Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội

(QLNN) – Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của các hội, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các hội phát triển. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về các hội để các hội tổ chức và hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ trương, quan điểm của Đảng về hội

Các chủ trương, quan điểm đó luôn được khẳng định, bổ sung và hoàn thiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, IX, X, XI; và trong các văn bản cụ thể khác, như: Nghị quyết 8B-NQ/TW (khoá VI) ngày 27/3/1990 về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 06/10/1998 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của hội quần chúng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011); Chỉ thị số 17/CT-TW ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng.

Các chủ trương,quan điểm của Đảng về tổ chức và hoạt động của các hội được thể hiện trong các văn bản trên rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, chính xác và tập trung chủ yếu vào các điểm cơ bản sau:

Hội là hình thức tập hợp nhân dân, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của hội viên,hoạt động theo tinh thần ích nước, lợi nhà, tương thân, tương ái, chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của các hội viên.

Các hội phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải về kinh phí, tuân thủ pháp luật, điều lệ hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, không nhà nước hoá, hành chính hoá trong tổ chức và hoạt động; không nhất thiết phải tổ chức thành hệ thống từ trung ương đến cơ sở. Hình thức tổ chức của các hội đa dạng phong phú.

Các hội có trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước (QLNN), quản lý xã hội dưới hình thức tư vấn, phản biện đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các hội được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để tham gia thực hiện các nhiệm vụ xã hội hoá sự nghiệp dịch vụ công; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thực trạng quản lý nhà nước về hội ở nước ta thời gian qua

Thực hiện chủ trương của Đảng và nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác QLNN về hội trong thời kỳ đổi mới, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, quy định về tổ chức và hoạt động của hội, như: Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 45/2010/ NĐ-CP ngày 21/4/2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (thay thế Nghị định số 88/2003/NĐ-CP); Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư; Nghị định số 08/1998/NĐ-CP ngày 22/01/1998 ban hành quy chế thành lập hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2003/ QĐ-TTg ngày 29/01/2003 về ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội – nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước; Quyết định số 247/2006/QĐ-TTg ngày 30/10/ 2006 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg; Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 về việc quy định hội có tính chất đặc thù. Ngoài ra, Chính phủ còn quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển của hội thông qua việc ban hành Nghị quyết số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, thể dục, thể thao; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vuï ngoaøi coâng laäp.

Có thể thấy, bằng việc ban hành các văn bản trên, Chính phủ không chỉ cụ thể hoá quyền lập hội của công dân (được quy định trong Hiến pháp năm 1992), mà còn tạo cơ sở pháp lý để QLNN về hội ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn. Nhờ đó, tổ chức và hoạt động của các hội thời gian qua rất phát triển. Các hội tham gia tích cực vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, như: tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện các chủ trương xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ngoại giao nhân dân; tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật, truyền bá kiến thức, khoa học – công nghệ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, bảo vệ môi trường; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, tổ dân phố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Cũng nhờ công tác QLNN ngày một hợp lý, phù hợp với đặc điểm, đặc thù, tính chất của các hội nên các hội ngày càng phát triển, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, công tác QLNN về hội cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cụ thể hoá chủ trương của Đảng về hội còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có các quy định pháp lý ở tầm luật để quản lý thống nhất hội và thiếu các quy định cụ thể, chính xác về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội.

Còn nhiều QPPL về tổ chức và hoạt động của hội được quy định tương tự như các QPPL về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước, dẫn đến nhà nước hoá, hành chính hoá tổ chức và hoạt động của hội, đánh mất bản chất tự nguyện, tự quản, tự chủ của nhân dân của các hội. Nhiều nội dung quy định không còn phù hợp với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bản chất các QPPL là các quy tắc xử sự chung, áp dụng thống nhất trong toàn quốc, bình đẳng đối với tất cả chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật nhưng trong các văn bản QPPL về tổ chức và hoạt động của các hội còn có nhiều quy phạm mang tính chất đặc thù quy định riêng cho một số hội.

Các QPPL về hội có tính chất đặc thù dẫn đến hành chính hoá tổ chức và hoạt động của các hội và bất bình đẳng trong chính sách của Nhà nước đối với các hội (có hội được, có hội không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí). Cũng từ đó, dẫn đến tình trạng rất nhiều hội đề nghị được công nhận là hội có tính chất đặc thù.

