Đào tạo và bồi dưỡng các giá trị nhân văn cho cán bộ, công chức

(QLNN) – Trong cuộc sống của nhân loại, không có gì sánh bằng những giá trị văn hóa, bởi chính những giá trị ấy góp phần to lớn làm nên sự vĩnh cửu của mỗi dân tộc, bởi chỉ có văn hoá mới làm nên nhân cách, trí tuệ, sự khát vọng và ý chí cho một dân tộc giúp họ chiến đấu và chiến thắng, xây dựng đất nước của mình ngày càng văn minh, giầu mạnh.

 

Con người là sinh vật bậc cao được tự nhiên tạo lập như là mắt khâu trung gian trong chuyển hóa từ dạng thức tồn tại vô thức của vật chất sang có ý thức (trí tuệ); con người phụ thuộc vào tự nhiên; nhân loại nghiên cứu thế giới xung quanh, sáng tạo kỹ thuật cần thiết để tái tạo (cải biến) tự nhiên. Để đạt tới đỉnh cao phát triển của mình, nhân loại có thể tạo ra những phương tiện cơ khí điện tử, kỹ thuật tính toán, robot sinh học, robot điện từ phức tạp; tạo ra những tiền đề để chuyển sang giai đoạn phát triển khác, bởi vậy nhân loại là “sinh vật bậc cao có trí tuệ” (homo sapiens) với bộ não phát triển nhất trong các loài.

Giá trị của con người không phải chỉ ở thể xác mà ở tinh thần sáng suốt, chân chính. Vì thế, mỗi con người chúng ta cần phải trau dồi trí tuệ. Nhất là tuổi trẻ, tuổi đầy triển vọng phát huy trí tuệ, như tấm gương sẵn sàng phản chiếu ánh sáng nhưng phải chờ có ánh đèn, ngọn đuốc, ánh sáng mặt trời… Trí tuệ là kiến thức rộng rãi, nhờ trí tuệ, con người biết hợp đoàn bảo vệ nhau, biết tổ chức guồng máy xã hội, biết chế tạo những khí cụ nông nghiệp, kỹ nghệ…, biết phát triển khả năng mình, biết những triết lý cao siêu, biết ăn ở có đạo đức. Tóm lại, trí tuệ hướng dẫn con người sống hợp lý và vươn lên, song trí tuệ không đơn thuần phát triển tự nhiên mà có được phần nhiều qua giáo dục và giáo dưỡng.

Với “Học thuyết tăng giảm”, tiềm năng của não bộ sẽ theo quy luật giảm dần, nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng có được của con người được phát huy càng ít. Con người có sứ mệnh to lớn là cải tạo tự nhiên. Xã hội loài người được tổ chức hướng tới mỗi cá nhân đều đóng vai trò nhất định trong phát triển tiến bộ của nhân loại. Trong đó, mỗi nhóm người lại có những cá nhân chủ đạo để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào đó.

Tư tưởng của các nhà triết học nhân văn về xây dựng xã hội mới, khi:

Những giá trị vật chất có vị trí tương xứng và để tồn tại con người cần có thức ăn hàng ngày, áo mặc, nhà ở, những vật dụng bồi dưỡng sức khỏe,…

Nhu cầu của mỗi con người mang tính cá thể và được xác định bởi những yếu tố nhất định như: đặc điểm tâm lý – sinh lý của cá nhân. Và những đặc điểm tâm lý, sinh lý cá nhân này phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, giới, cấu trúc cơ thể (cơ địa). Những đặc điểm sinh lý phụ thuộc vào những giá trị sống nổi trội của mỗi cá thể được hình thành bởi hệ tư tưởng nhà nước, giáo dưỡng và phụ thuộc vào trình độ giáo dục và đào tạo cũng như chỉ số trí tuệ của mỗi cá nhân.

