Trách nhiệm xã hội gắn với thực thi chiến lược phát triển của doanh nghiệp

(QLNN) – Trách nhiệm xã hội (TNXH) là một khái niệm còn tương đối mới với các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam. Nhìn chung, các nhà khoa học Việt Nam khi sử dụng khái niệm TNXH thường định nghĩa: là cam kết của công ty đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho cả công ty cũng như phát triển chung của xã hội.

Các DN có thể thực hiện TNXH của mình bằng cách đạt một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ qui tắc ứng xử (Code of Conduct – CoC). Nhưng TNXH là nghĩa vụ mà một DN phải thực hiện đối với xã hội, có TNXH là tăng đến mức tối đa các tác dụng tích cực và giảm tối thiểu các hậu quả tiêu cực đối với xã hội.

Lợi ích của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Thực tế đã chứng minh, nếu DN triển khai thực hiện TNXH một cách nghiêm túc sẽ có tác dụng tích cực về nhiều mặt đối với DN.

Một là, TNXH sẽ góp phần quảng bá và phát triển thương hiệu cho DN. Thực hiện tốt TNXH, có chiến lược phát triển các hoạt động hợp lí và dài hạn sẽ là một trong những yếu tố góp phần nâng cao uy tín và vị thế của DN trong thị trường và trong tiềm thức của người tiêu dùng.

Hai là, việc thực hiện TNXH trong DN luôn gắn với hiệu quả trong công tác quản trị nhân sự của DN: đảm bảo chế độ lương bổng, đảm bảo an toàn lao động, tăng cường sự tự do hiệp hội,… qua đó, có tác dụng kích thích tính sáng tạo của người lao động. Tăng chất lượng cuộc sống và cải thiện sức khoẻ cho người lao động và gia đình họ. Thu hút được lao động giỏi. Tạo động lực làm việc cho người lao động. Giảm tỉ lệ nhân viên thôi việc. Cải tiến liên tục trong quản lý và trong việc nâng cao năng suất, chất lượng lao động, cải tiến mẫu mã hàng hoá. Và như vậy, nâng cao hiệu quả công việc trong toàn DN, chính là để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho DN.

Ba là, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi thực hiện thành công hệ thống TNXH của mình, uy tín và vị thế của DN sẽ được nâng cao trong quan hệ với khách hàng và các đối tác. Giúp DN tiết kiệm được chi phí từ việc ứng dụng các kỹ thuật giảm thiểu chất thải, quản lí có hiệu quả các nguồn tài nguyên trong DN và điều này có thể giúp DN có được lợi thế cạnh tranh về giá. Tạo ra ưu thế, khác biệt hoá trong cạnh tranh. Tạo thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Xoá bỏ một số rào cản thương mại khi DN tham gia vào các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,…

Bốn là, việc thực hiện TNXH sẽ giúp DN phát triển theo hướng bền vững. Thông qua việc áp dụng tốt các qui tắc ứng xử (Code of Conduct – CoC) hoặc xây dựng thành công hệ thống quản lí theo các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với hoạt động của DN. Chẳng hạn các DN ngành dệt may, da giày thường xây dựng hệ thống TNXH theo tiêu chuẩn SA 8000, tạo ra nhiều lợi ích trong quản trị nguồn nhân lực; các DN ngành thuỷ sản, chế biến thực phẩm thì xây dựng và thực hiện hệ thống quản lí của mình theo tiêu chuẩn ISO 22000, tạo ra sự ổn định, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng tới sức khoẻ cộng đồng; các DN công nghiệp nặng xây dựng hệ thống quản lí của mình theo tiêu chuẩn ISO 14000 nhằm bảo vệ môi trường cũng như hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường sống xung quanh khu vực sản xuất của DN,…

Tác động của trách nhiệm xã hội với thực thi chiến lược phát triển của doanh nghiệp

Tất cả các nhà quản trị, với những trải nghiệm bản thân và những gì học hỏi được từ thực tế, từ các thông tin trên báo chí kinh tế, thừa nhận rằng, TNXH của DN là một nhân tố quan trọng đóng góp (hoặc cản trở) việc thực hiện chiến lược một cách thành công. Những niềm tin, mục tiêu và những thói quen được áp dụng trong một chiến lược có thể tương thích hoặc không tương thích với hệ thống TNXH của DN. Khi chúng không tương thích, DN thường gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng một cách thành công các chiến lược. Nếu chiến lược với TNXH tương thích, gần gũi sẽ tạo động lực, khuyến khích mọi thành viên trong DN phát huy tối đa năng lực bản thân, tạo ra những hỗ trợ cần thiết cho chiến lược, nâng cao hiệu quả và sức mạnh của việc thực thi chiến lược.

Một hệ thống TNXH tương thích với việc thực thi chiến lược phát triển của DN sẽ tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thành các mục tiêu chiến lược cũng như định hướng phát triển của DN. Ta có thể thấy, khi lựa chọn, xây dựng và thực hiện thành công những qui tắc ứng xử hay một tiêu chuẩn phù hợp với hoạt động thực tế của DN, điều này đồng nghĩa với việc DN đã củng cố, nâng cao được thế mạnh của mình về nguồn nhân lực, hệ thống quản lí, tinh thần làm việc, văn hoá DN đây cũng chính là những yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công của thực thi chiến lược.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định ngay rằng, việc thực hiện TNXH của DN không lành mạnh hoặc không triệt để, đúng hướng có thể làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của một DN. Điều này cho phép những người lãnh đạo có ảnh hưởng lớn, được điều hành công việc hoàn toàn theo ý mình và không tiến hành những thay đổi cần thiết trong việc thực hiện TNXH.

Những chính sách về TNXH bị điều chỉnh như vậy, sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết mang tính hình thức. Như vậy, DN sẽ chỉ giữ một vai trò phụ và chịu ảnh hưởng của cá nhân và lúc này TNXH sẽ trở thành công cụ phục vụ lợi ích cá nhân chứ không còn giữ được định hướng vì cộng đồng và sự phát triển bền vững nữa.

Thêm một đặc điểm không lành mạnh khi thực hiện TNXH của DN đó là, do nhận thức về khái niệm TNXH còn hạn chế. Nhận thức về lợi ích thực tiễn của việc thực hiện TNXH của DN cũng như nhận thức về luật lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động còn chưa đầy đủ, chưa thấu đáo dẫn đến việc thực hiện TNXH không triệt để, không tạo được hiệu quả, gây lãng phí tiền của, thời gian và làm chậm tiến trình thực thi chiến lược phát triển chung của DN.

Tạo ra sự phù hợp giữa trách nhiệm xã hội với thực thi chiến lược.

Trách nhiệm của những nhà hoạch định chiến lược là phải lựa chọn một chiến lược tương xứng với những phần “thiêng liêng” hay không thể thay đổi được của văn hoá DN nói chung và TNXH của DN nói riêng. Nhiệm vụ của nhà thực hiện chiến lược, là khi một chiến lược được lựa chọn thì phải thay đổi bất cứ khía cạnh nào nếu ngăn cản việc thực thi chiến lược thành công. Việc xây dựng TNXH của DN kết hợp với thực thi chiến lược là một trong số những nhiệm vụ khó khăn nhất của nhà quản trị.

Bước đầu tiên là phải tìm ra khía cạnh nào trong hệ thống TNXH hiện tại sẽ hỗ trợ cho chiến lược đó. Sau đó, các nhà quản trị phải trình bày cởi mở, thẳng thắn những vấn đề liên quan tới những khía cạnh cần được thay đổi trong TNXH. Phương án phải được trình bày bằng những hành động cụ thể, rõ ràng và sinh động để thay đổi TNXH – những hành động mà mọi người đều hiểu rằng chúng hướng tới mục đích xây dựng một hệ thống TNXH mới phù hợp với chiến lược.

Các hành vi quản trị nhằm thắt chặt sự phù hợp về mặt chiến lược sử dụng TNXH cần mang cả tính tượng trưng và thực sự. Các hành động tượng trưng là những dấu hiệu cho thấy đó là hành vi hay hoạt động mà các nhà thực thi chiến lược mong muốn khuyến khích.

Những hành động tượng trưng quan trọng nhất là các hành vi mà các nhà quản trị cấp cao nhất tiến hành để coi như những khuôn mẫu quản trị – dẫn đầu những nỗ lực làm giảm chi phí bằng việc giảm bớt những đặc quyền, đặc lợi cho các nhà quản trị, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc đáp ứng các nhu cầu của khách hàng bằng việc yêu cầu tất cả các nhân viên và cán bộ quản trị dành những khoảng thời gian tương đối nhiều trong tuần để nói chuyện với khách hàng, tìm hiểu những nhu cầu của họ; và những nỗ lực đầu tiên để thay đổi những chính sách và các thói quen làm việc bị coi là những vật cản trong việc thực hiện chiến lược mới.

Một loạt các hành động tượng trưng bao gồm việc tổ chức các sự kiện, các buổi lễ để bổ nhiệm và tuyên dương những người đã có các hành động tiêu biểu cho những gì mà các nhà quản trị đang kêu gọi thực hiện trách nhiệm của mình. Rất nhiều DN có các giải thưởng cho nhân viên tiêu biểu trong tháng như: Công ty mỹ phẩm Mary Kay trao một loạt những phần thưởng – từ ruy băng đến xe hơi sang trọng – cho những nhân viên tư vấn làm đẹp của họ đã đạt được những mục tiêu về doanh thu khác nhau. Có DN chuyển hẳn trụ sở DN sang nơi khác có vị trí đẹp hơn và điều kiện tốt hơn trụ sở cũ và coi đây là cách nhanh nhất để phổ biến thông điệp.

DN cần lựa chọn những nội dung trong các bộ qui tắc ứng xử và lựa chọn những tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện và hoạt động thực tế của mình để tiến hành xây dựng và gắn với chiến lược phát triển của DN theo từng giai đoạn cụ thể. Điều này đã được một số DN tại Việt Nam thực hiện.

Ta có thể xem xét qua ví dụ về việc gắn TNXH với thực thi chiến lược tại Công ty cổ phần May 10 – Tổng Công ty dệt may Việt Nam.

Để thực hiện chiến lược: “Trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở củng cố và phát triển thương hiệu May 10”. Công ty cổ phần May 10 đã xây dựng và thực hiện một số chính sách về TNXH đó là: (1) Thỏa mãn nhu cầu và mong đợi của khách hàng;(2) Tăng cường tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của Công ty; (3) Đảm bảo môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp; (4) Vì lợi ích của mỗi thành viên và cộng đồng; (5) Xây dựng Công ty trở thành một điển hình văn hóa DN.

Đồng thời, để tăng cường vị thế trên thương trường và gắn với chiến lược xuất khẩu các sản phẩm May 10 sang thị trường Mỹ và các nước EU, Công ty đã thực hiện thành công các bộ tiêu chuẩn về: hệ thống quản lí chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9.000; hệ thống quản lí môi trường phù hợp tiêu chuẩn ISO 14.000 và hệ thống TNXH phù hợp tiêu chuẩn SA 8.000. Với những chứng chỉ về hệ thống quản lí phù hợp 03 tiêu chuẩn này, các sản phẩm May 10 thực sự đã tạo được rất nhiều lợi thế để vượt qua các rào cản thương mại tại thị trường Mỹ và các nước EU.

Như vậy, chúng ta có thể thấy, nhiệm vụ của việc làm cho TNXH trở thành yếu tố hỗ trợ cho chiến lược phát triển của DN, hay nói cách khác là gắn TNXH với thực thi chiến lược không phải việc dễ dàng và khó có thể làm được trong một sớm một chiều.

Quy mô của DN càng lớn thì càng cần nhiều thời gian để tạo ra sự gắn kết giữa TNXH và thực thi chiến lược. Vì vậy, các DN Việt Nam cần nghiên cứu và có những định hướng đúng đắn về chiến lược TNXH của mình trong chặng đường sắp tới nhằm hướng vào việc thực thi chiến lược phát triển DN một cách hiệu quả và bền vững.

ThS. Phạm Việt Thắng
Đại học Kinh tế quốc dân