Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở các tỉnh Bắc Trung bộ hiện nay

(QLNN) – Là một vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, diện tích đất canh tác không ngừng bị thu hẹp, phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, để giải quyết các nan giải này đòi hỏi các tỉnh Bắc Trung Bộ phải phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xem đây là một trong những bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của từng tỉnh và cả vùng.

 

Tại nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn đầu của tiến trình phát triển phần lớn đều gắn liền với khu vực nông nghiệp, dần dần, theo khả năng và các lợi thế phát triển các quốc gia trở nên ít lệ thuộc vào nông nghiệp hơn. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, thực tế cho thấy nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt ở các nước đang phát triển và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đại đa số người dân sống ở nông thôn.

Bước vào thế kỷ XXI, trước những thách thức về an ninh lương thực, môi trường sinh thái, dân số… nông nghiệp vẫn được dự báo là một trong những ngành giữ vị trí quan trọng đối với đời sống xã hội và nông nghiệp, nông thôn đã trở thành vấn đề chính trong sự phát triển của quốc gia. Hơn thế nữa, ngày nay, người ta thừa nhận quan điểm phổ biến cho rằng nếu không có sự phát triển của nông nghiệp và kinh tế nông thôn mà chỉ đơn thuần có sự tăng trưởng về công nghiệp thì sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong nền kinh tế và kết quả là các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Trong nhiều năm liền, cùng với những ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo ra động lực tăng trưởng và góp phần giữ gìn ổn định chính trị – xã hội ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều vấn đề thách thức, đó là: tình trạng ô nhiễm môi trường; khai thác bừa bãi tài nguyên; mâu thuẫn giữa đô thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và công nghiệp mà biểu hiện là tình trạng “công nghiệp cướp đoạt nông nghiệp, thành thị bòn rút nông thôn, thị dân bóc lột nông dân”…

Trong bối cảnh này, khai niệm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững (SARD) đã hình thành tại Hội nghị về Nông nghiệp và môi trường của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) ở Hertogenbosch năm 1991. Vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững tiếp tục được nhận thức và khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất năm 1992 ở Rio de Janeiro qua Chương trình Nghị sự 21 và tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững tại Johannesburg năm 2002.

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa các yếu tố: phát triển kinh tế; phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường. Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển bền vững được xem là một quá trình đa chiều, đòi hỏi phải đáp ứng đồng thời ba mục tiêu: bền vững về sinh thái; lợi ích về kinh tế và lợi ích của xã hội đối với nông dân và cộng đồng.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đã sớm nhận thức được vai trò và những lợi ích của phát triển nông nghiệp bền vững, vấn đề này đã được đặt ra trong chính sách kinh tế – xã hội và cụ thể hóa thành các chương trình hành động. Ở cấp độ vùng và địa phương, các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đã xây dựng quy hoạch phát triển bền vững nông nghiệp của mình trên cơ sở phân tích các tiềm năng tự nhiên, nguồn nhân lực, các lợi thế so sánh và những khó khăn, thách thức. Là một vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, diện tích đất canh tác không ngừng bị thu hẹp, phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp, để giải quyết các nan giải này đòi hỏi các tỉnh Bắc Trung Bộ phải phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, xem đây là một trong những bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của từng tỉnh và cả vùng.

Trong những năm 1990, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, sản xuất lương thực, đặc biệt là lúa, tăng lên liên tục cả về diện tích gieo trồng và năng suất, đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thâm canh trở thành xu hướng chủ đạo trong nền nông nghiệp với việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới về giống, quy trình canh tác và chế biến sản phẩm. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có những chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá và định hướng theo thị trường. Riêng vùng Bắc Trung Bộ, trong lĩnh vực nông nghiệp bước đầu cũng đã hình thành nên các vùng chuyên canh lương thực, cây công nghiệp (huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ – Nghệ An; huyện Thạch Thành, Như Xuân – Thanh Hóa…); cơ cấu kinh tế đã chuyển biến theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp của các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác các lợi thế về tài nguyên và lực lượng lao động tập trung cao ở khu vực này (hơn 80%), tình trạng thoái hóa đất, ô nhiễm tài nguyên nước; suy thoái các hệ sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học… đang diễn ra ở nhiều nơi. Đa số các nông hộ, trang trại chưa được tuyên truyền, phổ biến những kiến thức và hiểu biết về phát triển nông nghiệp bền vững và những lợi ích to lớn của nó. Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật chưa đúng kỹ thuật đã gây tồn dư nhiều hóa chất độc hại trong môi trường đất và nước. Điều này sẽ tác động đến các hệ sinh thái nông nghiệp và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng.

Cơ cấu cây trồng chưa hợp lý, nhiều vùng chăn nuôi tập trung chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải, còn nằm lẫn trong khu dân cư, sản xuất chăn nuôi còn nhỏ, manh mún, phân bố rải rác trong khi sản xuất nông nghiệp có lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh, thị trường ít ổn định. Nông dân còn thiếu vốn đầu tư, nhu cầu về tăng sản lượng nông nghiệp và nhu cầu mưu sinh đang thôi thúc họ mở rộng khai thác các tài nguyên và nguồn lợi tự nhiên cho phát triển nông nghiệp, bất chấp những hệ quả to lớn làm suy thoái tài nguyên, môi trường. Tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… vẫn là mối đe dọa thường xuyên và gây tổn thất không ít cho phát triển nông nghiệp nói chung cũng như phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hiện nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ hiện đang đối mặt với không ít thách thức về phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đó là:

– Tình trạng ruộng đất bị chia nhỏ, manh mún, không phù hợp với yêu cầu của việc sản xuất hàng hoá lớn, tập trung và ngày đang có xu hướng giảm sút, đặc biệt ở các tỉnh có sự phát triển về công nghiệp, dịch vụ, du lịch

– Quá trình cơ giới hoá nông nghiệp và việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến còn diễn ra chậm chạp. Hầu hết các khâu sản xuất đều làm thủ công, dẫn đến năng suất lao động nông nghiệp rất thấp.

– Thị trường nông sản không ổn định, giá cả thay đổi theo chiều hướng bất lợi đối với nông dân; sức cạnh tranh kém, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.

– Tình trạng giảm sút đa dạng gen ở giống cây trồng, vật nuôi do trào lưu thay thế giống truyền thống bằng giống mới đang làm cho việc phòng chống sâu bệnh khó khăn hơn. Việc sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng một cách tuỳ tiện đã có dấu hiệu vượt quá giới hạn cho phép của môi trường sinh thái, dẫn đến thoái hoá đất, ô nhiễm nguồn nước và gây hại cho sức khoẻ con người.

Từ những vấn đề trên cho thấy, các tỉnh Bắc Trung Bộ cần phải có bước đột phá trong chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, khai thác các tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị – xã hội. Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững tại các tỉnh Bắc Trung Bộ theo hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

 Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Theo đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, trước hết cần tập trung tái cơ cấu đầu tư công và dịch vụ công trong nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp; phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất (chú trọng công nghệ sinh học, ứng dụng các thành tựu khoa học vào quản lý sản xuất) và chế biến nông sản; đa dạng hóa thị trường, cả thị trường trong nước và xuất khẩu; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp.

Đổi mới cơ chế phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động của người nông dân, đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể của nông nghiệp. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp, hình thành cánh đồng mẫu lớn; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Xây dựng môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đầu tư phát triển hệ thống chợ bán buôn, bán lẻ, phát triển và hỗ trợ thương mại, nhất là ở các vùng nông thôn; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp áp dụng tốt bộ quy chuẩn về thực hành nông nghiệp, tăng cường quản lý việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, bảo đảm các sản phẩm nông nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp. Đất nông nhiệp phải được sử dụng đúng mục đích, gắn việc sử dụng với bảo vệ và cải tạo đất. Nhà nước cần xây dựng cơ chế kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho đất; kiểm soát việc tưới tiêu của hệ thống thủy điện theo nguyên tắc cân bằng lợi ích của xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng cường bảo vệ diện tích đất trồng lúa hiện hữu, mở rộng quy mô khai thác, cải tạo các diện tích đất hoang hóa để phát triển các loại cây công nghiệp có thế mạnh của từng địa phương. Đối với loại đất nông nghiệp, cần tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động lựa chọn phương thức sử dụng từng loại đất phù hợp theo yêu cầu của thị trường nông sản, không nên cố định phương thức sử dụng một cách cứng nhắc cho từng loại đất.

Thứ ba, gắn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp và  xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ chặt chẽ với nhau cả dưới góc độ kinh tế và xã hội. Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với việc giải quyết có hiệu quả các vấn đề kinh tế – xã hội ở nông thôn, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là yêu cầu quan trọng của phát triển bền vững đối với nông thôn. Do đó, trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án của hai chương trình này cần phải có mối liên hệ với nhau để khai thác các nguồn lực một cách hợp lý trong việc thực hiện các mục tiêu, hiệu quả tránh lãng phí.

Thứ tư, cần chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất các tổn hại do thiên tai gây ra. Nhà nước cần tăng cường năng lực dự báo về thời tiết và khả năng quản lý, ứng phó rủi ro nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển dịch vụ tư vấn nông nghiệp nhằm tư vấn hiệu quả cho nông dân về phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp với những biến đổi khác nhau về khí hậu. Phát triển và hoàn thiện thị trường bảo hiểm nông nghiệp nhằm hạn chế những rủi ro trước những tác động xấu của biến đổi khí hậu.

ThS. Lê Thu Hường
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An