Tư tưởng Hồ Chí Minh về lập hiến

(QLNN) – Từ bản Yêu sách đến Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946, từ cách nói, cách viết và cách làm của Người toát lên tư tưởng lập hiến rất rõ. Trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, cần có một Hiến pháp đi theo tư tưởng của Người để kiến tạo nền dân chủ nhân dân, hướng tới sự phồn vinh, thịnh vượng.

 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền, lập hiến chiếm một vị trí quan trọng. Những ai đi theo chân lý của Người đều nằm lòng câu trong “Việt Nam yêu cầu ca” mà Người diễn ca từ yêu sách thứ 7 của bức thư gửi Hội nghị Versailles vào năm 1919 nổi tiếng với tên gọi “Yêu sách của nhân dân An Nam”1:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Như thế, từ yêu sách “thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” đến việc ban hành Hiến pháp đã là một bước đi khá xa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và xa hơn nữa là quan niệm tôn trọng pháp quyền đến mức thần linh. Chứa đựng trong câu chữ giản dị ấy là tầm nhìn trí tuệ, hội tụ của các giá trị truyền thống dân tộc và tinh hoa nhân loại. Cho đến ngày nay, khi chúng ta đặt ra vấn đề tổng kết việc thi hành Hiến pháp hiện hành để có cách làm đúng đắn trong thời gian tới2, thì hơn lúc nào hết, thẩm thấu tư tưởng về pháp quyền, về dân chủ và lập hiến của Người là việc trước hết cần phải làm.

Lâu nay, Hiến pháp được xem là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc trong thang bậc của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước, thông qua các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Quan niệm này phần nào thoát ly ý tưởng của Người về một “Hiến pháp dân chủ”. “Hiến pháp dân chủ” không thể do bất cứ ai khác ngoài nhân dân tự tìm ra cho mình vì mục đích mang lại phúc lợi cho nhân dân. “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ” để nhân dân ta “được hưởng quyền tự do dân chủ” là một trong “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà n­ước Việt Nam dân chủ cộng hòa” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạch định trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời chỉ sau một ngày Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nhà nước dân chủ nhân dân. Tiếp đó, Hiến pháp năm 1946, “Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông” được Quốc hội lập hiến biểu quyết thông qua, Hiến pháp mà cách làm và nội dung theo nhìn nhận của nhiều người, mãi còn là mẫu mực.

Hiến pháp như một bản khế ước giữa một bên là nhân dân và một bên khác là bộ máy công quyền được ủy thác quyền lực chính trị của nhân dân. Sự cam kết đó đi theo tinh thần cốt lõi trên hai phương diện. Thứ nhất, đó là sự tuyên bố vững chắc về quyền của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân – những quyền không thể bị xâm phạm và theo phương thức người dân có thể làm gì mà pháp luật không cấm. Thứ hai, đó là sự giao ước để ủy thác quyền lực của nhân dân cho bộ máy công quyền, buộc những người thừa hành quyền lực bắt nguồn từ nhân dân phải thực thi theo cách chỉ có thể làm gì pháp luật cho phép. Tinh thần đó phải xuyên suốt, quán xuyến trong toàn bộ Hiến pháp.

Hiến pháp phải là minh chứng cho tinh thần pháp trị (sự ngự trị của pháp luật thay vì nhân trị (sự cai trị của con người). Hiến pháp phải trường tồn như sự trường tồn của những giá trị bền vững thuộc về nền dân chủ và quyền lực của nhân dân, như đại đoàn kết đồng bào, như tinh thần tự chủ dân tộc bất diệt trong “Nam quốc sơn hà”, trong Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập. Hiến pháp không thể quy định những gì thuộc về nhất thời theo chủ quan, Hiến pháp phải là kết tinh thiêng liêng của những giá trị dân tộc và nhân loại mang tính vạn đại. Chính sự kết tinh này làm cho Hiến pháp thành biểu tượng của “thần linh pháp quyền”. Lưu ý rằng, thuật ngữ “pháp quyền” để chỉ sự thống trị của pháp luật theo ý chí nhân dân bao quát và gần gũi với những giá trị chung của lịch sử phát triển học thuyết chính trị, pháp lý tiến bộ hơn là thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” dễ bị hiểu lệch sang chỉ theo nghĩa là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhà nước sử dụng pháp luật như là một công cụ quyền lực của mình.

Hiến pháp dân chủ phải được lập ra bằng cách thức dân chủ và cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức vào ngày 06-01-1946 để cử tri cả nước trực tiếp bầu ra đại biểu của Quốc hội lập hiến. Điều đó cho đến giờ vẫn làm cho chúng ta chưa hết bất ngờ và tâm phục là trong hoàn cảnh nóng bỏng của chính quyền nhân dân vừa giành được, có đến chín phần mười dân chúng vừa thoát kiếp nô lệ bị mù chữ, chắc hẳn đã có không ít can ngăn về nguy cơ lợi dụng cơ hội của thù trong, giặc ngoài, không ít nghi ngờ về khả năng biết dùng quyền dân chủ của nhân dân lúc bấy giờ.

Nhưng bất chấp tất cả những trở ngại, niềm tin không gì chuyển dời được của lãnh tụ Hồ Chí Minh vào sự sáng suốt của nhân dân, vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã làm nên thành công của cuộc tổng tuyển cử. Hiến pháp năm 1946 quy định quyền phúc quyết Hiến pháp của toàn dân. Thiết nghĩ, đây là bài học cho những ai còn đắn đo với dân chủ trực tiếp của nhân dân.

Hiến pháp có hiệu lực pháp lý tối thượng và về nguyên lý, nó phải được trang trọng đặt lên trên nhà nước, hướng tới kiểm soát, giới hạn quyền lực nhà nước. Mọi thiết chế điều hành nhà nước đều phải dựa trên cơ sở hiến định. Theo bản chất dân chủ, Hiến pháp là nguồn để hình thành quyền lực nhà nước, hướng tới đối tượng là nhà nước, thì lẽ tất nhiên, bản thân nhà nước không thể là chủ thể làm ra Hiến pháp được. Vì thế, quyền lập hiến là thuộc quyền của toàn thể quốc dân chứ không thể là quyền của bộ phận nào trong bộ máy nhà nước. Tương tự như thế, quyền sửa đổi Hiến pháp cũng là quyền mà nhân dân trực tiếp quyết định.

Hiến pháp năm 1946 ghi nhận và bảo đảm đầy đủ các quyền của người dân. Về tổ chức quyền lực nhà nước, các quy định trong Hiến pháp năm 1946 về bộ máy nhà nước, cơ chế kiểm soát quyền lực, tổ chức chính quyền địa phương đều nhất quán theo nguyên lý của chủ thuyết chủ quyền của nhân dân.

Đã có rất nhiều ý kiến đánh giá cao về đặc sắc của Hiến pháp năm19463. Chúng tôi cho rằng, đặc sắc nhất là ý thức tự cường, tinh thần dân tộc trong tiếp thu giá trị nhân loại về chủ quyền nhân dân hòa quyện trong Hiến pháp do chính Người chỉ đạo Ban soạn thảo và trực tiếp khởi thảo, tiếp nối tinh thần của Tuyên ngôn độc lập. Trong đó, không hề có sự mô phỏng hay sao chép của bất cứ một khuôn mẫu hay áp lực nào, hoặc sự ghi nhận của quan điểm nhất thời nào.

Từ bản Yêu sách đến Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946, từ cách nói, cách viết và cách làm của Người toát lên tư tưởng lập hiến rất rõ. Trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, cần có một Hiến pháp đi theo tư tưởng của Người để kiến tạo nền dân chủ nhân dân, hướng tới sự phồn vinh, thịnh vượng.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr.435-436.
2. Xem:http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=73&NewsId=112295.
3. Xem: Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, H. NXB. Chính trị quốc gia, 1998.
TS. Huỳnh Văn Thới
Học viện Hành chính Quốc gia