Những điểm sáng trong Hiến pháp 2013

(QLNN) – Một bản Hiến pháp tốt có khả năng dẫn dắt, làm cho một đất nước phát triển, vững mạnh. Ngược lại, một bản Hiến pháp tồi sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngay ở thượng tầng, dẫn tới một cuộc khủng hoảng niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc. Bản Hiến pháp mới có thật sự tiến bộ hay không, có thể đi vào cuộc sống được hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, cho mỗi người dân Việt Nam có lương tâm, có trách nhiệm, không thờ ơ trước vận mệnh của đất nước.

 

Ngày 01/01/2014, Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung 2013 chính thức có hiệu lực theo Lệnh của Chủ tịch nước và Nghị quyết của Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 6 ngày 28/11. Như một quy luật tất yếu, mỗi một văn bản được soạn thảo ra đều ít nhiều mang dấu ấn chủ quan của tác giả và Hiến pháp cũng không phải ngoại lệ. Nếu như bản Hiến pháp năm 1946 được đánh giá là một bản Hiến pháp mang đậm tính dân chủ thì không thể không nói đến sự ảnh hưởng của những người soạn thảo ra nó. Bảy người soạn thảo ra Dự án Hiến pháp đầu tiên (trong đó có chủ tịch Hồ Chí Minh) đăng trên báo Cứu quốc số 88, ngày 10/11/1945[1], đều là những trí thức Tây học, chịu tác động không nhỏ của nền văn hoá phương Tây, đặc biệt là các tư tưởng về dân chủ, tự do, về cách xây dựng các cơ quan hành chính…

Các bản Hiến pháp năm 1959 và năm 1980 lại là những bản Hiến pháp đặc thù của hệ thống xã hội chủ nghĩa khi mà những nhà lãnh đạo đất nước – những nhà soạn thảo ra Hiến pháp đã xác định được con đường để chèo lái dân tộc đi đến bến bờ vinh quang – quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1992 ra đời là một trong những sự thay đổi tạo điều kiện để phát triển đất nước. Được soạn thảo bởi những tác giả với tinh thần kiên định đi theo xã hội chủ nghĩa, sau gần 10 năm triển khai Hiến pháp năm 1992, vào những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể đặc biệt về kinh tế, từ năm 1992 đến năm 1997, tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức 8,08% – 9,54%[2].

Năm 2013, Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa mới của sự phát triển. Đánh dấu bằng việc Đại hội XI đã thông qua Cương lĩnh 2011, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, Hiến pháp 1992 cần phải sửa đổi để phù hợp với thời đại, đáp ứng nhu cầu cho sự đổi mới. Nối tiếp con đường xã hội chủ nghĩa của bản Hiến pháp hiện hành, ba mươi thành viên của Uỷ ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhìn nhận một cách đầy đủ và điều chỉnh những khó khăn, bất cập mà Việt Nam đã trải qua, bên cạnh đó, tiếp thu một cách có chọn lọc những tư tưởng tiến bộ trên thế giới. Nhìn vào bản Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2013, chúng ta có thể hy vọng, tin tưởng rằng khi đi vào cuộc sống, bản Hiến pháp sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực cho đất nước, bởi những điểm mới mẻ chính sau đây:

Lần đầu tiên Hiến pháp viết hoa hai chữ “Nhân dân” nhằm khẳng định bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

Đây là có thể xem như một trong những thay đổi đáng kể trong lần sửa đổi Hiến pháp này, thể hiện một lối tư duy mới, cách nhìn mới của các nhà lãnh đạo đối với vai trò của Nhân dân. Nhìn vào dòng chảy lịch sử, trước Cách mạng tháng Tám, từ “Nhân dân” chưa xuất hiện với nghĩa như ngày nay mà chỉ có những khái niệm “bá tánh”, “dân chúng”, “trăm họ”… với nghĩa hạn hẹp hơn. Từ “Nhân dân” gắn liền với Cách mạng, với cuộc giải phóng dân tộc, với việc xây dựng nền Cộng hoà Dân chủ của Việt Nam. Từ khi xuất hiện, hai chữ “Nhân dân” được sử dụng nhiều lần trong các văn bản chính thống của Đảng, Nhà nước, trong các tác phẩm nghệ thuật và ngay cả trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, mấy chục năm qua, “nhân dân” vẫn chỉ được nhìn nhận đơn thuần như một danh từ chung. Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi năm 2013, lần đầu tiên hai chữ “Nhân dân” được viết hoa, được coi là một danh từ riêng, được đưa lên một vị trí trang trọng, thiêng liêng hơn. Có thể khẳng định, hai chữ “Nhân dân” đã được ra đời thêm một lần nữa và lần này, dường như hai chữ ấy đang tồn tại, phát triển cùng với một thể chế mới, một chế độ mới – một chế độ “dựa hẳn vào dân, phát huy dân chủ, công khai minh bạch”[3].

Dưới góc nhìn lịch đại, đây không phải là một tư tưởng mới, bởi cách đây hơn năm thế kỷ, Nguyễn Trãi đã từng khẳng định: “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, hơn một trăm năm sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhấn mạnh “dân vi bản” nghĩa là dân là gốc của nước: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản. Đắc quốc ưng tri tai đắc dân”. Ta cũng bắt gặp tư tưởng ấy trong quan điểm của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu khi ông nói: “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Khó vạn điều dân liệu cũng xong”.

Tinh thần đề cao Nhân dân trong bản Hiến pháp mới lần này đã kế thừa truyền thống của dân tộc, lịch sử đã cho thấy, không một chế độ nào, không một thể chế nào có thể tồn tại và phát triển nếu xa rời Nhân dân. Rõ ràng, hai chữ “Nhân dân” được viết hoa hàm chứa nội dung sâu sắc về mặt chính trị – xã hội chứ không đơn thuần chỉ là chuyện ngôn từ, đó là một nhận thức, tình cảm, trách nhiệm mới đối với Nhân dân, như Hồ Chí Minh đã từng dặn dò, nhắc nhở mỗi chúng ta từ buổi đầu lập quốc: “… Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Lý thuyết phân quyền được đưa vào trong việc quản lý quyền lực nhà nước thể hiện rõ chức năng cơ bản của Hiến pháp – giới hạn quyền lực nhà nước

Một bản Hiến pháp đúng, chuẩn là mong muốn của chúng ta khi lập hiến hay trong những lần sửa đổi, bổ sung. Muốn thực hiện được điều đó, nhất định cần phải có “chủ nghĩa Hiến pháp” – những lý luận cần thiết khi thiết lập và là cơ sở để sửa đổi Hiến pháp đúng nghĩa. Trọng tâm của “chủ nghĩa Hiến pháp” là giới hạn quyền lực nhà nước, chống lại sự độc quyền quyền lực, từ đó tạo nền tảng bảo vệ quyền lợi đáng có của dân. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử lập hiến, lập pháp của nước ta, những yêu cầu này chưa được nhìn nhận một cách đúng mực, chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chưa có chủ trương cụ thể.

Tuy nhiên, nếu như trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi 2001, chúng ta mới thừa nhận những hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền – cốt lõi của kiểm soát quyền lực thì ở lần sửa đổi này, điều đó đã được thể hiện rõ nét hơn trong Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hai chữ “kiểm soát” xuất hiện trong Điều 2, Hiến pháp lần này là một điều mới mẻ, tiến bộ vượt bậc. Bởi lẽ, kiểm soát quyền lực gắn chặt với mục đích bảo vệ lợi ích của người dân. Về bản chất, đó là tinh thần dân chủ của một bản khế ước xã hội, người dân trao cho nhà nước quyền, chức vụ, thì họ phải có cơ sở để kiểm soát quyền của nhà nước. Nếu không, những tài nguyên đáng lẽ phải được dùng để phục vụ cho người dân lại bị thất thoát nhằm làm lợi cho một thế lực quyền lực nào đó thông qua quyết định của cơ quan nhà nước mà ta không sao kiểm soát được.

Hơn nữa, hoạt động nhà nước là một hoạt động phức tạp, do nhiều người đảm nhiệm, chỉ sự phân công, phối hợp là chưa đủ, chúng ta cần cả sự giám sát, kiểm tra để tránh tình trạng ỷ lại lẫn nhau theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Sự xuất hiện của hai chữ “kiểm soát” cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã nhận ra được những ưu thế của hệ thống pháp luật thế giới, kết hợp với đặc điểm của nền chính trị Việt Nam, vận dụng và phát huy những điều ấy để tạo ra một môi trường dân chủ, công khai minh bạch.

Hoạt động của một trong ba cành quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp luôn chịu sự giám sát của hai cành quyền lực còn lại là tiền đề cho hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần phải thấy rằng, yếu tố kiểm soát quyền lực đem tới cho các cành quyền lực một sự độc lập cần thiết – một điều hết sức quan trọng đặc biệt đối với tư pháp. J.Madison khi soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 đã từng nhận định: “Chính phủ không phải là những thiên thần nên cũng có thể mắc sai lầm”, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước chính là một cách để hạn chế những sai lầm ấy!

Quyền con người được nhìn nhận với một vai trò cao hơn, xác định lại mối quan hệ giữa nhà nước với con người

Một trong những bước tiến quan trọng và rõ nét nhất của Hiến pháp sửa đổi là đề cao nhân quyền như tổng hoà quyền con người và quyền công dân; đồng thời xác lập trách nhiệm đảm bảo những quyền đó được thực hiện trên thực tế của Nhà nước. Theo Hiến pháp sửa đổi, khái niệm quyền con người đã được thêm vào cùng với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa lên Chương II (thay vì Chương V như trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi 2001). Sự thay đổi này có thể nói là không mới nhưng là một sự cần thiết, chương về quyền con người, quyền công dân quay về với vị trí cũ như đã từng được hiến định trong Hiến pháp năm 1946. Chương II, sau chương về chính thể cũng là chương về quyền con người trong Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, theo đúng ý nghĩa cơ bản của Hiến pháp cổ điển: giới hạn quyền lực nhà nước (Chương I trong Hiến pháp về chính thể, quy định cách tổ chức nhà nước) và bảo vệ quyền con người (Chương II trong Hiến pháp về quyền).

Cần phải giải thích rằng, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực có chế độ chính trị phong kiến dài và sau đó là chế độ thuộc địa của các đế quốc thực dân, nên Việt Nam không có một nền lập hiến cũng như không có nhân quyền như nhiều nước phương Tây. Khi Việt Nam còn đang phải đấu tranh để thoát khỏi cảnh nô lệ thì các nước phương Tây đã trở thành các nước văn minh dân chủ. Họ có cả nhân quyền và Hiến pháp. Vì vậy, trong cả một thời kỳ dài, nhân quyền ở Việt Nam chưa được xem xét một cách đầy đủ, lần lượt các mục tiêu về độc lập rồi về kinh tế, văn hoá, giáo dục… đã vô tình khiến chúng ta đặt các vấn đề nhân quyền ở vị trí thứ yếu. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của dân tộc, nhân quyền đã được nhìn nhận đúng với giá trị đích thực của nó và đánh dấu bằng sự thay đổi trong Hiến pháp.

Không dừng lại ở việc thay đổi vị trí trong Hiến pháp, cách hiến định quyền con người cũng là một điểm nhấn quan trọng trong Hiến pháp sửa đổi. Trong Hiến pháp cũ, nhiều quy định về quyền được diễn đạt với chủ thể ban hành quyền là Nhà nước (Nhà nước bảo hộ, Nhà nước tạo điều kiện, Nhà nước quy định, Nhà nước có chính sách,…) nhiều trường hợp dẫn tới việc hiểu sai mối quan hệ giữa Nhân dân và Nhà nước có nghĩa là Nhà nước phải quy định thì Nhân dân mới có quyền. Sự hiểu lầm ấy đã được xoá bỏ trong Hiến pháp sửa đổi, với chủ thể của đa số các quy định về quyền là công dân. Quyền con người quay lại đúng nghĩa của nó là quyền tự nhiên, những quyền bẩm sinh không ai có thể xâm phạm được.

Quyền và giới hạn quyền có thể được xem như hai mặt của một tấm huân chương, cũng như Nhà nước, Nhân dân cần quyền và cũng cần phải bị giới hạn quyền, bởi lẽ, như ngạn ngữ của Hi Lạp: summum jus, summa injuria –  tự do quá trớn sẽ tạo ra bất công. Tuy nhiên, sự giới hạn quyền con người phải có sự hợp lý nhất định nhằm không làm mất tự do của con người và điều kiện cốt yếu nhất để đạt được sự hợp lý ấy đó là các điều kiện của sự giới hạn cần phải được đặt ra một cách cụ thể, rõ ràng. Hiến pháp sửa đổi đã làm được điều này khi định rõ, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng”. Hiến pháp mới đã khắc phục thiếu sót trong lĩnh vực giới hạn quyền con người, điều mà những bản Hiến pháp trước đây chưa làm được.

Hiến pháp là luật gốc, là đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia, mang tính tối cao, chính vì thế loại văn bản này đồng nghĩa với việc sửa đổi không hề đơn giản. Càng có sức sống lâu bền thì hiệu lực của Hiến pháp lại càng có sức mạnh. Tuy nhiên, cuộc sống luôn thay đổi một cách khách quan, sự thay đổi về cơ sở hạ tầng nhất định kéo theo sự đổi thay về kiến trúc thượng tầng, Hiến pháp cũng cần phải thay đổi để phù hợp với sự vận động của xã hội. Việc sửa đổi có thể là cơ bản hoặc từng bước đối với những quy định mất hiệu lực pháp lý, là lực cản đối với sự phát triển của quốc gia, không thể hiện quy luật khách quan của chủ nghĩa Hiến pháp.

Cho đến nay, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung 2013 mới đi vào cuộc sống trong khoảng thời gian chưa đầy một năm, chưa đủ để chúng ta có thể nhìn thấy những hiệu quả hay những thách thức mà bản Hiến pháp đem lại. Thời gian luôn là một vị quan toà công tâm và thông thái nhất, hãy để thời gian trả lời cho câu hỏi liệu bản Hiến pháp mới có thật sự tiến bộ hay không, có thể đi vào cuộc sống được hay không? Nhưng với những điểm mới đã nêu, chúng ta có thể thấy rõ rằng, bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 được Quốc hội thông qua đã thể hiện quan điểm đổi mới cũng như quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng tới một đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Chú thích:
1. Đặng Thanh Xuân (Phan Đăng Thanh), Tư tưởng lập hiến thế kỷ XX và sự ra đời Hiến pháp đầu tiên ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ lịch sử, năm 2003.
2. Trần Thị Minh Châu, Hiến pháp năm 1992 và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Tạp chí Cộng sản, số ngày 07/6/2012.
3. Nguyễn Quốc Sửu, Để nghị quyết Trung ương 4 khoá XI được thực hiện thắng lợi: Phải dựa hẳn vào dân và công khai minh bạch, http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 26/10/2012.

TS. Nguyễn Quốc Sửu
Học viện Hành Chính Quốc gia