Vai trò của phổ biến, tuyên truyền chính sách trong tổ chức thực hiện chính sách công

(QLNN) – Phổ biến, tuyên truyền chính sách hay truyền thông chính sách có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong tổ chức thực hiện chính sách, quyết định đến hiệu quả thực hiện chính sách. Bài viết này đề cập đến vai trò của phổ biến, tuyên truyền chính sách nhằm nâng cao hiệu quả trong thực hiện chính sách công.

 

Vai trò, tầm quan trọng của tổ chức thực hiện chính sách và phổ biến, tuyên truyền, thực hiện chính sách

Chính sách công là chính sách của Nhà nước, là kết quả cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng cầm quyền thành tập hợp các quyết định chính trị có liên quan với nhau nhằm thực hiện mục tiêu và là công cụ cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, duy trì sự tồn tại và phát triển của Nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ người dân. Bản chất của chính sách công là ý chí chính trị của Đảng cầm quyền được cụ thể hóa thành các quyết sách, quyết định chính trị của Nhà nước để giải quyết các vấn đề xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân. Dưới góc độ quản lý, quản trị quốc gia, Nhà nước sử dụng chính sách như một công cụ quan trọng tác động vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội để đạt được mục tiêu định hướng của Nhà nước.

Sau khi chính sách được ban hành, cần phải tiến hành các hoạt động thiết thực  nhằm tổ chức đưa chính sách vào cuộc sống. Tổ chức thực thi chính sách là tất yếu khách quan để duy trì sự tồn tại của chính sách theo yêu cầu quản lý của Nhà nước và để đạt được mục tiêu của chính sách. Tổ chức thực hiện chính sách (THCS) là toàn bộ quá trình chuyển ý chí của chủ thể chính sách thành hiện thực tới các đối tượng quản lý, nhằm đạt được mục tiêu định hướng.

Tổ chức THCS là một khâu của chu trình chính sách, là bước đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ hiện thực hóa chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống. Tổ chức THCS là trung tâm kết nối các bước trong chu trình chính sách thành một hệ thống. Hoạch định được chính sách đúng, có chất lượng là rất quan trọng, nhưng thực hiện đúng chính sách còn quan trọng hơn. Có chính sách đúng nếu không được đưa vào thực hiện cũng sẽ trở thành vô nghĩa, trở thành khẩu hiệu suông, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chủ thể hoạch định và ban hành chính sách.

Để tổ chức THCS có hiệu quả, các chủ thể tham gia THCS phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình tổ chức THCS. Quy trình tổ chức THCS gồm các bước: xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách; phổ biến, tuyên truyền chính sách; phân công phối hợp thực hiện chính sách; duy trì chính sách; điều chỉnh chính sách; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc THCS; tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm THCS. Các bước trong quy trình tổ chức THCS có mối liên hệ hữu cơ, tác động và bổ sung cho nhau và đều hướng tới thực hiện thành công, thực hiện có hiệu quả mục tiêu chính sách, không được coi nhẹ, bỏ qua bất cứ bước nào trong quy trình tổ chức THCS.

Phổ biến, tuyên truyền hay truyền thông chính sách (PBTTCS) là một trong các bước không thể thiếu trong tổ chức THCS. PBTTCS có tác dụng làm cho các đối tượng chính sách và toàn thể nhân dân nhận thức được vai trò của mình trong xã hội để họ phát huy quyền làm chủ xã hội trong việc chấp hành chính sách. PBTTCS  còn là hình thức công khai, mở rộng dân chủ để “người dân biết, người dân bàn, người dân làm” trong tổ chức THCS. Thông qua đó, người dân mạnh dạn tham gia vào quản lý xã hội, tự giác chấp hành chính sách, chủ động đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước các giải pháp thực hiện mục tiêu chính sách, các phương pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả của chính sách.

Thực tế trong lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay có nhiều chính sách do tổ chức PBTTCS làm tốt đã thu được các kết quả to lớn như: chính sách đẩy mạnh tăng gia sản xuất “tấc đất, tấc vàng”, khai thác triệt để đất bỏ hoang, chỉ trong vòng 2 năm (1945 – 1946), Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ với muôn vàn khó khăn đã giải quyết, thực hiện thành công nhiệm vụ “diệt giặc đói”; chính sách huy động các nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhờ tuyên truyền, vận động rất tốt nên đã tạo ra các nguồn lực và sức mạnh thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; “Chính sách đại đoàn kết các dân tộc” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất, do tuyên truyền, vận động thuyết phục đã tạo nên sức mạnh thực hiện thành công cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh chống đế quốc Mỹ; chính sách “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” do tuyên truyền thực hiện tốt đã làm thay đổi cách tư duy, cơ chế quản lý trong nông nghiệp, mang lại kết quả to lớn, làm cho nước ta từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực ra thế giới; chính sách đối với người có công với cách mạng do phổ biến, tuyên truyền tích cực và sâu rộng đã được toàn thể nhân dân đồng tình ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm đã tích cực cùng Nhà nước tham gia THCS; chính sách xây dựng nông thôn mới cũng do tuyên truyền, vận động tốt, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất của mình để làm đường giao thông công cộng…

Đồng thời, trong lịch sử cũng có không ít chính sách thực hiện không thành công, có những sai lầm nghiêm trọng do PBTTCS không thực hiện hoặc thực hiện không tốt, thực hiện một cách hình thức chiếu lệ, cụ thể như: phổ biến, tuyên truyền THCS cải cách ruộng đất; chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa các thành phần kinh tế tư bản, tư nhân; chính sách phân phối lưu thông; chính sách giá – lương – tiền trong thời kỳ bao cấp; chính sách thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng…

Do phổ biến, tuyên truyền không tốt đã dẫn đến các sai lầm trong tổ chức THCS, dẫn đến thất bại của chính sách trên thực tế. Có không ít cơ quan, địa phương do đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trực tiếp tham gia PBTTCS thiếu năng lực vận động, đã làm cho chính sách biến dạng, làm cho niềm tin của nhân dân vào Nhà nước bị giảm sút.

Để chính sách đạt được mục tiêu đề ra, cần phải tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội. PBTTCS là một trong các giải pháp tạo ra sự đồng thuận xã hội trong THCS. Nếu một chính sách đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội và mong muốn của nhân dân thì nó nhanh chóng đi vào lòng dân, được nhân dân ủng hộ thực hiện. Còn các chính sách không thiết thực đối với đời sống nhân dân, không phù hợp với trình độ và điều kiện hiện có của dân thì sẽ bị tẩy chay hoặc “bỏ rơi” không thực hiện.

Trong một xã hội dân chủ, PBTTCS để tạo ra sự đồng thuận, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong tổ chức THCS là hết sức cần thiết, cần phải thực hiện tốt nội dung, nhiệm vụ của bước PBTTCS.

Nội dung, phương pháp, hình thức chủ yếu của phổ biến, tuyên truyền chính sách

PBTTCS cần phải tập trung vào các nội dung: về mục tiêu của chính sách, các giải pháp, công cụ chính sách, thể chế chính sách và đối tượng chính sách. Cụ thể như, đối với chính sách giảm nghèo bền vững hiện nay, cần phổ biến, tuyên truyền làm sao để các đối tượng cũng như toàn thể nhân dân hiểu được mục tiêu chính sách giảm nghèo bền vững là nhằm “cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư”.

Phổ biến, tuyên truyền  để các đối tượng chính sách, toàn thể nhân dân và đội ngũ CBCC trực tiếp tham gia THCS nắm vững và hiểu được “thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống, vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng dân tộc và các nhóm dân cư”.

Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền  để các đối tượng chính sách giảm nghèo bền vững và toàn thể nhân dân hiểu và nhận thức được đầy đủ về các giải pháp chính sách, như: hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế và dinh dưỡng; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin; hỗ trợ người nghèo các dịch vụ trợ giúp pháp lý… Đó là các giải pháp thiết thực giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo, tránh trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. PBTTCS giảm nghèo bền vững để các đối tượng chính sách, toàn thể nhân dân, CBCC trực tiếp tham gia tổ chức, thực hiện chính sách nhận thức và hiểu được một cách sâu sắc mục đích, bản chất của chính sách giảm nghèo bền vững. Thông qua PBTTCS giúp các đối tượng chính sách biết được cần lựa chọn giải pháp nào của chính sách để có thể giải quyết được vấn đề đói nghèo, để có thể giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.

Trong tổ chức THCS, PBTTCS vừa là nội dung (nhiệm vụ), vừa là phương pháp tổ chức, vận động THCS. PBTTCS là nội dung, nhiệm vụ trong quy trình tổ chức THCS. Đồng thời, cũng là một trong các phương pháp tổ chức THCS. Đó là phương pháp giáo dục, thuyết phục. Phương pháp giáo dục, thuyết phục là cách thức tác động lên các đối tượng và quá trình chính sách bằng các giá trị xã hội, bằng lý tưởng cách mạng để họ ý thức được trách nhiệm của mình trong tham gia THCS. Ý thức được đầy đủ về mục tiêu và các giải pháp chính sách sẽ giúp cho các đối tượng tham gia một cách tự nguyện vào việc THCS. Trong nhiều trường hợp, sử dụng phương pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục có tác động tích cực hơn, mạnh hơn cả phương pháp kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên trong hoạch định và tổ chức THCS đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã xác định tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành của xã hội, của CBCC xã và lao động nông thôn về vai trò của đào tạo nghề đối với việc tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn là giải pháp, phương pháp quan trọng hàng đầu trong hoạch định và tổ chức THCS đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, để người lao động nông thôn nhận thức được học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nông thôn, để họ tích cực tham gia học nghề.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đối tượng chính sách, của CBCC xã, của người dân và cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của đào tạo nghề thực chất là giải pháp tác động thông qua quan hệ cộng đồng và các giá trị xã hội. Tuyên truyền giúp người lao động nông thôn nhận thức được: thất học sẽ dẫn đến thất nghiệp, không học sẽ không có việc làm, không có việc làm sẽ dẫn đến nghèo đói, nghèo đói sẽ dẫn đến các tệ nạn xã hội… Học nghề có được kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp sẽ kiếm được việc làm, có việc làm cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc. Như vậy, giải pháp tuyên truyền là giải pháp quan trọng cần được sử dụng và phát huy trong tổ chức THCS đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để nâng cao hiệu quả PBTTCS cùng với việc xác định rõ, chính xác nội dung, nhiệm vụ, phương pháp còn phải xác định, lựa chọn các hình thức PBTTCS. Trong PBTTCS thường sử dụng các hình thức, như: trực tiếp tiếp xúc, trao đổi với các đối tượng chính sách và gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng: đài truyền hình, phát thanh, báo, tạp chí, trang thông tin điện tử… phổ biến, tuyên truyền thông qua họp báo công bố chính sách; tổ chức các hội nghị PBTTCS, các lớp tập huấn tập trung để quán triệt tuyên truyền chính sách cho các cơ quan thông tin đại chúng, CBCC, viên chức làm công tác tuyên truyền; xây dựng các văn bản hướng dẫn, phổ biến cụ thể việc THCS gửi cho các cơ quan hữu quan để họ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch THCS. Ngoài ra, có thể gửi văn bản hướng dẫn THCS đăng tải trên các báo, tạp chí, các trang thông tin điện tử để các đối tượng được thụ hưởng chính sách và mọi người dân biết để thực hiện.

Trong xây dựng các văn bản hướng dẫn THCS phải bảo đảm chính xác đúng với các quy định trong chính sách, làm sao cho đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tuyệt đối không được bổ sung các quy định mang tính chất thủ tục rườm rà, khó thực hiện và làm sai lệch chính sách. Tùy theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, tính chất của từng loại chính sách, đặc điểm của các đối tượng chính sách và điều kiện cụ thể để lựa chọn hình thức tuyên truyền, vận động thích hợp, đạt hiệu quả cao, tránh phô trương hình thức lãng phí thời gian, công sức không cần thiết.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả phổ biến, tuyên truyền chính sách

Một là, đổi mới nhận thức đầy đủ vai trò, mục đích của việc PBTTCS. PBTTCS với mục đích giúp các đối tượng, CBCC có trách nhiệm tổ chức THCS hiểu, nắm được mục tiêu, giải pháp,thể chế, phạm vi đối tượng, ý nghĩa, tính chất, quy mô của chính sách để họ đề cao trách nhiệm chủ động tích cực THCS. Đồng thời, tạo ra đồng thuận xã hội cao trong THCS – yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của chính sách. PBTTCS làm tốt sẽ mang lại hiệu quả cao trong tổ chức THCS, ngược lại nếu làm không tốt sẽ dẫn đến hiểu và THCS không đúng, làm méo mó chính sách, không tránh khỏi thất bại, đổ bể chính sách.

Hai là, xác định đúng nội dung, nhiệm vụ, phương pháp và hình thức PBTTCS. Nội dung PBTTCS cần tập trung vào: mục tiêu, các giải pháp, thể chế, phạm vi đối tượng, tính chất, quy mô, tầm quan trọng của chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý của đối tượng thụ hưởng chính sách, của CBCC có trách nhiệm tổ chức THCS và của toàn dân trong tổ chức THCS.

Phải lựa chọn các phương pháp, hình thức phổ biến, tuyên truyền chính xác và hợp lý, phù hợp với đặc điểm của đối tượng chính sách, với điều kiện và tình hình thực tế của từng địa phương. Phương pháp phải mang lại hiệu quả cao, hình thức phải đa dạng, phong phú, tránh phô trương, hình thức, lãng phí thời gian, công sức và tiền của không cần thiết.

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực PBTTCS cho đội ngũ CBCC có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách. Hiệu quả PBTTCS phụ thuộc phần nhiều vào năng lực phổ biến, tuyên truyền của đội ngũ CBCC có nhiệm vụ tổ chức THCS. Vì vậy, phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực PBTTCS cho đội ngũ CBCC làm nhiệm vụ PBTTCS. Cụ thể là phải đào tạo, bồi dưỡng trang bị cho họ các kiến thức, kỹ năng và thái độ trong xác định đúng nội dung, lựa chọn chính xác, hợp lý các phương pháp, hình thức PBTTCS.

Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ cho công tác PBTTCS. Để nâng cao hiệu quả PBTTCS ngoài nguồn lực con người cần phải tăng cường đầu tư kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại cho công tác PBTTCS. Đây là yếu tố, là điều kiện cần thiết, không thể thiếu trong PBTTCS.

Tài liệu tham khảo:

  1. Võ Khánh Vinh, Đỗ Phú Hải. Những vấn đề cơ bản về chính sách công. Viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
  2. Học viện Hành chính Quốc gia. Giáo trình hoạch định và xây dựng chính sách. H. NXB Khoa học kỹ thuật, 2013.
  3. Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp (ban hành kèm theo Quyết định số 2357/QĐ-BNV ngày 31/12/2013 của Bộ Nội vụ).
  4. Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính (ban hành kèm theo Quyết định số 2367/QĐ-BNV ngày 31/12/2013 của Bộ Nội vụ).

PGS.TS. Văn Tất Thu
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