Thúc đẩy tài chính toàn diện cho thanh niên khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: kinh nghiệm từ các mô hình bền vững trên thế giới

ThS. Nguyễn Tài Tuệ
Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp 
Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Thanh niên là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dân số trẻ đang vượt quá tốc độ tạo ra việc làm, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ngày càng có xu hướng tăng cao. Một trong chiến lược quan trọng của Việt Nam khi chú trọng đến các chính sách về khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có vấn đề về tiếp cận tài chính cho thanh niên để họ bắt đầu khởi nghiệp và mở rộng quy mô kinh doanh. Bàiviết trên cơ sở đánh giá tổng quan các chương trình hỗ trợ tài chính thành công và bền vững trên thế giới; đồng thời, phân tích thực trạng việc tiếp cận tài chính cho thanh niên khởi nghiệp tại Việt Nam, từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện (gồm đào tạo, cố vấn và kết nối, tận dụng công nghệ tài chính Fintech) để thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp sáng tạo, phát huy vai trò trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Từ khóa: Thúc đẩy tài chính;, khởi nghiệp sáng tạo; thanh niên; kinh nghiệm.

1. Đặt vấn đề

Theo Liên hiệp quốc, thanh niên được định nghĩa là những người trong độ tuổi từ 15 – 24 tuổi, đại diện cho cơ hội phát triển kinh tế của quốc gia, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Thanh niên là một trong những lực lượng lao động chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dân số trẻ đang vượt quá tốc độ tạo ra việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức cao và có xu hướng tăng, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội (Horton et al., 2020; Green, 2013). Trong bối cảnh này, khởi nghiệp là con đường giải quyết các thách thức về tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở thanh niên, đưa thanh niên tái hòa nhập vào thị trường lao động và tăng cường tinh thần kinh doanh của giới trẻ (Horton và cộng sự, 2020).

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất mà thanh niên khởi nghiệp đang đối mặt là khả năng tiếp cận tài chính. Thanh niên được coi là những khách hàng rủi ro hơn vì hạn chế về kinh nghiệm, lịch sử tín dụng, tiết kiệm và các tài sản khác để thế chấp. Họ cũng có thể thiếu quyền tiếp cận mạng lưới xã hội cần thiết để khởi nghiệp, điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng uy tín và hỗ trợ từ các bên liên quan (Green, 2013).

Ngoài ra, họ còn bị hạn chế trong mức độ tiếp cận đối với giấy tờ tùy thân hợp pháp (như căn cứ công dân hoặc thẻ sinh viên), hạn chế về độ tuổi theo quy định quốc gia để mở tài khoản chính thức hoặc đăng ký vay vốn, và cơ chế giải quyết khiếu nại không tồn tại hoặc rất khó tiếp cận đối với thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn (Niclas và cộng sự, 2022). Do đó, hầu hết doanh nhân trẻ phụ thuộc vào tiền tiết kiệm của gia đình, người cho vay không chính thức hoặc các phương tiện tài trợ kinh doanh kém tối ưu tương tự. Những nguồn này cuối cùng mang lại nguồn vốn hạn chế hoặc có tính chất bóc lột (Horton và cộng sự, 2020, Hulsink, 2014). Chính vì lý do này, bài viết phân tích những kinh nghiệm quốc tế về các chương trình tài trợ tài chính cho các doanh nhân trẻ để có lợi nhuận và bền vững nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nhân trẻ tại Việt Nam.

2. Kết quả nghiên cứu từ các chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nhân trẻ có lợi nhuận và bền vững

Thứ nhấtChương trình hỗ trợ doanh nhân trẻ nông thôn.

Tại Georgia, Chương trình “Doanh nhân trẻ” được triển khai giai đoạn 2018 -2021 do Bộ Bảo vệ Môi trường và Nông nghiệp chủ trì, với tài trợ từ DANIDA và IFAD. Mục tiêu là hỗ trợ tài chính cho thanh niên khởi nghiệp ở nông thôn (nam 18 – 35 tuổi, nữ 18 – 40 tuổi). Chương trình gồm ba hợp phần: đào tạo trước tài trợ, đồng tài trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật sau tài trợ. Theo đó, sản phẩm tài chính (người thụ hưởng được hỗ trợ 40% vốn đầu tư từ cơ quan nhà nước, phải tự huy động 60% còn lại). Đồng tài trợ áp dụng cho cả lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó 85% vốn tập trung vào nông nghiệp. Kết quả trong giai đoạn 2018 – 2021, đã có 241 doanh nhân trẻ nhận tài trợ với tổng đầu tư 24,6 triệu GEL; thu nhập trung bình năm 2020 tăng 80% so với năm 2018. Chương trình cũng tổ chức đào tạo cho 153 người và tư vấn cho 1.429 thanh niên để nâng cao nhận thức về cơ hội tiếp cận tài chính (YBI & GEN, 2024).

Thứ hai, Chương trình phát triển doanh nghiệp nông thôn.

Chương trình được triển khai tại Ghana giai đoạn 2011 – 2020 do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nhân trẻ, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ nông thôn, có khả năng tự chủ tài chính sau khi được hỗ trợ. Trọng tâm là phát triển kỹ năng kinh doanh, học nghề, đào tạo quản lý, thúc đẩy công nghệ và hỗ trợ tổ chức doanh nghiệp nhỏ. Chương trình gồm: Trung tâm Tư vấn Kinh doanh (BACs), Cơ sở Công nghệ Nông thôn (RTFs), Dịch vụ Tài chính Nông thôn, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn (REDF) và một hợp phần phi kỹ thuật về xây dựng quan hệ đối tác cho doanh nghiệp nhỏ.

Sản phẩm tài chính, bao gồm: (1) Tiết kiệm và vay vốn nhỏ (thông qua nhóm khách hàng được hỗ trợ bởi tổ chức tài chính vi mô, dành cho hộ nông dân và doanh nghiệp nhỏ); (2) Vay vốn vừa (cho cá nhân để đầu tư và vận hành hoạt động nông nghiệp, dịch vụ, thương mại nông thôn); (3) REDF (hỗ trợ qua ngân hàng tham gia, yêu cầu tiết kiệm trước 20%, áp dụng cơ chế sàng lọc tại cấp huyện, người vay chịu rủi ro tín dụng; lãi suất do Ngân hàng Ghana kiểm soát); (4) Tín dụng bán buôn cho PFIs (tăng năng lực cho vay của ngân hàng nông thôn, gắn lãi suất với thị trường liên ngân hàng để giảm rủi ro lạm phát). Với chương trình này, doanh thu của người tham gia tăng từ 40 – 500%, phần lớn nhờ nâng cao kỹ năng và tiếp cận dịch vụ. Thu nhập trung bình tăng từ 100 USD lên 170 USD/tháng. Kết quả có 90% người tham gia khảo sát xác nhận cải thiện thu nhập. Ngoài ra, Chương trình còn góp phần giảm nguy cơ lao động trẻ tham gia khai thác khoáng sản trái phép (IFAD, 2018).

Thứ ba, Chương trình trao quyền kinh tế cho thanh niên nông thôn.

Chương trình do IFAD phối hợp với Ngân hàng vi mô AI Amal thực hiện tại Yemen trong giai đoạn 2013 – 2016, hỗ trợ thanh niên nông thôn (15 – 35 tuổi) tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và phát triển kỹ năng kinh doanh. Sản phẩm tài chính, gồm: (1) Sản phẩm vay nhóm (khoản vay nhỏ, ngắn hạn cho nhóm 5 – 25 người, bảo lãnh nhóm; chiếm 18% người vay); (2) Reayah (vay nhỏ dành cho hộ nghèo nhận trợ cấp chính phủ, dùng trợ cấp làm tài sản bảo đảm, chiếm 69% người vay, đóng vai trò kiểm tra tín nhiệm trước khi chuyển sang vay lớn hơn); (3) Vay cá nhân (quy mô lớn, yêu cầu kế hoạch kinh doanh và tài sản đảm bảo nghiêm ngặt; ít người đủ điều kiện); (4) Vay Mawsimi (vay ngắn hạn theo mùa lễ hoặc dịp đặc biệt); (5) Vay Sharakat – theo lương (dành cho người hưởng lương, chủ yếu ở khu vực thành thị).

Giai đoạn này đã có tổng cộng 5.445 khoản vay được giải ngân với giá trị khoảng 2 triệu USD; quy mô vay trung bình 370 USD, trong đó có 2.512 thanh niên dùng vốn để mở rộng kinh doanh; 69% khởi nghiệp từ sản phẩm Reayah (ADA, 2022).

