TS. Bùi Sỹ Tuấn
Cục Người có công, Bộ Nội vụ
TS. Đoàn Văn Dũng
Văn phòng Bộ Nội vụ
(Quanlynhanuoc.vn) – Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn là truyền thống quý báu của dân tộc. Đó là minh chứng cụ thể cho sự trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ, trân trọng sự hysinh vì độc lập, tự do, vì sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đối với người có công với cách mạng. Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-SL quy định chế độ hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Đến tháng 6/1947, Người ra chỉ thị cho các ban, ngành chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị được tổ chức tại Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và cùng thống nhất lấy ngày 27/7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. Từ năm 1955 đến nay, Nhà nước ta đã đổi tên thành Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7).
Từ khóa: Đền ơn đáp nghĩa; trách nhiệm của toàn dân; người có công; cách mạng Việt Nam.
1. Những kết quả nổi bật trong thực hiện đền ơn đáp nghĩa
Trong những năm kháng chiến, mặc dù đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện tốt chính sách với người có công. Giai đoạn từ 1947 – 1954, Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành 24 văn bản dưới hình thức sắc lệnh, nghị định, thông tư hướng dẫn về thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công. Giai đoạn 1954 – 1975, Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành 184 văn bản pháp luật. Giai đoạn 1975 – 1985, Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành 523 văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ năm 2012 đến nay đã có 69 văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 chỉ thị của Ban Bí thư, 2 nghị quyết và 11 nghị định của Chính phủ, 10 quyết định của Chủ tịch nước, 2 chỉ thị và 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành1.
Trong các văn kiện của Đảng, chăm lo cho người có công với cách mạng luôn được khẳng định. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến…”2. Đến Đại hội XII, Đảng yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”3. Đồng thời tiếp tục: “Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”4; “Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội,… ”5. Đại hội XIII của Đảng với quyết tâm chính trị là: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công”6; “Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”7.
Cùng với những quan điểm chỉ đạo được thể hiện trong văn kiện các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận quan trọng nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền không ngừng quan tâm, chăm lo, tạo những điều kiện tốt nhất về chế độ, chính sách đối với người có công, như: Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý trong thực thi chính sách đối với người có công, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (ban hành lần đầu năm 1994), đến nay, qua 7 lần sửa đổi, bổ sungvào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và ngày 09/12/2020, Quốc hội (khóa XIV) đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Hiện nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 185.000 bệnh binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tính đến nay, đã có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng8. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở.
Thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, trong đó có quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội (khóa XV), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 để điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Điều này cho thấy, có sự quan tâm đặc biêt nhằm điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đối với việc chú trọng nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1577/QĐ-TTg ngày 16/12/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu nhằm hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; bảo đảm người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Với cách triển khai đồng bộ và toàn diện, đến nay, đời sống của người có công với cách mạng tiếp tục được cải thiện và nâng cao, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi người có công cư trú, đã có 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có côngvới cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện nghèo.
2. Trách nhiệm của toàn dân đối với người có công với cách mạng
Khẳng định rõ việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống. Trong đó, chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng (khoản 1 Điều 6 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng); khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là một sự khẳng định về trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội đối với người có công.
Trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu và xã hội hóa cao. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tu sửa, nâng cấp các đài tưởng niệm liệt sĩ… ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, lễ thắp nến tri ân, lễ viếng, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ ở các địa phương được tổ chức với sự tham gia của đông đảo Nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một bộ phận giới trẻ, nhất là tại các đô thị lớn, việc hiểu biết sâu sắc về lịch sử cách mạng, giá trị hy sinh của thế hệ cha anh, có những hạn chế nhất định. Một số ít cá nhân có biểu hiện vô cảm, thờ ơ hoặc không tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nếu không có sự vận động, kêu gọi. Điều này cho thấy, trách nhiệm “toàn dân” đối với người có công với cách mạng chưa trở thành động lực tự thân mà vẫn phụ thuộc vào vận động, tuyên truyền từ chính quyền.
Chính vì vậy, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với người có công với cách mạng là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa. Trách nhiệm của toàn dân không chỉ huy động nguồn lực to lớn của xã hội trong việc chăm lo cho người có công với cách mạng mà còn thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhằm giáo dục truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Việc trách nhiệm của toàn dân đối với người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm về pháp lý mà trách nhiệm xã hội, là trách nhiệm công dân, là bổn phận đề cao của mỗi công dân đối với những người có công với cách mạng.
