Tự học từ kinh nghiệm để nâng cao năng lực giảng dạy

(QLNN) – Từ kinh nghiệm tự học của bản thân qua nhiều năm trong nghề nhà giáo, tác giả bài viết chia sẻ kinh nghiệm tự học với hy vọng giúp ích được phần nào cho các bạn trẻ – những người muốn luôn tự hoàn thiện mình để thành công trong sự nghiệp “trồng người” .

Chu trình tự học từ kinh nghiệm

Học từ việc tự trải nghiệm (để có kinh nghiệm) là một quá trình và giống như tất cả các quá trình khác, nó có thể được chia nhỏ thành từng giai đoạn. Bạn hãy tưởng tượng về một chu trình học tập sinh động từ kinh nghiệm với 4 bước như sau:

Giai đoạn 1: Trải nghiệm (Có kinh nghiệm).

Có hai cách để có được kinh nghiệm. Một là kinh nghiệm tự đến với bạn một cách tình cờ và bạn chỉ thụ động phản ứng và cách khác là bạn có ý thức tự trải nghiệm để có kinh nghiệm một cách chủ động. Việc học tập tập nâng cao trình độ của bạn sẽ hiệu quả hơn khi bạn thường xuyên bổ sung kinh nghiệm mới qua những trải nghiệm do bạn chủ động tạo nên. Ví dụ, khi tham dự các buổi giảng của đồng nghiệp hoặc các thầy cô khác, bạn nhận thấy các buổi học này không hấp dẫn, thụ động và  buồn tẻ. Nếu bạn muốn, đây chính là cơ hội tốt để  bạn học. Bạn hãy thử thực hiện bài giảng của mình theo cách hoàn toàn khác và trải nghiệm những khó khăn, thành công, thất bại của những gì bạn thực hiện.

Giai đoạn 2: Suy ngẫm về kinh nghiệm.

Nếu bạn muốn học từ kinh nghiệm thì điều quan trọng sống còn là bạn phải luôn suy ngẫm về những gì xảy ra trong khi bạn trải nghiệm thực tiễn. Đối với việc thực hiện bài giảng không theo cách mà đồng nghiệp của mình thực hiện bạn có thể  suy ngẫm về sự khác nhau mà bạn đã thực hiện và kết quả/hậu quả do sự thay đổi đem lại. Bạn cũng có thể so sánh chúng với những điều bạn quan sát được khi tham dự một buổi giảng thành công và thất bại nhất. Hãy thử làm, bạn sẽ phát hiện được nhiều điều bổ ích và thú vị.

Giai đoạn 3: Rút ra kết luận từ việc suy ngẫm về kinh nghiệm (điều đã trải nghiệm).

Giai đoạn kết luận bao gồm việc phân tích cụ thể và tỉ mỉ những “nguyên liệu thô” từ giai đoạn trước để rút ra kết luận, tìm kiếm các câu trả lời cho những điều chưa biết hoặc rút ra các bài học. Các kết luận càng cụ thể càng có ích nhiều cho việc học tập của bạn.

Ví dụ, sau khi trải nghiệm việc áp dụng các cách thực hiện bài giảng, được rút kinh nghiệm từ người giỏi nhất và dở nhất, bạn “phát hiện” được điều gì cho bản thân như: Việc sử dụng các tình huống gây hài hước là rất hiệu quả nhưng có thể chỉ hợp với một số người mà  không hợp với bạn; Việc sử dụng cách “đá quả bóng” sang sân học viên để họ tự giải quyết vấn đề là một kinh nghiệm hay nhưng nếu bạn không có khả năng kiểm soát tình huống và có được câu trả lời tự tin của riêng bạn, chắc chắn bạn sẽ thất bại; Việc sử dụng trò chơi có thể thành công ở lớp này nhưng lại thất bại ở lớp khác; Cách xưng hô ở lớp này là “anh, chị” thì được hoan nghênh nhưng ở lớp khác thì chưa chắc!; Cách đặt vấn đề trực tiếp ở lớp này thì thành công những ở lớp khác thì không chắn chắn lắm,…

Sau các kết luận cụ thể theo kiểu như vậy, bạn phải làm một việc khó khăn hơn: đó là trả lời câu hỏi tại sao? Việc tìm kiếm các câu trả lời giúp bạn đến được với những kết luận có giá trị “chất xám” cao hơn những kết luận đã có trước đó.

Ví dụ, để trả lời câu hỏi tại sao việc sử dụng trò chơi có thể thành công ở lớp này những lại thất bại ở lớp khác, ít nhất,  bạn phải xác định được, các loại trò chơi phù hợp với từng loại chủ đề; loại đối tượng học viên thích va phản ứng tích cực với trò chơi; thời lượng thích hợp để áp dụng trò chơi thành công; hoặc cách đưa ra kết luận sau trò chơi để học viên cảm nhận được lợi ích của trò chơi…Chính việc tìm kiếm câu trả lời giúp bạn tự học một cách hiệu quả nhất.

Giai đoạn 4: Lập kế hoạch hành động cho những bước tiếp theo giúp bạn tự hoàn thiện mình.

Giai đoạn lập kế hoạch chính là giai đoạn bạn phải biến các kết luận (mà khó khăn lắm bạn mới có được!) thành hành động cụ thể để cải tiến cách thực hiện bài giảng của mình. Bạn nên sắp xếp các hoạt động theo những tiêu chí rất cụ thể (tất nhiên là do bạn tự quyết định!), ví dụ: Theo mức độ dễ/khó: việc nào dễ, có thể làm ngay mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài; Theo mức độ khẩn cấp, có thể cứu nguy cho những thất bại bạn đang “mắc phải”; Theo mức độ quan trọng vì liên quan trực tiếp đến chất lượng bài giảng của bạn; Theo mức độ cần thiết về thời gian,…

Học tập là một quá trình liên tục trải nghiệm và cải tiến

Bốn giai đoạn trong quá trình học tập từ kinh nghiệm phụ thuộc lẫn nhau. Không có giai đoạn nào thực sự có nghĩa, hoặc đặc biệt có ích nếu tách biệt khỏi những giai đoạn khác.

Trong thực tế, bạn có thể bắt đầu học ở bất kỳ giai đoạn nào trong chu trình và biến nó thành điểm khởi đầu của các giai đoạn sau. Bạn có thể, ví dụ, bắt đầu việc học từ giai đoạn thứ 2 bằng việc có được một thông tin nào về phương pháp giảng dạy mới, bạn cân nhắc, phân tích đề đưa ra những kết luận về điều kiện áp dụng thành công và những yêu cầu mà bạn cần đạt được ở giai đoạn 3 và bạn quyết định xem bạn cần làm gì để áp dụng thành công phương pháp giảng dạy đó ở giai đoạn 4.

Mặt khác, bạn cũng có thể bắt đầu việc học của mình từ giai đoạn 4 với việc lập kế hoạch cho việc áp dụng những thay đổi trong phương pháp giảng dạy. Việc thực hiện kế hoạch giúp bạn trải nghiệm và giai đoạn tiếp theo sẽ là suy ngẫm, phân tích cách mà bạn đã áp dụng, rút ra những bài học cho bản thân và lập kế hoạch cho các bước tiếp theo để tiếp tục cải tiến làm cho việc áp dụng phương pháp mới của bạn ngày càng thành công.

Một số lỗi cần tránh khi bạn áp dụng chu trình học tập từ kinh nghiệm

Bốn giai đoạn học tập phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau tạo nên một chu trình học tập trọn vẹn mà không có giai đoạn nào hiệu quả một cách đầy đủ nếu chỉ đứng riêng một mình. Tất cả các giai đoạn đều có vai trò quan trọng như nhau, mặc dầu thời gian giành cho mỗi giai đoạn không hoàn toàn giống nhau.

Trong thực tế, có nhiều người phát triển việc học tập với sự “thiên vị” một giai đoạn nào đó hơn các giai đoạn còn lại. Sự “thiên vị” này sẽ làm “méo mó” quá trình học tập. Thực tế đã chứng minh rằng việc làm cho một giai đoạn trở thành trọng tâm sẽ làm mất đi ý nghĩa của các giai đoạn khác. Sau đây là một số ví dụ điển hình:

– Sự “thiên vị” đối với giai đoạn Trải nghiệm: Có nhiều người cho rằng có nhiều kinh nghiệm cũng đồng nghĩa với việc học tập và họ tỏ ra thích thú đối với các hoạt động để trải nghiệm.  Tuy nhiên, khi đã có kinh nghiệm mà bỏ qua các giai đoạn tiếp theo bạn sẽ không học được điều gì đó căn bản để đổi mới một cách “bền vững”!

