Luận bàn về văn hóa quyền lực

(QLNN) – Trước khi trao quyền lực, cơ quan và cá nhân được trao cần phải có nhận thức đầy đủ về văn hóa quyền lực. Chỉ khi thống nhất được các nhận thức cơ bản trên, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “giành chính quyền khó, giữ chính quyền khó hơn” –  Đó vừa là lý luận vừa là hành động, vừa là thực tiễn lại vừa là chân lý.

 

1. Lịch sử loài người chứng minh rằng, bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào cũng phải tham gia vào các quan hệ và đều bị chi phối bởi những quyền lực nhất định. Theo quan niệm của các trường phái tôn giáo thì, quyền lực xuất phát từ Đấng Tối Cao với những tên gọi khác nhau, phụ thuộc vào cách nhìn nhận của con người về vị thần này. Người Trung Quốc cổ đại nhìn nhận, quyền lực khởi nguồn từ Thượng đế, nhưng chỉ có vua (Hoàng đế) mới có quan hệ duy nhất được với những lực lượng siêu nhiên này nên tất cả thần dân trong thiên hạ phải phục tùng. Ở Ai Cập, Babilon và Ấn Độ lại khác, Thượng đế là khởi nguồn của quyền lực, nhưng đồng thời lại là người đứng đầu giải quyết các công việc trên trái đất. Còn người Hy Lạp lại quan niệm rằng, Thượng đế là người quản lý, cai trị trực tiếp và là người lập pháp.

Theo Thiên chúa giáo, tất cả quyền lực từ Thượng đế và mối liên hệ với đời sống thông qua con trai Ngài là Iisus Krist. Còn ở người Do thái cổ đại, niềm vinh quang và vua của họ là Thượng đế duy nhất sẵn có trong dân tộc Do thái. Các quan niệm trên đã nêu một phần của vấn đề quyền lực, đó là sức mạnh có thể điều khiển được mọi hiện tượng trong tự nhiên và xã hội nhưng lại không lý giải được thực chất của sức mạnh đó.

Quyền lực, theo cách hiểu chung nhất là quan hệ ý chí giữa con người với con người. Nó tồn tại ở bất kỳ xã hội nào và cần thiết cho tính hoàn chỉnh, thống nhất của xã hội, cho việc tổ chức sản xuất xã hội. Quyền lực có khả năng tác động nhất định đến hành động, hành vi của con người bằng một trong các phương pháp sau: ý chí, uy tín, quyền hành, vũ lực. Dấu hiệu đặc trưng của quyền lực là sự khống chế và chi phối ý chí.

Trong khoa học chính trị, có những định nghĩa sau về quyền lực: 1) Là 1 dạng đặc biệt của hành vi của chủ thể trên cơ sở khả năng làm thay đổi hành vi của những chủ thể khác; 2) Là sự đạt được mục đích nhất định; 3) Là khả năng sử dụng những phương pháp nhất định, trong đó có bạo lực; 4) Là dạng đặc biệt của quan hệ giữa người quản lý và người bị quản lý. Quyền lực tương ứng với trường hợp khi A (cá nhân, nhóm) có thể buộc B (cá nhân, nhóm) làm cái gì đó cho dù B không thể hay không muốn làm; 5) Là gây ảnh hưởng đến những người khác. Ảnh hưởng ở đây được hiểu là khả năng chủ thể buộc ai đó có hành động cần thiết cho mình; 6) Là khả năng huy động nguồn lực xã hội để đạt được mục đích đề ra; 7) Là khả năng thông qua quyết định của chủ thể nhằm điều chỉnh sự phân chia lợi ích trong những trường hợp xung đột.

Như vậy, dù cách tiếp cận hay phát biểu trên cơ sở của những định nghĩa khác nhau, nhưng quyền lực bao giờ cũng là mối quan hệ chỉ huy – phục tùng, gồm các yếu tố: quan hệ quyền lực có ít nhất 2 chủ thể; mệnh lệnh của người thực hiện quyền lực (Mệnh lệnh tương đương với đe dọa áp dụng biện pháp trừng phạt khi không tuân lệnh); phục tùng của người chịu chi phối của người có quyền, tức phục tùng mệnh lệnh. Mối quan hệ chỉ huy – phục tùng ấy có các đặc điểm: có tính bắt buộc, tính quy định; có tính cụ thể, tức X có quyền với Y về vấn đề A chứ không phải vấn đề B; có tính tình huống, tức phụ thuộc vào điều kiện mà nó được thực hiện và kết thúc ở đâu bắt đầu bạo lực.

