Trang chủ Thực tiễn - kinh nghiệm

Đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc

(QLNN) – Nâng cao chất lượng đào tạo nghế cho người lao động chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp. Nhận thức rõ điều này, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.  

                                        

  1. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 49 cơ sở đào tạo nghề (ĐTN) và giáo dục nghề nghiệp, trong đó có: 5 trường cao đẳng nghề; 4 trường cao đẳng chuyên nghiệp có ĐTN; 2 trường trung cấp nghề; 04 trường trung cấp chuyên nghiệp có ĐTN; 25 trung tâm dạy nghề và 9 cơ sở khác có dạy nghề. Đặc biệt, có 5 trường được phê duyệt và lựa chọn nghề trọng điểm theo Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2 cơ sở dạy nghề được lựa chọn đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 20201.
    Tổng số cán bộ, giáo viên của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hiện có 1.961 người. Trong đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tại các cở sở đào tạo nghề (ĐTN) hoặc giáo dục nghề nghiệp có ĐTN thuộc tỉnh quản lý là 960 người (trên đại học: 367 người, chiếm tỷ lệ 38,23%; đại học: 308 người, tỷ lệ 32,08%; cao đẳng: 47 người, tỷ lệ 4,89%; trung cấp: 24 người, chiếm tỷ lệ 2,5%; trình độ khác: 214 người, chiếm tỷ lệ 22,3%). Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy luôn được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, tay nghề thực hành, năng lực sư phạm2.
    Kinh phí đầu tư và mua sắm thiết bị ĐTN cũng được tỉnh quan tâm. Tính từ năm 2012 – 2015, tỉnh đã đầu tư trang thiết bị cho 13 cơ sở dạy nghề với tổng kinh phí 72,791 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách Trung ương là 37,13 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương là 35,661 tỷ đồng)3.
Trường Cao đẳng nghề tỉnh Vĩnh Phúc – Nhà trường được Tổng cục dạy nghề – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề và được công nhận đạt cấp độ 3 (ảnh: Lương Giang).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTN và giải quyết việc làm (GQVL) cho người lao động (NLĐ) trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn những mặt hạn chế, cụ thể:

– Công tác tuyên truyền về ĐTN, GQVL đã được quan tâm nhưng nội dung chưa sâu; hình thức chưa phong phú, tính hấp dẫn thuyết phục còn hạn chế. Một số cán bộ cấp xã chưa nắm vững các chủ trương, chính sách hiện hành về ĐTN, GQVL.

– Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa phân bố hợp lý giữa các địa phương, hiện tập trung chủ yếu tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, một số huyện chưa có hoặc có ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không thuận lợi cho việc học nghề của người dân. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện được giao nhiệm vụ ĐTN trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng nhưng hoạt động chưa hiệu quả.

– Một số cơ sở ĐTN hoặc giáo dục nghề nghiệp nhưng có chức năng ĐTN chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp về trình độ quản lý, kỹ năng hành nghề, tin học, ngoại ngữ…

– Cơ sở vật chất, thiết bị của một số cơ sở ĐTN chưa đồng bộ, thiết bị đào tạo còn thiếu và lạc hậu so với công nghệ sản xuất hiện tại của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp. Kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư thực hành thực tập và rèn luyện tay nghề còn thấp.

– Chương trình, giáo trình đào tạo một số nghề nội dung còn mang tính hàn lâm, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng mới theo yêu cầu của thị trường lao động và công nghệ sản xuất mới của doanh nghiệp (DN). Công tác phối hợp với DN, người sử dụng lao động trong việc xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo chưa chặt chẽ; nội dung kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp trong chương trình đào tạo chưa được chú trọng.

– Chất lượng, hiệu quả ĐTN của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp. Mối quan hệ giữa DN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong ĐTN đã được quan tâm nhưng chưa có chiều sâu. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm (tác phong công nghiệp, làm việc sáng tạo, làm việc nhóm…).

– Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT đã đạt được những kết quả khả quan nhưng tính ổn định và bền vững chưa cao. Một bộ phận học sinh nhận thức nghề nghiệp chưa đúng, tham gia học nghề chỉ là tạm thời để chờ có cơ hội học đại học.

Những hạn chế này do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan nhất định như: nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác ĐTN cho lao động nông thôn của các cấp chính quyền và hầu hết người lao động chưa sâu sắc nên dẫn tới định hướng về nghề nghiệp của các học sinh, sinh viên và con em lao động các vùng nông thôn hiện nay chưa thực sự đúng đắn; một số nhà đầu tư, DN, người sử dụng lao động chủ yếu tuyển dụng lao động trẻ, lao động nữ và chưa quan tâm nâng cao tiền lương, đời sống tinh thần cũng như chăm lo những lợi ích khác của NLĐ. Một số DN có công nghệ, thiết bị ở mức trung bình hoặc thấp, sử dụng lao động chưa qua đào tạo nên năng suất lao động không cao. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống còn đơn giản, không thu hút được lao động trẻ tham gia ĐTN tại cơ sở đào tạo cũng như học nghề, làm nghề tại các làng nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng như NLĐ chưa bắt kịp thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động sau đào tạo. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy nghề chưa chú trọng đến kiểm tra thực hiện nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo, đội ngũ giáo viên, chất lượng đào tạo, quản lý tài chính, cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Vẫn còn nhiều sai sót trong quản lý chất lượng cũng như kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, chi trả chế độ, chính sách đối với loại hình huấn luyện nghề trình độ sơ cấp.

  1. Để nâng cao chất lượng ĐTN cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế công nghiệp, nhất là nhu cầu sử dụng lao động của các DN trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác ĐTN gắn với GQVL. Xây dựng chuyên mục, phóng sự tài liệu tuyên truyền trên báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh để tuyên truyền chủ trương, chính sách về ĐTN, GQVL; thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ngành, nghề đào tạo, bồi dưỡng; thông tin về tuyển dụng lao động, mức thu nhập, điều kiện tuyển dụng của các DN. Biên soạn tờ rơi, tờ gấp thông tin giáo dục nghề nghiệp, GQVL gửi các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để thông báo rộng rãi.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh phổ thông và chuyển dịch lao động. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bảo đảm để 100% NLĐ đạt trình độ văn hóa 12/12. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp trong nhà trường. Tuyên truyền, vận động, tổ chức để các học sinh sau khi tốt nghiệp THPT nhưng không có khả năng thi đại học, cao đẳng thì đi học nghề. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDTX cấp THPT và giáo dục nghề nghiệp đạt 30 – 35% theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Thứ ba, hoàn thiện công tác quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở dạy nghề tại địa phương theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn. Qua đó, bảo đảm hợp lý về số lượng, chất lượng nhân lực, về ngành nghề đào tạo và trình độ đào tạo, phân bố hợp lý giữa các địa phương trong tỉnh để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các huyện, thành phố, thị xã và của cả tỉnh. Nâng cấp, tổ chức lại, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả. Nghiên cứu thực hiện sáp nhập Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc thành một cơ sở ĐTN tập trung để chuyên đào tạo NLĐ lành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Từng bước giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo chủ trương của Chính phủ; khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Thứ tư, làm tốt công tác tuyển dụng và đào tạo giáo viên dạy nghề theo quy định. Có chính sách thu hút giáo viên giỏi, nghệ nhân, thợ có tay nghề giỏi. Kết hợp tuyển dụng và đào tạo, đào tạo lại để cán bộ, giáo viên các trường cao đẳng nghề, giáo viên các trường trung cấp nghề đạt chuẩn theo quy định. Hằng năm, giáo viên dạy nghề công lập được đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, kiến thức tại các cơ sở đào tạo, DN có công nghệ sản xuất tiên tiến trong và ngoài nước. Bố trí cán bộ trong biên chế thuộc phòng lao động – thương binh và xã hội cấp huyện, bộ phận thường trực cấp xã phụ trách công tác dạy nghề, GQVL ở cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên bằng hình thức tiếp nhận giáo viên đến thực tập tại DN.

Thứ năm, quản lý chặt chẽ nội dung, chương trình và phương thức dạy nghề. Thực hiện nghiêm khung chương trình ở các trình độ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành. Quản lý thống nhất trên địa bàn tỉnh khung chương trình sơ cấp nghề, nghề ngắn hạn cho các nghề được đào tạo. Yêu cầu bắt buộc dạy nghề gắn với thực hành, thực tập nghề (học sinh được thực hành trên thiết bị, thực tập tại cơ sở sản xuất – kinh doanh có tay nghề đúng trình độ đào tạo). Thực hiện kiểm định tay nghề của NLĐ sau đào tạo theo trình độ đào tạo. Đổi mới phương pháp dạy nghề, truyền nghề theo yêu cầu học đi đôi với hành, sử dụng tối đa thiết bị dạy nghề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và hiện đại hóa trang thiết bị dạy nghề. Mở rộng diện tích đất và xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng cho các cơ sở dạy nghề của tỉnh theo chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành. Tổ chức xây dựng, tiến đến đồng bộ về cơ sở vật chất cho các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo chuẩn quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đầu tư để mỗi cơ sở dạy nghề được đầu tư hoàn thiện thiết bị dạy nghề. Đầu tư trọng điểm các cơ sở ĐTN tại địa phương. Tăng cường cơ sở vật chất cho các nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm theo Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH ngày 06/6/2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin để áp dụng công nghệ hiện đại vào dạy và học, nhất là dạy học với mô hình số hóa mô phỏng.  Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao tiếp cận trình độ khu vực ASEAN và quốc tế.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác xã hội hóa dạy nghề, GQVL. Phối hợp và phát huy tốt năng lực các cơ sở ĐTN. Tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề trung ương trên địa bàn tỉnh được hưởng hỗ trợ kinh phí dạy nghề và giới thiệu việc làm cho học sinh người Vĩnh Phúc như chính sách đối với các cơ sở dạy nghề của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích thành lập các cơ sở dạy nghề tư thục. Giao cho DN có tuyển dụng lao động có khả năng dạy nghề thì tự tổ chức việc dạy nghề, bố trí việc làm. Các DN được hưởng hỗ trợ ĐTN của tỉnh sau khi NLĐ có chứng chỉ nghề và được bố trí việc làm ổn định. Vận động các DN đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ ĐTN và GQVL cho lao động nông thôn, đặc biệt là các gia đình bị thu hồi đất phục vụ phát triển các khu cộng nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

Thứ tám, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát đối với hoạt động ĐTN. Các cơ quan chức năng cần chú trọng đến kiểm tra, giám sát thực hiện đúng quy định của pháp luật về nội dung chương trình, kế hoạch, đội ngũ giáo viên và huấn luyện viên ĐTN; tập trung các tiêu chí nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý tài chính và cấp phát văn bằng, chứng chỉ cũng như giới thiệu, GQVL cho NLĐ.

Chú thích:
1, 2, 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Báo cáo Đề án đào tạo nghề nghiệp cho lao động phục vụ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025, ngày 28/7/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/02/2008 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Vĩnh Phúc, 2008.
2. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, 2015.
3. Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 15/6/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
4. Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng nhân dân về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020.
  1.                                                                                                         ThS. Bùi Mỹ Linh

      Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc