Yếu tố tác động đến quản lý nhà nước về lễ hội dân gian ở đồng bằng sông Hồng

(QLNN) – Đồng bằng sông Hồng vốn được coi là cái nôi hình thành dân tộc Việt, vì thế, cũng là nơi sinh ra các nền văn hóa lớn, phát triển nối tiếp lẫn nhau. Từ trung tâm này, văn hóa Việt đã có sự khuếch tán, ảnh hưởng tới các khu vực khác. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về văn hóa nói chung và về lễ hội dân gian ở đồng bằng sông Hồng nói riêng là việc làm cần thiết hiện nay.                                                    

Khái quát về lễ hội dân gian

Lễ hội dân gian (LHDG) là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có vị thế quan trọng và to lớn trong đời sống văn hóa – xã hội trước đây cũng như ngày nay ở mỗi vùng quê Việt Nam, với những nghi thức, cách tổ chức thực hiện mang đậm tính truyền thống và hơn hết là ý nghĩa giáo dục “Uống nước nhớ nguồn”. Có thể nói, LHDG từ xưa vốn đã trở thành truyền thống của người Việt tuy mang màu sắc dân dã nhưng đã thực sự gắn liền và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống của người dân ở các làng quê.

Ở Việt Nam, về cơ bản có ba loại LHDG:

Các lễ hội mang tính lịch sử: hội Đền Hùng, Hoa Lư, Vạn Kiếp…, thường được tổ chức gắn liền với các sự kiện có ý nghĩa lớn trong lịch sử hay để tưởng nhớ những người anh hùng dân tộc, người có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.

Các lễ hội mang tính giải trí: hội Lim, hội chọi trâu Đồ Sơn…, thường có những trò chơi giải trí mà nội dung và hình thức của các trò chơi này gắn liền với các hoạt động lao động sản xuất của người dân.

Các lễ hội mang tính tôn giáo: hội chùa Hương, hội chùa Keo, hội Phủ Giày… trong đó phổ biến nhất là lễ hội Phật giáo.

Lễ hội Trâu rơm, Bò rạ ở đồng bằng sông Hồng (https://vnexpreess.net).

Những yếu tố tác động đến quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội dân gian tại đồng bằng sông Hồng

Một là, yếu tố kinh tế.

Điều kiện phát triển kinh tế của địa phương là yếu tố quan trọng tác động tới quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động LHDG. Khi kinh tế phát triển ổn định, cùng với chính sách thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và du khách tham gia, đóng góp vào các hoạt động LHDG.

Lễ hội còn là cơ hội để địa phương, cộng đồng quảng bá, giới thiệu hình ảnh, những đặc trưng riêng có của địa phương, cộng đồng. Vì vậy, sự ổn định về chính trị, sự phát triển vững chắc về kinh tế là điều kiện cần thiết giúp cho địa phương, cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển lễ hội, tổ chức các hoạt động lễ hội.

Hai là, yếu tố văn hóa – xã hội.

Đồng bằng sông Hồng vốn được coi là cái nôi hình thành dân tộc Việt, vì thế, cũng là nơi sinh ra các nền văn hóa lớn, phát triển nối tiếp lẫn nhau, như: văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt và văn hóa Việt Nam. Từ trung tâm này, văn hóa Việt đã có sự khuếch tán, ảnh hưởng tới các khu vực khác. Trong đó, văn hóa đồng bằng sông Hồng có những nét đặc trưng của văn hóa Việt, nhưng lại có những nét riêng của vùng văn hóa này.

Cùng với các di sản văn hóa vật thể, các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bằng sông Hồng cũng hết sức đa dạng và phong phú. Các thể loại thuộc nghệ thuật biểu diễn dân gian cũng khá đa dạng và mang sắc thái vùng đậm nét, như: hát quan họ, hát xoan, hát trống quân, hát chầu văn, hát chèo, múa rối…

Đáng kể nhất là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân Việt ở đồng bằng sông Hồng. Mọi tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước, như: thờ Thành Hoàng, thờ Mẫu, thờ các ông tổ nghề…, đều có mặt hầu hết tại các làng quê.

Ba là, yếu tố chính trị và quản lý.

Yếu tố chính trị của Đảng và quản lý của Nhà nước là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động QLNN nói chung và QLNN đối với hoạt động LHDG của từng địa phương nói riêng. Trên cơ sở quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước hoạch định, ban hành thể chế và chính sách cho phù hợp. Những thể chế và chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương có tác dụng thúc đẩy, tạo điều kiện để lễ hội nói chung, LHDG nói riêng được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Cấp trung ương là cấp ban hành, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lễ hội, LHDG. Các văn bản quy phạm pháp luật này phải giữ nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và dân chủ hóa công tác quản lý.

Cấp địa phương là cấp tổ chức thực hiện, tham mưu với cấp trên các vấn đề về QLNN đối với LHDG. Đồng thời, tại địa phương, khi văn bản pháp luật đi vào đời sống sẽ bộc lộ ưu điểm, hạn chế, do đó, địa phương cần tham mưu với cấp trên sửa đổi để hoàn thiện.

Việc xây dựng quy hoạch chiến lược, kế hoạch nghiên cứu cụ thể là việc làm cần thiết và cấp bách. Duy trì và phát huy văn hóa truyền thống nói chung và các hoạt động LHDG nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam.

Bốn là, yếu tố năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn.

Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý thể hiện ở cách thức điều hành; thích ứng nhanh với điều kiện môi trường thay đổi để đưa ra biện pháp chính sách phù hợp. Đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực sẽ luôn quan tâm tạo điều kiện, môi trường làm việc để nhân viên tham gia thực hiện mục tiêu của tổ chức một cách đầy đủ nhất; phân công phối hợp công việc, gắn kết sức mạnh giữa các phòng, ban, các cá nhân trong tổ chức, tạo điều kiện để đạt hiệu quả công việc cao nhất.

Hoạt động tổ chức LHDG phải dựa trên hai yếu tố cơ bản là di tích và hoạt động LHDG. Đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn về hoạt động LHDG bao gồm cán bộ quản lý di tích và cán bộ tổ chức hoạt động lễ hội.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý di tích đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, chuyên tâm nghiên cứu để lĩnh hội những kiến thức đã và đang được giới chuyên môn trong và ngoài nước đúc kết, trên cơ sở đó, áp dụng một cách sáng tạo, thúc đẩy khoa học bảo tồn bảo tàng ở Việt Nam.

Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi QLNN đối với hoạt động LHDG thì phẩm chất cần có là phải phân biệt rõ ràng việc công và việc tư khi tham gia lễ hội.

Trong quản lý và tổ chức các hoạt động của LHDG, có thể coi các nhà tổ chức LHDG là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của lễ hội. Họ là người chịu trách nhiệm chính trong việc huy động, kết nối, tổ chức và điều hành các nguồn lực để tạo ra một sản phẩm LHDG.

Năm là, yếu tố nguồn lực tài chính và vật chất.

QLNN về lễ hội nói chung, LHDG nói riêng đòi hỏi  phải có các nguồn lực để thực hiện. Hiện nay, thu hút nguồn lực tài chính và vật chất cho hoạt động LHDG từ xã hội hóa nguồn lực đang là hình thức phổ biến, góp phần đa dạng hóa chủ thể tham gia tổ chức thực hiện hoạt động LHDG theo sự hướng dẫn, quản lý chung của cơ quan chức năng. Hình thức này vừa khơi dậy sức dân, vừa làm cho hoạt động LHDG có sự tham gia chủ động, sáng tạo của nhân dân, tạo nên tính hấp dẫn của lễ hội, đồng thời tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hình thức này hiện nay có lúc, có nơi bị xem nhẹ, lợi dụng, dẫn đến làm giảm sức hút của hoạt động LHDG.

Hoạt động LHDG vốn là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, gồm nhiều thành phần tham gia. Do đó, công tác phân bổ, huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tương đối phức tạp. Việc phân bổ, huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý, khoa học sẽ khiến công tác tổ chức và quản lý hoạt động LHDG ngày càng hiệu quả, bảo đảm trật tự, tiết kiệm, phát huy tốt các giá trị văn hóa, góp phần khai thác tiềm năng kinh tế, văn hóa và du lịch, đồng thời khơi dậy và tạo ra những tiềm năng kinh tế mới, bổ sung nguồn lực quốc gia.

Sự cần thiết nghiên cứu các yếu tố tác động đến quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội dân gian tại đồng bằng sông Hồng

Thứ nhất, thúc đẩy tác động của các yếu tố theo hướng tích cực.

Lễ hội là môi trường thuận lợi mà ở đó các yếu tố văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển. Những yếu tố văn hóa truyền thống đó không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, vận hành cùng tiến trình phát triển lịch sử của mỗi địa phương trong lịch sử chung của đất nước. Bản chất của lễ hội là sự tổng hợp và khái quát cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã hội ở từng giai đoạn của lịch sử.

Nếu các yếu tố này tác động theo hướng tích cực, vận hành đúng hướng, phù hợp với mục tiêu, chiến lược và nhu cầu quản lý, nó sẽ thúc đẩy quá trình nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền QLNN đối với hoạt động LHDG. Qua đó, tác động đến chất lượng hoạt động LHDG, xác định được vai trò của hoạt động LHDG và trách nhiệm của Nhà nước trong bảo tồn và phát huy giá trị của LHDG đối với người dân, cộng đồng và sự phát triển của xã hội.

Thứ hai, kìm hãm tác động của các yếu tố tiêu cực.

Nếu không nghiên cứu nắm bắt được khuynh hướng vận động và phát triển, không điều chỉnh kịp thời định hướng, mục tiêu, chiến lược, các quyết định và hành vi phù hợp với nhu cầu của xã hội và yêu cầu quản lý thì các yếu tố này không những không hỗ trợ phát triển hoạt động LHDG, mà ngược lại sẽ tác động theo hướng tiêu cực đối với hoạt động LHDG. Từ đó, không đạt được mục tiêu và hiệu quả quản lý, không tạo được môi trường thuận lợi cho hoạt động LHDG. Do đó, việc nghiên cứu các yếu tố tác động đến QLNN đối với hoạt động LHDG là rất cần thiết, nhằm kìm hãm tác động tiêu cực của các yếu tố đến QLNN đối với hoạt động LHDG.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Di sản Văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành. H. NXB Chính trị quốc gia, 2003.
2. Bùi Thiết. Từ điển lễ hội Việt Nam. NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993.

ThS. Nguyễn Xuân Độ
Công ty TNHH Thiện Tâm