(QLNN) – Nhận thức rõ tầm quan trọng của cải cách hành chính (CCHC), trong những năm qua, công tác CCHC ở tỉnh Khánh Hòa đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt. Công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thực trạng công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Năm 2017, chỉ số CCHC đạt 83,97%, xếp thứ 06/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2016. Có 6 tiêu chí đạt chỉ số thành phần từ 80% trở lên, trong đó tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt 95,98%. Đây là năm thứ 6, tỉnh Khánh Hòa có chỉ số CCHC cao hơn mức trung bình chung của các tỉnh, thành phố và cũng là năm thứ 5 liên tiếp tăng vị trí xếp hạng. Kết quả cụ thể:
Thứ nhất, về cải cách thể chế và TTHC.
Nhằm mục tiêu tạo chuyển biến mạnh về nhận thức và hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2018 – 2020 với khung hành động gồm 56 nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các ngành, các cấp; lấy chuyển biến thực chất về môi trường kinh doanh để cải thiện Chỉ số PCI. Đồng thời, phê duyệt danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách tỉnh giai đoạn 2018 – 2020; tổ chức triển khai xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút nhà đầu tư vào một số khu công nghiệp, khu đô thị.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các sở đã tham mưu ban hành 44 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong đó, có 19 nghị quyết của HĐND tỉnh và 25 quyết định của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, việc rà soát VBQPPL đã được các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện, qua đó, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản hết hiệu lực thi hành, các quy định chồng chéo hoặc không còn phù hợp. Tính đến ngày 30/11/2017, toàn tỉnh đã tổ chức rà soát 109 văn bản, phát hiện 37 văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. UBND tỉnh đã công bố danh mục VBQPPL hết hiệu lực từ tháng 7/2011 – 3/2016; danh mục VBQPPL về điều kiện đầu tư, kinh doanh hết hiệu lực trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Được coi là khâu đột phá của công tác CCHC nên việc cải cách TTHC luôn được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Năm 2017, UBND tỉnh đã công bố danh mục 249 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định tại các VBQPPL hiện hành. Trong danh mục này, nhiều thủ tục được cắt giảm từ 1/3 – 1/2 thời gian giải quyết so với quy định hiện hành của trung ương, tiêu biểu là thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, đăng ký biến động đất đối với doanh nghiệp tư nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành 69 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó 463 thủ tục ban hành mới, 82 thủ tục sửa đổi, bổ sung, 377 thủ tục bãi bỏ. Tổng số TTHC ở 3 cấp hiện nay là 1.864 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.431, cấp huyện là 285, cấp xã là 148. Các TTHC đã được tích hợp và công khai trên trang web csdl.thutuchanhchinh.vn theo quy định, đồng thời, cập nhật vào cơ sở dữ liệu TTHC trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thống nhất liên kết tới toàn bộ trang, cổng thông tin điện tử các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện.
Song song với việc rà soát, đơn giản hóa, toàn bộ quy trình tác nghiệp giải quyết được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO, tỉnh cũng đã ban hành 21 quy chế giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông với 357 quy trình liên quan đến các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng 38 quy trình mẫu giải quyết TTHC về đất đai theo cơ chế một cửa liên thông.
Kết quả giải quyết hồ sơ của các sở, UBND cấp huyện, cấp xã trên phần mềm một cửa điện tử được cập nhật tự động về cổng thông tin kiểm soát TTHC để theo dõi, đôn đốc; kết nối công khai số liệu giải quyết hồ sơ trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đã thí điểm thành công việc kết hợp sử dụng phần mềm một cửa điện tử và phần mềm chuyên ngành bảo hiểm xã hội để luân chuyển thông tin điện tử giải quyết liên thông TTHC đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ hồ sơ được các ở, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả sớm hạn và đúng hạn đạt 99,35%; chỉ trễ hạn 1.925 hồ sơ 0,65%, giảm 3,04 % so với cùng kỳ năm trước. Tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 từ năm 2016 đến nay có hơn 82.000 hồ sơ. Hệ thống tin nhắn tự động SMS đã gửi hơn 198.000 tin nhắn miễn phí đến số điện thoại di động của khách hàng để thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ, nâng tổng số tin nhắn được gửi lên trên 352.000 tin nhắn (trung bình gửi hơn 29.333 tin nhắn mỗi tháng), góp phần giảm thời gian đi lại cho khách hàng và giảm thiểu hồ sơ trễ hạn. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiếp nhận, trả kết quả trên 500.000 hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thứ hai, về tổ chức bộ máy.
Căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định: kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng, Sở Ngoại vụ; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong. Ngoài ra, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 12/12/2017 nhằm quán triệt và triển khai có hiệu quả mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Chương trình là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Một số lĩnh vực quản lý có yêu cầu phối hợp liên ngành cũng đã được phê duyệt quy chế phối hợp để tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức.
UBND tỉnh đã giao biên chế công chức năm 2017 cho các cơ quan hành chính của tỉnh theo tinh thần thực hiện tinh giản biên chế. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện tinh giản 230 trường hợp theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2000 về chính sách tinh giản biên chế. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chú trọng thực hiện Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 và triển khai Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND ngày 09/7/2014 của HĐND tỉnh về việc quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cho CBCC, viên chức; xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị dài hạn và thu hút nhân tài; ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng thời, gắn kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức khai giảng 07 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên với 540 học viên; 04 lớp chuyên viên chính: 250 học viên; 04 bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng: 280 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức lớp bồi dưỡng lãnh đạo cấp sở: 30 học viên; 04 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021: 390 đại biểu; 02 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị dành cho đối tượng 6, đối tượng 7: 80 học viên; 12 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho CBCC cấp xã: 302 học viên; 13 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCC cấp xã với 453 học viên; 12 lớp bồi dưỡng kiến thức theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 754 học viên; liên kết đào tạo tổ chức 01 lớp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp Luật cho CBCC, người hoạt động không chuyên trách các xã miền núi: 60 học viên; 05 lớp bồi dưỡng kiến thức theo chức danh và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch cán sự cho CBCC các xã trên địa bàn tỉnh: 443 học viên; 01 lớp đại học hành chính theo Chương trình phát triển nhân lực của tỉnh cho CBCC cấp xã: 130 học viên,… đồng thời, cử CBCC, viên chức đi ĐTBD sau đại học ở trong và ngoài nước.
Thứ tư, về cải cách tài chính công.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí tài chính theo Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 17/10/2015, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Đến nay, việc khoán chi hành chính đã được triển khai đồng bộ cho cấp tỉnh, huyện và xã. Toàn bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công theo đúng quy định…
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội giai đoạn 2018 – 2020 nhằm đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, hiện đại hóa hành chính.
UBND tỉnh, toàn bộ các sở, ngành, UBND cấp huyện và hầu hết các đơn vị cấp xã đã có trang thông tin điện tử công khai. Với 4.600 tài khoản thư điện tử công vụ và 1.293 chứng thư số chuyên dùng tại các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó chữ ký số và chứng thư số đã được tích hợp trên phần mềm E-Office. Thông qua hệ thống này, toàn bộ các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tiếp nhận văn bản đến, giao việc, kiểm soát công việc, gửi văn bản đi dưới dạng điện tử liên thông trên toàn hệ thống. Với tỷ lệ văn bản điện tử được gửi, nhận hoàn toàn qua môi trường mạng, không dùng văn bản giấy (đạt 69,6%), do vậy đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2008 đã phủ kín cả ba cấp hành chính địa phương, triển khai một cách thực chất, gắn với điện tử hóa.
Một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020
Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong giai đoạn tới, Khánh Hòa đang tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Hoàn thiện các quy định, chính sách phục vụ mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh, minh bạch hóa hệ thống các quy định, chính sách về đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công.
Thứ hai, tập trung cải cách TTHC, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết TTHC trên cơ sở đơn giản hóa, chuẩn hóa và thống nhất hóa về hồ sơ và quy trình giải quyết TTHC, phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC cho cơ sở; hoàn thiện cơ sở dữ liệu TTHC. Rà soát ghép nối các TTHC có liên hệ chặt chẽ với nhau để cho phép giải quyết trên một quy trình, bổ sung vào danh mục quy trình trên phần mềm một cửa điện tử.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Thực thi các giải pháp, cơ chế cụ thể để tạo chuyển biến mạnh mẽ tại cấp chính quyền cơ sở, trước hết là chế độ, lề lối, tác phong làm việc, phục vụ nhân dân; tăng tính công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình trước nhân dân của chính quyền cơ sở. Triển khai rà soát, đánh giá thực trạng CBCC, viên chức để bố trí lại đúng yêu cầu vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức; tinh giản biên chế đối với các trường hợp bố trí không phù hợp với mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt quy trình, tiêu chuẩn đầu ra trong ĐTBD CBCC, viên chức, CBCC cấp xã; trong đó lấy năng lực thực tiễn sau ĐTBD để làm căn cứ chủ yếu đánh giá hiệu quả ĐTBD; thực hiện khảo sát, sát hạch và đánh giá nhu cầu thực tiễn để lập kế hoạch dài hạn và hằng năm; tập trung chủ yếu vào bồi dưỡng kỹ năng công việc.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh CCHC công, bảo đảm sự công bằng trong cung cấp, thụ hưởng dịch vụ công thiết yếu. Trên cơ sở định lượng hóa công việc, xây dựng tiêu chuẩn, định mức để xác định dự toán ngân sách được cấp phát trung hạn và hằng năm cho cơ quan hành chính. Thí điểm giao dự toán ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với chỉ tiêu trung hạn cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh; khoán kinh phí theo công việc đến phòng, ban, bộ phận chuyên môn; khoán hoặc đặt hàng theo công việc, nhiệm vụ cụ thể.
Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và phòng khám đa khoa khu vực, theo lộ trình đến năm 2020 phải tự chủ hoàn toàn từ nguồn thu sự nghiệp. Kết nối liên thông trực tuyến thu, chi, thanh toán điện tử giữa các cơ quan hành chính, kho bạc, ngân hàng để thu phí, lệ phí các dịch vụ hành chính trực tuyến mức độ 4.
Thứ sáu, xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính. Đưa Trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh vào vận hành, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tỉnh đã ban hành Kế hoạch truyền thông Trung tâm với thông điệp truyền thông “Trung tâm Dịch vụ Hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa – Vào một địa chỉ, có tất cả”. Mục đích là tuyên truyền, quảng báo sâu rộng về việc thành lập Trung tâm – đầu mối thống nhất của tỉnh trên mạng internet cung cấp trực tuyến các thông tin, dịch vụ, tiện ích hành chính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, hướng đến sự đổi mới, dân chủ và hội nhập.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết công tác cải cách hành chính tỉnh Khánh Hòa năm 2017, ngày 28/02/2018.
2. Quyết định số 3922/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020.
3. Báo cáo Chỉ số và xếp hạng kết quả cải cách hành chính năm 2017 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngày 06/02/2018.
4. Báo cáo tình hình, kết quả cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Khánh Hòa, tháng 6/2018.
5. Chương trình hành động nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2018 – 2020.
6. Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 31/3/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Ngô Truyện
Giám đốc Sở Nội vụ Khánh Hòa