3. Một số giải pháp
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước đối với công tác đền ơn đáp nghĩa. Công tác đền ơn đáp nghĩa là một nhiệm vụ chính trị – xã hội có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong việc định hướng tư tưởng, chính sách và chỉ đạo triển khai các chương trình tri ân người có công với cách mạng. Đồng thời, Nhà nước cần quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương, bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là ở cấp xã, nơi trực tiếp tiếp xúc và chăm lo cho người có công. Sự phối hợp đồng bộ của hệ thống chính trị sẽ tạo nên nền tảng vững chắc để công tác đền ơn đáp nghĩa được triển khai hiệu quả, bền vững và toàn diện hơn.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công theo hướng nhân văn, hiệu quả và sát thực tế. Chính sách đối với người có công cần không ngừng được hoàn thiện, cập nhật để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội hiện nay. Cần rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết nhưng vẫn bảo đảm đúng đối tượng và công bằng. Tiếp tục điều chỉnh mức trợ cấp ưu đãi phù hợp với mức sống tối thiểu và chỉ số giá tiêu dùng để bảo đảm người có công và thân nhân có điều kiện sống ổn định, không bị bỏ lại phía sau. Việc mở rộng các quyền lợi về chăm sóc y tế, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, việc làm và tiếp cận các dịch vụ công cũng là một nội dung quan trọng, thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm của Nhà nước trong việc tri ân người có công.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong toàn xã hội. Một trong những giải pháp căn cơ nhằm nâng cao trách nhiệm của toàn dân là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng biết ơn và tự hào dân tộc thông qua giáo dục truyền thống. Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đổi mới nội dung và cách tiếp cận để phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc tổ chức các chương trình giáo dục lịch sử cách mạng trong nhà trường, các hoạt động về nguồn, tri ân liệt sĩ, thăm viếng nghĩa trang, giao lưu nhân chứng lịch sử cần được triển khai thường xuyên, sâu sắc và có chiều sâu. Qua đó, xây dựng nhận thức đúng đắn và tinh thần trách nhiệm trong mỗi người dân, góp phần lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa trong toàn xã hội.
Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân và cộng đồng trong công tác chăm lo người có công. Các mô hình tự quản tại khu dân cư, dòng họ, tôn giáo, đoàn thể, như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sinh kế cho thân nhân liệt sĩ cần được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào quá trình giám sát, phản biện, phát hiện sai phạm trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, góp phần bảo đảm tính minh bạch, công bằng và công tâm trong quá trình xét duyệt, chi trả chế độ. Chính từ sự tham gia của người dân, công tác đền ơn đáp nghĩa mới thực sự đi vào chiều sâu và trở thành động lực xã hội bền vững.
Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc huy động sự đóng góp từ cộng đồng là xu hướng tất yếu. Cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ con em người có công học tập, khởi nghiệp. Đồng thời, cần công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động được; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực để khích lệ phong trào toàn dân chăm lo người có công lan tỏa sâu rộng và bền vững hơn.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người có công. Chuyển đổi số trong lĩnh vực người có công là một yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và thuận tiện. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công có tính kết nối liên ngành sẽ giúp quản lý tập trung, thống nhất, tránh trùng lặp hoặc chi sai đối tượng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ để giám sát, đánh giá hiệu quả chính sách cũng là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người có công.
Thứ bảy, nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác người có công. Công chức phụ trách công tác người có công là người trực tiếp tiếp nhận, xử lý hồ sơ và giải quyết chế độ cho đối tượng, do đó cần có đạo đức nghề nghiệp cao, tinh thần trách nhiệm và chuyên môn vững vàng. Cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ, cập nhật chính sách mới, kỹ năng tiếp công dân, nhất là trong xử lý các trường hợp khó khăn, khiếu nại, vướng mắc. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách, tham nhũng, sách nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ. Chỉ khi đội ngũ công tâm, chuyên nghiệp thì chính sách mới đến đúng đối tượng và được thực hiện hiệu quả.
Thứ tám, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội. Các tổ chức chính trị – xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người có công, truyền tải ý kiến phản ánh từ cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền và thúc đẩy tính minh bạch trong quá trình triển khai chính sách. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường hoạt động giám sát độc lập, đối thoại chính sách, đề xuất điều chỉnh kịp thời khi phát hiện bất cập. Báo chí, truyền thông đại chúng cũng cần tích cực vào cuộc, lan tỏa hình ảnh những tấm gương người có công, đồng thời phản ánh thẳng thắn những yếu kém, tiêu cực nếu có. Việc phát huy vai trò của xã hội trong giám sát là điều kiện không thể thiếu để bảo đảm công bằng và hiệu quả trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
4. Kết luận
Người có công với cách mạng đã có những đóng góp to lớn, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; bảo vệ biên giới phái Bắc và Tây Nam của Tổ quốc. Trong niềm vui chung của đất nước là những mất mát riêng của những người có công và thân nhân những người có công với cách mạng. Đền ơn đáp nghĩa và phát huy trách nhiệm toàn dân đối với người có công với cách mạng là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm mạnh mẽ thêm mạch nguồn yêu nước, trân trọng lịch sử, quá khứ, khẳng định dân tộc Việt Nam nghĩa tình trọn vẹn. Sự chăm lo cho người có công với cách mạng có sức lay động lớn trong giáo dục truyền thống. Những điều tốt đẹp sẽ nhân lên những điều tốt đẹp. Chăm lo cho người có công với cách mạng là sự kết nối của quá khứ với hiện tại và tương lai.
Chú thích:
1, 8. Thực hiện tốt chính sách với người có công với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước. https://www.tapchicongsan.org.vn/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827437/thuc-hien-tot-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-voi-cach-mang%2C-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi%2C-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc.aspx
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 229 – 230.
3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 31, 136, 137.
6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 148 – 149, 86.