các địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nhất là về cơ chế phối hợp liên ngành, lồng ghép các nguồn lực tôn giáo vào chương trình phát triển bền vững cấp vùng, cấp địa phương.
3.2. Đóng góp của Đạo Cao Đài trong các lĩnh vực phát triển bền vững
Tính đến năm 2024, Đạo Cao Đài có khoảng 1,24 triệu tín đồ, hơn 1.000 thánh thất, thánh tịnh, điện thờ phân bố tại 38 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Bộ, đặc biệt là các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp (Ban Tôn giáo Chính phủ, 2024). Với quy mô và mức độ ảnh hưởng sâu rộng như vậy, Đạo Cao Đài đã và đang có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển bền vững vùng Nam Bộ trên nhiều phương diện.
Trong lĩnh vực văn hóa, Đạo Cao Đài đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của cộng đồng. Hệ thống kiến trúc thánh thất, các nghi lễ tôn giáo, các lễ hội truyền thống đã trở thành một phần di sản văn hóa sống động của vùng Nam Bộ. Mỗi năm, các lễ hội lớn của Đạo Cao Đài, như: Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung thu hút hàng chục nghìn lượt tín đồ và du khách, góp phần phát triển du lịch văn hóa và quảng bá hình ảnh địa phương13.
Trên phương diện kinh tế – xã hội, theo số liệu của Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh (2023), mỗi năm cộng đồng tín đồ Cao Đài đóng góp khoảng hơn 150 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội tại các địa phương ở Nam Bộ14. Các chương trình hỗ trợ người nghèo, xây dựng nhà tình thương, cấp phát học bổng, hỗ trợ y tế cộng đồng được triển khai rộng rãi. Ngoài ra, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và mô hình hợp tác xã do các chức sắc và tín đồ khởi xướng đã góp phần tích cực vào việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cộng đồng, nhất là tại các vùng nông thôn.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Đạo Cao Đài đã triển khai nhiều chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho tín đồ. Các phong trào “Tín đồ Cao Đài với môi trường xanh”, “Giáo lý xanh” được áp dụng tại nhiều thánh thất, qua đó khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, các hoạt động của Đạo Cao Đài đã góp phần lan tỏa ý thức cộng đồng trong việc ứng phó với các thách thức môi trường cấp bách15.
Về an ninh, trật tự xã hội, Đạo Cao Đài duy trì nhiều mô hình “xóm đạo tự quản”, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và phòng, chống tệ nạn xã hội. Các chức sắc và tín đồ đóng vai trò tích cực trong việc vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn minh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo báo cáo của Công an tỉnh Tây Ninh (2023), các khu vực có đông tín đồ Cao Đài sinh sống có tỷ lệ vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh.
Những đóng góp nêu trên không chỉ góp phần trực tiếp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại các địa phương vùng Nam Bộ mà còn khẳng định vai trò của tôn giáo như một nguồn lực xã hội quan trọng, có thể và cần được quản lý, hỗ trợ, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong chiến lược phát triển bền vững vùng trong thời gian tới.
3.3. Những thuận lợi và khó khăn
Việc phát huy nguồn lực của Đạo Cao Đài trong phát triển bền vững vùng Nam Bộ hiện nay có nhiều thuận lợi rõ nét. Môi trường pháp lý về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc ban hành và triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước khẳng định quyền, nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo trong đời sống xã hội hiện đại.
Bên cạnh đó, sự đồng thuận cao từ phía tổ chức Đạo Cao Đài là một yếu tố thuận lợi quan trọng. Các chức sắc, tín đồ đều nhận thức rõ và thể hiện thiện chí trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của địa phương và đất nước. Theo Báo cáo của Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh (2023), trong 5 năm gần đây, các hoạt động tham gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn an ninh trật tự của các tổ chức Cao Đài trên địa bàn vùng Nam Bộ đều tăng cả về quy mô và chất lượng, với hơn 85% thánh thất, thánh tịnh chủ động tham gia các chương trình phát triển cộng đồng do địa phương phát động. Mặt khác, thiện chí hợp tác từ phía chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, ngày càng được tăng cường. Các mô hình phối hợp trong công tác từ thiện xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới giữa chính quyền và tổ chức Cao Đài tại các tỉnh, như: Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh đã và đang phát huy hiệu quả thực tiễn16.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần được nhận diện để có giải pháp khắc phục. Cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tôn giáo trong phát huy nguồn lực cho phát triển bền vững còn thiếu đồng bộ. Nhiều địa phương vẫn chưa có quy chế phối hợp rõ ràng hoặc chưa thực hiện đồng đều giữa các cấp, các ngành. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển vùng (2023), có đến 63% cán bộ quản lý cấp cơ sở cho rằng chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo trong triển khai các chương trình phát triển bền vững.
Việc lồng ghép các hoạt động của tôn giáo vào chiến lược phát triển vùng còn mang tính tự phát, thiếu định hướng chung. Một số chương trình phát triển vùng chưa chú trọng đúng mức đến vai trò và tiềm năng đóng góp của các tổ chức tôn giáo, trong đó có Đạo Cao Đài. Vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại, thận trọng từ một bộ phận cán bộ quản lý trong việc tiếp cận, khai thác nguồn lực tôn giáo phục vụ phát triển. Điều này xuất phát từ quan điểm truyền thống về quản lý tôn giáo và từ thiếu hụt thông tin, hiểu biết về vai trò tích cực của tôn giáo trong phát triển bền vững hiện đại17.