Sự đánh giá lại căn bản các giá trị sẽ diễn ra dần dần và trực tiếp, có quan hệ với sự thay đổi trình độ trí tuệ của dân cư, tư tưởng quyết liệt của chính quyền, bác bỏ những giá trị lỗi thời và đồng thời cũng đang đưa xã hội đến những khủng hoảng trầm trọng. Những đánh giá lại đó sẽ dẫn tới sự thỏa mãn xúc cảm của nhân loại có được từ lối sống trí tuệ tinh thần.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, hệ thống giá trị nhân văn được nhiều người nghiên cứu và được tiếp cận đa dạng, nhưng nhìn chung có hai hệ thống giá trị nhân văn, đó là:

1) Hệ thống giá trị truyền thống như: lòng yêu nhà, yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tự lực tự cường, nhân ái, nghĩa tình thuỷ chung, vị tha, độ lượng, hiếu học, sáng tạo, đoàn kết, cần kiệm, cởi mở lạc quan, dũng cảm kiên cường, gắn bó với gia tộc quê hương, biết ơn tổ tiên, tôn trọng người cao tuổi…

2) Hệ thống giá trị hiện đại như: hoà bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng; ý thức bảo vệ môi trường, trật tự an ninh; năng động sáng tạo, tự lập, chấp nhận cạnh tranh, nhạy cảm với cái mới; có tinh thần hữu nghị hợp tác…

Ngày 03/02/2007, Trung ương Đảng đã triển khai cuộc vận động lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để hưởng ứng cuộc vận động, hàng nghìn cuộc thi kể chuyện diễn ra trên khắp mọi miền đất nước đã để lại trong lòng người nghe biết bao xúc cảm về đạo đức cao đẹp của Bác Hồ. Cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục, đạo đức, lối sống mới.

Có thể nói, việc quan tâm đến con người và giải phóng con người được xem như là linh hồn, là hạt nhân trung tâm trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nó không chỉ tác động chi phối các quan hệ chính trị, kinh tế – xã hội mà điều quan trọng hơn, nó thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội, vào các quan hệ đạo đức, vào lý tưởng thẩm mỹ, vào quan niệm hạnh phúc, niềm tin, hy vọng. Trong bài “Vĩ đại một con người”, GS. Trần Văn Giàu đã cho rằng: “Tầm cỡ một triết nhân chưa chắc ở chỗ giải quyết mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ thế giới ấy là thực hay ảo ảnh, là khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều hay điều mới lạ, mà chung quy ở mức độ quan tâm đến con người đang sống trên trái đất này…”, cái đặc sắc làm nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh đó là sự quan tâm đến con người từ trong nhận thức đến mọi hoạt động cụ thể của Người.

Để xây dựng và phát triển đất nước, đòi hỏi phải có sự quan tâm cho việc bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo con người đáp ứng sự nghiệp cách mạng, bởi theo Người, muốn xây dựng CNXH trước hết phải có những con người XHCN, trong đó, việc xây dựng lý tưởng cách mạng, rèn luyện đạo đức và giáo dục chính trị là nhiệm vụ phải làm đầu tiên trong xây dựng, giáo dục con người toàn diện, những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Con người được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, tư tưởng và đạo đức, trí tuệ và tài năng là động lực to lớn của sự nghiệp phát triển xã hội.

Do đó, mọi ngành, mọi cấp phải tích cực xây dựng con người mới, phát triển ĐTBD nhân tài cho đất nước. Đẩy mạnh công tác giáo dục để mọi người hiểu rõ mình là người chủ nước nhà, phải có trách nhiệm, năng lực làm chủ, cần kiệm để xây dựng đất nước, thấm nhuần chủ nghĩa tập thể “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, sống với nhau có tình, có nghĩa. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và mọi công dân Việt Nam thực hiện đời sống mới, sửa đổi lối làm việc, tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.

Có thể nói, con đường giáo dục nhân văn là tiền đề cho tương lai, đó như là một dự án hành động cho tương lai của chính sách ĐTBD CBCC quốc gia, góp phần khai mở và vun đắp một thế hệ công chức mới cho Việt Nam có những giá trị nhân văn dân tộc và nhân loại. Vì vậy, chúng ta cần phải có những giải pháp tốt cho việc tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức nhân văn cho thế hệ CBCC mới.