Thứ tư, Chương trình doanh nhân trẻ của Tổ chức ADA Microfinance.

Chương trình này được triển khai tại châu Phi từ năm 2011 với sự hỗ trợ của MAEE Luxembourg, Rotary Luxembourg và LuxDev nhằm giảm thất nghiệp thanh niên (18 – 35 tuổi) thông qua hỗ trợ khởi nghiệp. Đối tượng là thanh niên đã qua đào tạo – giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệphoặc có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc. Mục tiêu là tăng khả năng tiếp cận tài chính – phi tài chính để khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ. Cải thiện hiệu suất xã hội của các tổ chức tài chính vi mô (MFI) thông qua các sản phẩm tài chính phù hợp với thanh niên.

Sản phẩm tài chính, gồm: (1) Vay khởi nghiệp (dành cho người lập doanh nghiệp lần đầu; không yêu cầu tài sản bảo đảm; ADA lập quỹ bảo lãnh để bảo hiểm rủi ro cho MFI); (2) Vay phát triển (dành cho doanh nghiệp đã hoạt động ít nhất 7 tháng; có 2 loại (vay đầu tư và vay vốn lưu động); yêu cầu tài sản bảo đảm 5 – 10%, có thể là vốn tự đầu tư vào doanh nghiệp). Theo đó, được chia thành 3 giai đoạn chính: (1) Giai đoạn 1 (trước khi khoản vay được giải ngân), gồm: đào tạo tài chính, kỹ năng kinh doanh, lập kế hoạch; (2) Giai đoạn 2: giải ngân khoản vay; (3) Giai đoạn 3 (sau khi giải ngân khoản vay): theo dõi, hỗ trợ sử dụng vốn hiệu quả cho đến khi hoàn trả. Kết quả chính của Chương trình đến tháng 01/2021: hơn 15.000 thanh niên đã mở tài khoản tiết kiệm; hơn 4.300 thanh niên có quyền truy cập vào tín dụng; trung bình tín dụng là 500 Euro mỗi thanh niên; hơn 3.000 thanh niên có quyền truy cập vào hỗ trợ phi tài chính (ADA, 2023).

Thứ năm, sáng kiến tài trợ cho doanh nhân trẻ bền vững.

Sáng kiến do Tổ chức ADA Microfinance phối hợp với Generali Investments Luxembourg thực hiện bắt đầu từ năm 2018 tại Burkina Faso, Mali, Sénégal (châu Phi), Guatemala, Nicaragua (Mỹ Latinh), nhằm hỗ trợ nhóm doanh nhân trẻ (18 – 35 tuổi) có nhu cầu tài chính lớn – vượt khả năng MFI nhưng chưa đủ để tiếp cận ngân hàng thương mại. Sản phẩm tài chính (khoản vay quy mô lớn: 5.000 – 50.000 Euro. Điều khoản linh hoạt (trả nợ dựa trên doanh thu hàng tháng, thay vì trả cố định). Kết quả thực hiện của sáng kiến đến tháng 12/2023, có 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ được tài trợ; tổng số tiền cho vay được cấp là 1,992,005 Euro; khoản vay trung bình được cấp là 31,125 Euro; và 526 việc làm được tạo ra và duy trì (YBI & GEN, 2024).

Thứ sáu, Công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Tala.

Công ty này ra mắt từ năm 2014, có trụ ở tại Santa Monica, hoạt động tại Kenya, Philippines, Mexico, Ấn Độ và Hoa Kỳ, cung cấp các dịch vụ tài chính (vay, tiết kiệm, quản lý tiền, tiền điện tử) cho người không có lịch sử tín dụng, chủ yếu là doanh nhân trẻ và tiểu thương. Công ty sử dụng dữ liệu từ smartphone để đánh giá tín dụng thay vì điểm tín dụng truyền thống. Sản phẩm tài chính: vay vi mô cá nhân (micro-loan); hạn mức 10 – 500 USD, kỳ hạn 21 ngày đến 6 tháng, lãi suất 11 – 15%/tháng tùy quốc gia. Không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh qua ví điện tử (thường trong 5 phút), dựa vào dữ liệu hành vi. Đã có hơn 6 triệu khách hàng được tiếp cận tài chính; 85% người vay sử dụng vốn để mở rộng kinh doanh nhỏ hoặc bắt đầu khởi nghiệp. Tỷ lệ hoàn trả cao (khoảng 90%), chứng minh mô hình tài chính bền vững (Tala, 2025).

Thứ bảy, Dự án Kiva Zip.

Dự án Kiva Zip (nay tích hợp vào Kiva.org) là một mô hình cho vay ngang hàng (P2P), nơi các nhà đầu tư trên thế giới trực tiếp cho vay doanh nhân trẻ không cần tài sản thế chấp, khởi xướng từ năm 2005. Đối tượng ưu tiên là doanh nhân trẻ, phụ nữ, người di cư, nhóm yếu thế. Các mô hình kinh doanh nông nghiệp, tiểu thương, sản xuất thủ công, dịch vụ tại cộng đồng. Kiva cung cấp dịch vụ tại 70 quốc gia và 5 châu lục, trụ sở tại Francisco, với các văn phòng tại Nairobi và Bogota.

Phương thức hoạt động: (1) Người vay nộp đơn cho tổ chức tài chính vi mô là đối tác của Kiva; (2) Tổ chức tài chính vi mô kết hợp với Kiva đăng câu chuyện và kế hoạch kinh doanh lên nền tảng;(3) Cộng đồng toàn cầu tài trợ từng khoản nhỏ (từ 25 USD); (4) Giải ngân khoản vay; (5) Người vay đầu tư vào sinh kế. (6) Hoàn trả khoản vay vào tổ chức tài chính vi mô và những người đã cho vay; không tính lãi suất đối với người vay. Sản phẩm tài chính: mức vay (từ 500 – 15.000 USD, tùy quốc gia và mô hình kinh doanh); lãi suất (0%), không phí dịch vụ; thời hạn vay (từ 6 – 36 tháng); gây quỹ trực tuyến trên nền tảng. Trong năm 2011, có gần 700 nghìn người đã được tiếp cận và năm 2015 con số này lên đến trên 1.8 triệu người với cung cấp khoản vay tổng số 1 triệu USD. Đến năm 2024, có 188 triệu USD đã được cho vay, 202.8 nghìn khoản vay được tài trợ, 401.7 nghìn người đã tham gia, 8/10 người dân tăng thu nhập, 91% trong số họ cải thiện chất lượng cuộc sống, 85% cảm thấy tự tin hơn (Kiva, 2025).

3. Đánh giá về kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam khi tham khảo và triển khai việc thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính của thanh niên 

Việt Nam có tiềm năng lớn từ lực lượng thanh niên năng động và sáng tạo, tuy nhiên để khơi thông dòng vốn cho thế hệ doanh nhân này, một cách tiếp cận đơn lẻ sẽ không đủ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có một chiến lược tổng thể, kết hợp hài hòa giữa chính sách vĩ mô thuận lợi, sản phẩm tài chính linh hoạt, hệ thống hỗ trợ phi tài chính vững chắc và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. Việt Nam có thể tạo bước đột phá quan trọng trong việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Theo đó:

Một là, khi tham khảo từ các nước cho thấy, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, không chỉ cung cấp vốn mà còn nâng cao năng lực cho thanh niên thông qua đào tạo quản lý, kỹ năng kỹ thuật và giáo dục tài chính. Hỗ trợ 360 độ trước, trong và sau vay vốn, cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và vườn ươm doanh nghiệp sẽ giảm rủi ro và tăng cơ hội thành công.

Hai là, sản phẩm tài chính cần linh hoạt, phù hợp đặc thù thanh niên khởi nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm nới lỏng yêu cầu tài sản bảo đảm, áp dụng các hình thức bảo đảm sáng tạo và tiêu chí đánh giá khách hàng dựa trên năng lực và tiềm năng thay vì chỉ lịch sử tín dụng. Các sản phẩm như lịch trả nợ linh hoạt, giải ngân theo giai đoạn sẽ phù hợp với các ngành có tính thời vụ và giảm rủi ro cho nhà tài trợ.

Ba là, ra quyết định dựa trên dữ liệu và nghiên cứu thị trường là yếu tố then chốt. Việc đầu tư vào các nghiên cứu thị trường bài bản chắc chắn giúp phá bỏ định kiến khi cho rằng thanh niên là nhóm rủi ro cao, từ đó thu hút thêm tổ chức tài chính tham gia. Hiểu rõ nhu cầu, hành vi và rào cản của từng nhóm thanh niên theo giới tính, vùng miền, trình độ và ngành nghề sẽ giúp thiết kế chính sách và sản phẩm phù hợp hơn. Ngoài ra, việc phân tích nguyên nhân thành công hoặc thất bại của các dự án đã được tài trợ sẽ cung cấp cơ sở để liên tục cải tiến các chương trình hỗ trợ.

