Cần đưa giảng dạy kĩ năng vào trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức

(QLNN) – Trong cuốn sách “Đổi mới ph­ương pháp giảng dạy, một đóng góp của InWent vào quá trình cải cách hành chính tại Việt Nam” của Ulrich Lipp và Paul Schlueter đã cho rằng: Trong các giờ học về quản lý hành chính nhà nước tại các trường hành chính, chính trị cú một phần nội dung không nhỏ thường được trình bày nặng về lý thuyết. Điều đó sẽ hạn chế những đóng góp về kiến thức và kinh nghiệm của học viên trong các giờ học, kém đi sự sinh động và sức cuốn hút của học viên trong các giờ giảng.

 

Trong giảng dạy truyền thống, không ai có thể phủ nhận được những thành công trong việc sử dụng phương pháp thuyết trình, giảng viên có thể cung cấp những thông tin, những bài học bổ ích, phân tích, đánh giá, khái quát… những vấn đề mà qua đó, giúp người học hiểu sâu hơn về nội dung môn học.

Như vậy, có nhất thiết phải đưa giảng dạy kĩ năng vào trong đào tạo, bồi dưỡng công chức hiện nay không? Và giảng dạy kĩ năng khác giảng dạy thuyết trình như thế nào? Cần tách biệt hay kết hợp hai cách dạy này cho hiệu quả?

Đối tượng và nhu cầu

Chúng ta đã biết, học viên là những công chức hành chính, đó là những người trưởng thành, sự trưởng thành được biểu hiện qua những dấu hiệu học viên là những người được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí ngạch bậc trong hệ thống hành chính và đã có một trình độ đào tạo nhất định, đã được đào tạo qua một trường đại học. Như vậy, họ là những người trưởng thành về mặt thể chất, tạo tiền đề tâm, sinh lý cho việc thực hiện các hoạt động lao động xã hội. Họ là những người tự làm chủ được các hành vi, thái độ và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là một công dân, một công chức hành chính.

Trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, việc cung cấp và khuyến khích học viên phát huy tư duy khoa học, phương pháp độc lập sáng tạo trong tư duy và hành động thực tiễn là vô cùng cần thiết; tinh thần phê phán, sáng tạo, tinh thần tôn trọng sự thật và chân lý; có thái độ và trách nhiệm trước công việc và trong cuộc sống; khả năng quan sát và thói quen thực nghiệm, kiểm chứng, đối  chiếu, so sánh, phân tích tổng kết thực tiễn để khái quát lý luận khoa học. Đây là nét cơ bản, bao trùm của giáo dục trí tuệ và giáo dục nhân cách. Về thực chất đây là quá trình đổi mới tư duy xã hội được đưa vào nhà trường và thông qua giáo dục mà đạt tới mục tiêu của đổi mới tư duy.

Đó là quá trình tập luyện cho học viên làm quen với cách suy nghĩ độc lập, dám nghĩ cái mới và đào sâu vào bản chất của cái mới; chuyển từ sự thiếu hiểu biết, giản đơn, hời hợt, sang niềm tin đặt trên cơ sở hiểu biết. Người học sẽ làm quen và có nhu cầu phức tạp hoá trí tuệ, biết biểu hiện và khẳng định bản sắc, cá tính, biết tranh luận, biết đối thoại, biết cách bảo vệ lẽ phải.

L.Tônxtôi đã từng nói: vật cản chính trong việc nhận thức chân lý không phải là cái giả dối mà là cái hao hao như chân lý. Khắc phục vật cản này đòi hỏi phải khắc phục bệnh hời hợt, giáo điều mà xét đến cùng là sự lười biếng của trí tuệ, nô lệ về tinh thần, thói ỷ lại, kí sinh ngay trong hoạt động trí tuệ. Giáo dục tư duy khoa học là giáo dục và hoàn thiện nhân cách. Cũng đúng như L.Diurscô, một nhà văn Hunggari đã nói: không quen với tranh luận nên tư duy cũng trở thành nhu nhược. Vậy là giáo dục tư duy là nền tảng, cốt lõi của giáo dục văn hoá trong đào tạo, bồi dưỡng công chức.

Như vậy, từ góc độ lý luận và thực tiễn nêu trên cho thấy, khi đến trường học tập, học viên là công chức có lòng ham hiểu biết, ham khám phá và tiến bộ. Nếu trong giảng dạy, chúng ta chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình, mặc dù có sự truyền cảm của giảng viên tới người học, mặc dù giảng viên có tâm huyết với nghề nghiệp muốn đem kiến thức, kinh nghiệm và trí tuệ của mình truyền đạt tới học viên, muốn họ hiểu, đón nhận và áp dụng những kiến thức đó vào trong hoạt động thực tiễn; nhưng mặt khác cho thấy, đó không phải là những yếu tố chủ yếu để nảy sinh tính tích cực trong học tập. Yếu tố quyết định chính là mục đích cuộc sống mà bản thân người học đặt ra.