Nhìn lại hệ thống giá trị đạo đức nhân văn chúng ta thấy rằng, từ thời cổ đại, loài người đã thừa nhận hệ thống giá trị: chân, thiện, mỹ và đến nay vẫn được mọi người thừa nhận, tuy có một vài sự khác nhau giữa các quốc gia, dân tộc. Tiếp đó là hệ thống giá trị nhân văn của Nho giáo thời phong kiến là nhân, trí, dũng. Sinh thời, Bác Hồ thường dạy: nhân, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính, trung với nước, hiếu với dân. Theo đó, cái đức cái thiện, lòng yêu dân, yêu nước là cốt lõi trong thước đo giá trị nhân văn của con người Việt Nam.

Việc xác định những giá trị nhân văn cốt lõi và chọn lựa những giá trị cụ thể để giáo dục cho học sinh, sinh viên là quan trọng. Trong đó, không thể thiếu việc xác định các giá trị nhân văn của nền công vụ để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức. Ngày nay, sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây đang diễn ra như một tất yếu trong một thế giới hội nhập mạnh mẽ. Vì vậy, để xác định đâu là những giá trị nhân văn, chúng ta phải đi vào chiều sâu của truyền thống. “Giáo dục nhân văn không thể tách rời với việc dạy nhân cách. Đạo đức phải bắt nguồn từ nhân cách và do đó, giáo dục đạo đức không thể tách rời giáo dục lòng thương người và bản lĩnh bất khuất của cha ông. Trong điều kiện hiện nay, giáo dục nhân văn cần bổ sung thêm giáo dục tư duy độc lập để mỗi sinh viên có thể nâng cao được năng lực bản chất người”. (1)

Tại Hội thảo khoa học: “Những định hướng chủ yếu tiếp tục phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới” ngày 03/12/2013, tại TP. Hồ Chí Minh, do Tiểu ban Văn hóa, Xã hội, Con người thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố tổ chức đã khẳng định: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là nghị quyết có tầm chiến lược to lớn và có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển toàn diện đất nước. Năm quan điểm chỉ đạo được nêu trong nghị quyết, nhất là quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Và để phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, không thể không đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu thật kỹ, thật sát các đặc điểm, đặc trưng của thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang hiện đại.

Trên cơ sở đó, hoạch định chính sách thật hợp lý, khoa học, trước hết là nghiên cứu sự chuyển đổi giá trị và hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nhằm phát huy sức mạnh văn hóa với tư cách là nền tảng, động lực và mục tiêu phát triển của nước ta trong giai đoạn mới. Cần phải xây dựng đạo đức, lối sống hình thành nhân cách, hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình truyền thống, cộng đồng, dân tộc trong bối cảnh mới của đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vì nếu không đổi mới, không nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế thì không thể đào tạo ra được những thế hệ người Việt Nam chuẩn mực, vốn là chủ nhân của nền văn hóa Việt Nam.

Xác định các giá trị là một việc khó, nhưng để các giá trị ấy thẩm thấu vào sinh viên thì càng khó hơn. Cần có sự phân tầng để giáo dục nhân văn một cách hiệu quả, bởi mỗi lứa tuổi sẽ tìm thấy cho mình những chuẩn mực và giá trị khác nhau. Cần phân biệt giữa giáo dục nhân văn và chủ nghĩa nhân văn. Giáo dục nhân văn là giáo dục làm người với đầy đủ tính cơ bản và tính toàn diện. Giáo dục nhân văn cần phân tầng theo từng bậc học. Ở đại học, chúng ta có thể lồng ghép giáo dục nhân văn vào các môn học có sẵn. Ngoài ra, có thể thông qua các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học; qua vai trò của thầy cô giáo; của cán bộ quản lý và qua các hoạt động xã hội,… tác động vào tình cảm, nhận thức để hình thành các giá trị nhân văn cho các sinh viên.(2)

Công tác ĐTBD CBCC như là một bộ phận của hoạt động văn hóa – xã hội và kiến tạo tinh thần đang đứng trước những yêu cầu mới trong tiến trình phát triển của mình gắn liền với những thay đổi tâm lý xã hội và cá nhân, những thay đổi các định hướng giá trị không chỉ đối với lớp trẻ mà cả chính với những thế hệ trước. Sự tìm kiếm những giá trị ưu tiên, đặc biệt là, các giá trị văn hoá – tinh thần đang diễn ra theo hai khuynh hướng cơ bản (chính) là: bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc và du nhập các giá trị bên ngoài (chủ yếu là phương Tây).