Bốn là, tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ tài chính (FinTech) sẽ là công cụ đắc lực để giải quyết các thách thức về chi phí, khoảng cách địa lý và thủ tục phức tạp. Ứng dụng ngân hàng số, cho vay ngang hàng (P2P lending), chấm điểm tín dụng tự động giúp rút ngắn thời gian thẩm định và giải ngân, giảm chi phí vận hành. Việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn từ các nguồn phi truyền thống như hoạt động trên mạng xã hội và lịch sử giao dịch trực tuyến giúp xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng chính xác hơn cho người không có lịch sử tín dụng. Bên cạnh đó, phát triển các nền tảng tài chính trên di động sẽ giúp thanh niên ở vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính hơn.

Năm là, chính sách hỗ trợ cần chú trọng tính bao trùm và bền vững để bảo đảm thành công lâu dài. Các chương trình cần gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và các ngành ưu tiên, như: nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, du lịch bền vững. Cơ chế phân bổ nguồn lực phải bảo đảm công bằng về địa lý và giới tính, tránh tập trung quá mức vào vài khu vực phát triển;đồng thời, ưu tiên doanh nhân nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng lộ trình để sau khi nhận hỗ trợ ban đầu, doanh nhân trẻ có thể tiếp cận các chương trình khác hoặc nguồn vốn lớn hơn từ ngân hàng thương mại, tạo lập hồ sơ tín dụng tốt và bảo đảm tính bền vững lâu dài cho các dự án.

4. Một số vấn đề trong quản lý nhà nước và kiến nghị chính sách

Thứ nhất, Việt Nam chưa có chiến lược quốc gia chuyên biệt về tài chính toàn diện dành riêng cho thanh niên khởi nghiệp. Dù đã có Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 nhưng chính sách nhắm đến đối tượng thanh niên vẫn còn rời rạc và thiếu định hướng tổng thể. Điều này dẫn đến việc thực hiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp còn phân tán, thiếu tính liên kết và thiếu cơ chế giám sát – đánh giá hiệu quả theo thời gian.

Thứ hai, cơ chế hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực tài chính cho thanh niên khởi nghiệp còn yếu và thiếu các ưu đãi cụ thể để khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân, đặc biệt là các tổ chức tài chính vi mô và doanh nghiệp công nghệ tài chính (Fintech). Bên cạnh đó, cơ chế bảo lãnh tín dụng hiện hành còn cứng nhắc, quy mô nhỏ, chưa tiếp cận hiệu quả được đối tượng thanh niên có rủi ro cao.

Thứ ba, dữ liệu tín dụng và công cụ đánh giá khả năng vay vốn cho thanh niên còn hạn chế. Hệ thống chấm điểm tín dụng vẫn chủ yếu dựa vào lịch sử tín dụng truyền thống, chưa tích hợp được các dữ liệu phi truyền thống như hành vi số, năng lực kỹ năng mềm hay lịch sử học tập – đào tạo. Điều này làm giảm cơ hội tiếp cận tín dụng của nhiều thanh niên chưa có hồ sơ tín dụng.

Thứ tư, mạng lưới vườn ươm, tổ chức cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương chưa phát triển đồng đều và thiếu sự công nhận chính thức từ phía Nhà nước. Sự thiếu liên kết giữa các chương trình địa phương và trung ương cũng khiến cho thanh niên ở nông thôn, vùng sâu vùng xa khó tiếp cận được dịch vụ hỗ trợ tài chính – phi tài chính đầy đủ và hiệu quả.

Từ những vấn đề trên, cần có các kiến nghị chính sách như sau:

(1) Ban hành chương trình quốc gia về tài chính toàn diện cho thanh niên khởi nghiệp, gắn kết giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, theo đó, có lộ trình triển khai rõ ràng và cơ chế giám sát, đánh giá kết quả cụ thể.

(2) Thiết lập Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia dành riêng cho thanh niên khởi nghiệp; đồng thời,áp dụng cơ chế đồng tài trợ giữa Nhà nước và khu vực tư nhân để tăng tính bền vững của nguồn vốn.

(3) Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng thay thế; đồng thời, thí điểm các mô hình đánh giá tín nhiệm dựa trên dữ liệu hành vi.

(4) Công nhận và hỗ trợ phát triển mạng lưới vườn ươm, tổ chức cố vấn khởi nghiệp địa phương, xem đây như một phần trong hệ sinh thái chính thức hỗ trợ tài chính cho thanh niên.

(5) Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp quốc gia về thanh niên khởi nghiệp để phục vụ việc hoạch định chính sách, đánh giá tác động và kết nối nguồn lực công – tư hiệu quả hơn.

5. Kết luận

Để phát huy tiềm năng của lực lượng thanh niên khởi nghiệp tại Việt Nam, cần một chiến lược tổng thể và đồng bộ, thay vì các giải pháp đơn lẻ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiệu quả đến từ sự kết hợp giữa các sản phẩm tài chính linh hoạt, tiêu chí đánh giá dựa trên tiềm năng, cùng với một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện gồm đào tạo, cố vấn và kết nối. Việc tiếp cận tài chính cần được thúc đẩy thông qua công nghệ FinTech nhằm giảm chi phí, mở rộng phạm vi và tăng hiệu quả. Tất cả phải đặt trong khuôn khổ chính sách vĩ mô bao trùm, bảo đảm cơ hội công bằng cho mọi thanh niên. Việc áp dụng đồng bộ các bài học sẽ là chìa khóa để thúc đẩy thế hệ doanh nhân trẻ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Bài viết được thực hiện và hoàn thành với sự hỗ trợ của Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm thúc đẩy hiệu quả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đối tượng thanh niên tại tỉnh Nam Định”, thực hiện năm 2024.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844). Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Lưu (2021). Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam Vai trò và trách nhiệm của Nhà nước. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 36, 12 – 16.

4. Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Văn Thắng (2020). Tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 6, 23 – 31.

5. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định  hướng đến năm 2030. 

6. Nguyễn Hữu Thân (2021). Quản lý nhà nước đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 308(5), 45 – 50.

7. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2023). Báo cáo thường niên về tình hình thanh niên khởi nghiệp Việt Nam. H. NXB Thanh Niên.

8. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) (2022). Nghiên cứu về mô hình hỗ trợ tài chính vi mô cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu, Hà Nội.

9. ADA. (2022). Financing young entrepreneurship through microfinance.

10. ADA. (2023). Young entrepreneurs. https://www.ada-microfinance.org/en/what-we-do/young-entrepreneurs

11. Buehren, N., Burbidge, D., & Chen, A. (2022). Promoting access to agricultural finance for youth in developing countries: A synthesis of lessons and experiences. Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO).

12. Cueva, J. M. (2017). Will a digital platform accelerate inclusive consumer finance in the PhilippinesThe Asian Banker. https://www.theasianbanker.com/updates-and-articles/will-a-digital-platform-accelerate-inclusive-consumer-finance-in-the-philippines

13. Kiva. (2025). About. https://www.kiva.org/

14. Horton, S., Molina, H., Khalid, A., & Chaladmanakul, P (2020). Unlocking finance for youth entrepreneurs: Evidence from a global stocktaking. The World Bank Group.

15. Hulsink, W., & Koek, D. (2014). The young, the fast and the furious: A study about the triggers and impediments of youth entrepreneurshipInternational Journal of Entrepreneurship and Innovation Management, 18(2–3), 182–209. https://doi.org/10.1504/IJEIM.2014.062876

16. International Fund for Agricultural Development (IFAD) (2018). IFAD’s engagement with rural youth: Case studies from IFAD loans and grants. Italy: IFAD.

17. International Fund for Agricultural Development (IFAD). (2024). Youth entrepreneurship and employment support services programme: Supervision report.

18. Ojaghi, H., Mohammadi, M., & Yazdani, H. R (2019). A synthesized framework for the formation of startups’ innovation ecosystem: A systematic literature reviewJournal of Science and Technology Policy Management, 10(5), 1063-1097. https://doi.org/10.1108/JSTPM-03-2019-0029.

19. Tala (2025). About. https://tala.co/

20. Youth Business International (YBI), & Global Entrepreneurship Network (GEN) (2024). Youth entrepreneurship framework. United Kingdom.