Tái cơ cấu ngân hàng là một phần của tái cơ cấu nền kinh tế

(QLNN) – Cương lĩnh Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu rõ định hướng: “thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành xản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức”.

 

Cương lĩnh Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu rõ “thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế” và “chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền”…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XI, Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực “nóng và trọng điểm”, có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế, đó là; tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Như vậy, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc lại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, trong đó có hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính là chủ trương nhất quán từ đầu năm 2011 đến nay của Đảng và Nhà nước.

Thực ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 cũng có thể là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế nhằm “loại bỏ” hay thu hẹp những lĩnh vực không đủ sức cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khả năng dự báo có thể “chưa trúng và chưa kịp thời”, do vậy nền kinh tế tiếp tục có những khó khăn mới và đến nay xu thế tái cơ cấu nền kinh tế mới được quyết định. Đây là quyết định vô cùng cần thiết và không thể đảo ngược.

Chủ trương cơ cấu lại hệ thống các TCTD là do yêu cầu cần khắc phục những tồn tại, yếu kém và là đòi hỏi trong giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế. Cơ cấu lại hay đổi mới liên tục hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung trong một nền kinh tế đang phát triển là nhằm tạo thêm xung lực mới cho phát triển.

Nhiệm vụ trọng tâm sẽ là thực hiện lành mạnh hóa hệ thống tài chính nhằm xử lý nợ xấu, bảo đảm mức độ vốn theo quy định pháp luật và thay đổi cấu trúc của bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, bền vững hơn. Ngoài ra, các ngân hàng phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Yêu cầu tái cấu trúc NH đã từng được thực hiện trong giai đoạn 2001-2006 và một lần nữa được đặt ra trong bối cảnh kinh tế biến động năm 2008. Khi đó, đã có yêu cầu tăng vốn pháp định của NH tối thiểu lên mức 3.000 tỉ đồng nhưng cơ hội lại bỏ lỡ. Bên cạnh việc lập nhóm G12+1 (gồm 12 NH lớn, chiếm 85% thị phần) để nhóm họp, trao đổi hoạt động nghiệp vụ, NH Nhà nước cần làm việc trực tiếp với các NH thương mại nhỏ để giúp các NH này xử lý khó khăn thanh khoản tạm thời bằng các biện pháp tái cấp vốn.

Đồng thời, tuyên bố rõ chủ trương sẽ yêu cầu NH yếu kém buộc phải sáp nhập hoặc mua lại, giải quyết dứt điểm tình trạng dây dưa như hiện nay. Tuy nhiên, việc sáp nhập NH không phải việc dễ làm. Muốn sáp nhập NH, cần “khám sức khỏe” tổng thể để phân loại các NH, nếu có khả năng quản lý rủi ro thì có thể được hỗ trợ tiếp tục phát triển, cho sáp nhập nhiều NH nhỏ với nhau để thành NH lớn hơn hoặc cho sáp nhập vào NH lớn. Đối với các NH quá yếu, không cứu chữa được, có thể mạnh dạn cho phá sản, giải thể theo luật, không nên né tránh.

Về hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hiện nay tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán. Lĩnh vực ngân hàng còn có Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng.

Trên cơ sở các văn pháp có liên quan, ngày 11/02/2011 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra bốn quan điểm tái cấu trúc hệ thống – nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những năm tới đó là:

“Không phân biệt quy mô của ngân hàng nhưng vấn đề quan trọng nhất là ngân hàng đang tồn tại phải hoạt động an toàn, lành mạnh và có hiệu quả”.

Trong 5 năm tới, củng cố, chấn chỉnh và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng, để cùng với tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, nhằm thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém và phát triển hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, có hiệu quả trên cơ sở năng lực tài chính và quy mô hoạt động đủ lớn, hệ thống quản trị, công nghệ ngân hàng tiên tiến.

Việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng là xu hướng tất yếu khách quan hiện nay để nâng cao khả năng cạnh tranh. Sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, màng lưới phân phối… Do đó, xu hướng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng có thể xảy giữa các ngân hàng lớn với nhau, giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng nhỏ với nhau.

Nguyễn Ngọc Bảo
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Việt Nam