Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội

(QLNN) – Cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cũng giống như cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước nói chung – là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ hoặc được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh và làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ trung ương đến địa phương trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

 

Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội

Cán bộ, công chức (CBCC) quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo là CBCC nhà nước được trao thẩm quyền QLNN về tôn giáo, thực hiện nhiệm vụ QLNN về tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội, “đạo Công giáo có 236.000 tín đồ với 01 Hồng y; 03 giám mục (01 hồng y, tổng giám mục, 01 giám mục, 02 giám mục phụ tá), 85 linh mục, gần 2.000 chức việc; hơn 400 cơ sở thờ tự, 01 đại chủng viện, 83 giáo xứ, 306 họ giáo”1. Số lượng tín đồ lớn ở tại thành phố có vị trí và vai trò quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng đặt ra thách thức cho CBCC QLNN về đạo Công giáo luôn phải đáp ứng yêu cầu công việc.

Nhà thờ Lớn Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) được trang hoàng chuẩn bị đón Giáng sinh. Ảnh: THỦY NGUYÊN (https://nhandan.com.vn)

Hiện nay, công tác QLNN về tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội do 01 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố phụ trách. Cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo tại thành phố Hà Nội là Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, bao gồm: phó giám đốc Sở Nội vụ kiêm trưởng ban, là người đứng đầu Ban Tôn giáo, chịu trách nhiệm trước giám đốc Sở Nội vụ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban Tôn giáo. Phó trưởng ban là người giúp trưởng ban, chịu trách nhiệm trước trưởng ban và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi trưởng ban vắng mặt, 01 phó trưởng banđược trưởng ban ủy quyền điều hành các hoạt động của Ban Tôn giáo.

Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm Phòng Hành chính – Tổng hợp và Phòng Nghiệp vụ. Mỗi phòng thuộc Ban Tôn giáo có 01 trưởng phòng, 01 phó trưởng phòng và công chức thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ. CBCC Ban Tôn giáo có 20 người là lực lượng chính thực hiện công tác QLNN đối với đạo Công giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, công chức làm việc tại Ban Tôn giáo là những người có vai trò tham mưu, trực tiếp xử lý những công việc liên quan đến đạo Công giáo trên toàn thành phố nên từ khâu tuyển chọn đầu vào được thực hiện khá chặt chẽ, đạt chuẩn về chuyên môn.

Số công chức làm việc tại Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đa phần có trình độ chuyên môn là cử nhân, ngoài ra, “thạc sỹ: 07 người; cao cấp lý luận: 04 người, trung cấp lý luận: 11 người; sơ cấp 05 người”2.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có “30 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành”3. Theo Thông tư số 04/2010/TT-BNV ngày 20/5/2010 của Bộ Nội vụ tại mỗi UBND cấp huyện, lĩnh vực tôn giáo do một phó chủ tịch UBND phụ trách văn hóa, xã hội đảm nhiệm. Phòng Nội vụ thuộc UBND các huyện, quận, thị xã có trưởng phòng, không quá 03 phó trưởng phòng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

Trưởng phòng Nội vụ chịu trách nhiệm chung về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tôn giáo thuộc phạm vi thẩm quyền của phòng Nội vụ. Trưởng phòng Nội vụ giao cho một công chức phụ trách chuyên môn về lĩnh vực tôn giáo trực tiếp thực hiện các công việc QLNN về tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền được giao.

Công chức làm việc tại các phòng trực thuộc Ban Tôn giáo thành phố tại quận/huyện là “78 người. Qua theo dõi công tác tôn giáo các quận, huyện, thị xã đến tháng 9/2016 cho thấy, có 30/30 UBND quận, huyện đã có cán bộ chuyên trách tôn giáo thuộc Phòng Nội vụ quận, huyện, thị xã; tuy nhiên, tại Ban Dân vận các quận, huyện chỉ có cán bộ kiêm nhiệm trực tiếp tham mưu cho cấp ủy đảng về công tác tôn giáo chứ chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi công tác tôn giáo”4.

Điều này cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác QLNN về tôn giáo, cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tôn giáo chưa được đào tạo cơ bản dẫn đến việc xử lý các vụ việc tôn giáo còn lúng túng.

Thành phố Hà Nội có “584 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn)”. Mỗi UBND xã có một công chức làm công tác văn phòng HĐND – UBND hoặc cán bộ văn hóa kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ QLNN về tôn giáo trên địa bàn xã (thường là công chức kiêm nhiệm)5. Như vậy, UBND cấp xã không có cán bộ chuyên trách công tác tôn giáo, số lượng công chức kiêm nhiệm công tác tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội có “xấp xỉ khoảng 1.500 CBCC”6.

Đa phần số CBCC này không được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về công tác tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng trong khi đây là ngũ cán bộ cơ sở có vai trò hết sức quan trọng tại địa phương. Hằng năm, chỉ có một lớp tập huấn kiến thức quản lý nhà nước về tôn giáo (chủ yếu là phổ biến pháp luật) ở các trung tâm chính trị của quận, huyện cho phó chủ tịch xã, cán bộ phụ trách văn hóa… Điều này dẫn tới nhận thức của CBCC về các vấn đề tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng còn nhiều mặt hạn chế.

Bên cạnh đó, CBCC còn thiếu chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, yếu về khả năng giao tiếp, thuyết trình, tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng… Một bộ phận công chức có biểu hiện phai nhạt phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, gây phiền hà cho nhân dân, đặc biệt đối với đồng bào theo đạo, gây khó khăn trong việc quản lý,làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước.

Công tác kiểm tra, đánh giá CBCC còn thiếu chặt chẽ, chưa khoa học nên không phản ánh đúng thực chất năng lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức.

Một số giải pháp hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Công giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thứ nhất, nhóm giải pháp kiện toàn đội ngũ CBCC QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo.

Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng các chức danh công chức cấp xã thực hiện QLNN về tôn giáo. Hiện nay, ở cấp xã chỉ quy định chung chung việc QLNN về tôn giáo do công chức giữ vai trò chủ chốt kiêm nhiệm mà chưa quy định cụ thể về chức danh công chức nào sẽ kiêm nhiệm. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng. Bên cạnh đó, việc quản lý tôn giáo ở mỗi xã, phường do một công chức khác nhau thực hiện dẫn đến việc không đồng nhất, khó quản lý, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ của CBCC.

Hiện nay, công tác tham mưu QLNN về tôn giáo và đạo Công giáo ở cấp huyện được giao cho phòng Nội vụ, song số lượng CBCC phòng Nội vụ được giao nhiệm vụ quản lý về tôn giáo rất ít (trưởng phòng chịu trách nhiệm chung và 01 công chức chuyên môn). Tại những quận, huyện có ít tôn giáo và đồng bào giáo dân thì CBCC có thể đảm nhiệm; tuy nhiên, tại những quận, huyện có số lượng giáo dân đông, nhiều tôn giáo hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, sai sót trong quản lý.

Do vậy, cần tăng cường, bổ sung thêm CBCC quản lý về tôn giáo tại các quận, huyện mà tình hình tôn giáo phức tạp, nhiều tôn giáo hoạt động, số lượng đồng bào giáo dân đông để kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh, thực hiện tốt công tác QLNN về tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng.

Thứ hai, nhóm giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ CBCC QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo.

1) Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC QLNN đối với tôn giáo và đạo Công giáo, ngay từ khâu tuyển dụng phải được thực hiện chặt chẽ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch. Việc chấp hành nghiêm các quy định về tuyển dụng như vậy giúp cho các cơ quan lựa chọn được người thực sự có tài, có đủ năng lực, trình độ để thực hiện công việc; giảm thiểu được tình trạng tiêu cực trong công tác.

2) Tôn giáo là lĩnh vực không mang tính ổn định lâu dài mà thường xuyên có những thay đổi, diễn biến phức tạp. Xuất phát từ lịch sử hình thành và đặc trưng tôn giáo, đạo Công giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn có những thay đổi cả theo hướng tích cực và tiêu cực, đòi hỏi CBCC QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý để có thể ứng phó trước những diễn biến phức tạp của tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng.

3) Thay đổi nhận thức và nâng cao hiểu biết về tôn giáo và đạo Công giáo cho đội ngũ CBCC là điều căn bản cần thiết để có thể hoàn thiện và nâng cao hiệu quả QLNN về tôn giáo và đạo Công giáo; giúp cho CBCC quản lý có cái nhìn đúng đắn về thực trạng, vai trò và mức độ ảnh hưởng của đạo Công giáo đến nhận thức của người dân; sự tác động của tôn giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng đến tình hình chính trị, an ninh trật tự, sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

4) Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo động lực để CBCC cống hiến hết mình cho cơ quan, tổ chức. Tạo động lực cho CBCC QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo thông qua việc thực hiện chế độ đãi ngộ, lương, thưởng hợp lý; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, liên hoan văn nghệ; tạo cơ hội thăng tiến trong công việc…

5) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực của đội ngũ CBCC QLNN về tôn giáo vào đạo Công giáo. Trên cơ sở những kết quả kiểm tra đó, bản thân CBCC sẽ biết được mình còn hạn chế, thiếu sót ở mặt nào để kịp thời bổ sung; đồng thời giúp lãnh đạo cơ quan có các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao năng lực đội ngũ CBCC. Kiểm tra, đánh giá năng lực đội ngũ CBCC QLNN về tôn giáo và đạo Công giáo cần căn cứ vào mục đích, nội dung, phạm vi mà thực hiện dưới các hình thức khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Việc kiểm tra có thể thực hiện dưới dạng vấn đáp, thi viết, phiếu khảo sát… tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương.

Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện một cách công bằng, công khai, minh bạch, đánh giá đúng năng lực của CBCC, tuân thủ đúng quy trình; tránh tình trạng gian lận trong kiểm tra, đánh giá.

Chú thích:
1, 2, 4, 6. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Đề án tăng cường công tác quản lý hoạt động tôn giáo theo quy định pháp luật trên địa bàn thành phố, số 107/ĐA-UBND ngày 27/11/2009.
3, 5. Lịch sử hành chính Hà Nội. vi.wikipedia.org, truy cập ngày 17/12/2017.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo. H. NXB Tôn giáo, 2003.
2. Học viện Hành chính Quốc gia. Quản lý nhà nước về tôn giáo và dân tộc. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2009.
3. Nguyễn Trọng Điều. Chế độ công vụ Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, 2007.
4. Quốc hội. Luật Cán bộ, công chức. H. NXB Chính trị quốc gia, 2008.
5. Thang Văn Phúc và Nguyễn Minh Phương. Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng đội ngũ Cán bộ, công chức. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005.
6. Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch. Tài liệu bồi dưỡng công chức văn hóa xã hội. H. NXB Thống kê, 2012.
ThS. Đỗ Hoàng Vương
 Học viện An ninh nhân dân – Bộ Công an