– Sự “thiên vị” đối với giai đoạn Xem xét lại kinh nghiệm:  Một số người có xu trì hoãn việc đưa ra những kết luận làm cơ sở cho thực hiện kế hoạch hành động. Họ mong thu thập được nhiều thông tin và phân tích đến “tê liệt” những trải nghiệm đã qua.  Khi không hành động, chắn chắn bạn sẽ chẳng học được điều gì mới!

– Sự “thiên vị” đối với giai đoạn Kết luận: Cũng có một số người có xu hướng “nhảy cóc” đến giai đoạn kết luận bằng việc tìm cách vượt qua giai đoạn xem xét lại kinh nghiệm. Khi vội vã, các kết luận có thể sai và không thể là căn cứ giúp bạn hành động để tự hoàn thiện mình!

– Sự “thiên vị” đối với giai đoạn Lập kế hoạch cho các bước tiếp theo: giống như việc bạn “chộp”  lấy phương hướng hành động và thực hiện nó mà không cần có sự phân tích cần thiết. Điều này dẫn đến xu hướng hành động để nhận được “kết quả nhanh” và chắc chắn bạn sẽ phải hối tiếc khi phải bắt đầu quá trình học tập của mình bằng việc trải nghiệm những thất bại mới.

Nhật ký học tập

Với giả thuyết rằng bạn có một trải nghiệm từ việc tham dự giờ giảng hay/dở hoặc việc thực hiện một bài giảng thành công/thất bại và từ đó bạn thực sự muốn tự học để nâng cao năng lực giảng dạy. Lúc này, việc ghi Nhật ký học tập sẽ giúp bạn: Ghi chép, mô tả lại những gì bạn đã trải nghiệm; Xem xét lại kinh nghiệm (giai đoạn 2 của chu trình học tập); Rút ra các kết luận (giai đoạn 3);Lập kế hoạch hành động để thực hiện bài giảng của mình tốt hơn hoặc theo cách khác (giai đoạn 4).

Việc thường xuyên ghi Nhật ký học tập sẽ giúp bạn tìm ra và “chớp lấy” các cơ hội học tập (vì thói quen ghi sổ tay buộc bạn phải tìm ra một sự trải nghiệm nào đó có ý nghĩa). Khi ghi Nhật ký học tập,  bạn hãy thử tuân thủ trình tự sau:

– Bắt đầu bằng việc nghĩ lại về những trải nghiệm và lựa chọn phần có ý nghĩa đặc biệt của trải nghiệm nghiệm để lưu lại trong nhật ký. Những trải nghiệm có ý nghĩa còn bao gồm cả những điều gây cản trở, khó khăn mà bạn muốn khắc phục.  Bạn không cần viết dài về những gì trải nghiệm mà nên lựa chọn những trải nghiệm có ý nghĩa đối với việc học tập của bạn.

– Tập trung mô tả chi tiết điều mà bạn đã trải nghiệm trong thực tế. Khi mô tả bạn cố gắng nhớ lại càng nhiều chi tiết càng tốt và tuyệt đối không lồng ghép những nhận định chủ quan của bạn. Bạn cố gắng tái tạo lại bức tranh thực về những gì bạn đã trải nghiệm.

– Phân tích điều bạn đã trải nghiệm và rút ra các kết luận. Các kết luận chính là những điều bạn cần phải học. Bạn không cần phải giới hạn về số lượng và tính khả thi của những kết luận mà bạn tìm được. Trong nhiều tình huống, các kết luận mà bạn tìm thấy chính là sự “pha trộn” giữa những điều mà bạn đã biết với những điều bạn mới biết.

– Cuối cùng, bạn hãy quyết định lựa chọn những kết luận có ý nghĩa thiết thực nhất đối với bạn để lập kế hoạch hành động và quyết định: làm gì và khi nào làm.

Hãy làm cho kế hoạch hành động của bạn càng cụ thể càng tốt vì làm như vậy kế hoạch của bạn càng có tính hiện thực và khả thi.

Trong Nhật ký học tập, bạn hãy sử dụng trang cuối cùng để kiểm tra xem những kế hoạch nào đã được thực hiện và kế hoạch nào còn đang đợi cơ hội được thực hiện, vì sao bạn chưa thực hiện chúng và bạn cần sự hỗ trợ nào để biến chúng thành hiện thực.

Chúc bạn thành công trong việc áp dụng chu trình học tập từ kinh nghiệm để nâng cao năng lực giảng dạy của bản thân!

PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh
Học viện Hành chính Quốc gia