Những thuận lợi và khó khăn nêu trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và đổi mới cách tiếp cận trong quản lý nhà nước nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực tôn giáo trong chiến lược phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
4. Một số giải pháp
Để phát huy hiệu quả nguồn lực của Đạo Cao Đài trong phát triển bền vững vùng Nam Bộ, cần có các giải pháp đồng bộ trên cả phương diện thể chế, cơ chế phối hợp, hỗ trợ thực tiễn và nâng cao nhận thức. Đây là yêu cầu phù hợp với định hướng phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng thời đáp ứng thực tiễn triển khai hiện nay tại các địa phương trong vùng.
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững. Mặc dù các văn kiện của Đảng và pháp luật hiện hành đã tạo nền tảng thuận lợi, song vẫn cần cụ thể hóa hơn nữa chủ trương “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”18 thành các quy định, hướng dẫn rõ ràng trong các chương trình, chiến lược phát triển vùng. Việc rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp luật cần hướng tới tăng tính đồng bộ, minh bạch, bảo đảm quyền và trách nhiệm của các tổ chức tôn giáo khi tham gia vào các lĩnh vực của phát triển bền vững.
Tăng cường cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp và tổ chức tôn giáo. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương vùng Nam Bộ, hiệu quả của công tác phối hợp phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động và thiện chí từ hai phía. Do vậy, cần sớm xây dựng các cơ chế phối hợp cụ thể, rõ ràng, có phân công trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước và các hội thánh Cao Đài. Đồng thời, việc thiết lập các kênh đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và tổ chức tôn giáo sẽ giúp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận và tăng cường niềm tin, qua đó nâng cao hiệu quả phối hợp thực chất hơn.
Thứ hai, cần khuyến khích và hỗ trợ các sáng kiến xã hội của tổ chức tôn giáo. Các mô hình do Đạo Cao Đài triển khai, như: “xóm đạo tự quản”, “tín đồ Cao Đài với môi trường xanh”, các chương trình từ thiện, phát triển kinh tế cộng đồng… cần được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương. Cần có các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thông tin để các sáng kiến này phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng hơn. Theo UNDP (2022), việc huy động nguồn lực tôn giáo trong phát triển cộng đồng là một hướng đi có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, giúp tăng cường tính bền vững và sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ ba, cần đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức về vai trò của tôn giáo trong phát triển bền vững. Truyền thông đúng đắn sẽ góp phần thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng về giá trị tích cực của tôn giáo trong đời sống hiện đại. Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước và chức sắc tôn giáo giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nâng cao năng lực phối hợp và quản lý phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng và phát huy nguồn lực của các tổ chức tôn giáo. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần khai thác và phát huy tốt hơn nữa nguồn lực của Đạo Cao Đài trong chiến lược phát triển bền vững vùng Nam Bộ, qua đó đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển bền vững chung của đất nước.
5. Kết luận
Đạo Cao Đài, với quy mô tín đồ rộng lớn, hệ thống tổ chức chặt chẽ và bề dày lịch sử phát triển, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững vùng Nam Bộ. Những đóng góp này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa – tín ngưỡng mà còn lan tỏa sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh trật tự xã hội là các thành tố then chốt trong mục tiêu phát triển bền vững của vùng.
Thực tiễn cho thấy, tôn giáo nói chung và Đạo Cao Đài nói riêng là một nguồn lực xã hội giàu tiềm năng cần được nhận diện, khai thác và phát huy hiệu quả hơn trong chiến lược phát triển vùng. Việc khơi dậy và phát huy nguồn lực này không chỉ góp phần gia tăng tính bền vững và hài hòa trong phát triển mà còn thúc đẩy sự đồng thuận, gắn kết xã hội – yếu tố rất cần thiết đối với một vùng đất giàu tính đa dạng văn hóa và tôn giáo như Nam Bộ.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Đạo Cao Đài trong phát triển bền vững, công tác quản lý nhà nước cần tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường hợp tác, hỗ trợ và tạo điều kiện, thay vì chỉ dừng ở quản lý hành chính thuần túy. Cần coi các tổ chức tôn giáo như những đối tác phát triển, có khả năng huy động nguồn lực xã hội, lan tỏa giá trị đạo đức, tăng cường đoàn kết cộng đồng và đồng hành cùng Nhà nước trong triển khai các chương trình phát triển. Trên cơ sở đó, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm cụ thể hóa hơn nữa chủ trương phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo, trong đó có Đạo Cao Đài để bảo đảm hiệu quả thực chất. Đặc biệt, cần khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa các sáng kiến xã hội từ các tổ chức tôn giáo, tạo điều kiện cho các mô hình, hoạt động thiết thực của Đạo Cao Đài tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của vùng Nam Bộ nói riêng và đất nước nói chung trong thời gian tới.
Chú thích:
1, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 171, 171.
2, 8, 11, 12. United Nations Development Programme (2022). Engaging with faith-based organizations for sustainable development. New York, NY: UNDP.
3, 10, 16. Ban Tôn giáo Chính phủ (2024). Báo cáo thống kê tình hình hoạt động tôn giáo tại Việt Nam năm 2024.
4. World Commission on Environment and Development (WCED) (1987). Our common future. Oxford: Oxford University Press.
5. United Nations (2015). Transforming our world: The 2030 agenda for sustainable development. New York, NY: United Nations General Assembly.
6. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
7. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về định hướng phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
9. Haynes, Jeffrey (2014). Faith-based organizations at the United Nations. New York, NY: Palgrave Macmillan.
13, 17. Nguyễn Văn Tâm & Lê Hoàng Lan (2023). Vai trò của Đạo Cao Đài trong phát triển du lịch văn hóa vùng Nam Bộ. Tạp chí Văn hóa và Phát triển, số 45 (3), tr. 12-20.
14, 15. Trần Văn Hùng (2022). Đóng góp của Đạo Cao Đài trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Môi trường và Phát triển, số 30 (4), tr. 25-33.