Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

(QLNN) – Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặc dù vậy, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Bài viết đánh giá thực trạng, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp.

 

Những thành tựu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam

Sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Có được kết quả đó là nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NLCTQG). Đây cũng chính là cơ sở nền tảng cho việc tạo dựng hàng loạt cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc cải thiện MTKD và nâng cao NLCTQG, như ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014…

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 19-2014/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao NLCTQG; Nghị quyết số 19-2015/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện MTKD, nâng cao NLCTQG hai năm 2015 – 2016, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế (ảnh: moit.gov.vn)

Ngày 28/4/2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP đề ra những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh, nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết này. Ngay sau đó, ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2016, “sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với 5 chỉ số tăng hạng.

Mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008, cụ thể: bảo vệ nhà đầu tư tăng hạng nhiều nhất với 31 bậc (từ vị trí 118 lên vị trí 87) nhờ những cải cách theo thông lệ quốc tế tốt của Luật Doanh nghiệp; giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc (từ vị trí 108 lên vị trí 93) nhờ thực hiện hải quan điện tử và cải cách về quản lý chuyên ngành; nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 11 bậc, thời gian được rút ngắn 230 giờ (từ 770 giờ xuống còn 540 giờ); tiếp cận điện năng cải thiện 5 bậc do thời gian rút ngắn còn 46 ngày (năm 2015 là 59 ngày) và giảm từ 6 thủ tục xuống còn 5 thủ tục; giải quyết phá sản DN tăng 1 bậc (từ vị trí 126 lên thứ hạng 125)”(1).

Về xếp hạng Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên hiệp quốc), Việt Nam đứng thứ 89 trên thế giới – tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014, xếp thứ 63 trong ASEAN(2).

Mới đây nhất, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 55/137 (tăng 5 bậc, cao nhất từ trước tới nay) và tính chung trong 5 năm qua đã tăng tới 20 bậc(3). Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành ngày càng nhận thức rõ và quan tâm sâu sắc hơn tới việc triển khai Nghị quyết. Nhiều địa phương tìm hiểu ý nghĩa của các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế, từ đó tìm kiếm các sáng kiến cải cách, tạo thuận lợi cho DN, góp phần cải thiện vị thế năng lực cạnh tranh của tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên…

Cụ thể, những năm gần đây, Thái Nguyên được biết đến là địa phương có tốc độ phát triển mạnh mẽ, có sức hút đầu tư với nhiều tập đoàn kinh tế lớn do hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư tốt, có tính kết nối, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn,… Năm 2011, tỉnh này chỉ đứng thứ 57/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đến năm 2014, bất ngờ vươn lên thuộc tốp 10 địa phương có chỉ số PCI cao nhất cả nước.

Năm 2016, Thái Nguyên lần thứ hai liên tiếp giữ ở vị trí thứ bảy trong bảng xếp hạng. Hay tại Hà Nội, nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện MTKD, Hà Nội đã đề ra chiến lược phát triển chung và thực hiện nâng cao chất lượng hạ tầng, cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, theo sát, phục vụ cao nhất nhu cầu của các nhà đầu tư và DN. Vì vậy, đây là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện thủ tục hành chính một cửa. Quảng Ninh lấy việc chấm điểm cho các sở, ngành, địa phương, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo cải cách; Đà Nẵng với tinh thần nụ cười công chức, hết việc chứ không hết giờ…

Số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, “trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới là 110.100 DN, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số DN quay trở lại hoạt động tăng 24,1%.

Về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có 2.613 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận điều kiện đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, cả nước có 1.249 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,56 tỷ USD, tăng 36,1% về số dự án và bằng 84,4% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ. Có 5.970 DN, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 4,51 tỷ USD”(4). Có thể nói, các con số nêu trên minh chứng cho niềm tin của DN trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro), Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trên 66% DN có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam. Còn Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá Việt Nam nổi bật trong cải thiện MTKD với 36% DN Hoa Kỳ được khảo sát dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam(5).

Những hạn chế, bất cập

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cải thiện MTKD, nâng cao NLCTQG của Việt Nam cũng còn không ít hạn chế.

Thứ nhất, về việc triển khai các giải pháp cải thiện MTKD, nâng cao NLCTQG, Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP xác định 7 giải pháp tổng thể và 50 nhiệm vụ cụ thể; tuy vậy, đến hết năm 2014, trong số 50 giải pháp cụ thể, chỉ có 8 giải pháp được thực hiện và có kết quả (chiếm 16%); 16 giải pháp đã được thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng (34%) và 25 giải pháp chưa được thực hiện (50%).

Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung, 73 nhiệm vụ cụ thể nhưng tính đến hết năm 2016, chỉ có 43,8% giải pháp thực hiện có kết quả, 23,3% (thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng) và 32,9% (chưa thực hiện hoặc chưa có thông tin). Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung và 83 nhiệm vụ cụ thể. Đến tháng 12/2016, kết quả cho thấy có 35 giải pháp được thực hiện và có kết quả (chiếm 42,2%); 20 giải pháp đã được thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng (24,1%) và 28 giải pháp chưa được thực hiện hoặc chưa có thông tin (chiếm 33,7%)6.

Thứ hai, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực về cải thiện MTKD, nhất là việc thực hiện Luật DN, đem lại kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa đạt trung bình ASEAN 4, thậm chí một số chỉ tiêu chưa đạt trung bình ASEAN (6). Bên cạnh 5/10 chỉ số tăng hạng, 5 chỉ số khác của Việt Nam lại giảm bậc, cụ thể là: khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc và ở thứ hạng thấp (từ vị trí 111 xuống vị trí 121), là chỉ số có mức giảm bậc nhiều nhất; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận tín dụng (mỗi chỉ số giảm 3 bậc); đăng ký sở hữu tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng (mỗi chỉ số giảm 1 bậc). Các chỉ số giảm bậc một mặt do Việt Nam không có cải cách nào ở những lĩnh vực này trong thời gian qua, mặt khác do các nước khác tiến nhanh hơn (như Bru-nây tăng 25 bậc, In-đô-nê-xi-a tăng 15 bậc). Vì thế, mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trở nên thách thức hơn(7).

