(QLNN) – Thế và lực mới của Học viện Hành chính Quốc gia thể hiện qua những kết quả đạt được trong thời gian 60 năm qua là tiền đề quan trọng để Học viện tận dụng thời cơ, điểm mạnh nhằm khắc phục những hạn chế, đối mặt với các khó khăn, thách thức đang diễn ra, hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Chặng đường 60 năm phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia
Ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, và vì vậy, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Với tinh thần đó, ngày 29/5/1959, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại đã ký Quyết định số 214-NV thành lập Trường Hành chính với nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp huyện và cấp tỉnh. Và, cũng ngay trong năm 1959, lớp học đầu tiên của Trường với 216 học viên là cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện đã được tổ chức tại thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phó Thủ tướng Phan Kế Toại dự khai giảng và bế giảng khóa học.
Ngày 29/9/1961, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130-CP đổi tên Trường Hành chính thành Trường Hành chính Trung ương và chuyển trụ sở về Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội – nơi Học viện phát triển cho tới hôm nay.
Tại miền Nam, để chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý đất nước sau khi thống nhất, Trường Cán bộ chính quyền miền Nam được thành lập tháng 5/1974 tại Chiến khu miền Đông. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất và cùng với việc thống nhất chính quyền, ngày 30/10/1976, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 213-CP thành lập Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ trên cơ sở Trường Cán bộ chính quyền miền Nam.
Ngày 30/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ và sau đó là Quyết định số 231-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ Ban Tổ chức Chính phủ sang trực thuộc Phủ Thủ tướng với chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cao cấp của các cơ quan trung ương và cấp tỉnh, thành phố cũng như đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) đội ngũ giảng viên làm công tác giảng dạy ở các trường hành chính các tỉnh, thành phố.
Ngày 12/5/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP sáp nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính – Kinh tế Trung ương. Thời gian này là giai đoạn tăng cường quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam và để tích cực nâng cao chất lượng chuẩn bị nguồn nhân sự lãnh đạo, quản lý chiến lược về hành chính, các khóa bồi dưỡng về quản lý kinh tế dành cho cán bộ trung – cao cấp được mở tại Trường chủ yếu do chuyên gia Liên Xô thực hiện.
Ngày 08/6/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 233-CP tách Trường Hành chính – Kinh tế Trung ương thành hai trường: Trường Hành chính Trung ương và Trường Quản lý Kinh tế Trung ương, trong đó Trường Hành chính Trung ương là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Quyết định số 91-HĐBT ngày 26/9/1981 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Trường thực hiện các nhiệm vụ ĐTBD cán bộ quản lý các cấp từ trung ương tới địa phương.
Ngày 01/11/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 381-CT đổi tên Trường Hành chính Trung ương thành Trường Hành chính Quốc gia và từ ngày 06/7/1992, được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Ngày 19/9/2002, theo Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia từ chỗ là một cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển về trực thuộc Bộ Nội vụ và ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 234/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia, trong đó xác định Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia, thực hiện các chức năng ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhà nước các cấp, nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
Theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07/5/2007 của Bộ Chính trị, Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và đổi tên thành Học viện Hành chính. Sau 7 năm sáp nhập, Học viện Hành chính lại được tách khỏi Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về trực thuộc Bộ Nội vụ từ ngày 10/12/2013 và theo Nghị quyết số 121/NQ-CP của Chính phủ, chính thức mang tên Học viện Hành chính Quốc gia.
Ngày 23/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia làm căn cứ pháp lý để Học viện triển khai thiết lập cơ cấu tổ chức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ là trung tâm quốc gia về ĐTBD CBCCVC.
Mỗi dấu mốc lịch sử phát triển của Học viện nêu trên không chỉ đơn giản là sự thay đổi về tên gọi hay sự sắp xếp, hợp nhất cơ học mà đều thể hiện sự gia tăng, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Học viện trong từng giai đoạn cách mạng, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển. Trong suốt những năm qua, dù nhiều lần tách, nhập và trực thuộc các cơ quan khác nhau nhưng Học viện Hành chính Quốc gia luôn khẳng định là trung tâm ĐTBD CBCCVC hàng đầu của cả nước, góp phần quan trọng trong sự phát triển của khoa học hành chính và xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Những kết quả và thành tích đạt được
Ra đời trong thời kỳ miền Bắc đang tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam, Trường Hành chính khi đó đã từng bước trở thành Học viện Hành chính Quốc gia hôm nay, luôn khẳng định là trung tâm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chiến lược quan trọng về hành chính, đáp ứng các yêu cầu về ĐTBD nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý đất nước.
Từ khi hình thành chỉ với vài chục người, đến nay, Học viện đã có một đội ngũ công chức, viên chức và người lao động đông đảo với hơn 800 người, trong đó có 1 giáo sư, 30 phó giáo sư, 109 tiến sỹ và hàng trăm thạc sỹ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong giảng dạy cùng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên kiêm nhiệm gồm hàng trăm nhà khoa học và các nhà quản lý cấp cao nhiều kinh nghiệm. Ngoài cơ sở chính tại Hà Nội, Học viện còn có 3 phân viện tại TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế và Đắk Lắk (Tây Nguyên).
Học viện xác định ba trụ cột chủ yếu trong chức năng, nhiệm vụ của mình là ĐTBD CBCCVC, nhất là cho đội ngũ CBCCVC cấp chiến lược về hành chính và quản lý nhà nước; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn khoa học cho Đảng và Nhà nước về hành chính và quản lý nhà nước.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trước hết, Học viện đã xây dựng và triển khai có chất lượng việc bồi dưỡng cho lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp vụ, cấp sở và chuẩn bị thực hiện bồi dưỡng cho cấp thứ trưởng. Bên cạnh việc bồi dưỡng truyền thống theo ngạch, bồi dưỡng theo chức danh, theo vị trí việc làm đã được triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng, hướng tới nhu cầu của người học và đáp ứng những đòi hỏi của vị trí việc làm.
Trong những năm qua, đã có hàng chục vạn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan trung ương, lực lượng vũ trang cũng như của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước đã tham gia các khóa bồi dưỡng do Học viện tiến hành. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, chủ chốt của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Học viện đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc đào tạo các chuyên ngành quản lý nhà nước. Từ năm 1996, Học viện bắt đầu đào tạo Đại học Hành chính văn bằng 2 và đến năm 2000, bắt đầu tuyển sinh viên chính quy ngành Quản lý nhà nước. Tới năm 2017, Học viện đã đào tạo được 18 khóa sinh viên ngành Quản lý nhà nước, cung cấp cho hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, tổ chức nhiều cử nhân có năng lực, trình độ cao.
Từ năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Học viện dừng tuyển sinh đại học, tập trung vào bồi dưỡng và đào tạo sau đại học. Hiện nay, Học viện đang thực hiện việc đào tạo sau đại học với 5 chuyên ngành Thạc sỹ: Quản lý công, Chính sách công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Quản lý Kinh tế và Tài chính – Ngân hàng và 1 chuyên ngành Tiến sỹ Quản lý công.
Bên cạnh đó, cùng với việc tăng cường đào tạo quốc tế, nhiều học viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia, như: Hàn Quốc, Lào, Băng-la-đét,… trong đó có nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước của nước CHDCND Lào đã được ĐTBD tại Học viện, nâng cao vị thế quốc tế của Học viện trong khu vực, đồng thời góp phần quan trọng vào việc triển khai chủ trương chủ động và tích cực tham gia hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ là trung tâm ĐTBD quốc gia về hành chính, về quản lý nhà nước, tham mưu tích cực cho Đảng và Nhà nước về quản lý nhà nước, Học viện đã quan tâm chú trọng nghiên cứu khoa học hành chính và quản lý nhà nước.
Các kết quả nghiên cứu được thực hiện ở nhiều cấp độ, trên nhiều địa bàn và được thể hiện ở nhiều dạng sản phẩm khác nhau, như chương trình, giáo trình ĐTBD theo ngạch và theo chức danh; các sách chuyên khảo, tham khảo; các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; những bài tham luận trong các hội thảo, hội nghị; các báo cáo kiến nghị với Đảng và Nhà nước…
Công tác nghiên cứu khoa học đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của Học viện song song với nhiệm vụ ĐTBD, không chỉ tăng cường về quy mô, phong phú về thể loại mà còn được đa dạng hóa về nguồn đầu tư và không ngừng được đổi mới về cơ chế quản lý, sử dụng sản phẩm nghiên cứu.
Chỉ tính trong những năm gần đây, hằng năm, Học viện triển khai khoảng 30 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, 10 đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp tỉnh và nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước; tổ chức hàng chục Hội thảo khoa học cấp học viện, cấp quốc gia và quốc tế, được giới nghiên cứu khoa học và các nhà hoạt động hành chính thực tiễn quan tâm.
Phạm vi nghiên cứu không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu lý luận phục vụ cho việc giảng dạy và phát triển khoa học hành chính mà còn đi vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của quản lý nhà nước, góp phần hình thành căn cứ khoa học, tham mưu cho Đảng và Nhà nước giải quyết các vấn đề cấp thiết của thực tiễn.
Định hướng phát triển của Học viện trong những năm tới
Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, Học viện đã đạt được nhiều thành công to lớn, góp phần vào thắng lợi của cách mạng, góp phần đào tạo nên một đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng các yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính nhà nước, hướng tới một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả, một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động.
Sự trở về trực thuộc Bộ Nội vụ năm 2013 và việc ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Học viện trong tương lai, tạo cho Học viện một vị thế mới hướng tới sự phát triển bền vững.