Những giá trị văn hoá phương Tây hướng tới chủ nghĩa cá nhân và sự thực dụng, thu mình vào nội tâm và không phơi bày những vấn đề bản thân, đánh giá cao những giá trị trí tuệ và vật chất mà ít quan tâm đến các giá trị tinh thần. Những khuynh hướng đó giờ đây ở mức độ nhất định cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo những mô hình phương Tây cũng bắt đầu thể hiện rõ nét dần trong thực tiễn đời sống của Việt Nam.

Cùng với những điều kiện đổi mới (như tự do tín ngưỡng, xã hội công dân, công khai,…) những hiện tượng xã hội tiêu cực nảy sinh cùng với những mặt tiêu cực của xã hội tiêu dùng. Những tầng lớp chịu tác động mạnh mẽ và rất nhạy cảm của các hiện tượng đó trước hết là trẻ em, thanh thiếu niên (những lớp người chưa thực sự hình thành chắc chắn những quan điểm sống). Khi chuyển đổi từ cơ chế phát triển quản lý và kinh tế “cũ” (tập trung quan liêu bao cấp) sang cơ chế quản lý mới nhằm xây dựng và phát triển “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cần có những giá trị văn hoá mới, những mô hình và thái độ ứng xử mới.

Nhưng thế nào là “mới” hoặc “mới” như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Sự bức xúc trước những giá trị mới đó đối với mỗi con người, tổ chức và nhà nước (toàn xã hội) là điều hiển nhiên, song để có được những giá trị đó chúng ta còn nhiều bỡ ngỡ và lúng túng. Khi những giá trị của “chủ nghĩa xã hội” kinh điển đang cần phải suy ngẫm và xem xét lại, còn những giá trị của “tư bản chủ nghĩa” mà thường được coi là văn minh, hiện đại thì đối với chúng ta là biểu hiện của phi nhân văn hoá xã hội, cá nhân hoá thái quá, thực dụng tối đa… thật khó có thể chấp nhận.

Những khuynh hướng xác lập các giá trị nhân văn của CBCC bắt đầu từ độ tuổi nào? Có lẽ từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, sau đó là các bậc học tiếp theo. Trẻ em ngày nay cùng với những tiến bộ xã hội đang diễn ra như là hệ quả của công cuộc đổi mới với những cải cách cần thiết trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng ngày càng sớm ý thức về những giá trị nhân bản của mình, mặc dù những suy ngẫm đó còn sơ khai, chưa rõ ràng (lờ mờ), “bắt chước” những uy tín của những người “hâm mộ”. Đến tuổi thiếu niên, rồi thanh niên, những suy tư đó dần trở thành sự tự ý thức về bản thân và dần hình thành nhân cách. Những quá trình đó diễn ra không hoàn toàn tự thân mà trong nhiều trường hợp, phụ thuộc rất lớn vào môi trường giáo dưỡng và giáo dục với những nội dung được lấp đầy bởi các giá trị nhân văn có mục tiêu nuôi dưỡng những động cơ, tâm lý xúc cảm của mỗi cá nhân.

Những thách thức đặt ra hiện nay là mâu thuẫn giữa:

Một là, những thay đổi (cải cách) về kinh tế – xã hội và chính trị dẫn đến những khả năng (cơ hội) mới, song cũng không thiếu những hiện tượng tiêu cực nảy sinh (gia tăng phạm pháp hình sự, tội phạm, bạo lực, sa đoạ xã hội…).

