Năng lực quản trị và hành chính công của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh – thực trạng và giải pháp

(QLNN) – TP. Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, là một trong số những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, mạnh của cả nước song kết quả PAPI của TP. Hồ Chí Minh lại đang rất thấp so với kỳ vọng đặt ra. Do đó, chính quyền và người dân thành phố đang nỗ lực để cải thiện chỉ số này.                                                      

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI) là khảo sát xã hội học lớn tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân với dữ liệu thu thập thường niên. Tại Việt Nam, PAPI đánh giá hiệu quả thông qua 6 trục nội dung lớn: (1) Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Tính công khai, minh bạch(CKMB); (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng; (5) Thủ tục hành chính; (6) Cung ứng dịch vụ công [1].

Thực trạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của TP. Hồ Chí Minh

Trong phạm vi nghiên cứu bài viết, tác giả tập trung làm rõ chỉ số PAPI của 4 nhóm nội dung quan trọng (xem bảng cuối bài).

(1) Kết quả tham gia của người dân cấp cơ sở. Kết quả chỉ số này có xu hướng giảm, đặc biệt 2 năm gần đây giảm sâu, đứng trong nhóm những tỉnh, thành phố có điểm số thấp nhất. Năm 2016, thành phố đạt 4,7 điểm, xếp hạng 57/63 tỉnh thành. Sự tham gia của người dân cấp cơ sở có 4 chỉ số thành phần gồm: tri thức công dân, cơ hội tham gia, chất lượng bầu cử và đóng góp tự nguyện.

Trên thực tế, với vị trí, vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, là một trong số những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, mạnh của cả nước, là nơi hội tụ các tầng lớp trí thức, người có hiểu biết trong xã hội song kết quả PAPI của TP. Hồ Chí Minh lại chứng minh rằng, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở tại thành phố hiện đang rất thấp so với kỳ vọng đặt ra.

Hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân như: cơ chế xử lý, tiếp nhận thông tin; việc giải quyết dứt điểm yêu cầu của người dân chưa rõ ràng; việc thực thi các quyết định sau khi lắng nghe tiếng nói người dân và trả lời lại cho nhân dân rõ cũng chưa được chú trọng. Hoặc là, từ cấp ủy đến chính quyền phường xã, quận huyện đến tỉnh, thành đều có cơ quan tiếp dân để người dân đề đạt, phản ánh nguyện vọng, bức xúc… nhưng hiệu quả của công tác chưa đạt kết quả như mong muốn.

Người dân thực hiện các giao dịch hành chính sẽ nhanh hơn khi thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính. ( Ảnh: Hoàng Tuyết)

(2) Kết quả CKMB. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp người dân giám sát hoạt động của chính quyền cũng như góp phần phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Căn cứ báo cáo PAPI qua các năm có thể thấy, kết quả thực hiện chỉ số về CKMB của chính quyền TP. Hồ Chí Minh không ổn định, có những năm đạt số điểm và thứ hạng cao, song cũng có những năm tụt giảm mạnh. Các chỉ số thành phần của nội dung CKMB gồm: danh sách hộ nghèo; thu – chi ngân sách cấp xã, phường và quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù. Nguyên nhân của sự tụt giảm này có thể đến từ việc CKMB còn hình thức, chưa phản ánh đúng nhất nội dung người dân mong muốn, hoặc thời gian CKMB chưa kịp thời.

Đặc biệt, đối với việc CKMB quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù tại thành phố thời gian gần đây đã xuất hiện một số bất cập. Sự thiếu kịp thời của việc CKMB kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất của chính quyền thành phố có thể là tác nhân gián tiếp gây ra những “cơn sốt đất ảo”, “thổi giá” thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân và nhà đầu tư.

(3) Kết quả trách nhiệm giải trình với người dân. Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức là một trong những cách thức bảo đảm dân chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kết quả thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền TP. Hồ Chí Minh những năm qua chỉ được xếp vào nhóm trung bình, thậm chí có những năm còn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có thứ hạng thấp nhất. Điều này chứng tỏ, mặc dù cấp ủy, chính quyền thành phố đã có nhiều biện pháp để nâng cao trách nhiệm giải trình, song chưa tạo dựng được uy tín, niềm tin đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Các chỉ số thành phần của nội dung trách nhiệm giải trình với người dân gồm: hiệu quả tương tác của nhân dân với các cấp chính quyền, ban Thanh tra nhân dân và ban Giám sát đầu tư công cộng. Những năm qua, hoạt động tiếp công dân, sự tương tác giữa các cấp chính quyền thành phố còn mờ nhạt, đặc biệt chưa kịp thời giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Thực tế việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn khá phức tạp, liên quan đến chính sách, cơ chế và cũng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đặc thù, nên vẫn còn tồn tại những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài như: khiếu nại về chính sách đền bù, thu hồi đất tại Dự án Khu công nghệ cao quận 9; Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2; Dự án sân golf Sing Việt tại huyện Bình Chánh; Dự án xây dựng Thảo Cầm Viên tại huyện Củ Chi; khiếu nại của Công ty cổ phần Phát triển Hàng Hải về quyền sử dụng đất tại quận 9; khiếu nại của Công ty Tuyền Phong về dự án phát triển nhà tại quận 2…[2].

(4) Kết quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Trong 2 năm gần đây, điểm số và thứ hạng của thành phố sụt giảm mạnh, nằm trong nhóm những tỉnh thành có điểm số, thứ hạng thấp nhất, thể hiện sự yếu kém trong kiểm soát tham nhũng. Các chỉ số thành phần của nội dung kiểm soát tham nhũng gồm: kiểm soát tham nhũng trong chính quyền, trong cung ứng dịch vụ công, sự công bằng trong tuyển dụng và quyết tâm chống tham nhũng. Minh chứng sự kém hiệu quả trong kiểm soát tham nhũng của chính quyền thành phố là các vụ án tham nhũng trong thời gian qua có xu hướng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của thành phố. Điều này đòi hỏi chính quyền thành phố, bên cạnh sự quyết tâm còn cần phải xây dựng, thiết lập biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát tham nhũng, qua đó củng cố hơn nữa niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền.

Một số giải pháp nâng cao năng lực quản trị và hành chính công nhằm cải thiện chỉ số PAPI của TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, cần quán triệt quan điểm đối với chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Phải thực hiện công khai các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân về việc xây mới, sửa chữa công trình công cộng. Người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp những công trình này, vì vậy chính quyền cần chủ động lắng nghe ý kiến và phát huy nguồn lực tập thể trong cộng đồng. Hạn chế tối đa tình trạng huy động đóng góp cào bằng, thiếu dứt khoát trong thực hiện chỉ đạo. Thực hiện nghiêm túc các khoản thu tại cơ sở theo quy định của pháp luật.

Về phía chính quyền và các đơn vị sự nghiệp công lập, cần hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện dân chủ cấp cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lợi thế về khả năng truyền tải, tiếp nhận thông tin nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số, mạng internet thì chính quyền thành phố cần đổi mới trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin đóng góp, phản hồi của người dân. Có thể nghiên cứu, thiết lập kênh thông tin dưới dạng “hòm thư điện tử” để nhận và phản hồi ý kiến đóng góp, tham gia góp ý của người dân ở cấp cơ sở trên nền tảng công nghệ số, điện tử hoá đối với việc thực hiện quy chế, chính sách, kế hoạch gắn liền với địa phương.

Thứ hai, đối với nội dung CKMB. Chính quyền cần kịp thời đưa ra các biện pháp để các nội dung được CKMB. Đặc biệt, đối với việc CKMB quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù tại thành phố, cần bảo đảm sự kịp thời, nhanh chóng, chính xác.

Tiếp tục công khai số liệu, giảm thủ tục hành chính, thời gian hoàn thành; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thu hồi, bãi bỏ hoặc điều chỉnh, bổ sung, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện tối đa cho công dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ thực hiện mục tiêu “quốc gia khởi nghiệp”.

Tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện và trả kết quả thủ tục hành chính, hoàn thiện chính quyền điện tử, khai thác có hiệu quả mô hình trả kết quả thông qua đường bưu điện, trả tận nhà, đăng ký theo mẫu trực tuyến. Bên cạnh đó, thành phố cần làm tốt hơn nữa hoạt động CKMB ở các nhóm: thu – chi ngân sách địa phương, danh sách hộ nghèo…

Thứ ba, về trách nhiệm giải trình với người dân. Trước hết, cần làm tốt công tác phổ biến, quán triệt thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp. Tổ chức để lãnh đạo chính quyền, sở, phòng ban tiếp công dân theo kế hoạch và đột xuất, chú trọng lịch tiếp công dân kịp thời khi có mâu thuẫn phát sinh cần hòa giải.

Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức có trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp.

Bên cạnh đó, đối với các dự án, chương trình đầu tư trong cộng đồng, phải tạo lập cách thức để có thể huy động tối đa, hiệu quả sự tham gia của ban giám sát đầu tư, của cộng đồng, như: Ban Thanh tra nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xã, phường.

Thứ tư, đối với nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Kiểm soát tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ riêng của một hoặc của một nhóm cơ quan nhà nước tại thành phố mà phải huy động sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên có trách nhiệm động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc PCTN; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí tại thành phố vào việc PCTN; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong PCTN; khi đưa tin phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và phải chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần công khai báo cáo kết quả PCTN hằng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm số liệu trong báo cáo phải trung thực, chính xác và kịp thời.

Thiết lập các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm các hành vi tham ô, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong bộ máy công quyền của thành phố. Nghiên cứu, xây dựng mô hình “hòm thư điện tử” tiếp nhận góp ý, phản ánh của công dân, tổ chức, doanh nghiệp về hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị. Mô hình này cần khai thác tối đa lợi thế công nghệ kỹ thuật số, mạng internet, giao diện điện toán đám mây 4.0,… để người dân dễ dàng gửi thư góp ý, phản ánh và chính quyền cũng có thể phản hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, cần có biện pháp bảo đảm tính chính xác của thông tin, lọc các thư rác, các phản hồi thiếu chính xác để tránh bị kẻ xấu lợi dụng nhằm bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống và làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước.

Chú thích:
1. Giới thiệu về Chỉ số PAPI. http://papi.org.vn, ngày 27/11/2017.Lê Thẩm.
2. Chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo. http://www.nhandan.com.vn, ngày 07/4/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ PAPI của thành phố Hồ Chí Minh (bản điện tử).
2. Mai Hoa. Thành phố Hồ Chí Minh: 6 tháng, khởi tố 4 vụ tham nhũng. Báo Tuổi trẻ, 2016.
3. Vũ Anh Tuấn. Phát huy sức mạnh dân chủ xây dựng chính quyền cơ sở vì nhân dân. Trang tin điện tử Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, 2016.                                                                                                                                                                 ThS. Phạm Văn Phong – ThS. Bùi Trường Vinh                                                                                       Học viện Chính trị khu vực II