Mặc dù trong bản thân quyền lực đã chứa đựng sự đe dọa áp dụng vũ lực hay bạo lực nhưng không có khả năng đảm bảo sự ủng hộ của tất cả mọi người. Quyền lực sinh ra cùng với quá trình xã hội, là sức mạnh có tính định hướng, nhưng đồng thời bản thân nó được nảy sinh bởi các lực lượng xã hội. Điều đó có nghĩa là, ở tư duy thông thường không có sự ủng hộ của các lực lượng xã hội và phục tùng của họ thì không thể có quyền lực. Tuy nhiên, thật khó tưởng tượng được một xã hội cấu thành từ những con người không phục tùng ai, không bị ảnh hưởng của người khác và bản thân cũng không gây ảnh hưởng với ai. Xã hội như vậy nói một cách nghiêm túc sẽ bị thủ tiêu. Như vậy, quyền lực là tất yếu.

2. Quyền lực trong nhận thức con người được thừa nhận chung, có nguồn gốc là sức mạnh. Những nguồn gốc khác của quyền lực có thể là sự giàu sang hay vị trí nào đó, sự hiểu biết, kinh nghiệm, những thói quen…. Đặc biệt và không hiếm gặp quyền lực được xuất hiện trong các tổ chức. Tổ chức đóng vai trò là môi trường cho sự hình thành những quan hệ, có khả năng động viên nguồn nhân lực và thúc đẩy việc thông qua các quyết định trong cuộc sống. Hơn thế, trách nhiệm, kinh nghiệm, kiến thức có ý nghĩa được thực hiện thông qua tổ chức đó là cái gì không thuộc sức mạnh của một người sẽ đạt được bằng những nỗ lực của tổ chức.

Sự phát triển của xã hội loài người suy cho cùng là cuộc đấu tranh giành quyền lực ở các mức độ thấp – cao, trong từng nhóm lợi ích hay trong cộng đồng, trong các tổ chức, giai cấp, ở địa phương hay trong phạm vi quốc gia. Quyền lực luôn có xu hướng mở rộng, do đó người ta thường say mê chiếm lĩnh quyền lực đến mức không kiểm soát được hành vi của mình. Điều đó nói lên rằng, con người có thể giành quyền lực bằng nhiều cách, song vấn đề then chốt của quyền lực lại nằm ở khả năng kiểm soát được các diễn biến xảy ra trong phạm vi hoạt động của cá nhân, tổ chức có quyền lực trong tay. Nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền rồi độc quyền hay nói cách khác, sử dụng quyền lực như thế nào là câu chuyện của văn hóa. Như vậy, sự hống hách, cậy quyền cậy thế, áp đặt  tư duy, lợi dụng chức quyền… đều là thứ quyền lực vô văn hóa.

Văn hóa là hệ thống những giá trị chi phối cách ứng xử và giao tiếp của một cá nhân, một cộng đồng, khiến cho cá nhân, cộng đồng ấy có những đặc thù riêng. Với cách hiểu như vậy, văn hóa đặc trưng cho những nhận thức, hành vi và hoạt động của con người trong từng lĩnh vực cụ thể, từng thời đại, cộng đồng, quốc gia hay một dân tộc. Văn hóa được nhìn nhận với 2 tư cách: Một là, trình độ hiểu biết về đối tượng, về lĩnh vực hoạt động; Hai là, giá trị được tiếp nhận biến thành nhu cầu và lối sống.

Ở trình độ hiểu biết, văn hóa biểu hiện qua học vấn, học thức, kinh nghiệm sống được tích lũy qua học tập và hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, văn hóa khác học vấn, học thức. Người có kiến thức, kinh nghiệm về một lĩnh vực nào đó chưa hẳn là người có văn hóa. Do đó, học vấn dù ở trình độ cao mới chỉ là cơ sở để hình thành văn hóa, nhất là văn hóa của người cán bộ, công chức. Khi xem xét văn hóa như là giá trị được con người tiếp nhận, lựa chọn, biến thành nhu cầu, lối sống là chúng ta nói đến sự chuyển hóa của tri thức thành tư tưởng, tình cảm, niềm tin và động lực của hành vi. Bước chuyển hóa này có sự thâm nhập sâu sắc giữa tri thức lý luận với kinh nghiệm thực tiễn. Học vấn và kinh nghiệm là chất liệu dẫn tới sự hình thành hành vi.

Trên thực tế, không một hành vi, hành động nào được xem là có ý nghĩa văn hóa, có giá trị văn hóa mà không dựa trên cơ sở của nhận thức khoa học. Lý trí đúng đắn, trí tuệ khoa học dẫn dắt hành vi và hành động của con người. Và bản chất của quá trình này là tự giác và sáng tạo.

3. Ở nước ta, chính quyền là chính quyền của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân… Và vì là chính quyền của nhân dân nên nhân dân có quyền xác lập ra các cơ quan nhà nước thông qua việc cử đại diện của mình. Các vị đại diện của dân, do dân cử ra chỉ là thừa ủy nhiệm của dân, chỉ là “công bộc của dân”, không được lầm lẫn sự ủy quyền đó với quyền lực cá nhân.

Chính quyền do dân lựa chọn bầu ra, được nhân dân ủng hộ giúp đỡ, nhân dân đóng thuế để chính quyền chi tiêu, duy trì hoạt động, do dân giám sát cho nên chính quyền phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát, kiểm tra của nhân dân. Vì lẽ đó, chính quyền phải là chính quyền vì dân. Chỉ có chính quyền thực sự của dân, do dân tổ chức xây dựng mới có thể là chính quyền vì dân. Chính quyền vì dân là chính quyền phục vụ lợi ích và nguyện vọng của dân, không có đặc quyền, đặc lợi, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, trong sạch vững mạnh. Nói cách khác, nhân dân giao một phần quyền lực của mình cho nhà nước và nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thông qua hoạt động quản lý của nhà nước đối với xã hội.

Vấn đề ở chỗ quyền lực đấy được sử dụng như thế nào để phát huy sức mạnh của nó, tạo niềm tin nơi nhân dân, khiến nhân dân tự giác thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đương nhiên, sức mạnh ấy chỉ được hình thành khi có đội ngũ cán bộ, công chức không những am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững các quy định của pháp luật mà còn có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc. Và quyền lực cần phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật. Tuyệt đối không có một thứ quyền lực nào đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật.

Ngoài ra, quyền lực còn phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Thiếu tướng Lê văn Cương trong cuộc tọa đàm “giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị” cho rằng: “Quyền lực không được giám sát thì quyền lực sẽ bị tha hóa. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ”. Đây là điều kiện tiên quyết của một xã hội dân chủ, văn minh. Chỉ có thứ quyền lực đen mới không tuân thủ những quy định đó.

Bên cạnh đó, “văn hóa quyền lực” là phải nhận thức được rằng, mọi quyền lực chỉ thực sự phát huy trong cuộc sống, khi và chỉ khi có được sự đồng thuận trong cộng đồng, trong nhân dân. Đồng thuận thực sự chứ không phải thứ “đồng thuận hình thức” – quy thuận, thuận theo do bị áp lực, do sợ hãi… đồng thuận xã hội là hình ảnh tốt đẹp và cụ thể của thể chế dân chủ. Cho nên, cần nói thêm: văn hóa quyền lực không phải chỉ là đòi hỏi của phía người không có quyền mà còn chính là nhu cầu tự thân của bản thân quyền lực. Bởi chính yếu tố này đã tạo điều kiện cho quyền lực phát huy. Và nếu xét trên bình diện đó, thì có thể khẳng định, văn hóa quyền lực còn quan trọng hơn quyền lực.

Chúng tôi cho rằng, trước khi trao quyền lực, cơ quan và cá nhân được trao cần phải có nhận thức đầy đủ về văn hóa quyền lực. Chỉ khi thống nhất được các nhận thức cơ bản trên, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “giành chính quyền khó, giữ chính quyền khó hơn” –  Đó vừa là lý luận vừa là hành động, vừa là thực tiễn lại vừa là chân lý.

    Tài liệu tham khảo:
1. Dzukova V.I., Kraxnova B.I. (chủ biên), Chính trị học đại cương và ứng dụng. NXB. Matxcova, 2001.
2. Lưu Kiếm Thanh, Phạm Hồng Thái (dịch), Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới. H. NXB Văn hóa thông tin, 2001.
3. Philatov M.N.,Svetenko A.C (chủ biên), Chính trị học, H. NXB Văn hóa và chính trị, Matxcova, 1996.
4. Quang Toản, Nguyễn Xuân Trường, Trần Công Hòa, Nguyễn Thị Mai Lan, Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tác phẩm mang tính lịch sử, H. NXB. Chính trị – Hành chính, 2012.

TS. Nguyễn Hoàng Anh
Học viện Hành chính cơ sở TP. Hồ Chí Minh