Năm 2012, Nhà nước đã hỗ trợ cho các hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc khoảng 300 tỷ đồng, cho các hội hoạt động trong phạm vi địa phương khoảng 392,8 tỷ đồng. Việc chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hội đặc thù không phù hợp, không đúng với các nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải trong phạm vi kinh phí tổ chức và hoạt động của các hội đã được quy định trong các văn bản QPPL của Chính phủ đã làm cho không ít hội ỷ lại, trông chờ vào kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, làm mất tính tự chủ, tự quản và sáng tạo của các hội. Việc giao biên chế, kinh phí và bố trí công chức làm việc trong một số hội cũng dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các hội,hành chính hoá sâu sắc tổ chức và hoạt động của các hội,đánh mất bản chất của các hội này.

Các hội còn được điều chỉnh bởi các văn bản khác nhau như:Liên đoàn Luật sư Việt Nam được điều chỉnh theo các quy định của Luật Luật sư và Nghị định số 131/2008/NĐ-CP; Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 08/1998/NĐ-CP; còn lại đa số các hội được tổ chức và hoạt động theo các quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Chính điều này dẫn đến sự không thống nhất và thiếu đồng bộ trong các QPPL về hội.

Đặc biệt,QLNN về hội chưa tập trung thống nhất về một đầu mối, còn chống chéo trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền QLNN về hội giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khác.

Các quy định về trách nhiệm của các cơ quan QLNN về lĩnh vực hoạt động của hội chưa cụ thể nên khó thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tạo điều kiện để các hội hoạt động đúng hướng và có hiệu quả. Việc thực hiện chủ trương xã hội hoá các dịch vụ công, chuyển giao một số nhiệm vụ của Nhà nước cho các tổ chức hội đảm nhiệm chưa mạnh,chưa nhiều, chưa thoả đáng.

Sự phối hợp giữa các cơ quan QLNN chuyên ngành ở các cấp chưa được xác định rõ, còn phân tán, không tập trung thống nhất, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý nên hiệu quả công tác QLNN về hội chưa cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về hội vừa thiếu, vừa yếu, không được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các hội không thường xuyên, chưa chặt chẽ, xử lý các vi phạm pháp luật về hội không kịp thời, không nghiêm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên. Nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, trong đó chủ yếu là do nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò, đặc điểm, đặc thù, tính chất của hội chưa đầy đủ và chính xác. Còn có sự nhầm lẫn trong quan niệm về hội, coi hội như các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Mặc dù, hội được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật nhưng không có nghĩa hội là cơ quan của Nhà nước,tổ chức hội hoạt động như cơ quan hành chính nhà nước. Về bản chất, hội là tổ chức của quần chúng nhân dân.

Ởnước ta, quan niệm và phân loại các hội thành: hội có tính chất chính trị – xã hội; hội có tính chất nghề nghiệp; hội có tính chất xã hội – nhân đạo, từ thiện; hội có tính chất xã hội, xã hội nghề nghiệp. Quan niệm và phân loại các hội như vậy dẫn đến phân biệt đối xử thiếu công bằng giữa các hội (các hội có tính chất chính trị được coi là các hội đặc thù và Nhà nước có chế độ, chính sách đối xử riêng với hội như hiện nay). Nhưng về bản chất,trong chính thể của Nhà nước ta – nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, hội nào cũng có tính chất chính trị, hội nào cũng phục vụ Nhà nước, phục vụ nhân dân.

Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về các hội

Thứ nhất, cần phải đổi mới nhận thức một cách đầy đủ, chính xác về bản chất, đặc điểm, đặc thù, tính chất của hội trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước hết, phải quan niệm: hội là tổ chức tự nguyện của quần chúng nhân dân cùng ngành, nghề, cùng sở thích, cùng giới tính, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, của cộng đồng.

