Quản lý nhà nước đối với du lịch tâm linh ở Đồng bằng sông Cửu Long

(QLNN) – Trong những năm qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó du lịch tâm linh có đóng góp to lớn và bền vững vào sự tăng trưởng. Những lợi ích của du lịch tâm linh không chỉ về kinh tế mà còn bao hàm những giá trị tinh thần cho đời sống xã hội.  Do vậy, cần có sự quản lý nhà nước đối với du lịch tâm linh nhằm nâng cao hiệu quả và phát huy thế mạnh đặc biệt của loại hình du lịch này ở nước ta.

 

Vài nét về du lịch tâm linh ở nước ta

Việt Nam hiện có gần 8.000 lễ hội truyền thống, trong đó có rất nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia. Cả nước có khoảng 40.000 khu di tích, thắng cảnh, tập trung chủ yếu ở đền, chùa, miếu mạo, tòa thánh, đài, lăng tẩm, phủ, khu tưởng niệm, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia. Đi kèm di tích là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, thể thao như: thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh hùng dân tộc, danh nhân, báo hiếu, chiêm bái, tụng kinh, thiền, yoga.

Chính kho tàng văn hóa và tín ngưỡng phong phú nêu trên đã tạo hình cho cốt cách và bản sắc của dân tộc Việt Nam, làm nên nét riêng cho du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng dưới góc nhìn văn hóa, những phong tục, truyền thống và tín ngưỡng thuần Việt không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn là bản sắc dân tộc. Một số đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm quản lý và phát triển du lịch. Những năm qua, ngành Du lịch có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế –  xã hội, trong đó, DLTL là loại hình du lịch lâu đời, ngày càng phát triển và khẳng định vai trò của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch nói chung và DLTL nói riêng, nhất là ở các tỉnh phía Nam đang bộc lộ những hạn chế nhất định (về nhận thức, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh không lành mạnh, giao tiếp, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm hàng hóa lưu niệm…), đòi phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với du lịch và DLTL tại các tỉnh phía Nam, nhằm nâng cao hiệu quả, khai thác thế mạnh DLTL và góp phần cùng các loại hình du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tham gia tích cực và chủ động trong phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.

Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang) mùa nước nổi 2018. Ảnh: Huỳnh Xây (Nguồn: http://danviet.vn).

Một số kết quả bước đầu phát triển du lịch tâm lịch ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua

Thứ nhất, DLTL gắn với tôn giáo và đức tin. Ở các tỉnh phía Nam, Phật giáo có số lượng lớn nhất (chiếm tới 90%) cùng tồn tại với các tôn giáo khác như: Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo Nam tông, Khơme. Triết lý phương đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo ở các tỉnh phía Nam là những ngôi chùa, tòa thánh và những công trình văn hóa tôn giáo gắn với các di tích là đối tượng mục tiêu hướng tới của DLTL.

Thứ hai, DLTL ở các tỉnh phía Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, dân tộc (Thành Hoàng) trở thành du lịch về cội nguồn dân tộc với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Tiêu biểu là lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở tỉnh Kiên Giang, lễ hội anh hùng dân tộc Trương Định ở tỉnh Tiền Giang.

Thứ ba, DLTL ở các tỉnh phía Nam cũng gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với bậc sinh thành trong dòng họ và gia đình.

Các loại hình du lịch chủ yếu ở các tỉnh phía Nam là du lịch sinh thái, du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, du lịch thương mại, nghiên cứu, sông nước, miệt vườn, biển, đảo và DLTL đang ngày càng phát triển. Các tỉnh phía Nam với chủ trương thống nhất và ký kết liên kết điều phối du lịch vùng đã có kết quả chủ yếu như sau: “trong năm 2015, toàn vùng đón trên 5,56 triệu lượt du khách, trong đó có trên 1,19 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2016, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính lượng du khách tăng khoảng 15 – 17% so cùng kỳ”1.

Khách DLTL đến các tỉnh phía Nam chiếm một tỷ lệ khá lớn. Khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi. Vì vậy, khó có thể phân biệt rõ số khách với mục đích DLTL thuần túy (ngoại trừ số tăng ni, phật tử, tín đồ, khách hành hương). Một số điểm DLTL tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), “năm 2016 ước khoảng 4,15 triệu lượt khách; khu du lịch Núi Bà Đen (2,2 triệu lượt); năm 2016 ước khoảng 2,32 triệu lượt khách”2; chưa tính hàng trăm nghìn người dự các lễ hội khác.

Thứ tư, DLTL giúp người dân địa phương chủ động tham gia vào các hoạt động cung ứng dịch vụ, phục vụ khách tại các điểm DLTL: dịch vụ vận chuyển, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, ẩm thực.

Thứ năm, DLTL gắn với các lễ hội truyền thống và với triết lý đạo Phật cũng như các tôn giáo khác là sống tốt đời đẹp đạo, DLTL chủ động và tích cực trong việc bảo vệ môi trường và đóng góp thích đáng vào phát triển bền vững. Ở các tỉnh phía Nam, hầu hết các điểm DLTL là những nơi có phong cảnh đẹp, hệ sinh thái độc đáo luôn được giữ gìn bảo vệ môi trường tốt bằng các hành vi có ý thức của con người.

Từ đó, có thể nhận thấy tác động của DLTL đạt tới sự phát triển cân bằng về các yếu tố kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững tại các địa phương.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với du lịch tâm linh ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới

Một là, Ủy ban nhân dân các cấp tại các tỉnh phía Nam cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực thi Luật Du lịch năm 2017, nhằm bảo đảm các điều kiện về tổ chức bộ máy, nguồn lực và hạ tầng thực hiện mục tiêu đã đề ra cho phát triển du lịch nói chung và DLTL nói riêng, duy trì mức tăng trưởng 12%/năm và nâng lên 15%/năm vào năm 2020 đối với DLTL.

Hai là, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức và nhân dân về DLTL, bảo đảm thực hiện đúng  phương hướng và quan điểm phát triển DLTL nhằm mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững; tạo điều kiện và định hướng hoạt động cho các chức sắc tôn giáo, các tín đồ, tăng ni, phật tử trong việc tổ chức hoạt động du lịch tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Ba là, khai thác và tập trung các nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm DLTL dựa trên quy hoạch các khu, điểm DLTL. Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc của Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng để thu hút khách du lịch.

Đầu tư vào hạ tầng tiếp cận điểm DLTL và hệ thống cơ sở dịch vụ bảo đảm chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất khu, điểm DLTL. Tiến tới xây dựng sản phẩm DLTL theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm DLTL đạt tới độ tinh tế đáp ứng đúng các nhu cầu về tâm linh của du khách; kết nối và hình thành các tuyến DLTL khu vực và quốc gia.

Bốn là, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ tại điểm DLTL và tăng cường quản lý điểm đến DLTL. Bảo đảm thực hiện các chính sách du lịch của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng tới hỗ trợ cộng đồng dân cư tăng cường năng lực tham gia phục vụ du lịch tại khu, điểm DLTL; có cơ chế điều tiết, tái đầu tư vào quản lý điểm đến DLTL bằng nguồn tài trợ, công đức, đóng góp tự nguyện của du khách.

Năm là, mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện chương trình liên kết phát triển DLTL giữa các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nê-Pan, Bu-Tan,Trung Đông và Ấn Độ trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.

Sáu là, Nhà nước có chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư để phát triển DLTL, quảng bá những giá trị tâm linh, những công trình chùa, tôn giáo gắn với di tích lịch sử, có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ, quảng bá những hình ảnh về hoạt động văn hóa, lễ hội của đồng bào các dân tộc tại các tỉnh phía Nam với nhân dân cả nước và các dân tộc trên thế giới để khai thác, phát triển DLTL.

DLTL cùng các loại hình khác đang tồn tại và ngày càng phát triển ở nước ta nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng, không chỉ mang ý nghĩa chân – thiện – mỹ mà còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ lưu niệm cho du khách, hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối vùng, giao lưu và lan tỏa giá trị văn hóa. Do đó, DLTL đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2015 – 2016.
2. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Bình Định, Tây Ninh năm 2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Du lịch năm 2017.

NCS. Trần Thị  Xuân Mai
Học viện Hành chính Quốc gia