Vai trò quản lý nhà nước về thị trường điện ở Việt Nam hiện nay

(QLNN) – Điện có vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là đối với các chức năng tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trên bình diện quốc gia, điện năng còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa dân cư thành thị và nông thôn, mang lại những tiện lợi chung của thế giới hiện đại. Mức tiêu thụ điện năng bình quân đầu người là một trong các chỉ số tổng hợp đánh giá trình độ phát triển của một đất nước.

 

Điện năng tác động tới sự phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển xã hội; mở rộng và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, việc làm, tác động đến mức sống, lối sống của người dân và toàn xã hội. Chính vì vậy, Nhà nước cần thực hiện chức năng quản lý thị trường điện là cần thiết. Sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường điện nhằm bảo đảm thực hiện được chức năng của Nhà nước là “phục vụ” hướng đến bảo đảm mục tiêu công bằng trong cung ứng dịch vụ của Nhà nước cho các công dân (vì đây là sản phẩm hàng hoá đặc biệt khi đơn vị cung ứng phải bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ của Nhà nước giao cho). Bên cạnh đó, đơn vị cung ứng dịch vụ này cũng phải đạt được các mục tiêu của một “doanh nghiệp” trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Dây chuyền sản xuất – kinh doanh của ngành Điện

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang sở hữu phần lớn công suất các nguồn phát điện, nắm giữ toàn bộ khâu truyền tải, vận hành hệ thống điện, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện. Bao gồm:

– Khâu phát điện: EVN đang sở hữu hoặc nắm cổ phần chi phối hơn 55% trong 23.804 MW tổng công suất các nguồn điện toàn hệ thống, gồm các đơn vị trực thuộc là: 8 công ty thuỷ điện lớn (Hoà Bình, Trị An, Ialy, Quảng Trị, Tuyên Quang, Đại Ninh, Buôn Kuốp, Sêsan) và 3 công ty TNHH một thành viên Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 với tổng công suất 11.411 MW. Phần còn lại được sở hữu bởi các tổng công ty, tập đoàn nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than -Khoáng sản Việt Nam (TKV), … và các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư tư nhân trong nước.

– Khâu truyền tải điện: Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (NPT) được thành lập và đi vào hoạt động (từ tháng 7/2008 đến nay) dưới hình thức đơn vị hạch toán độc lập công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ.

– Khâu phân phát điện,gồm: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là các công ty con hạch toán độc lập do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tại các thành phố, thị trấn, thị tứ…, khách hàng sử dụng điện được mua điện trực tiếp từ các công ty điện lực thuộc các tổng công ty điện lực. Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vẫn còn hình thức kinh doanh điện qua các hợp tác xã, đơn vị mua bán buôn điện, tạo nên một cấp kinh doanh điện bán lẻ cho các hộ dân.

– Các đơn vị khác tham gia thị trường phát điện cạnh tranh: chức năng vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện do A0 đảm nhiệm, hoạt động dưới hình thức là đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN; Công ty Mua bán điện được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 01/2008 dưới hình thức công ty hạch toán phụ thuộc EVN, đại diện cho EVN đàm phán mua điện từ các nhà máy điện lớn để bán lại cho các tổng công ty điện lực; đơn vị quản lý số liệu đo đếm: Trung tâm thông tin điện lực là đơn vị trực thuộc EVN, do EVN nắm giữ 100% vốn.

– Các đơn vị phụ trợ: trường đại học, cao đẳng điện lực; các công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện; công ty cổ phần cơ khí điện lực; công ty cổ phần tài chính điên lực và các công ty liên kết khác trong lĩnh vực ngân hàng,chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản.

Vai trò của Nhà nước trong điều tiết thị trường điện

Trách nhiệm QLNN về hoạt động điện lực và sử dụng điện

– Chính phủ thống nhất QLNN về hoạt động điện lưới và sử dụng điện trong phạm vi cả nước.

– Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về hoạt động điện lực và sử dụng điện. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương trong việc thực hiện QLNN về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

– Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ,quyền hạn của mình có trách nhiệm trong việc thực hiện QLNN về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương.

Về điều tiết hoạt động điện lực

Để thực hiện tốt vai trò điều tiết hoạt động điện lực,Nhà nước đã có quy định cụ thể tại Điều 66 Luật Điện lực. Trong đó có một số nội dung được cụ thể hoá về xây dựng các quy định về vận hành thị trường điện lực cạnh tranh và hướng dẫn thực hiện; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều chỉnh quan hệ cung cầu và quản lý quá trình thực hiện cân bằng cung cầu về điện; cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38.

Hướng dẫn điều kiện, trình tự, thủ tục ngừng cấp điện, cắt điện hoặc giảm mức tiêu thụ điện, điều kiện, trình tự, thủ tục đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; nghiên cứu, xây dựng biểu giá bán lẻ điện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về giá điện; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về biểu giá bán lẻ điện; quy định khung giá phát điện, giá bán buôn điện, phê duyệt phí truyền tải điện, phân phối điện và các phí khác.

Theo dõi việc thực hiện kế hoạch và dự án đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối để bảo đảm phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt; xác định tỷ lệ công suất và tỷ lệ điện năng giữa hình thức mua bán thông qua hợp đồng có thời hạn và mua bán giao ngay phù hợp với các cấp độ của thị trường điện lực; kiểm tra việc thực hiện biểu giá điện đã được phê duyệt; giải quyết khiếu nại và tranh chấp trên thị trường điện lực.

Giải pháp đề xuất thực hiện điều tiết thị trường điện

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu cũng như những hạn chế của ngành Điện Việt Nam, tại Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là: “Từng bước hình thành thị trường cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử. Tham gia hội nhập và mua bán điện với các nước trong khu vực”, vì vậy, Nhà nước cần thiết đưa ra các phương thức, tìm kiếm các giải pháp nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước trong điều tiết và vận hành thị trường điện ngày càng hiệu quả hướng đến đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của các tổ chức, cá nhân và bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của Nhà nước trong cung ứng sản phẩm “đặc biệt” này. Cụ thể:

– Nhà nước cần tách rời chức năng kinh doanh ra khỏi chức năng xã hội của ngành.

– Đặt ngành vào môi trường cạnh tranh, hoạt động theo cơ chế thị trường, tuân theo tiêu chuẩn hiệu quả.

– Ngành không được nhận một sự ưu đãi đặc biệt nào vượt ra ngoài nguyên tắc thị trường. Sự ưu đãi nếu có đó là do nguyên nhân khách quan và ưu đãi luôn gắn với thành quả phát triển của ngành.

– Tái cơ cấu ngành theo hướng cần tách riêng tính công ích để có sự quản lý phù hợp; phân định rõ và cụ thể về mục tiêu của từng lĩnh vực trong ngành để từ đó có phương thức điều tiết và can thiệp hiệu quả.

– Mỗi một lĩnh vực cần cân bằng giữa bảo đảm mục tiêu kinh doanh và thực hiện chính sách của Nhà nước. Về lâu dài, nên có sự tách biệt giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu xã hội.

ThS. Nguyễn Thành Sơn
Tổng Công ty Điện lực Việt Nam