Hội không phải là tổ chức nhà nước, không có tính quyền lực nhà nước hay quyền lực chính trị. Nếu nhà nước hoá và hành chính hoá tổ chức và hoạt động của các hội, sẽ “biến” các hội thành các cơ quan hành chính nhà nước, đánh mất bản chất của các hội là tổ chức quần chúng nhân dân, các tổ chức phi chính phủ. Hoặc nếu hội phụ thuộc vào Chính phủ thì hội không còn là hội với ý nghĩa và vai trò đích thực của nó.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đổi mới nhận thức một cách đầy đủ về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các hội, như: nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải về kinh phí; không vì mục tiêu lợi nhuận; tuân thủ pháp luật và điều lệ hội. Việc nhận thức sâu sắc, đúng đắn và tuân thủ các nguyên tắc đó là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của các hội, đồng thời cũng là điều kiện để bảo đảm sự quản lý thống nhất, bình đẳng của Nhà nước đối với các hội.

Thứ hai,cần quán triệt sâu sắc và chính xác các quan điểm của Đảng về hội, các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của hội được thể chế hoá thành hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Nghiên cứu,đề xuất với các cấp có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản QPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hội và các chế độ, chính sách đối với hội theo tinh thần khắc phục triệt để tình trạng nhà nước hoá, hành chính hoá tổ chức và hoạt động của hội; bãi bỏ những quy định pháp luật có tính chất đặc thù về chế độ chính sách đối với hội; tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý hội; khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội thông qua tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thông thoáng để quản lý, tạo điều kiện cho các hội phát triển.

Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoàn thiện quy định pháp lý theo hướng chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng về việc cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ của các hội. Trong điều lệ của tất cả các hội phải quy định về cam kết thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội. Hội nào vi phạm các nguyên tắc trên đều buộc phải giải thể. Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí, không vì mục tiêu lợi nhuận của hội quần chúng.

Thứ ba,tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vị trí, vai trò, bản chất, đặc điểm, đặc thù tính chất của các hội trong điều kiện mới. Đồng thời, hướng dẫn thi hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về hội, để các cá nhân, tổ chức tự nguyện, tự giác tham gia vào các hội không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần khuyến khích, động viên các hội quần chúng phát huy vai trò, vị trí của mình, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hướng dẫn, tạo điều kiện và yêu cầu các hội hoàn thiện các quy định, quy chế hoạt động của các hội phù hợp với các quy định chung của pháp luật, như: quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế quản lý tài sản, tài chính nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai minh bạch, đúng pháp luật.

Thứ tư, kiện toàn tổ chức bộ máy QLNN về hội. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Nội vụ về quản lý hội theo hướng tập trung vào một đầu mối,vào một cơ quan thực hiện chức năng tham mưu cho cho Chính phủ về lĩnh vực này,cụ thể: đề cao trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc tham mưu cho Chính phủ ban hành cơ chế,thể chế hoá chính sách về hội.

Khắc phục tình trạng hành chính hoá tổ chức và hoạt động của các hội, “biến” các hội thành “cái đuôi kéo dài”, “sân sau” của các cơ quan hành chính nhà nước cần nghiên cứu xoá bỏ chế độ bộ chủ quản về các hội. Đồng thời, cần tiến hành mở các lớp bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý cho cán bộ lãnh đạo các hội; mở rộng hợp tác quốc tế với các hội, tổ chức phi chính phủ nước ngoài để trao đổi, học tập kinh nghiệm và phát huy vai trò của các hội trong mở rộng quan hệ ngoại giao nhân dân. Đặc biệt, quan tâm xây dựng các hội vững vàng đủ sức đề kháng, “tương kế tựu kế” chống lại những âm mưu của các thế lực thù địch chống phá chế độ Nhà nước ta, phát huy vai trò của các hội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ năm,Chính phủ, các bộ, ban, ngành khi ban hành cơ chế, chính sách cần tạo điều kiệnthuận lợi để các hội thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội cho các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện để các hội tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Đẩy mạnh việc chuyển giao những việc các cơ quan nhà nước không nhất thiết phải làm và các nhiệm vụ xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công cho các hội thực hiện, nhằm phát huy tối đa vai trò của các hội vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ sáu,tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất đối với tình hình tổ chức và hoạt động của các hội để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật và điều lệ hội.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, IX, X, XI.
  2. Tài liệu Hội thảo: “Đề án nghiên cứu hội quần chúng”,do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 27/6/2013 tại Hà Nội.

    PGS.TS. Văn Tất Thu
                                                            Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