Phản biện xã hội của báo chí trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ

(QLNN) – Báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội là sự can thiệp xã hội bằng thông tin để tham gia vào việc hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật, các vấn đề của đời sống xã hội; tạo diễn đàn ngôn luận cho công chúng, khơi nguồn dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội. Qua đó, góp phần trong quá trình dân chủ hóa xã hội và tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật một cách đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả.

 

Các nhà báo tác nghiệp (Ảnh: Quang Vinh).
Chức năng phản biện xã hội của báo chí

Báo chí – truyền thông có nhiều chức năng, trong đó có chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội (PBXH) là một chức năng rất quan trọng.

PBXH (social criticism) là hoạt động mang tính phổ quát của đời sống xã hội,  được thể hiện qua cách thức mà cá nhân (chủ thể) bộc lộ trong mối quan hệ với các định chế, quy phạm, cấu trúc xã hội. Về nguyên tắc, muốn thay đổi một trật tự thì chủ thể phải nhận ra các khuyết tật, yếu điểm của trật tự đó. Trước đòi hỏi ấy, phê bình, phê phán xuất hiện1.

PBXH liên quan mật thiết với vấn đề dân trí và dân chủ xã hội. Dân trí và định chế chính trị là nền tảng chi phối chất lượng quá trình dân chủ; chất lượng dân chủ chi phối chất lượng PBXH. Khi nói đến dân trí, trước hết nói đến trình độ văn hóa của dân cư và phong tục tập quán cộng đồng; đồng thời, yếu tố quyết định chất lượng của dân trí trong PBXH là số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức.

PBXH là quá trình xem xét, phân tích, lập luận để đi đến nhận thức chân lý, tức là nhằm phân định sự đúng – sai một vấn đề nào đó; PBXH nhằm làm cho các quyết sách của cơ quan công quyền đáp ứng được lợi ích chung của cộng đồng xã hội; mục đích của PBXH là hướng đến đề xuất, tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, quyết định chủ trương, chính sách, đề án có sự hợp pháp và hợp lý tối đa2.

Báo chí thực hiện chức năng PBXH là sự can thiệp xã hội bằng thông tin để tham gia vào việc hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật, các vấn đề của đời sống xã hội; tạo diễn đàn ngôn luận cho công chúng, khơi nguồn dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội; góp phần trong quá trình dân chủ hóa xã hội và tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật một cách đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả.

Báo chí – truyền thông đương đại không chỉ được nhìn nhận như công cụ chính trị, như phương tiện và phương thức thông tin – giao tiếp xã hội đặc thù, mà còn như một thiết chế xã hội. Nhìn nhận thiết chế xã hội này, ngoài bản chất hoạt động chính trị – xã hội, trước hết báo chí là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, đồng thời là phương tiện và phương thức can thiệp xã hội.

Cơ chế can thiệp xã hội của báo chí – truyền thông thông qua quá trình cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn đàn chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm trong công chúng, từ đó góp phần mở rộng và làm phong phú thêm vốn kiến thức, hiểu biết, làm thay đổi nhận thức, trước hết là nhận thức chính trị. Và cuối cùng, làm thay đổi thái độ và hành vi của đông đảo công chúng xã hội và nhân dân nói chung.

Báo chí – truyền thông là kênh quan trọng để người dân thực hiện quyền giám sát, quyền phản biện một cách hiệu quả. Hệ thống báo chí – truyền thông có tác dụng thúc đẩy quan trọng đối với PBXH cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tác dụng và vai trò của báo chí – truyền thông đối với hoạt động PBXH được thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, cung cấp cho công chúng các thông tin về hoạt động của các cơ quan công quyền, đặc biệt là hoạt động xây dựng quyết sách;

Thứ hai, là kênh phản ánh dư luận, thái độ, ý kiến và kiến nghị của nhân dân đối với các chính sách của  cơ quan công quyền, nhất là đối với những dự thảo quyết sách quan trọng liên quan trực tiếp tới lợi ích của đông đảo nhân dân;

Thứ ba, là kênh để tăng cường đối thoại và sự giải trình của các cơ quan công quyền với nhân dân, trong đó có sự giải trình về mặt chính sách;

Thứ tư, thực hiện vai trò định hướng dư luận xã hội theo hướng tiến bộ, có lợi cho sự phát triển của đất nước; đồng thời phê phán các quan điểm sai trái, không có lợi cho đất nước.

Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi nhậm chức (tháng 4/2016) đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về xây dựng chính phủ kiến tạo (CPKT), liêm chính, hành động và phục vụ. Tiếp đó, trong phiên trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 18/11/2017, Thủ tướng đã phân tích khá rõ về nội hàm khái niệm CPKT, trong đó nhấn mạnh một số nội dung chính:

– CPKT chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước phát triển, không để rơi vào thế bị động. Nhà nước không làm thay thị trường, cái gì làm tốt thì để nhân dân và xã hội làm;

– CPKT phải nâng cao chất lượng an sinh xã hội để phục vụ người dân tốt nhất, trước hết là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa;

– CPKT là chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nói rõ hơn về sự khác nhau giữa CPKT và chính phủ quản lý, điều hành. Đó là, CPKT chủ động hơn về thể chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư phát triển. Chính phủ điều hành là có pháp luật rồi chỉ điều hành trên khuôn khổ pháp luật đó. Bộ máy Chính phủ phải năng động hơn, sáng tạo hơn, tránh rơi vào thế bị động.

Như vậy, có thể hiểu CPKT, hành động là chính phủ luôn hoàn thiện mình, hướng đến hiện đại, phục vụ và xây dựng hành lang pháp lý, môi trường cho người dân và doanh nghiệp phát triển ngày một tốt hơn. Thực tế hơn hai năm qua, Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, như đổi mới tư duy về phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật được xây dựng, hoàn thiện; cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều rào cản được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; chuyển mạnh từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp. Kết quả đạt được, ngoài sự quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và xã hội, là sự đóng góp, đồng hành đáng kể của báo chí – truyền thông.

Ngay tại hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp (ngày 29/4/2016), Thủ tướng đưa ra bài báo về vụ quán cà phê “Xin chào” ở TP. Hồ Chí Minh được các báo đề cập khá sôi động ở thời điểm đó. Thủ tướng  cho rằng không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm môi trường an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động. Ngay lúc đó, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo xử lý về vụ việc chứ không chờ cơ quan chức năng tham mưu. Sau đó một thời gian ngắn, vụ quán cà phê “Xin chào” khép lại với kết thúc có hậu, có lý, có tình cho ông chủ quán, đồng thời cũng  xử lý  một số cán bộ sai phạm3.

Tiếp theo đó, thông điệp “không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm môi trường an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động” được hiện thực hóa tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết ra đời được các doanh nghiệp đón nhận, bức tranh phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc đáng mừng.

Cũng tại nhiều cuộc gặp với các nhà báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò của báo chí khi Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và báo chí là một kênh thông tin quan trọng để Chính phủ tham khảo. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu chỉ căn cứ vào công văn hành chính không thì chưa chắc thông tin đã đầy đủ. Lãnh đạo cũng cần có báo chí để có thông tin chính xác, trung thực, kịp thời”4.

Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống kê, tổng hợp các tin, bài viết do báo chí phát hiện các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai kết quả xử lý. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh thông tin được công bố trên báo chí.

Phản biện xã hội của báo chí thời gian qua

Những năm qua, nhiều vấn đề PBXH của báo chí nêu đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, vào cuộc, điều chỉnh, xử lý dứt điểm. Đơn cử một số vụ việc gần đây, như vụ bà con ảnh hưởng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) tố cáo có nhiều khuất tất; vụ nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có nhiều sai phạm bị kỷ luật cách hết các chức vụ nhưng vẫn được đề bạt làm tổ trưởng giúp việc của Ban Chỉ đạo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị và nhà ở; vụ Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh giá trị tăng 36 lần so với ban đầu; hay công trình xây dựng không phép đường lên núi Cái Hạ xuyên vùng lõi di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới Tràng An (Ninh Bình); các nhóm lợi ích lợi dụng chủ trương đúng về huy động vốn phát triển đường giao thông để thu phí vô lý từ các trạm thu phí quốc lộ BOT…

Không chỉ giám sát, phản biện các vấn đề kinh tế – xã hội, báo chí còn đề cập đến hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền – những người có nhiệm vụ thay mặt cấp ủy, chính quyền trực tiếp tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp giải quyết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân…

Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng, bớt xén, lạm thu, cửa quyền, hạch sách, cấp đất không đúng thẩm quyền… đã bị phát hiện, lên án, không ít cán bộ, công chức, viên chức phải nhận kỷ luật của Đảng, phải ra tòa, chịu án tù, như vụ việc ở TP. Đà Nẵng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Cục C50 (Bộ Công an)…

Trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, báo chí với lợi thế và vai trò của mình đã là một chủ thể khơi nguồn PBXH, bước đầu nhận định, bàn luận, đánh giá về sự kiện, hiện tượng tham nhũng mới diễn ra. Những phản biện mạnh mẽ từ báo chí đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng.

Trên thực tế, nhiều vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi, phức tạp, nhưng đã được nhân dân và báo chí lật tẩy, như đã chỉ ra không ít dự án, đất vàng đang bị sử dụng không đúng mục đích, bị bán rẻ hay thu hồi để hoang phí. Đơn cử ở TP. Đà Nẵng, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), huyện Vân Đồn (Quảng Ninh)… thời gian qua. Cho dù còn có những hạn chế, khuyết điểm nhất định, song phải khẳng định một điều, báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Sức lan tỏa của báo chí rất nhanh và lớn, nhất là trong xu thế báo chí kết nối mạng internet toàn cầu, đã làm cho thông tin được lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp.

Báo chí không chỉ thông tin mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm đối với các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội. Không ít văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành quy định thiếu tính thực tiễn, chưa ra đời hoặc vừa ra đời đã… “chết yểu”, như: Đề án tăng thuế VAT từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính (năm 2017); kiến nghị của Bộ Tài chính về ban hành Luật Thuế tài sản với đề xuất áp dụng đánh thuế ở mức 0,4% cho nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng  trở lên; Bộ Giao thông vận tải đổi tên “Trạm thu phí BOT” thành “Trạm thu giá”…

Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, hoặc khi biết thông tin, báo chí đã có những bài phản biện và kết cục là các bộ, ngành phải thu hồi lại dự thảo, hoặc chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành mà không mang tính khả thi.

Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, nắm bắt đúng bản chất sự kiện, phân tích đúng vấn đề trọng tâm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận, báo chí – truyền thông đã thực hiện tốt chức năng giám sát và PBXH, mang lại hiệu quả rõ rệt. Bởi thế trong xây dựng CPKT, hành động không thể thiếu được vai trò PBXH của báo chí.

Những hạn chế gây cản trở xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã cố gắng rất nhiều trong xây dựng và thực hiện CPKT, hành động, liêm chính, phục vụ nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn, bởi mức độ dân chủ, công khai và minh bạch trong hoạt động của chủ thể nhận phản biện nhìn chung còn chưa đủ mức. Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế.

Qua thực tế cho thấy, nhiều công trình đầu tư công ở các tỉnh, thành phố hiện nay, người dân không biết thông tin về các công trình tại địa phương, không biết hỏi ai về thông tin ngân sách… Nhiều dự án được triển khai ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng không có thông tin gì (hoặc có nhưng rất hạn chế) trước khi khởi công.

Trong các công tác khác của các cơ quan nhà nước, như xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức… ít được công khai, minh bạch; nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước còn chung chung, khó thực hiện; có lĩnh vực còn chưa quy định về công khai, minh bạch, còn có tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung phải công khai, minh bạch, nhất là trong việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và công khai báo cáo tài chính trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường khi thu hồi đất hầu như các địa phương chưa thật sự công khai về quy hoạch, về giá bồi thường, dẫn đến người dân thắc mắc, khiếu kiện, gây cản trở tiến độ dự án, thậm chí có nơi còn xảy ra điểm nóng, bức xúc trong xã hội, như dự án khu đô thị mới ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội)…

Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ở nhiều cơ quan nhà nước mặc dù đã làm theo “quy trình” nhưng thực ra vẫn còn có yếu tố lợi ích nhóm, người thân… từ đó chưa công khai, minh bạch thông tin về nhân sự nên gây băn khoăn, thiếu niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo của cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị. Rồi trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết luận thanh tra rất ít khi công khai các thông tin; trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chưa công khai, minh bạch các quyết định… khiến cho người dân bức xúc.

Chúng ta càng thấy rõ vấn đề này hơn nếu liên hệ với nội dung minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt thời gian qua. Công tác kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được triển khai trên diện rộng, nhưng còn hình thức, tác dụng phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp.

Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền các cấp theo dõi được những biến động về tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, để từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi, chưa được sử dụng đầy đủ để tăng cường cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Để báo chí phản biện tốt hơn trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ

Để báo chí thực hiện tốt vai trò, lợi thế của mình, góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa trong xây dựng và thực hiện CPKT, liêm chính, hành động, phục vụ, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần tập trung vào một số nội dung chính sau:

Một là, công khai, minh bạch thông tin trong quản lý hành chính nhà nước nói chung, trong các cơ quan nhà nước nói riêng, đây là nội dung luôn được dư luận hết sức quan tâm.

Hai là, phải chú trọng đầu tư phát triển toàn diện hệ thống báo chí – truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và đội ngũ những người làm công tác báo chí…

Ba là, cần có sự phối hợp chặt chẽ, khăng khít hơn nữa giữa hệ thống báo chí – truyền thông với Chính phủ, với các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Bốn là, các cơ quan báo chí – truyền thông cần phải tập trung vào những nội dung căn cốt, đó là: (1) Báo chí cần phải đề cao vai trò kiến tạo, góp ý, tham vấn để góp phần cùng Chính phủ xây dựng hoàn thiện các chủ trương, chính sách. (2) Phải tổ chức tuyên truyền cho công chúng biết được, hiểu rõ được chủ trương của Chính phủ trong xây dựng CPKT, từ đó tạo được sự đồng thuận xã hội. (3) Tổ chức tuyên truyền rộng khắp những cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt, sáng tạo trong xây dựng CPKT; phản biện, phản bác những việc chưa được, tiêu cực còn tồn tại trong đời sống xã hội. (4) Nội dung thông tin phản biện phải chính xác, trung thực, khách quan; kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi những thông tin sai lệch, nhiễu loạn trên mạng xã hội. (5) Bản thân mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cũng phải liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ, tránh tình trạng chỉ “nói người khác” còn mình thì lại không liêm chính, không kiến tạo./.

Chú thích:
1. Nguyễn Văn Dững (chủ biên). Báo chí giám sát, phản biện xã hội ở Việt Nam. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, tr.103.
2. Nguyễn Quang Vinh. Vai trò của báo in trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay. Luận án Tiến sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, H. 2017, tr. 40.
3. Thủ tướng đề nghị dừng hình sự hóa vụ quán Xin chào. tuoitre.vn, ngày 21/4/2016.
4. http://thutuong.chinhphu.vn, ngày 21/6/2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Tiến Dũng. Chính phủ kiến tạo chuyển mạnh từ quản lý sang phục vụ. Vnexpress.net, ngày 01/01/2017.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. H.Văn Phòng Trung ương Đảng, 2016.
4. Thủ tướng yêu cầu không sử dụng tên gọi “Trạm thu giá”. Vnexpress, ngày 02/6/2018.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – TS. Nguyễn Quang Vinh
 Học viện Hành chính Quốc gia