Quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập – Thực trạng và giải pháp

(QLNN) – Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, tạo khung pháp lý để các trường đại học công lập tổ chức các hoạt động tài chính một cách hiệu quả hơn, đáp ứng mục tiêu, thực hiện sứ mệnh của mình. Tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn bất cập trong tự chủ tài chính tại các nhà trường, do đó, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý tài chính tại các trường đại học được giao tự chủ, đề ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ là rất cần thiết.

 

Trường đại học công lập là đơn vị sự nghiệp công lập, do Nhà nước thành lập, cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp nhằm thực hiện chức năng vốn có số hai của Nhà nước – chức năng phục vụ, góp phần duy trì sự hoạt động của các ngành kinh tế quốc dân thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực đạt chất lượng cho các tổ chức, các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản lý của Nhà nước. Để thực hiện sứ mệnh của mình, các trường đại học công lập, được sự quan tâm của Chính phủ trao quyền tự chủ, đặc biệt tự chủ trong hoạt động quản lý tài chính.

Thực trạng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học công lập được giao tự chủ

Một là, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường được nâng cao trong công tác quản lý nguồn thu. Cơ chế tự chủ cũng tạo điều kiện cho trường thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động; nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động sự nghiệp; bước đầu rà soát lại chức năng nhiệm vụ đơn vị, từng bước giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý cấp trên; yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính được thực hiện, tạo không khí đoàn kết trong nội bộ đơn vị.

Phát huy quyền tự chủ, thời gian qua các trường đại học đã áp dụng cơ chế linh hoạt trong các mức thu học phí: giảm học phí các ngành học cần khuyến khích như ngành nông lâm, công nghệ sau thu hoạch, học phí các lớp liên kết được điều chỉnh linh hoạt theo từng địa điểm liên kết.

Hai là, nguồn thu ngoài NSNN đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường. Việc trao quyền tự chủ đã giúp nhà trường chủ động và tích cực trong việc khai thác nguồn thu nhất là mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo nên nguồn thu sự nghiệp, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc bảo đảm nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc thay đổi khung và mức thu học phí, lệ phí cũng thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước, tạo điều kiện nâng cao khả năng tự chủ về tài chính cho các trường đại học và nhằm huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp giáo dục, từng bước giảm dần bao cấp từ NSNN.

Ba là, đa dạng hóa lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng trong khai thác và sử dụng các nguồn thu. Với các nguồn lực sẵn có của đơn vị như điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, trang thiết bị phương tiện hiện có, các nhà trường đã thực hiện mở rộng, đa dạng hoá loại hình đào tạo, tổ chức nhiều hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa với các cấp bậc khác nhau như cao đẳng, đại học, sau đại học. Trường cũng tiến hành mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy các hệ đào tạo trong trường. Do đó, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng lên, đặc biệt là đào tạo sau đại học với các ngành thuộc thế mạnh của mỗi trường.

Để phát triển hoạt động khoa học trong đơn vị, trên cơ sở phát huy năng lực đội ngũ cán bộ và máy móc thiết bị hiện có, các nhà trường đã chủ động ký hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học sinh viên cũng được chú trọng và đổi mới nhờ sự ưu tiên kinh phí từ nguồn thu ngoài ngân sách của các trường.

Bốn là, thu nhập của cán bộ viên chức, cơ sở vật chất ngày một cải thiện. Trường đại học bước đầu đã đạt được mục tiêu ngày một nâng cao thu nhập cho cán bộ viên chức. Tuy thu nhập bình quân của cán bộ viên chức trường đại học chưa cao so với một số ngành nghề khác. Thời gian qua công tác chi thu nhập cho cán bộ viên chức luôn được thực hiện kịp thời, chưa để xảy ra tình trạng thanh toán chậm chễ đối với các khoản thanh toán cho cán bộ viên chức.

Năm là, tầm quan trọng của nguồn thu ngoài NSNN cấp được nhà trường quan tâm đúng mức. Trong tất cả các nguồn tài chính phục vụ công tác đào tạo thì nguồn thu học phí là chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn thu của hầu hết các nhà trường. Điều này rất đúng với thực tế với mục đích chia sẻ chi phí giữa người học và Nhà nước là mục tiêu hàng đầu của các cơ sở đào tạo hiện nay.Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục và đào tạo, được sự đồng tình ủng hộ của người học nên nguồn thu học phí của các nhà trường hiện nay chiếm tỷ trọng khá cao và là nguồn thu lớn để bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được. Vẫn còn một số vấn đề tồn tại đó là:

Thứ nhất, về chính sách thu học phí.  Việc thực hiện tự chủ tài chính của các nhà trường chưa thực sự được chủ động. Nghị định 16 của Chính phủ, đã tháo gỡ được nút thắt của Nghị định 43, đó là việc phân định đơn vị sự nghiệp công lập thành 4 loại, và đơn vị sự nghiệp công lập nào càng tự chủ được về tài chính trong hoạt động sự nghiệp của mình, càng được quyền chủ động trong các lĩnh vực như sử dụng lao động, quyết định mức thu nhập tăng thêm từ kinh phí được giao tự chủ tiết kiệm được. trong số các trường đại học được giao tự chủ tài chính, có sáu trường thuộc tốp đầu được giao tự chủ: Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Ngoại thương; Đại học Tài chính-Marketing; Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, thì mới chỉ có hai trường học phí thu tăng gần 30% là Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại thương, Đại học Marketing 20%, số còn lại học phí thu tăng thấp, chưa trang trải đủ chi phí đào tạo.

Thứ hai, tổ chức bộ máy quản lý tài chính của các trường đại học. Việc thiết lập một bộ máy quản lý tài chính trong đó có nội dung quản lý nguồn thu hợp lý thích hợp với sự vận hành các hoạt động của nhà trường có vai trò rất quan trọng. Lựa chọn hình thức tổ chức bộ máy quản lý tài chính khoa học, hợp lý sẽ làm giảm bớt khối lượng công việc, tiết kiệm chi phí từ đó sẽ nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác đào tạo. Nhưng, thực tế việc tổ chức bộ máy quản lý tài chính tại các trường được giao tự chủ, chưa được quan tâm đúng mức, vẫn cồng kềnh, chưa được thiết kế theo hướng tinh giản, gọn nhẹ nên thực sự chưa hiệu quả.

Thứ ba, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý tài chính của các trường đại học công lập. Hiệu trưởng là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, quyết định việc xây dựng dự toán thu chi, quy định mức tiền lương, phân phối thu nhập tăng thêm, phúc lợi và trích lập quỹ của trường. Hiện nay, hầu như lãnh đạo các nhà trường ngoài yêu cầu về chuyên môn, năng lực quản lý chung, có uy tín, chưa đặt ra yêu cầu về năng lực quản lý tài chính. Bởi hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt định hướng  phát triển và khả năng tài chính của nhà trường; trách nhiệm giải trình không chỉ trước cơ quan quản lý cấp trên, đồng cấp, mà còn trước toàn thể cán bộ giảng viên trong nhà trường về mọi hoạt động thu chi của nhà trường.

Thứ tư, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong các nhà trường quy định, các thủ tục kiểm soát do đơn vị xây dựng và áp dụng nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật và các quy định để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện sai sót nhằm quản lý và sử dụng các nguồn thu của nhà trường một cách có hiệu quả. Đơn vị có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, hữu hiệu sẽ giúp cho công tác quản lý tài chính sẽ được thuận lợi, chặt chẽ, giúp đơn vị chấn chỉnh và kịp thời phát hiện sai sót, ngăn chặn hành vi gian lận trong công tác quản lý và sử dụng nguồn thu tại đơn vị.

Kiểm tra tài chính là một hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong quản lý tài chính. Kiểm tra tài chính một cách hữu hiệu bảo đảm cho người quản lý đơn vị nắm được chính xác, toàn diện về tình hình tài chính để điều hành và chủ động, tự chủ trong hoạt động tài chính của đơn vị.

Thứ năm, quy chế chi tiêu nội bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ, quy chế chi tiêu nội bộ như kim chỉ nam cho hoạt động chi tiêu của nhà trường, nó bảo đảm các khoản thu chi tài chính của nhà trường được thực hiện theo quy định có sự đồng thuận cao. Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Mặc dù việc quản lý tài chính  của các nhà trường được giao tự chủ là tùy theo đặc điểm của mỗi trường, nhưng việc Chính phủ chưa ban hành quy định thống nhất để các nhà trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo khung khổ chung là một khó khăn cho các nhà trường.

Giải pháp hoàn thiện quản lý tài chính theo hướng tự chủ tại các trường đại học

1) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đào tạo.

Thu ngoài ngân sách từ phí và lệ phí chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu sự nghiệp của các trường đại học, các khoản thu hoạt động kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết, lãi ngân hàng luôn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn thu. Vì vậy, để tăng các nguồn thu tại các trường, rất cần sự chia sẻ đóng góp từ xã hội, thu hút được các nguồn lực tài chính từ bên ngoài, các đơn vị kinh doanh, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Vai trò quan trọng của việc huy động các nguồn lực tài chính từ bên ngoài để tăng cường trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm, bảo đảm điều kiện nghiên cứu khoa học cần được các trường đại học đặt lên hàng đầu.

Việc mở rộng các phương thức đào tạo không những tăng vị thế của các trường đại học mà còn có tác dụng hỗ trợ cho việc tăng nguồn kinh phí để đáp ứng các khoản chi cho đào tạo, quản lý đào tạo, bổ sung cho quỹ tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và phúc lợi tập thể. Mở rộng nguồn thu sẽ góp phần làm ổn định tình hình tài chính đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của nhà trường.

2) Mở rộng liên kết hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế

Liên kết đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo và đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; trao đổi giảng viên; mở rộng khả năng hợp tác và đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu sử dụng của các đơn vị, các tổ chức kinh tế xã hội, vừa bảo đảm yêu cầu về chất lượng, vừa phù hợp với xu thế phát triển đồng thời tăng được nguồn thu cho nhà trường.

Song song với việc mở rộng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, rất cần huy động nguồn vốn nước ngoài cho hoạt động đào tạo của các nhà trường thông qua mối quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức, các trường đại học ở nước ngoài. Các hình thức tài trợ, viện trợ được mở rộng và quy mô tài chính lớn hơn. Đây là một nguồn thu rất đáng kể và cực kỳ quan trọng giúp có nguồn kinh phí cho các chương trình và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học

Đẩy mạnh công tác giao lưu, hợp tác quốc tế với các tổ chức, các trường đại học danh tiếng trong khu vực và trên thế giới. Thông qua việc giao lưu quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, tạo cơ hội tiếp cận với tri thức hiện đại, phương pháp đào tạo giảng viên tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, liên kết đào tạo du học nước ngoài, có các dự án thu hút nguồn tài trợ hoặc vay vốn. Các nhà trường cần tiếp tục xây dựng tiền đề cho công tác hợp tác quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch kinh phí và nội dung hợp tác.

3) Bổ túc kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cho lãnh đạo các nhà trường

Để vận hành tốt các hoạt động của nhà trường, vai trò người đứng đầu rất quan trọng, như đã nêu ở trên, nên năng lực quản lý tài chính của lãnh đạo nhà trường có tính quyết định không chỉ đối với các hoạt động sự nghiệp của nhà trường mà còn đối với mọi hoạt động thu chi để phục vụ cho sự  phát triển của nhà trường. Vì vậy, cần thiết phải có những lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý tài chính cho lãnh đạo các nhà trường.

4) Cải cách các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học công lập trong các hoạt động.

Một số quy định của Nhà nước, bộ chủ quản như: quy định thủ tục ghi thu, ghi chi, quyết toán xây dựng cơ bản hiện nay đối với vốn do các tổ chức, cá nhân, từ các trường đại học nước ngoài viện trợ cho các trường đại học trong nước quá phức tạp, gây khó khăn trong khâu tiếp nhận và sử dụng, quyết toán do phải được phê duyệt, chấp thuận của cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính. Vì vậy các ban ngành liên quan, Bộ Tài chính cần kịp thời điều chỉnh các quy định này để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà trường.

Kiến nghị

Nhà nước nên khuyến khích các trường đại học trọng điểm, các trường đại học công lập tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động thường xuyên cũng như đầu tư (loại 1 theo Nghị định 16) được quyền tự chủ về mức thu học phí. Đối với các trường đại học công lập còn lại, chính phủ cần xây dựng các khung học phí theo chất lượng đào tạo, các khung học phí này phải tương ứng với các nhóm thứ bậc về chất lượng đào tạo. Kinh nghiệm của các nước về tự chủ đại học cho thấy, trường nào càng huy động được nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước càng lớn, trường đó càng phát triển về chất lượng cũng như mọi hoạt động khác của nhà trường.

Việc Nhà nước có quy định (thể hiện ở Nghị định 16) cho phép các trường được gửi tiền ở các ngân hàng thương mại để tăng thu thêm lãi phục vụ cho hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Như vậy, tự chủ tài chính là định hướng cho phát triển hoạt động giáo dục đại của Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thời đại.

Tài liệu tham khảo
1. Nghị định số 16/1015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Cơ chế quản lý tài chính giáo dục đại học công lập, Tạp chí Tài chính, Số 07/2013; Số 2,3,4/2014.
3. Một số giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường đại học ở Việt Nam, http://isos.gov.vn.
4. Tự chủ đại học nhìn từ góc độ tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập, http://giaoduc.net.
5. Trần Quang Trung, Cơ chế quản lý tài chính giáo dục đại học công lập, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

TS. Đặng Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia