Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền cơ sở – Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

(QLNN) – Kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền cơ sở cung cấp những bài học có giá trị cho Việt Nam trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền xã. Cho dù các nước khác nhau về bối cảnh nhưng có nhiều thách thức giống nhau. Vì vậy, nhiều bài học, giải pháp quốc tế vẫn có giá trị tham khảo và vận dụng tại Việt Nam.

 

Kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền cơ sở

Một xã hội dân chủ được đo lường bằng sự tham gia của người dân vào các lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước. Các nước có nền dân chủ lâu đời cũng như các nước có nền dân chủ non trẻ đều nỗ lực khởi xướng sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động quản lý nhà nước, trong đó có quá trình ra quyết định, đặc biệt ở cấp chính quyền cơ sở (CQCS) – cấp chính quyền gần dân nhất.

Cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình ra quyết định của chính quyền cơ sở nghĩa là tham gia vào các giai đoạn (xây dựng phương án, lựa chọn phương án, và ban hành quyết định) của quá trình ra quyết định của tổ chức chính quyền địa phương gần dân nhất để giải quyết vấn đề nhằm ổn định và phát triển xã hội địa phương với các mức độ tham gia khác nhau từ tiếp cận thông tin tới tham vấn, cộng tác, và tự quyết.

Kinh nghiệm của Thụy Sỹ

Thụy Sỹ theo mô hình nhà nước liên bang với các cấp chính quyền: liên bang, bang và địa phương (chính quyền địa phương gồm đô thị và xã; là chính quyền cấp cơ sở). Từ giữa thế kỷ XIX, Thụy Sỹ thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp thông qua trưng cầu dân ý cũng như sáng kiến của người dân và người dân đưa ra tiếng nói cuối cùng trong quá trình ra quyết định.

(1) Trưng cầu dân ý

Người dân tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định tại cơ sở thông qua trưng cầu dân ý để tham vấn ra quyết định, trưng cầu dân ý ra quyết định. “Khoảng 60% CQCS tổ chức trưng cầu dân ý”[1]. Ở cấp địa phương, cứ ba tháng lại tổ chức bỏ phiếu trưng cầu dân ý. Chính quyền cung cấp sách hướng dẫn về tham gia trưng cầu dân ý để bảo đảm rằng người dân được tiếp cận nguồn thông tin chính thức.

(2) Sáng kiến của người dân

Người dân đề xuất sáng kiến dưới hình thức đề án, đề xuất và yêu cầu bỏ phiếu thông qua. Người dân có thể đề xuất thay đổi, bãi bỏ các quyết định, đề án của chính quyền địa phương, của hội nghị địa phương. “Khoảng 75% chính quyền địa phương áp dụng công cụ sáng kiến người dân”[2].

(3) Hội nghị địa phương

Hội nghị địa phương là “cuộc họp của toàn thể cộng đồng dân cư ở địa phương và người dân trực tiếp quyết định một số vấn đề ở địa phương theo luật định”[3]. Hội nghị địa phương được tổ chức hai hoặc ba lần trong một năm để thống nhất về ngân sách và tài chính địa phương, để quyết định các vấn đề đặc biệt, các đề xuất, dự án. Khi cần quyết định về một vấn đề, có thể biểu quyết bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu được đa số ủng hộ, vấn đề/đề xuất/dự án đó sẽ được chuyển cho cơ quan hành pháp địa phương tiếp tục triển khai.

(4) Hội thảo trao đổi

CQCS còn áp dụng hình thức hội thảo trao đổi trực tiếp hai chiều “giữa chính quyền xã, các chuyên gia và cộng đồng dân cư”[4]; thông báo các nội dung mong đợi cộng đồng dân cư đóng góp ý kiến, diễn giải dễ hiểu thuật ngữ chuyên môn kỹ thuật để người dân góp ý.

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ theo mô hình nhà nước liên bang với các cấp chính quyền: liên bang, bang, địa phương (chính quyền địa phương gồm chính quyền hạt, mỗi hạt gồm các đô thị và xã; chính quyền đô thị và chính quyền xã là chính quyền cấp cơ sở). Nền dân chủ ở Hoa Kỳ có nguồn gốc gắn chặt với cộng đồng dân cư ở cơ sở. Một số bang áp dụng hình thức dân chủ trực tiếp thông qua các cuộc họp tại trụ sở xã/thị trấn.

(1) Tổ chức hội nghị hằng năm ở trụ sở xã, thị trấn

Tại hội nghị toàn dân hằng năm, trụ sở xã/thị trấn, cộng đồng dân cư bầu ra đại diện của cộng đồng chịu trách nhiệm thực hiện công việc quản lý tại xã/thị trấn. Nếu cần quyết định về một đề án liên quan đến cộng đồng dân cư do thành viên trong cộng đồng dân cư đề xuất, những người đại diện này sẽ triệu tập hội nghị toàn dân để người dân tư vấn và quyết định[5].

(2) Thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng dân cư

Quy trình lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với các dự thảo chương trình phát triển địa phương quy định cụ thể về nội dung thông tin và lấy ý kiến người dân. Để được cấp ngân sách CQCS phải xác nhận đã tuân thủ các quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư và cam kết cung cấp nguồn lực cho cộng đồng tham gia xây dựng và thực hiện phương án.

(3) Tăng cường bộ máy thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư

Một số địa phương thành lập Ủy ban tham gia của cộng đồng dân cư; nhóm công tác dân cư với thành viên được bầu đại diện cho các khu dân cư. Một số CQCS phân công cán bộ phụ trách thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền. Các diễn đàn được xây dựng để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư như diễn đàn ra quyết định, diễn đàn hành động.

(4) Nâng cao năng lực của cán bộ CQCS và cộng đồng dân cư

Nhiều tổ chức xã hội phát triển năng lực CQCS về thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng thông qua tập huấn, tài liệu, hỗ trợ kỹ thuật. Hiệp hội chính quyền xã và thị trấn bang Michigan đã xây dựng bộ công cụ thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư và phổ biến cho các chính quyền xã, thị trấn áp dụng để đảm bảo sự tham gia công bằng và sự tác động công bằng của quyết định chính quyền[6]. Cộng đồng dân cư được nâng cao năng lực tham gia trực tuyến (tham gia các diễn đàn) và tham gia trực tiếp (tham gia các cuộc trao đổi, cuộc họp, hội thảo).

Kinh nghiệm Phi-líp-pin

Phi-líp-pin là đất nước Đông Nam Á với hệ thống chính quyền gồm 4 cấp: trung ương, tỉnh, thành phố/khu tự trị, phường/xã. Chính quyền phường/xã là CQCS gồm có Hội đồng phường/xã và Ủy ban phường/xã. Ngoài ra, mỗi phường/xã còn có Hội đồng phát triển phường/xã với các thành viên gồm đại diện Hội đồng phường/xã, các tổ chức phi chính phủ/tổ chức của cư dân, cộng đồng dân cư có nhiệm vụ xây dựng, giám sát kế hoạch phát triển phường/xã; huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư.

(1) Thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của CQCS.

Luật Chính quyền địa phương quy định sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền phường/xã thông qua Hội nghị toàn dân phường/xã; quy định về đề xuất sáng kiến, trưng cầu dân ý. Thông tư của Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương yêu cầu quan chức phường/xã nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về tham gia vào quá trình ra quyết định tại Hội nghị toàn dân phường/xã. Theo quy định, cộng đồng dân cư phải được tham gia từ giai đoạn lập kế hoạch.

(2) Hội nghị toàn dân phường/xã.

Theo luật định, từ năm 2003, Hội nghị toàn dân phường/xã được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc 2 lần/năm với sự tham gia của toàn thể cộng đồng dân cư. Nếu cần thiết và đáp ứng yêu cầu luật định, cộng đồng dân cư có thể đề xuất tổ chức Hội nghị toàn dân vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong Hội nghị toàn dân, cộng đồng dân cư thảo luận báo cáo 6 tháng của Hội đồng phường/xã về hoạt động của chính quyền, về tài chính và các vấn đề của phường/xã; khuyến nghị các biện pháp về phúc lợi của cộng đồng dân cư; đề xuất ban hành hoặc sửa đổi các quy định của chính quyền phường/xã.

(3) Sáng kiến người dân và trưng cầu dân ý.

Sáng kiến người dân là quá trình cộng đồng dân cư trực tiếp đề xuất biện pháp, bỏ phiếu thông qua để ban hành biện pháp; hoặc sửa đổi bất cứ quy định nào đã được Hội đồng phường/xã thông qua. Sáng kiến có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi được bỏ phiếu thông qua và chứng nhận theo luật định; và được Hội đồng phường/xã và Ủy ban phường/xã thực hiện.

Trưng cầu dân ý là quá trình các cử tri của xã/phường có thể thông qua, sửa đổi hoặc hủy bỏ bất cứ quy định nào của Hội đồng phường/xã.

(4) Tăng cường vai trò các tổ chức xã hội dân sự trong thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định tại cơ sở.

Theo Luật Chính quyền địa phương năm 1991 các tổ chức xã hội dân sự  tham gia vào Hội đồng phát triển phường/xã, các ban dự án phát triển tại phường/xã. Các tổ chức này có quyền đề xuất sáng kiến, trưng cầu dân ý theo luật định. Các tổ chức xã hội dân sự tiến hành tập huấn xây dựng năng lực cho cộng đồng dân cư.

Kinh nghiệm cho Việt Nam trong thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền cơ sở

Thứ nhất, mở rộng dân chủ trực tiếp. Cần xóa bỏ các rào cản chính trị – xã hội để áp dụng các công cụ dân chủ trực tiếp như: trưng cầu dân ý và sáng kiến công dân; đặc biệt phát huy sáng kiến công dân trong quyết định các vấn đề ở cơ sở. Phát huy truyền thống tự quản lâu đời của cộng đồng dân cư và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định của chính quyền xã như một thói quen, nét văn hóa.

Thứ hai, xây dựng nhà nước kiến tạo, tham gia. Tiếp nhận rộng rãi văn hóa chia sẻ quyền lực và trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; mở rộng cơ hội tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền xã.

Thứ ba, thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền xã. Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền xã phải được coi là tiêu chí trong đánh giá chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền xã, là tiêu chí đánh giá trong chỉ số cải cách hành chính.

Thứ tư, xây dựng và phổ biến quy trình ra quyết định của chính quyền xã có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Phải xây dựng quy trình hướng dẫn ra quyết định có sự tham gia của cộng đồng dân cư; xây dựng công cụ thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định.

Thứ năm, xây dựng năng lực cho chính quyền xã và cộng đồng dân cư. Phải tổ chức tập huấn cho lãnh đạo chính quyền xã về năng lực ra quyết định có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Chính quyền xã cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng dân cư, tuyên truyền, giáo dục để cộng đồng dân cư vượt qua được trở ngại tâm lý và tham gia thực sự vào quá trình ra quyết định.

Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền cấp cơ sở là một xu hướng ngày càng phát triển trên thế giới. Sự tham gia này làm gia tăng dân chủ tại địa phương, bảo đảm quyền làm chủ đã được hiến định của người dân, góp phần nâng cao tính minh bạch và chất lượng quyết định của chính quyền cấp cơ sở, nâng cao năng lực của cả chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, phát huy nguồn lực trong bối cảnh nguồn lực công khan hiếm, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.

Kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của CQCS cung cấp những bài học có giá trị cho Việt Nam trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình ra quyết định của chính quyền xã. Cho dù các nước khác nhau về bối cảnh nhưng có nhiều thách thức giống nhau. Vì vậy, nhiều bài học, giải pháp quốc tế vẫn có giá trị tham khảo và vận dụng tại Việt Nam./.

Chú thích:
1, 2. Ladner, A., Fiechter, J. (2012). The influence of direct democracy on political interest, electoral turnout and other forms of citizens’ participation in Swiss municipalities, Local Government Studies, 38(4), 437-459.
3. Orbista, C. (2012), NGOs 18, Master Thesis in Political Science, University of Canterbury, New Zealand.
4. Ladner, A. (2002). Size and direct democracy at the local level: the case of Switzerland, Environment and Planning C: Government and Policy, Vol.20, 813-828.
5, 6. Tocqueville, A. (1835/2002), Democracy in America, Volume One and Two, trans. Henry Reeve, The Pensylvania State University.          

ThS. Nguyễn Thị Thu Cúc
Học viện Hành chính Quốc gia