Nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia – Hiện trạng, quan điểm, mục tiêu và định hướng nội dung

(QLNN) Những năm qua, các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia không chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện mà còn góp phần bổ sung nhiều luận cứ cho sự phát triển của khoa học hành chính, khoa học chính sách. Đồng thời, phục vụ cho quá trình cải cách hành chính nhà nước cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô.

 

Nghiên cứu khoa học hành chính là một trong những chức năng, nhiệm vụ truyền thống, cơ bản của Học viện Hành chính Quốc gia. Các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Học viện đều có nội dung liên quan đến nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, theo Quyết định số 05/2018/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/01/2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia đã nêu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Học viện, gồm: nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước (QLNN) và khoa học chính sách phục vụ công tác giảng dạy của Học viện; nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách công, chiến lược, biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhằm cập nhật nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) CBCCVC và đào tạo sau đại học của Học viện; tham gia xây dựng các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực hành chính và QLNN khi được cấp có thẩm quyền giao.

Nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, từ năm 2010 – 2018, nghiên cứu khoa học và công nghệ (NCKHCN) của Học viện đã có nhiều kết quả quan trọng: 4 đề tài khoa học cấp nhà nước, 27 đề tài khoa học cấp bộ, 3 đề tài khoa học cấp tỉnh, 261 đề tài cấp cơ sở; tổ chức thành công 6 hội thảo khoa học quốc tế, 1 hội thảo cấp quốc gia; 41 hội thảo cấp Học viện, 42 hội thảo cấp khoa. Các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện cũng đã tổ chức hàng trăm tọa đàm khoa học, nhiều đợt khảo sát thực tế trong nước; bên cạnh đó, hằng năm, Học viện đều có các đoàn đi nghiên cứu, học tập, khảo sát ở nước ngoài.

Nội dung các hoạt động nghiên cứu khoa học đều tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn chuyên ngành hành chính, QLNN, chính sách công với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, trên các lĩnh vực: hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật, lý luận về hành chính nhà nước, lịch sử hành chính nhà nước (thế giới và Việt Nam), tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, quản lý nguồn nhân lực khu vực công, quản lý tài chính công, quản trị công sở, văn hóa công vụ, văn bản và công nghệ, nghiệp vụ hành chính, kiến thức, kỹ năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, QLNN trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường…

Nhiều hội thảo quốc tế, đề tài có giá trị lan tỏa và thực tiễn, như: các Hội thảo quốc tế “Quản lý theo kết quả”[1], Hội nghị thường niên của Hiệp hội Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) với chủ đề: Hành chính công và quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu[2],  “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quản trị nhà nước”[3], “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”[4], Diễn đàn Quản trị nhà nước châu Á – Thái Bình Dương (APG) với chủ đề “Đổi mới Chính phủ vì sự phát triển bền vững hướng tới một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ”[5]; các đề tài khoa học cấp nhà nước, như: “Quản lý nhà nước trong tình huống bất thường ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn”[6], “Hòa nhập xã hội của các nhóm xã hội bị thiệt thòi ở Việt Nam trong quá trình phát triển”[7], “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”[8], “Văn hóa công vụ”[9]…

Kết quả NCKHCN của Học viện đã góp phần làm rõ, sâu sắc hơn và bổ sung thêm nhiều luận cứ để không chỉ phát triển khoa học hành chính, khoa học chính sách về phương diện lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn cao, phục vụ cho quá trình cải cách hành chính nhà nước, cải cách công vụ, công chức, kiểm soát hành chính nhà nước, xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô.

Mặt khác, các nghiên cứu khoa học của Học viện cũng phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu, phục vụ cho công tác ĐTBD của Học viện. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trực tiếp vào giảng dạy các chương trình ĐTBD tại Học viện; nhiều kết quả nghiên cứu đã được Học viện, tác giả công bố trước công chúng (với hình thức như: sách chuyên khảo, sách tham khảo, bài báo đăng các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín,…). Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, năng lực thực hiện các nhiệm vụ NCKHCN của Học viện được nâng cao, khẳng định vị trí là trung tâm quốc gia về nghiên cứu khoa học hành chính, khoa học chính sách.

