Phát huy tiềm năng trong phát triển đô thị du lịch biển của Phú Quốc

(QLNN) – Theo quy hoạch tổng thể tới năm 2030, Phú Quốc sẽ có 3 khu đô thị lớn, 15 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch phức hợp và 5 sân golf. Phú Quốc dự kiến sẽ trở thành đặc khu kinh tế vào năm 2020. Cùng với lợi thế về tài nguyên du lịch, thu hút các nhà đầu tư và nhận được những ưu đãi từ cơ chế đặc thù, Phú Quốc đang trở thành đô thị du lịch biển hấp dẫn nhất trong khu vực.

 

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Ngày 17/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II. Về mặt hành chính, huyện đảo Phú Quốc được chia thành hai thị trấn và 8 xã.

Về tiềm năng sinh thái, cảnh quan tự nhiên

Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất, có diện tích 567 km² (56.700 ha), dài 49 km. Địa hình thiên nhiên thoai thoải chạy từ Bắc xuống Nam với 99 ngọn núi đồi, riêng cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía Nam của đảo Phú Quốc bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60 m.

biet-thu-bien-Vinpearl Phú Quốc
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Nguồn: http://bietthubienphuquoc.com.vn)

Phú Quốc có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú với 40 đảo lớn nhỏ, 99 ngọn núi mang đến nét đẹp hoang sơ, bờ biển dài và đẹp, sự đa dạng của sinh thái rừng nhiệt đới, có bề dày về lịch sử văn hóa bản địa…1. Với tiềm năng đó, Phú Quốc đã phát triển mạnh một số loại hình du lịch như: du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch nghiên cứu, khám phá…

Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên Phú Quốc có nguồn tài nguyên vô giá là rừng nhiệt đới, trong đó có rất nhiều giống, loài đặc hữu. Đây là vốn quý nhất để phát triển du lịch sinh thái trên hòn đảo này. Bên cạnh rừng, những nguồn tài nguyên khác như: tài nguyên biển, tài nguyên đất, tài nguyên nước,… cũng có tiềm năng lớn để khai thác phát triển kinh tế.

Việc khai thác tiềm năng lợi thế so sánh về du lịch của Phú Quốc đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương, có xu hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Về kết cấu hạ tầng

Ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo đó, trong giai đoạn 2014 – 2015, tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, gồm: hệ thống giao thông đường bộ (đường trục chính Bắc – Nam và đường vòng quanh đảo); các đường nhánh quan trọng nối từ trục chính đến đường vòng quanh đảo hoặc đấu nối với các khu du lịch, khu đô thị – dân cư trọng điểm; nguồn và hệ thống cấp điện, nguồn và hệ thống cấp nước; sân bay, cảng biển, các công trình kết nối; các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù di dân tái định cư, đầu tư các dự án nhà ở tái định cư, các công trình phúc lợi công cộng; các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, y tế, giáo dục, môi trường đô thị…

Do vậy, hạ tầng kỹ thuật ở Phú Quốc ngày càng được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là dự án sân bay quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức đầu tư bằng 100% nguồn vốn doanh nghiệp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam2. Nhiều Tập đoàn như: Vin Group, Sun Group… cũng đầu tư xây dựng một loạt khu bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo Ban quản lý đầu tư và phát triển đảo Phú Quốc, tính đến cuối quý 3/2015 đã có hơn 200 dự án đăng ký với số vốn 168.000 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD), tập trung chủ yếu vào dự án resort, khách sạn, biệt thự phục vụ cho khách du lịch và nghỉ dưỡng3.

Sự phát triển của hạ tầng ở Phú Quốc đóng vai trò quan trọng đối với việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, ngày càng đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng của du khách, đồng thời khẳng định vị thế đô thị du lịch biển của Phú Quốc. Trong 3 năm trở lại đây, lượng du khách đến Phú Quốc tăng mạnh, doanh thu du lịch tăng trưởng 38% hằng năm, trong khi tổng lượng khách tăng 61% hằng năm4.

Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để xây dựng và phát triển, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch – dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mô hình kinh tế mở, hướng ngoại trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Trên cơ sở đó, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc cũng được tổ chức cho phù hợp với đặc thù của Phú Quốc theo mô hình chính quyền đô thị một cấp, tinh gọn, hiệu quả, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; hợp nhất các cơ quan giúp việc của Huyện uỷ với các cơ quan chuyên môn của UBND huyện thành các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc; chuyển đổi các xã, thị trấn hiện nay thành tiểu khu và không tổ chức HĐND ở cấp này. Các cơ quan chuyên môn theo ngành dọc như: quân sự, công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, kho bạc, thuế, bảo hiểm xã hội… được tổ chức phù hợp với mô hình mới.

biet-thu-bien-vinpearl-phu-quoc
Bãi Trường hay còn gọi là Bãi Dài, thuộc xã Dương Tơ, nằm về phía Tây Nam của đảo Phú Quốc (Nguồn: http://bietthubienphuquoc.com.vn)

Ước tính ngân sách nhà nước thu được từ đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc vào khoảng 3,3 tỷ USD (từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất); các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 – 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 20305.

Như vậy, với việc trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và mô hình đô thị một cấp, Phú Quốc có tiềm năng phát triển du lịch biển thành ngành kinh tế mũi nhọn, liên kết du lịch của Phú Quốc với các vùng trong và ngoài nước; gắn phát triển du lịch với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đặc thù.

Cùng với lợi thế về tài nguyên du lịch, thu hút các nhà đầu tư và nhận được một loạt những ưu đãi từ cơ chế đặc thù, Phú Quốc hiện đang trở thành đô thị du lịch biển hấp dẫn nhất trong khu vực. Hiện nay, Phú Quốc đã có một số tiềm năng phát triển đô thị du lịch biển trên góc độ tiềm năng sinh thái cảnh quan tự nhiên, hệ thống hạ tầng được đầu tư và nhiều cơ hội khi trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, để phát huy những tiềm năng đó, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng; áp dụng các biện pháp nhằm chủ động kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý. UBND tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc cần đưa ra nhiều chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng càng ngày phát triển hiện đại.

Thứ hai, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch, trong đó chú trọng đến đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, thông thạo ngoại ngữ và phong cách phục vụ chuyên nghiệp, cùng với đó, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đạt tầm đẳng cấp quốc tế để có thể phục vụ tốt cho đối tượng khách du lịch quốc tế đến nghỉ dưỡng tại các resort cao cấp ở Phú Quốc.

Thứ ba, đa dạng hóa, tạo điểm nhấn đặc sắc văn hóa cho các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ cũng cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Để làm được điều này, cần hỗ trợ cho các làng nghề thủ công truyền thống, các nghệ nhân, chủ hộ gia đình để họ nâng cấp sản phẩm và mẫu mã hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ du lịch tại Phú Quốc.

Cùng với tiềm năng phát triển du lịch, Nhà nước và UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, Phú Quốc ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung chỉ đạo huyện đảo Phú Quốc phát triển nhanh và đồng bộ, từng bước trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để tạo cực tăng trưởng và tác động phát triển lan tỏa đến các vùng khác.

Chú thích:
1. Phú Quốc – Đảo ngọc điểm đến thiên niên kỷ mới. http://phuquoc.gov.vn, ngày 27/02/2018.
2. Khai thác tiềm năng phát triển huyện đảo Phú Quốc. http://www. tapchicongsan.org.vn, ngày 09/11/2014.
3. Thanh Thịnh. Phú Quốc tiềm năng, nhưng cũng lo ngại. http://cafeland.vn, ngày 14/02/2016.
4. Lan Nhi. Phú Quốc dự kiến trở thành đặc khu kinh tế vào năm 2020. http://cafef.vn, ngày 12/01/2016.
5. Nguyễn Tuyền. Năm 2030, dân Phú Quốc, Vân Đồn sẽ có thu nhập lên đến 13.000 USD nhờ đặc khu. http://dantri.com.vn, ngày 27/02/2017.

ThS. Đỗ Thị Vui
 Học viện Hành chính Quốc gia