Hai là, xu hướng đổi mới tư duy quản lý và tính cố hữu của truyền thống chính trị – quản lý cũ (tập trung, quan liêu, bao cấp,…).

Ba là, sự cần thiết tăng cường sự quan tâm từ phía nhà nước và xã hội đến các vấn đề giáo dục và sự suy yếu chức năng giáo dưỡng của nhà trường (từ phổ thông đến các cấp cao hơn).

Bốn là, các giá trị văn hoá nhân văn truyền thống và những lôi cuốn đối với thanh niên của các giá trị du nhập như tăng cường chủ nghĩa cá nhân và tính thực dụng.

Năm là, khuynh hướng của một bộ phận có ảnh hưởng lớn của xã hội hiện nay ủng hộ mô hình văn hoá phương Tây, coi mức sống vật chất cao đối nghịch với truyền thống văn hoá dân tộc nhằm thực hiện những giá trị tinh thần cao.

Sáu là, sự xác lập hệ thống các định hướng giá trị xã hội mới và sức ỳ cố hữu của nền giáo dục truyền thống.

Bảy là, sự tìm kiếm những giá trị giáo dục mới đáp ứng những yêu cầu của thời đại hướng tới các giá trị “tuyệt đối” (nhân văn chung – tổng quát; luân lý, lối sống truyền thống).

Tám là, nhu cầu của mỗi người về tạo dựng cho mình hệ thống giá trị nhất định và sự tìm kiếm của xã hội đương thời về hệ thống giá trị chung, trong đó cho cả chính môi trường giáo dục.

Chín là, những giá trị nhân văn tiềm ẩn trong nội dung giáo dục và sự thể hiện thiếu đầy đủ trong quá trình giáo dục. Mười là, nhu cầu của thực tiễn sư phạm về nghiên cứu khoa học đối với các quá trình đổi mới (nhất là liên quan đến các giá trị xã hội – văn hoá mới) và sự thiếu hụt những công trình nghiên cứu khoa học bao quát tổng quan các vấn đề đặt ra, trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức – tinh thần.

Vấn đề hiện tại đặt ra đối với cơ quan nhà nước trong hoạt động của mình là cần phải lấy các quy định của Hiến pháp, của xã hội tri thức – nhân văn làm quan điểm chỉ đạo, nhưng điều đó được thực hiện như thế nào? Các giá trị tri thức, nhân văn của Hiến pháp bao gồm những nội dung nào? Thế nào là nền công vụ nhân văn, phi vụ lợi?

Có thể nói, hoạt động hướng tới giải quyết những nhiệm vụ đặt ra trước xã hội là trách nhiệm cơ bản (trọng yếu) của mỗi thành viên trong xã hội. Vị thế xã hội của mỗi cá nhân phụ thuộc vào kết quả hoạt động của họ, tức là vị trí xã hội, được đảm bảo vật chất, được hưởng các ưu đãi. Song, làm thế nào để những lợi ích của xã hội được đặt trên lợi ích của mỗi cá nhân? Điều này cần xác định được những giá trị nhân văn công vụ là gì? Gồm những nội dung nào?

Theo đó, nhiệm vụ cơ bản của xã hội, của nhà nước được xác định là giáo dục các thành viên phát triển đầy đủ và toàn diện sao cho có được tối đa những thành viên trưởng thành, trong đó, với đội ngũ CBCC cần có những tri thức cơ bản, thấm nhuần các giá trị nhân văn và sẵn sàng tham gia hoạt động chính trị – xã hội.

Đối với các cơ sở đào tạo, các bộ môn giảng dạy về khoa học xã hội cần hướng tới bồi bổ tâm hồn, bồi dưỡng năng lực nhiều mặt, giáo dục lòng nhân ái, các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật đến những bài học làm người, giúp mọi người dần đi vào quỹ đạo chung của cộng đồng./.

Chú thích:
1. http://news.duytan.edu.vn
2. http://dantri.com.vn

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh & ThS. Nguyễn Đồng Minh
Học viện Hành chính Quốc gia