Ngoài ra, theo đánh giá Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì năm 2016, thứ hạng của Việt Nam là 60/138, giảm 4 bậc so với năm 2015 (56/140). Thứ hạng này thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (sau 6 nước), chỉ đứng trên Lào và Cam-pu-chia(8).

Theo báo cáo về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam giảm 7 bậc so với năm 2015 (từ thứ 52/141 xuống 59/128 quốc gia với số điểm chỉ đạt 35,4/100 điểm), thấp hơn nhiều nước ASEAN(9). Rõ ràng, để đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4, đòi hỏi phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực.

Trước thực trạng đó, để thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện MTKD và nâng cao hiệu quả, chất lượng các yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, ngày 06/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao NLCTQG năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Nghị quyết được đánh giá là toàn diện, chi tiết và rõ ràng, bao phủ hết các yếu tố của MTKD và NLCTQG với việc đưa ra hơn 250 nhiệm vụ, chỉ tiêu về MTKD và sử dụng đồng thời 4 đánh giá xếp hạng toàn cầu, bao gồm: đánh giá xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới; đánh giá, xếp hạng về NLCTQG của Diễn đàn Kinh tế thế giới; đánh giá, xếp hạng về Năng lực đổi mới sáng tạo (của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) và đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã có tác động tích cực đến cộng đồng DN. Tính đến hết quý III/2017 đã có 93.967 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 902.682 tỷ đồng, tăng 15,4% về số DN và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2017, số DN thành lập mới đạt 125 nghìn DN, tăng 13,5% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của DN dân doanh thành lập mới ước đạt 1.214 nghìn tỷ đồng, tăng 36,3%(10).

Một số giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới

Để tiếp tục cải thiện MTKD, nâng cao NLCTQG, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ đã đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về MTKD của Việt Nam phải đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4. Cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

– Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó, thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản DN còn 30 tháng.

– Tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho DN khởi nghiệp; phấn đấu đạt mức 1 triệu DN vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là DN khởi nghiệp sáng tạo.

– Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới); các chỉ số Đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình ASEAN 5.

– Về thực hiện Chính phủ điện tử (theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc), cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI); phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới.

Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, DN được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Để đạt được các chỉ tiêu đó, cần tập trung vào một số giải pháp đồng bộ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung khai thác triệt để các cơ hội và hạn chế các thách thức, mang lại kết quả cao nhất trong quá trình hội nhập. Rà soát, ban hành đồng bộ các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các nội dung liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…

Hoàn thiện thể chế kinh tế để tận dụng cơ hội và phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Trong thiết kế và vận hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ 3 bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế có quan hệ hữu cơ, đó là: (1) Hệ thống pháp luật, quy tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh tế; (2) Các thể chế về chủ thể và các yếu tố, các loại thị trường trong nền kinh tế; (3) Cơ chế thực thi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh và xử lý vi phạm trong nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách quy định thủ tục hành chính, bảo đảm các quy định thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.

Hai là, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, điều chỉnh, sửa đổi theo hướng phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, không bỏ sót hoặc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm hỗ trợ DN một cách hiệu quả; tiếp tục gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng Chính phủ điện tử với cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính.

Quy rõ trách nhiệm của từng bộ, cơ quan, địa phương đối với việc thực hiện từng chỉ số. Các bộ, cơ quan được giao chủ trì trong thực hiện cải thiện đối với từng chỉ số cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số. Thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập, khách quan đối với kết quả thực hiện ở từng bộ, ngành, địa phương và ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.

Ba là, tạo MTKD lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, nhất là hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Hoàn thiện, triển khai hiệu quả chính sách khởi sự DN, chính sách khởi nghiệp quốc gia trong toàn bộ nền kinh tế nhằm đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặt DN vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển trong DN.

Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông; kết nối điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm cắt giảm thời gian, chi phí hành chính và tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Tiếp tục rà soát danh mục và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành các mặt hàng; đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản. Quy định cụ thể về hồ sơ hoàn công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tài sản hình thành từ quá trình xây dựng. Công khai hóa thủ tục hành chính có liên quan về đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Xóa bỏ vị thế độc quyền trong, chứng nhận đối với hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định. Môi trường cạnh tranh sẽ không chỉ hướng tới xây dựng minh bạch mà còn có sự tham gia của nhiều tổ chức.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác và kết nối thị trường giữa các ngành kinh tế, chủ thể kinh tế, không gian kinh tế; phát huy tối đa lợi thế so sánh của các địa phương và các vùng kinh tế; tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ tiêu đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh và hướng dẫn áp dụng để có khung khổ đánh giá, so sánh giữa các địa phương, tích cực sử dụng các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh để nâng cao năng lực quản trị bộ máy hành chính nhà nước tại cơ sở.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương.

Chú thích:
1, 6, 7, 8. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2016.
2, 9. Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
3. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 23/10/2017.
4. Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2016.
5. Nghị quyết số 35/NQ-CP tạo đột phá cải thiện môi trường kinh doanh. http://tapchitaichinh.vn, ngày 17/5/2017.
10. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. http://tapchitaichinh.vn, ngày 20/10/2017.

                                    TS. Hoàng Anh Tuấn
  Đại học Thương mại