Từ những kết quả nghiên cứu khoa học, trong tiến trình nghiên cứu, đội ngũ giảng viên Học viện cũng được tiếp cận, từng bước làm chủ những phương pháp nghiên cứu hiện đại theo chuẩn khu vực và quốc tế. Quá trình thực hiện các hoạt động NCKHCN, Học viện cũng đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên ngoài Học viện.

Về ngân sách dành cho NCKHCN, mặc dù trong điều kiện còn nhiều hạn chế, ngoài những đề tài nghiên cứu (cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh) được đầu tư từ ngân sách nhà nước thì Học viện cũng luôn cố gắng bố trí một nguồn chi từ nguồn thu sự nghiệp của Học viện cho thực hiện nhiệm vụ NCKHCN, với mức đầu tư bình quân (giai đoạn 2010 – 2019) là 1,1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, một xu hướng mới đã được khẳng định trong những năm gần đây, đó là Học viện đã tiến hành thực hiện xã hội hóa các nguồn lực vật chất cho hoạt động NCKHCN để các kết quả nghiên cứu đạt chất lượng hơn, phù hợp và đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn. Ngân sách từ xã hội hóa luôn bằng hoặc nhiều hơn so với ngân sách từ Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp của Học viện (năm 2016, huy động được 390 triệu đồng, năm 2017 và 2018 là hơn 2 tỷ đồng, năm 2019 ước tính sẽ hơn 2 tỷ đồng). Nguồn lực xã hội hóa này đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển NCKHCN của Học viện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác NCKHCN của Học viện cũng còn một số bất cập, hạn chế nhất định.

Một là, NCKHCN mới chỉ chú trọng đến phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ ĐTBD của Học viện nên vai trò, ý nghĩa tư vấn cho Nhà nước, xã hội về các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính nhà nước, chính sách công chưa cao. Điều này làm cho giá trị thực tiễn trong các nghiên cứu khoa học chưa được thể hiện một cách đầy đủ.

Hai là, có sự hẫng hụt của đội ngũ chuyên gia hàng đầu về khoa học hành chính, trong khi đội ngũ kế cận chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên việc thực hiện những nhiệm vụ NCKHCN lớn, quan trọng của Học viện gặp những khó khăn nhất định về nguồn nhân lực.

Ba là, chất lượng nghiên cứu còn có khoảng cách nhất định so với yêu cầu hội nhập quốc tế, do vậy, các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện còn “vắng bóng” các công bố theo chuẩn quốc tế.

Bốn là, một số chủ đề, nội dung nghiên cứu chưa bám sát, cập nhật được nhu cầu, yêu cầu từ thực tế đổi mới, những thành tựu, tri thức mới trong lĩnh vực khoa học hành chính, khoa học chính sách; thiếu những ý tưởng, giải pháp có tính đột phá trong các đề xuất; nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được nghiên cứu thấu đáo. Trong khi đó, nghiên cứu cơ bản về hành chính, quản lý, chính sách cũng chưa được đầu tư thỏa đáng.

Những bất cập, hạn chế trên do những nguyên nhân, như: Học viện chưa xây dựng được chiến lược phát triển về khoa học và công nghệ làm định hướng; mức độ đầu tư nguồn lực cho các nhiệm vụ NCKHCN còn thấp; không ít giảng viên, nghiên cứu viên chưa chú trọng đến nghiên cứu khoa học, thực hiện nghiên cứu khoa học chưa thực sự tâm huyết, thậm chí còn mang tính thành tích mà bỏ qua yếu tố chất lượng, tính mới của sản phẩm; quá trình nghiệm thu của một số Hội đồng nghiệm thu còn nể nang; năng lực quản lý NCKHCN còn thấp, thiếu tính chủ động, sáng tạo; một số quy định về quản lý khoa học và công nghệ chưa phù hợp với thực tiễn.

Hội thảo quốc tế: “Đổi mới Chính phủ vì sự phát triển bền vững: Hướng tới xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ”, tại Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 07/9/2018.

Quan điểm, mục tiêu phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia

Trong thời gian tới, Học viện cần có chiến lược, mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ thể hiện được đầy đủ các giá trị, ý nghĩa cũng như đóng góp vào sự phát triển của Học viện nói riêng và đất nước nói chung. Theo đó, quan điểm được đề xuất là:

Thứ nhất, khẳng định phát triển NCKHCN là một trong những hướng phát triển của Học viện (cùng với đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế). NCKHCN của Học viện phải đi trước, tạo tiền đề đột phá cho việc đổi mới, nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ các nhà khoa học của Học viện (gồm cả cơ hữu và cộng tác viên), nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình, tài liệu ĐTBD về CBCCVC, từng bước tiệm cận với trình độ nghiên cứu khoa học của khu vực và quốc tế.

Thứ hai, NCKHCN, trước hết vẫn cần phải trực tiếp phục vụ, hỗ trợ cho nhiệm vụ ĐTBD CBCCVC, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu và tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách, quản lý, quản trị, xây dựng chính phủ kiến tạo, pháp quyền, liêm chính, phục vụ, hành chính, công vụ, công chức, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước… Bên cạnh đó cần mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu, tập trung cả vào các lĩnh vực cần cải cách, đổi mới nhằm xác lập căn cứ khoa học, tham mưu tốt hơn cho Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng và triển khai.

Thứ ba, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là nhu cầu khách quan, cấp bách trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của NCKHCN tại Học viện; nhanh chóng cập nhật, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Học viện; có chính sách phù hợp để thu hút các tổ chức NCKHCN quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong khu vực và quốc tế đến cộng tác, hợp tác với Học viện; khuyến khích các nhà khoa học của Học viện tham gia các nghiên cứu quốc tế cũng như công bố các kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học quốc tế.

Thứ tư, xác định đầu tư cho hoạt động NCKHCN là một trong những trọng điểm đầu tư của Học viện với nguồn lực đầu tư từ Nhà nước cho hoạt động NCKHCN là cơ bản, nguồn lực xã hội hóa cần được mở rộng nhiều nhất có thể nhằm bảo đảm đủ nguồn lực phục vụ NCKHCN của Học viện.

Mục tiêu tổng quát cần được xác định:

Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học về khoa học hành chính, QLNN và khoa học chính sách; là trung tâm kết nối các đơn vị, cơ sở nghiên cứu khoa học về hành chính, QLNN, chính sách trong phạm vi cả nước và khu vực nhằm cung cấp các luận cứ khoa học để phục vụ: (1) ĐTBD CBCCVC (chủ yếu ĐTBD CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp); (2) Xây dựng Chính phủ kiến tạo, pháp quyền, liêm chính, phục vụ; (3) Xây dựng nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; (4) Cải cách hành chính, công vụ, công chức, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước…

Mục tiêu cụ thể là:

– Bắt đầu từ năm 2021, có một số lĩnh vực/nội dung, phương pháp nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, có những công bố khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế từ các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; những năm tiếp theo, số lượng sản phẩm khoa học công bố quốc tế tăng bình quân 3 – 5%.

– Đến năm 2025, khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào sự phát triển của Học viện; bảo đảm mức đầu tư cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng nguồn thu sự nghiệp của Học viện hằng năm.

– Đến năm 2025, Học viện xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển công tác nghiên cứu, ĐTBD; phấn đấu 30 – 40% các nhà khoa học cơ hữu của Học viện đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; cơ bản đạt chuẩn quốc tế trong NCKHCN về quản lý, quản trị, hành chính, chính sách công. Đồng thời, Học viện có được nhiều chuyên gia đầu ngành, có thế mạnh, đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới trong những lĩnh vực NCKHCN của Học viện.

– Nâng cao năng lực của Học viện trong quản lý khoa học và công nghệ; đến năm 2025, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu về khoa học hành chính.

Những nội dung trọng tâm trong nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia

Trên cơ sở Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (ban hành theo Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ), Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ngành Nội vụ giai đoạn 2015 – 2025 (ban hành theo Quyết định số 1585/QĐ- BNV ngày 16/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ), từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Học viện và từ thực tiễn, những nội dung trọng tâm trong NCKHCN của Học viện Hành chính Quốc gia được nêu lên như sau:

Một là, về những nghiên cứu phục vụ chung cho Nhà nước và xã hội.

– Nghiên cứu quy luật vận động, xu hướng phát triển của quản lý công, quản trị nhà nước, chính sách công (Việt Nam và các nước) để đưa ra những dự báo khoa học phục vụ cho quá trình cải cách, tái cấu trúc, đổi mới, sáng tạo quản lý hành chính nhà nước ở Việt Nam.

– Nghiên cứu tổng kết thực tiễn quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách công vụ, công chức, công nghệ và nghiệp vụ hành chính…, góp phần cung cấp các luận cứ trong quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách, pháp luật nói chung, trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước nói riêng.

– Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn để thu hút sự tham gia của các bên vào QLNN, tham gia xây dựng chính phủ kiến tạo, pháp quyền, liêm chính, phục vụ; nghiên cứu đổi mới, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị khi tham gia quản lý hành chính nhà nước.

– Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong quản lý hành chính nhà nước.

– Nghiên cứu đổi mới mô hình, phương thức, cơ chế quản lý hành chính nhà nước, phương thức quản lý xã hội, QLNN trong từng lĩnh vực (kinh tế, môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại…) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

– Nghiên cứu lợi thế so sánh, cơ hội, thách thức của nền hành chính Nhà nước Việt Nam để đưa ra các khuyến nghị phục vụ cho việc xây dựng nền hành chính tận tâm, hiệu lực, hiệu quả, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Hai là, về những nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ ĐTBD và phát triển Học viện.

– Nghiên cứu: (1) Kiến thức QLNN cần phải có trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, nâng ngạch công chức, thăng hạng  viên chức, vị trí việc làm; (2) Năng lực, kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý của CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; (3) Kiến thức pháp luật về hành chính, QLNN cần thiết cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; (4) Kiến thức, kỹ năng, khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của CBCCVC; (5) Kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của ngành Nội vụ; kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho CBCCVC về chuyên ngành, lĩnh vực công tác thuộc phạm vi QLNN của Bộ Nội vụ; (6) Kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ của CBCCVC làm công tác thi đua, khen thưởng, công tác tôn giáo; (7) Kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản trị hành chính; kiến thức, kỹ năng QLNN của CBCCVC trong diện quy hoạch từ cấp huyện và tương đương; (8) Kiến thức, kỹ năng QLNN, chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ QLNN của cán bộ, công chức cấp xã; (9) Kỹ năng hành chính, QLNN của CBCCVC trong đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, người lãnh đạo, quản lý và đối tượng khác trong doanh nghiệp nhà nước; (10) Kiến thức, phương pháp giảng dạy về hành chính, QLNN, chính sách công của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở các cơ sở ĐTBD CBCCVC và các đối tượng khác trên phạm vi cả nước; (11) Đạo đức công vụ, văn hóa công vụ của CBCCVC. Các nhóm nghiên cứu này nhằm mục đích phục vụ cho việc xây dựng, biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng CBCCVC của Học viện cũng như cả nước.

– Nghiên cứu về quản lý công, chính sách công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, tài chính công… để phục vụ cho việc đào tạo sau đại học các chuyên ngành tại Học viện.

– Nghiên cứu về Học viện (lịch sử, quá trình phát triển, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, tính chất, vị trí, các mối quan hệ), nhân lực, tài chính, định hướng phát triển… để có những đề xuất đến cấp có thẩm quyền trong việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý đối với Học viện nhằm phát huy được những tiềm năng, lợi thế của Học viện với tư cách là một đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp ĐTBD CBCCVC của đất nước, bảo đảm Học viện là trung tâm quốc gia về ĐTBD CBCCVC ngang tầm khu vực./.

Chú thích:
1. Học viện phối hợp với UNICEF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, năm 2013.
2. Học viện phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội, năm 2014.
3. Học viện phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Xinh-ga-po), tổ chức tại Hà Nội, năm 2017.
4. Học viện phối hợp với Học viện Hành chính vùng Metz, Cộng hòa Pháp và Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tổ chức tại Hà Nội, năm 2018.
5. Học viện phối hợp với Trung tâm Chính sách công Hàn Quốc (OECD – KPC), tổ chức tại Hà Nội, năm 2018.
6, 7, 8, 9. Báo cáo tổng kết nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện Hành chính Quốc gia các năm từ 2010 – 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia.
2. Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
3. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (ban hành theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
4. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ngành Nội vụ giai đoạn 2015 – 2025 (ban hành theo Quyết định số 1585/QĐ- BNV ngày 16/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

PGS.TS. Lương Thanh Cường
Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia