(QLNN) – Hiện nay, Trung Quốc đang dùng chính sách dân số để điều tiết kết cấu dân số, tác động đến quá trình già hóa, làm giảm tốc độ già hóa, giảm bớt áp lực lên phát triển kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng lao động, tích cực phát triển nguồn nhân lực người già, tận dụng có hiệu quả các chính sách này để kịp thời xây dựng chế độ an sinh xã hội toàn diện, chế độ an sinh toàn dân vào năm 2020, đặc biệt là an sinh xã hội đối với người cao tuổi.
Trong xu thế phát triển dân số thế giới, Trung Quốc cùng Việt Nam đang là hai quốc gia có tốc độ già hóa dân số vào loại nhanh nhất thế giới. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số “từ năm 2011 với trên 10 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 11% dân số và được dự đoán già hóa trong 22 năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ NCT Việt Nam chiếm 17% (19 triệu người) và sẽ nâng lên 25% vào năm 2050 (28 triệu người)”[1].
Trên thế giới hiện nay, trung bình “cứ 01 giây có 2 người bước vào tuổi 60 và cứ 9 người sẽ có 01 người trên 60 tuổi, con số này sẽ giảm xuống còn 5:1 vào năm 2050. Về số lượng, năm 2015 có khoảng 901 triệu NCT (chiếm 12,5% dân số). Con số này sẽ tăng hơn 2 tỷ người vào năm 2050 (chiếm 22%), gây tác động rất lớn đến mọi hoạt động kinh tế và đời sống của các quốc gia”[2].
Trung Quốc vẫn được biết đến là một cường quốc về dân số. Số dân của nước này chiếm tới 1/5 dân số toàn cầu. Dân số bắt đầu già hóa đúng lúc kinh tế và tầng lớp doanh nhân trung lưu đang trong giai đoạn bắt đầu đà tăng trưởng. Già trước khi giàu mang lại một gánh nặng xã hội vô cùng lớn trong khi chưa có đủ tích lũy cần thiết để trang trải. Già hóa mang lại thách thức về thay đổi cơ cấu lao động, năng suất lao động của những NCT sẽ thấp hơn năng suất của các nhóm tuổi trẻ hơn trong lực lượng lao động, đồng thời chi phí y tế và các phúc lợi xã hội cho người già tăng lên, dẫn tới thu nhập của nền kinh tế và các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện nay, “dân số Trung Quốc là 1.409.517 nghìn người (hơn 1,4 tỷ người)”[3]. Còn theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, số liệu công bố đến năm 2015, tổng dân số là 1.374.620 ngàn người (1,37 tỷ người). Hằng năm, dân số trung bình Trung Quốc đều tăng so với năm trước với số lượng xấp xỉ chục triệu người/năm.
Có thể thấy từ năm 2006 – 2015, trải qua một thập kỷ, “số trẻ em ở Trung Quốc đã giảm từ 260,27 triệu người năm 2006 xuống còn 227,15 triệu người năm 2015, số giảm là 331,2 triệu người (tương ứng 12,72% so với năm 2006). Trong khi đó, số người già, tính từ đủ 65 tuổi trở lên tăng từ 103,84 triệu người (năm 2006) lên 143,86 triệu người (năm 2015), số tăng là 40,02 triệu người (tương ứng 38,54% so với năm 2006). Cũng căn cứ bảng số liệu ở cuối bài, tỷ lệ người già (65 tuổi trở lên) ở Trung Quốc trong tổng số dân lần lượt là: năm 2006: 7,89%; năm 2010: 8,89%; năm 2015: 10,465%, điều này cho thấy, Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Theo tác giả Thang Triệu Vân, trong cuốn sách “Nghiên cứu chính sách dân số mới của Trung Quốc”, tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc trong 30 năm tới là xu thế gia tăng, đến năm 2040, số người già trên 65 tuổi trở lên chiếm 20% tổng số dân. Bản thân người già cao tuổi (rất già) trong nhóm dân số già cũng tăng nhanh, dự kiến số người già trên 80 tuổi đến năm 2050 đạt tới 16 triệu người”[4]. Các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 10%) sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số 60+ tuổi chiếm 20%) như: Ốt-xtrây-li-a 73 năm, Hoa Kỳ 69 năm, Ca-na-đa 65 năm; con số này ở Đức là 61 năm và ở Thụy Điển là 64 năm… Còn theo Liên hiệp quốc, sẽ mất khoảng 20 năm để dân số già ở Trung Quốc tăng từ 10% lên 20% (giai đoạn 2017 – 2037).
Tỷ lệ dân số phụ thuộc của Trung Quốc vào năm 2015 “là 14% thì ước tính tỷ lệ này sẽ tăng lên 44% vào năm 2050, và số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 100 triệu (năm 2005) lên khoảng 330 triệu (năm 2050), tức gần bằng dân số Hoa Kỳ và gấp đôi dân số Nga”[5]. Đi theo sự gia tăng số NCT là sự giảm sút về số lượng trẻ em do tỷ suất sinh giảm. Dân số Trung Quốc đang trong giai đoạn hoàng kim của cơ cấu dân số – số người trong độ tuổi lao động gia tăng, nhưng già hóa dân số tăng nhanh đã gây tác động đến số lượng dân số trong độ tuổi này. “Tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc giai đoạn 2010 – 2015 là 1,6”[6]. Đây là mức tổng tỷ suất sinh của các nước phát triển, khi kinh tế đã vững mạnh, họ có điều kiện và tích lũy lo cho an hưởng tuổi già.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, “với mức sinh như vậy, so sánh kết cấu dân số năm 2010 và năm 2040, tuy rằng tổng dân số giữ mục tiêu vào khoảng trên dưới 1,45 tỷ người, so với hiện tại tăng không nhiều, nhưng số dân trên 60 tuổi sẽ tăng từ 171 triệu người lên 411 triệu người, số người trong tuổi lao động (từ 20 – 60 tuổi) sẽ giảm từ 817 triệu người xuống 696 triệu người, trong đó số người có sức lao động sung sức nhất (từ 20 – 40 tuổi) sẽ giảm từ 436 triệu người xuống còn 302 triệu người”[7].
Trước những đe dọa từ tình trạng già hóa dân số, Trung Quốc đã nghiên cứu và thay đổi chính sách một con áp dụng từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX. Trung Quốc cần có thêm nhiều trẻ em để khắc phục tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính và giảm sút lực lượng lao động. Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng về quy định số con được sinh ra của các cặp vợ chồng. Chính sách một con – tên chính thức do Chính phủ Trung Quốc đặt là “Chính sách kế hoạch hóa gia đình” được bắt đầu thực hiện từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Mục tiêu đề ra khi thi hành chính sách này là giảm bớt các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, do lo ngại dân số tăng nhanh có thể làm cạn kiệt tài nguyên, gia tăng nghèo đói và đe dọa sự ổn định của xã hội.
– Năm 1979, chính sách một con được đưa vào áp dụng.
– Năm 1982, chính sách một con được đưa vào Hiến pháp.
– Năm 1984, cho phép các cặp vợ chồng ở nông thôn sinh con thứ hai nếu con thứ nhất là con gái, các cặp vợ chồng dân tộc thiểu số được phép sinh từ 3 – 4 con.
– Năm 1997, cho phép các cặp vợ chồng sống ở thành thị, có thể có hai con nếu cả hai vợ chồng đều là con một.
– Năm 2000, quy định về con thứ tiếp tục được nới lỏng. Các điều kiện phổ biến bao gồm: vợ chồng đều là con một, vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số, vợ chồng trở về từ nước ngoài, các cặp vợ chồng có con đầu bị khuyết tật.
– Cuối năm 2013, cho phép các cặp vợ chồng trên toàn quốc được sinh con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một.
Sau hơn 30 năm thi hành chính sách dân số chặt chẽ, Trung Quốc là quốc gia trong nhóm những nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới… với nền kinh tế phát triển nhanh, đòi hỏi nguồn nhân lực khổng lồ, chính sách một con đã tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Do đó, Trung Quốc hiện đang tích cực thực hiện chính sách hai con để ứng phó.
Chính sách hai con của Trung Quốc được thực hiện trong bối cảnh áp lực về số lượng dân số vẫn còn là một mối lo ngại lớn đối với sự cất cánh về kinh tế và xây dựng chế độ an sinh xã hội toàn diện. Những thay đổi trong chính sách dân số một con từ giai đoạn bắt đầu thực hiện cho đến trước thế kỷ XXI nhằm giải quyết vấn đề dân số tập trung vào số dân, giữ vững tính ổn định của chính sách sinh đẻ có kế hoạch.
Bước sang thế kỷ XXI, vấn đề dân số toàn cầu và dân số Trung Quốc có những thay đổi lớn. Mặc dù dân số trẻ của thế giới vẫn nhiều (tập trung ở châu Phi) nhưng xu thế già hóa đã và đang diễn ra ở khắp các châu lục khác. Vấn đề dân số mà Trung Quốc đối mặt không chỉ là số lượng dân số, mà nghiêm trọng hơn rất nhiều là kết cấu dân số, áp lực của dân số đối với tài nguyên môi trường và phát triển không thay đổi căn bản. Xu hướng trên thế giới là nhóm dân số trên 60 tuổi sẽ gia tăng nhanh hơn nhóm dân số trẻ. Trung Quốc lại là quốc gia có tốc độ già hóa vào loại nhanh nhất, không những già hóa chung mà siêu già (số lượng người già trên 80 tuổi) cũng tăng nhanh.
Hơn nữa, thay đổi chính sách không phải thực hiện được ngay do vấp phải ý nguyện của dân chúng. Những vấn đề kinh tế và điều kiện chăm sóc trẻ nhỏ, bị nhỡ cơ hội việc làm và thăng tiến khi thai sản đã ảnh hưởng đến ý muốn sinh con, sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Tư tưởng truyền thống muốn con trai nối dõi làm cho tỷ lệ giới tính mất cân bằng cao, hệ quả sau vài thập kỷ thực hiện chính sách là khả năng kết hôn của thanh niên bị hạn chế, nhìn vào số lượng nam nữ không đủ để kết đôi thành cặp vợ chồng để có thể bảo đảm tái sản xuất con người, bảo đảm sự kế tiếp bền vững các thế hệ.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tính toán và dự đoán trong khoảng thời gian từ năm 2000 – 2050: “với điều kiện mức chết được coi là ổn định (trong hai trường hợp mức chết trung bình hoặc mức chết thấp), khi sinh nhiều hơn, tức là khi áp dụng chính sách hai con, số lượng người sinh ra sẽ làm tăng tỷ số phụ thuộc trẻ (DR0-14), tổng tỷ số phụ thuộc sẽ tăng chậm hơn, có tác dụng nhất định trong việc tác động đến kết cấu dân số và làm giảm chậm tốc độ già hóa”[8].
Từ thực trạng trên, ngày 30/12/2016, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố “Quy hoạch phát triển dân số quốc gia giai đoạn 2016 – 2030”. Quy hoạch nêu rõ: hoàn thiện hệ thống chính sách dân số để thúc đẩy phát triển cân bằng và lâu dài về dân số, phát huy tối đa vai trò động lực của dân số đối với phát triển kinh tế – xã hội, có ý nghĩa hiện thực quan trọng và ý nghĩa lịch sử đối với việc thực hiện các mục tiêu của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ kiên trì chính sách sinh đẻ có kế hoạch, khuyến khích sinh đẻ theo chính sách. Điều 3 -Phương hướng chỉ đạo trong Chương 2 – Tổng thể chiến lược nêu: đến năm 2020, phát huy hiệu ứng chính sách hai con toàn diện, tăng hợp lý mức sinh, từng bước cải thiện cơ cấu dân số, tránh trường hợp dân số tăng qua cao trào lại nhanh chóng giảm sút, giữ kết cấu và phân bố dân số hợp lý, cân bằng tỷ số giới tính.
Trung Quốc sẽ dùng chính sách dân số để điều tiết kết cấu dân số, tác động đến quá trình già hóa, làm giảm tốc độ già hóa, giảm bớt áp lực lên phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng lao động, tích cực phát triển nguồn nhân lực người già, tận dụng có hiệu quả để già hóa thành công và kịp xây dựng chế độ an sinh xã hội toàn diện, chế độ an sinh toàn dân vào năm 2020, đặc biệt là an sinh xã hội đối với NCT./.