Người công chức đi học để thỏa mãn nhu cầu tự khẳng định mình trong tập thể, để thỏa mãn nhu cầu, mục đích học tập của mình là tinh thông nghề nghiệp, phục vụ tốt hơn trong hoạt động công vụ. Hơn nữa, tính tích cực học tập của công chức xuất phát từ chính nhu cầu của thực tiễn công việc. Vì vậy, tính tích cực học tập của học viên là công chức hành chính rõ ràng mang tính chọn lọc, không phải cái gì hay, cái gì mới cũng làm nảy sinh sự hứng thú trong học tập của học viên. Họ chỉ thực sự tham gia tích cực vào giờ học khi những vấn đề đưa ra sát với thực tiễn công vụ của họ.

Sự tham gia của học viên vào trong quá trình giảng dạy

Thực tế trong công tác dạy học hiện nay, có những chuyên đề được gọi tên là Kĩ năng, nhưng thực chất trong cách giảng dạy, phần lớn thời gian trên lớp giảng viên chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình để chuyển tải nội dung chuyên môn. Như vậy, giữa tên gọi của chuyên đề và phương thức giảng dạy là không tương ứng, phù hợp.

Bẹnjamin Bloom – nhà tâm lý học người Mỹ đã đưa ra Bảng phân loại các tầng lớp nhận thức trong hoạt động dạy và học. Căn cứ vào Bảng phân loại này, chúng ta có thể xác định mục tiêu trong giảng dạy. Nếu như xác định mục tiêu chỉ cần cho người học biết về một vấn đề nào đó, thì người dạy chỉ cần giới thiệu đầy đủ nội dung của vấn đề; nhưng nếu muốn người học hiểu thì giảng viên cần phân tích, đối chiếu, so sánh, lật xới và cùng người học trao đổi vấn đề cho thấu đáo; mục tiêu nhằm hướng tới người học có thể áp dụng những kiến thức và kĩ năng vào trong thực tế công việc, thì hoạt động dạy học không chỉ dừng lại ở việc giảng viên phân tích, so sánh mà còn yêu cầu người học thực hành nội dung bài học trước sự hướng dẫn của người thày.

Như vậy, phương pháp thuyết trình sẽ hiệu quả khi được sử dụng đối với mục tiêu ở cấp độ 1 và 2; còn đối với cấp độ 3 thì yêu cầu đòi hỏi cao hơn, bên cạnh thuyết trình thì giảng viên cần áp dụng các phương pháp giảng dạy kĩ năng để học viên được thực hành, luyện tập thông qua những bài tập cụ thể.

Trong giảng dạy kĩ năng yêu cầu sự nhiệt tình tham gia của học viên.

Như phân tích trên, học viên là những người lớn tuổi, có tri thức và kinh nghiệm cuộc sống, đặc biệt là kinh nghiệm trong quản lý hành chính ở các lĩnh vực khác nhau. Họ muốn khi được tham dự lớp học, ngoài việc được đáp ứng nhu cầu học tập, còn được nói lên những chính kiến, kinh nghiệm của mình với các thành viên khác.

Để làm tốt việc này, trước hết chúng ta cần đưa những hình ảnh trực quan sinh động để hỗ trợ, minh hoạ cho nội dung bài học, nhằm thu hút sự chú ý của người học; giảng viên cởi mở, gần gũi và động viên người học tích cực, giúp họ cùng tham gia vào nội dung bài giảng, tạo bầu không khí vui vẻ trong lớp học. Giảng viên là người gợi ý, định hướng cho họ phát huy những kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế, không chỉ tạo sự gần gũi mà còn chia sẻ kinh nghiệm với nhau; áp dụng những phần lý luận cơ bản để đối chiếu, so sánh với thực tiễn; và thực hành những kĩ năng trên cơ sở những tình huống để từ đó, họ sẽ rút ra những bài học bổ ích, những kĩ năng cơ bản và hiệu quả cho mỗi tổ chức, địa phương, mà mình đang công tác.

Vì thế, việc giảng dạy kĩ năng kết hợp với phương pháp thuyết trình sẽ đem lại hiệu quả cao trong hoạt động dạy và học. Bên cạnh những vấn đề mang tính lý luận cơ bản thì học viên được thực hành các kĩ năng, đây là điểm mấu chốt quan trọng.

Qua đây, đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta, đội ngũ giảng viên cần hoàn thiện hơn nữa về phong cách và phương pháp giảng dạy kĩ năng.

TS. Trịnh Thanh Hà
Học viện Hành chính Quốc gia