Vấn đề đào tạo và sử dụng công chức ở Ốt-xtrây-li-a

(QLNN) – Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Ốt-xtrây-li-a luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ công chức, coi đó là lực lượng có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và quản lý nhà nước pháp quyền hiện đại, phục cộng đồng dân cư và xã hội một cách tốt nhất. Do đó, công tác đào tạo và sử dụng đội ngũ này luôn được Ốt-xtrây-li-a quan tâm đặc biệt.

 

Nhà nước Ốt-xtrây-li-a rất coi trọng công tác tuyển chọn và đào tạo công chức, trong đó, tuyển chọn là khâu đầu tiên, đi trước một bước, nhằm lựa chọn những công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn vào đội ngũ công chức. Sau tuyển chọn là quá trình đào tạo, sử dụng và quản lý công chức. Cả ba khấu này có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ và tạo tiền đề cho nhau, trong đó, đào tạo là khâu quan trọng nhất để nâng cao trình độ, năng lực của công chức.

Đối với công tác đào tạo công chức

Trong đào tạo công chức, Nhà nước Ốt-xtrây-li-a chú trọng chất lượng toàn diện theo hướng tập trung xây dựng người công chức có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao và năng lực làm việc độc lập, chủ động, sáng tạo, có tinh thần hợp tác trong công việc vì lợi ích chung của đất nước, xã hội và toàn thể cộng đồng. Quan niệm của Ốt-xtrây-li-a cho rằng, người công chức là người công dân tiên tiến trong xã hội có tư duy tiên phong, nghiêm túc, đổi mới và linh hoạt nhưng không xa rời hoặc bỏ qua nguyên tắc và các quy định của luật pháp.

Người công chức đi đầu trong áp dụng khoa học và công nghệ mới để trau dồi kiến thức và xây dựng mối quan hệ hợp tác vì lợi ích chung của xã hội và cộng đồng. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ và hỗ trợ kĩ thuật là những nội dung và dịch vụ chủ yếu trong nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ở Ốt-xtrây-li-a. Chương trình đào tạo công chức của Nhà nước Ốt-xtrây-li-a là kết hợp hài hòa giữa đào tạo cơ bản và phổ cập kiến thức chung với trang bị những kiến thức tiên tiến, hiện đại, nhằm giúp người công chức có đủ trình độ và khả năng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được ủy thác.

Đồng thời, họ được tạo điều kiện và khả năng phát triển nghề nghiệp ở mức độ cao hơn, tạo nên sự khác biệt về trình độ và khả năng nông sâu, rộng hẹp, cùng với tính linh hoạt, độc lập, sáng tạo của mỗi công chức trong tác nghiệp và thực thi công vụ khi gặp phải những tình huống hoặc những công việc có yêu cầu cao vượt ra ngoài trình độ chung. Trong quá trình đào tạo, mỗi công chức được cung cấp đầy đủ hành trang để có thể độc lập và chủ động thực thi công vụ và có thể gặt hái được thành công trong ngành, nghề chuyên môn, trong những môi trường tác nghiệp hết sức đa dạng, phong phú và phức tạp của quản lý hành chính nhà nước ở mỗi vùng, mỗi khu vực khác nhau.

Để quản lý tốt đội ngũ công chức, phát huy tính độc lập, sáng tạo của mỗi cá nhân, đồng thời, kiểm nghiệm kết quả của chương trình và nội dung đào tạo thông qua thực tiễn, một trong những nội dung quan trọng là thực hiện việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức theo khả năng, chức trách, nhiệm vụ trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và định kì tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng và kết quả công việc đã hoàn thành. Nhà nước thực hiện kiểm nghiệm trình độ, khả năng quản lý của mỗi công chức, mức độ và khả năng thực thi nhiệm vụ và tác nghiệp trong hoạt động thực tiễn quản lý nhà nước của mỗi người tại cơ quan hoặc địa phương.

Chẳng hạn, đối với công chức ngành xây dựng, nội dung, yêu cầu và tiêu chuẩn để xem xết, đánh giá là chất lượng, hiệu quả công việc thực thi trong từng công trình cụ thể về nhiều mặt, trước hết là kết quả thực hiện công trình về thời gian, tiến độ, chất lượng kĩ thuật, mĩ thuật, trình độ quản lý nhân lực, các quy trình, quy phạm, an toàn lao động, cũng như mức độ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, tiền vốn,…

Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với mỗi công chức ở Ốt-xtrây-li-a là phải có trình độ tin học tốt và khả năng sử dụng thành thạo máy vi tính để thực thi công vụ trong điều hành và quản lý hành chính. Để đạt được trình độ theo yêu cầu, không có con đường nào khác là phải tổ chức đào tạo bài bản ngay từ đầu, khi còn ở thời kì tiền công vụ. Trong chương trình đào tạo tin học có chương trình tin học hành chính và quản lý, bao gồm lý thuyết và thực hành, trong đó, khả năng thực hành thành thạo là yêu cầu toàn diện từ chương trình tin học văn phòng đến các chương trình về nối mạng Internet, lập trình, khai thác và xử lý thông tin, sử dụng báo điện tử,…

Đi đôi với những nội dung, chương trình đào tạo bắt buộc nêu trên, ở Ốt-xtrây-li-a, người ta còn đặt ra yêu cầu sau một thời gian làm việc nhất định, có thể là 3 năm, các công chức phải hoàn thành chương trình đã cam kết, ví dụ là 120 giờ dành cho nâng cao trình độ nghiệp vụ thường xuyên.

Với nhận thức công tác đào tạo mang tính toàn diện, nhằm phát triển con người phù hợp với yêu cầu, trình độ quản lý xã hội và khả năng của mỗi cá nhân, những công chức thuộc biên chế trong các cơ quan nhà nước đều được chú trọng khuyến khích thực hiện chương trình tự đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ. Việc thường xuyên học tập để tự nâng cao trình độ vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là quyền lợi của bản thân mỗi công chức trong cơ quan hành chính Nhà nước, đây cũng là trách nhiệm của Nhà nước – chủ thể của nền công vụ phải có chương trình, kế hoạch giúp công chức tự bổ sung, cập nhật kiến thức và tự đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ đáp ứng đòi hỏi của nền hành chính phát triển.

Ở Ốt-xtrây-li-a, người ta rất tự hào về một nền công vụ khá phát triển, phục vụ xuất sắc mọi nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, nhu cầu đó ngày càng tăng lên và phát triển hết sức đa dạng, phong phú trong một xã hội hiện đại, mọi nhu cầu của cuộc sống thường xuyên biến động và phát triển.

Để thực hiện chương trình đào tạo công chức đạt kết quả tốt, trước hết, ở Ốt-xtrây-li-a người ta tiến hành nghiên cứu, khảo sát năng lực, sở trường của từng công chức. Từ kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế về yêu cầu đào tạo, trình độ và khả năng của công chức, người ta xác định nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, cách dạy và cách học phù hợp. Cách học ở đây, trước hết là chú trọng đặc biệt đến kiến thức mà người công chức cần có để nâng cao trình độ cả về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và phương pháp công tác, cũng như khả năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong tác nghiệp và xử lý các tình huống nghiệp vụ với yêu cầu chất lượng tốt nhất, hiệu quả cao nhất.

Các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại nhất được khuyến khách áp dụng, như công nghệ mô phỏng hiện tượng, sự vật bằng hình ảnh và tình huống cụ thể diễn ra trong thực tế. Chẳng hạn, cách xử lý một vụ việc cụ thể trong hành chính của một cán bộ chuyên môn, một tỉnh trưởng, hay của một quốc vụ khanh … trong quản lý hành chính và thực thi công vụ hàng ngày, nhằm giúp cho người học dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành.

Kinh nghiệm đào tạo ở Ốt-xtrây-li-a cho thấy, một trong những cách học mang lại kết quả hữu ích, thiết thực và hiệu quả là trên cơ sở nhu cầu và đòi hỏi của cơ quan, đơn vị về những kiến thức cần thiết để đáp ứng nhiệm vụ chính trị đặt ra của cơ quan trong từng giai đoạn nhất định, trước hết từng cá nhân công chức học viên phải tự xây dựng đề án khả thi bảo vệ trước thủ trưởng cơ quan và đến trường để củng cố kiến thức thông qua giảng dạy kiểm nghiệm.

Mặt khác, trong quá trình học tập công chức có thể vừa học, vừa làm, học trong thời gian 2 tuần, lại trở về cơ quan thực hành 1 tuần, sau đó trở lại lớp học kiểm nghiệm để rút kinh nghiệm. Thời gian học tập như vậy, mỗi khóa học của công chức kéo dài từ vài tháng đến một năm, người giảng viên và học viên đều phải xây dựng những tình huống cụ thể và rồi cùng nhau giải quyết, những ý tưởng đúng làm cơ sở cho việc vận dụng vào công tác thực tế của mỗi cá nhân sau này.

Sau mỗi khóa học như vậy kết thúc, mỗi công chức được cử đi học phải viết lại những kiến thức đã tiếp thu được, cùng với kinh nghiệm thực tiễn trong thực thi công vụ và nội dung đề án xây dựng trước khi được cử đi đào tạo viết thành tiểu luận khoa học để bảo vệ trước Hội đồng nhà trường và thủ trưởng cơ quan. Thực tế cho thấy, phương pháp đào tạo như vậy mang lại hiệu quả thiết thực, vừa phát huy được tính độc lập, chủ động và ý thức trách nhiệm của người học vừa đáp ứng nhu cầu của cơ quan, khắc phục lối đào tạo, bồi dưỡng công chức theo kiểu kinh điển, lý thuyết, sách vở, giáo điều, kinh nghiệm chủ nghĩa, xa rời thực tiễn cuộc sống. Phương pháp học tập nêu trên buộc người học và người dạy phải chủ động, độc lập suy nghĩ, sáng tạo để tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ và khả năng tác nghiệp trong hoạt động thực tiễn, không lệ thuộc vào sách vở, tài liệu.

Đối với công tác tuyển dụng công chức

Ốt-xtrây-li-a là một quốc gia có nền kinh tế phát triển, nền công vụ có truyền thống lâu đời. Đội ngũ công chức của Ốt-xtrây-li-a được tuyển chọn chặt chẽ, được đào tạo bài bản, nghiêm túc và có hệ thống để trở thành những người phục vụ trung thành trong nền công vụ, tâm huyết với nghề nghiệp, chức trách và nhiệm vụ được giao.

Khác hẳn với nhiều quốc gia trên thế giới, khi một công dân được tuyển chọn vào công chức thì làm việc suốt đời và được thăng tiến theo thời gian. Ngược lại, ở Ốt-xtrây-li-a việc tuyển chọn công chức được thực hiện thông qua thi tuyển để bổ sung mỗi khi ở một vị trí nào đó, tại một công sở nào đó bị thiếu. Việc tổ chức thi tuyển được tiến hành công khai. Một trong những yêu cầu khách quan trong thi tuyển là dựa vào tiêu chuẩn và trên cơ sở tiêu chuẩn, không phân biệt người dự tuyển làm việc ở cơ quan nào, khu vực công, hay khu vực tư nhân.

Tiêu chuẩn cụ thể của người dự tuyển là có đủ điều kiện theo quy định, nếu thi đạt kết quả sẽ được tuyển dụng vào đúng vị trí mà cơ quan có nhu cầu và được trả lương theo chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời hạn 5 năm, hết thời hạn 5 năm lại tổ chức kiểm tra sát hạch lại. Ví dụ: ở Sở Tài nguyên Môi trường, ông giám đốc nghỉ hưu, cần tuyển người giám đốc mới vào vị trí thay thế, người trúng tuyển sẽ được trả lương và mọi quyền lợi khác của người giám đốc mới. Hết thời hạn 5 năm làm việc, dù năng lực làm việc tốt hoặc không đáp ứng vẫn sẽ tổ chức thi tuyển để quyết định người đó tiếp tục làm việc hay chấm dứt công việc của mình. Ở Ốt-xtrây-li-a mọi chức danh được cất nhắc, đề bạt thăng chức đều phải thông qua thi tuyển theo định kì 5 năm, không có tình trạng “đến hẹn lại lên”.

Đối với đội ngũ những người làm giảng viên chuyên lo công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, tuy số lượng không nhiều, nhưng họ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động đào tạo công chức. Nhiệm vụ chủ yếu của đội ngũ này là làm người kết nối giữa cơ quan đào tạo và cơ quan có nhu cầu đào tạo trong việc xác định đối tượng, nội dung, chương trình và kế hoạch đào tạo. Những người được tuyển chọn để làm việc này là các công chức có kinh nghiệm, đã đảm nhận công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở khu vực công và khu vực tư, cũng như từng trải trong môi trường đào tạo và khi làm giảng viên đã được nhiều cơ quan, tổ chức đặt hàng thỉnh giảng, đã thực hiện tốt, có uy tín và được hoan nghênh.

Những thu hoạch về công tác đào tạo công chức ở Ốt-xtrây-li-a

Từ kết quả tìm hiểu vấn đề đào tạo công chức ở Ốt-xtrây-li-a, chúng tôi rút ra những nhận xét như sau:

Một là, Ốt-xtrây-li-a là một quốc gia có nền hành chính khá phát triển và Nhà nước Australia là một nhà nước pháp quyền vững mạnh. Trong xây dựng nền hành chính của nhà nước pháp quyền, Nhà nước Ốt-xtrây-li-a rất chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ công chức. Coi đó là yêu cầu khách quan và nhiệm vụ tất yếu hàng đầu của quá trình xây dựng nền hành chính phát triển hiện đại.

Hai là, việc tổ chức đào tạo và tuyển dụng công chức là một công việc hết sức quan trọng, không thể thiếu được trong xây dựng nền hành chính nhà nước. Đây là một công tác phức tạp và rất cần thiết, không thể bỏ qua. Đào tạo và tuyển dụng là hai mặt của vấn đề xây dựng đội ngũ công chức hành chính nhà nước có chất lượng cao.

Ba là, tuyển dụng phải gắn liền với đào tạo, sau tuyển dụng là quá trình đào tạo. Công tác đào tạo phải được tiến hành bài bản theo chương trình, kế hoạch, trên cơ sở nhu cầu của thực tế công việc. Mặt khác, thông qua đào tạo để kiểm chứng và xác định yêu cầu, tiêu chuẩn của đối tượng tuyển dụng và thông qua tuyển dụng để phát hiện tài năng.

Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu thường xuyên và tất yếu để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Đào tạo phải gắn với thực tiễn, bám sát nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, gắn chặt giữa đào tạo lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm thước đo kết quả đào tạo và trình độ tiếp thu của người học. Với quan điểm cho rằng, người công chức là người của thực tiễn, gắn với thực tiễn và phục vụ thực tiễn, vì vậy phải hiểu biết thực tiễn. Chính vì thế, trong đào tạo hành chính không thể tách rời hoạt động thực tiễn, mà “học phải đi đôi với hành”.

Năm là, việc tuyển chọn và sử dụng cán bộ cần đúng người, đúng việc, đúng trình độ năng lực, bố trí cán bộ đúng chỗ, đúng nhu cầu và đòi hỏi của công việc. Những người được tuyển dụng và được đào tạo thành công chức thực thụ cần có đủ trình độ, năng lực đảm trách công việc, có thể thay mặt Nhà nước giải quyết mọi nhu cầu, đòi hỏi của người dân trong xã hội.

Sáu là, từ thực tế ở Ốt-xtrây-li-a cho thấy, nếu việc tuyển dụng và đào tạo công chức một cách chặt chẽ sẽ có được bộ máy quản lý hành chính Nhà nước tinh giảm, gọn nhẹ, tiết kiệm và hoạt động có hiệu quả, hiệu lực.

TS. Nguyễn Văn Trung
CN. Phương Xuân Thịnh