Trong tình hình hiện nay, đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Công cuộc đổi mới đang đi vào chiều sâu ở nước ta đã đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng chính sách cũng như năng lực, phẩm chất của đội ngũ CBCCVC. Xác định tầm quan trọng của Học viện Hành chính Quốc gia trong sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, phát huy truyền thống 60 năm vẻ vang, bám sát những yêu cầu của đổi mới trong những năm tới, Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục phấn đấu đoàn kết, đổi mới toàn diện để ngày càng phát triển.
Thứ nhất, tập trung vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ĐTBD CBCCVC về hành chính nhà nước, góp phần xây dựng một đội ngũ CBCCVC đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Để làm được điều đó, cần tập trung quyết liệt nâng cao chất lượng ĐTBD qua việc đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng ĐTBD.
Khi xây dựng chương trình, tài liệu, cần quán triệt quan điểm gắn liền lý luận với thực tiễn, luôn đổi mới, sáng tạo. Đổi mới nội dung, chương trình và cách thức tiếp cận bồi dưỡng, gắn liền với việc xây dựng đội ngũ giảng viên phù hợp và đổi mới phương pháp ĐTBD. Đây là yêu cầu bức thiết của việc nâng cao chất lượng ĐTBD, nhất là với đối tượng ĐTBD đặc thù của Học viện.
Trong quá trình ĐTBD, luôn xác định lấy người học làm trung tâm, biến quá trình học tập thành quá trình tự học tập, tạo không gian cho học viên nêu ra, suy nghĩ, đánh giá và giải quyết các vấn đề họ thường gặp phải trong thực tiễn từ giác độ lý luận. Do đó, Học viện sẽ phải thay đổi phương thức dạy và học, cách thức tiếp cận vấn đề.
Để đáp ứng yêu cầu này, cần quan tâm đặc biệt tới việc phát triển đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, với đặc thù của hoạt động bồi dưỡng CBCCVC gắn liền với thực tiễn, cần mở rộng quan hệ của Học viện với các đơn vị đào tạo trong nước cũng như các cơ quan trong hệ thống chính trị để phát triển mạng lưới giảng viên kiêm nhiệm phục vụ công tác ĐTBD; chia sẻ nguồn dữ liệu khoa học; kết hợp hài hòa giữa lực lượng giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm.
Đổi mới quy trình và cách thức đánh giá chất lượng ĐTBD, chuyển từ kiểu đánh giá truyền thống, đánh giá kiến thức thu được trên lớp sang đánh giá ảnh hưởng của kết quả ĐTBD lên hoạt động công vụ của CBCCVC.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Học viện trong thời gian tới. Nghiên cứu khoa học trong môi trường Học viện trước hết là để trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ ĐTBD CBCCVC của Học viện, nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên, qua đó, nâng cao chất lượng giảng dạy; đồng thời, tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển lý luận khoa học hành chính.
Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nghiên cứu những vấn đề bức xúc của thực tiễn để làm tốt công tác tham mưu khoa học cho Đảng và Nhà nước, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý xã hội. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đồng thời thay đổi cách tiếp cận đối với việc quản lý nghiên cứu khoa học, mở rộng và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng ĐTBD và nghiên cứu khoa học. Việc tăng cường chất lượng ĐTBD và nghiên cứu khoa học luôn gắn liền với việc tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống; đồng thời, mở rộng quan hệ với các đối tác mới.
Việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế không chỉ góp phần quan trọng nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao vị thế của Học viện trên trường quốc tế, hướng tới đưa Học viện trở thành một trung tâm ĐTBD ngang tầm khu vực.
Thứ tư, nâng cao chất lượng quản trị nội bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho đội ngũ người lao động, đặc biệt là đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, Học viện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, sắp xếp cơ cấu tổ chức tinh gọn, giảm bớt sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Thứ năm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu ĐTBD cấp cao; tận dụng cơ sở vật chất sẵn có; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư.
Thế và lực mới của Học viện thể hiện qua những kết quả đạt được trong thời gian 60 năm qua là tiền đề quan trọng để Học viện tận dụng thời cơ, tận dụng điểm mạnh nhằm khắc phục những hạn chế, đối mặt với các khó khăn, thách thức đang diễn ra, hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Nâng cao chất lượng ĐTBD, đặc biệt là ĐTBD cho đội ngũ cán bộ chiến lược, tăng cường nghiên cứu khoa học để làm tốt công tác tư vấn, tham mưu xây dựng chính sách cho Đảng và Nhà nước là những nhiệm vụ trọng yếu trong thời gian tới để Học viện ngày càng xứng đáng là trung tâm quốc gia về ĐTBD CBCCVC cho bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị nói chung, một trung tâm ĐTBD ngang tầm khu vực.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 309.
TS. Đặng Xuân Hoan
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia