Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nền công vụ kiến tạo, liêm chính

(QLNN) – Chỉ có thể xây dựng một nền công vụ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực và hiệu quả khi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ với tinh thần tận tụy, mẫn cán. Đây không chỉ là quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, mà còn là những yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình lý luận chính trị và quản lý nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

 

Đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua

Những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: (1) Tập trung bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ; (2) Từng bước gắn bồi dưỡng với chức danh, với quy hoạch và sử dụng CBCCVC; (3) Chế độ, hình thức ĐTBD được quy định cụ thể, rõ ràng; (4) Hệ thống chương trình, tài liệu được tổ chức biên soạn và ban hành đầy đủ, đồng bộ; (5) Năng lực của các cơ sở ĐTBD và đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân cũng như sự nghiệp phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó thì công tác ĐTBD CBCCVC vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hiện nay, không ít CBCCVC lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng, còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị (LLCT), kiến thức quản lý nhà nước (QLNN) khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; một số CBCCVC do chưa được trang bị, cập nhật những kiến thức và kỹ năng cần thiết nên việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong QLNN chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Chỉ thị số 28/TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với CBCCVC đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng đó là do đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng còn thiếu, một số vẫn hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn. Việc huy động CBCCVC lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn, do đó, cần tập trung chỉ đạo cơ sở ĐTBD thuộc thẩm quyền quản lý rà soát, đánh giá, cập nhật, bổ sung hoặc biên soạn lại tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý được giao theo hướng: bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng; đồng thời, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tham gia công tác bồi dưỡng.

Theo đó, với tư cách là một trong các yếu tố cấu thành quan trọng của hoạt động ĐTBD CBCCVC (nhà trường – chương trình – giảng viên/học viên), đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng LLCT, QLNN (sau đây gọi chung là “giảng viên bồi dưỡng”), bao gồm giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính Quốc gia, các cơ sở ĐTBD, cơ sở đào tạo, nghiên cứu; giảng viên kiêm nhiệm và những người được mời thỉnh giảng cần phải được học tập, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCCVC.

Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nền công vụ kiến tạo, liêm chính

Giảng viên bồi dưỡng là những người hoạt động giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học – những người nắm vững các phương pháp khoa học về giảng dạy và giáo dục, sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật trong giảng dạy, thường xuyên rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ, tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học và đời sống xã hội. Vì vậy, nhân cách của họ cần được xem xét một cách thống nhất ở cả phẩm chất và năng lực.

Về phẩm chất: giảng viên bồi dưỡng cần đáp ứng những tiêu chuẩn, như: a) Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; b) Phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức lối sống lành mạnh; c) Đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn theo quy định; d) Có trình độ LLCT, QLNN, tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đ) Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; e) Lý lịch bản thân rõ ràng, đáp ứng yêu cầu về chính trị.

Về năng lực: giảng viên bồi dưỡng cần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ sau: a) Biên soạn chương trình, tài liệu và giảng dạy theo quy định; b) Nghiên cứu khoa học và công nghệ; c) Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Để thực hiện những nhiệm vụ đó, giảng viên bồi dưỡng cần bảo đảm:

Thứ nhất, thể hiện đúng vai trò.

Trọng tâm của ĐTBD CBCCVC là trang bị lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm trau dồi lập trường giai cấp, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, tức là giáo dục LLCT, đồng thời, trang bị kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ công tác QLNN. Đây là tác động có mục đích, có hệ thống để giác ngộ, nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng quản lý cho đội ngũ CBCCVC.

Trong hoạt động ĐTBD CBCCVC, vai trò giảng viên bồi dưỡng rất quan trọng. Họ là người truyền tải những nội dung thông tin có định hướng, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức và kỹ năng trong bài giảng đến với người học; định hướng suy nghĩ, cổ vũ, động viên, thôi thúc học viên vận dụng những kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn của bản thân và cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Vì vậy, nếu giảng viên có kiến thức vững vàng, tư liệu thông tin phong phú, cách trình bày hấp dẫn, chắc chắn bài giảng sẽ sinh động, gây được hứng thú với người học.

Thứ hai, giữ gìn uy tín.

Uy tín của giảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, do đó, giảng viên phải là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng; có trình độ nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm ổn định; có kiến thức toàn diện; có năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để từ đó có sức mạnh cảm hóa lớn, thu hút, lôi kéo, định hướng và điều khiển hoạt động học của người học. Trong khi đó, tác động của nền kinh tế thị trường (dễ làm cho người giảng viên bị cuốn theo lối sống chạy theo đồng tiền nếu bản lĩnh chính trị không vững vàng), đời sống đa số giảng viên còn khó khăn, có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm huyết với nghề, đến uy tín của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Vì vậy, đội ngũ giảng viên cần tiếp tục được ĐTBD nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ ba, say mê nghề nghiệp.

Chất lượng ĐTBD CBCCVC phụ thuộc rất nhiều vào tính tích cực trong giảng dạy của giảng viên, thể hiện ở lòng say mê với hoạt động giảng dạy, sự chủ động, sáng tạo, ham học hỏi, tìm kiếm tri thức nhằm tổ chức thực hiện tốt hoạt động giảng dạy, qua đó không chỉ làm cho bài giảng có chất lượng cao hơn, hấp dẫn hơn, mà còn nâng cao tinh thần, trách nhiệm của giảng viên, kích thích được học viên học tập, lôi cuốn được đồng nghiệp hăng hái làm việc,… từ đó nâng cao được chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Đội ngũ giảng viên luôn cần được đào tạo chính quy (bài bản) và thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức và năng lực. Cần nhận thức sâu sắc rằng, giảng dạy LLCT và QLNN là một nghề, hơn nữa là một nghề có tính đặc thù; cần được đào tạo, đào tạo lại, thường xuyên phải bồi dưỡng để không ngừng nâng cao kiến thức và trình độ, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của bản thân hoạt động đặc thù này.

Thứ tư, luôn luôn đổi mới.

Trước những vấn đề đặt ra trong công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ CBCCVC hiện nay, như:

(1) Việc không xác định rõ ràng nhu cầu, từ đó nội dung ĐTBD không phản ánh yêu cầu của thực tiễn QLNN;

(2) Sự không sẵn sàng của các cơ sở ĐTBD trong việc thay đổi nội dung các chương trình nâng cao nghiệp vụ và những hình thức thực hiện, không đủ định hướng thực tiễn, phần lớn các chương trình đó không đáp ứng những yêu cầu mới và rất khác nhau theo các chủ thể hành chính;

(3) Sự thiếu vắng mối liên hệ giữa tiếp thu những kiến thức mới và sự phát triển không ngừng, tức là hiện thực hóa những tri thức mới trong những điều kiện cụ thể của hoạt động nghiệp vụ;

(4) Chưa xem xét đầy đủ mọi điều kiện thực tế hoạt động thường nhật của đội ngũ CBCCVC, trình độ kiến thức và kinh nghiệm công tác;

(5) Ứng dụng chưa đủ mức những công nghệ mới để trao đổi kinh nghiệm cũng như chuyển tải những thông tin thực tiễn;

(6) Việc xây dựng hệ thống các tài liệu giảng dạy và học tập chưa đủ tầm mức, nhất là những tài liệu bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng thực hành;

(7) Hệ thống ĐTBD không đủ mọi điều kiện bảo đảm bồi dưỡng tất cả đội ngũ CBCCVC trong thời hạn pháp luật quy định cũng như ĐTBD về QLNN và nghiệp vụ quản lý chuyên môn;

(8) Các khóa bồi dưỡng có tên gọi khác nhau, song chỉ mang tính hình thức, đối tượng tham gia học khác nhau về trình độ học thức, kinh nghiệm công tác, độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực công tác… cũng gây khó khăn nhất định cho người dạy.

Vì vậy, giảng viên bồi dưỡng cần ý thức về việc tham gia tích cực vào hoạt động bồi dưỡng dành cho giảng viên và tự bồi dưỡng. Đó là một trong các điều kiện trọng yếu nhằm thực hiện nguyên tắc “lấy người học làm trung tâm”, tăng cường các môn học tâm lý công vụ, trên cơ sở xây dựng các chương trình bồi dưỡng theo hướng phải làm rõ việc “dạy những gì Nhà nước cần” và “dạy những gì người học muốn” trên cơ sở xác định rõ “yêu cầu từ phía nền công vụ” và “nguyện vọng của người học” vào những thời kỳ tương ứng nhất định.

Việc tự giáo dục, tự rèn luyện qua quá trình ĐTBD cùng với hoạt động thực tiễn của giảng viên là vô cùng cần thiết. Mỗi giảng viên là một chủ thể tích cực của quá trình hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống của bản thân, luôn bổ sung hiểu biết cho mình, tích cực học tập, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân mới đáp ứng tốt được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hiệu quả của quá trình đó cần được “truyền tải”  cho người học với những bài giảng bảo đảm: (1) Xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và đưa loại hình, cấp độ thực tiễn nào có tính điển hình, có ý nghĩa chung chứ không phải ngẫu nhiên; (2) Lựa chọn các sự kiện thực tiễn có tính thời sự cao, đang được xã hội quan tâm nhiều, có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm tính trung thực; (3) Có phương pháp phân tích để người học thấy được mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn được viện dẫn, minh họa.

Chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong sự nghiệp ĐTBD CBCCVC cho đất nước nói chung và mỗi bộ, ngành, địa phương, cũng như trách nhiệm kế thừa, phát huy sự nghiệp vẻ vang của thế hệ đi trước, giảng viên bồi dưỡng cần có điều kiện được rèn luyện trong môi trường thực tiễn học tập, giảng dạy, rèn luyện mọi mặt về sức khỏe, trí tuệ, tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tư duy tích cực và truyền tải được những kiến thức, kỹ năng và thái độ tương ứng cho người học nhằm góp phần thực hành đúng nền công vụ kiến tạo và liêm chính./.

Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 28/TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
2. Lưu Kiếm Thanh. Vai trò của Chính phủ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tạp chí Quản lý nhà nước số 3/2013 (206), tr. 3 – 11.
3. Văn Tất Thu, Lưu Kiếm Thanh. Năng lực xây dựng chính sách công. Tạp chí Quản lý nhà nước, số2 /2017 (263), tr. 11.
4. Ngô Thành Can, Nguyễn Thị Hồng Hải, Lưu Kiếm Thanh. Công vụ và quản lý thực thi công vụ. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2018.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – PGS.TS. Ngô Thành Can
Học viện Hành chính Quốc gia