(QLNN) – Tổng cục Dự trữ nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về dự trữ nhà nước (DTNN); trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ được Chính phủ giao(1). DTNN là một trong những ngành có tính đặc thù. Chính vì vậy, công chức hoạt động trong ngành đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên ngành cao.
Phát triển đội ngũ công chức ngành Dự trữ nhà nước trong giai đoạn mới
Đội ngũ công chức của ngành DTNN được hình thành từ nhiều nguồn: bộ đội chuyển ngành sau giải phóng, cán bộ địa phương và công chức tuyển dụng mới. Cùng với sự phát triển của hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về DTNN, đội ngũ công chức trong ngành thích nghi dần với nền kinh tế thị trường và có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển của ngành DTNN Việt Nam.
Hiện nay, số lượng đội ngũ công chức trong toàn ngành là 2.519 người, được phân bổ tại các cấp từ trung ương tới cơ sở. Trong đó, cấp Tổng cục có 131 người (52 người có trình độ đào tạo sau đại học, đạt 39,7%); cấp Cục có 686 người (83 người có trình độ đào tạo sau đại học, đạt 12%) và cấp Chi cục gồm 1.702 người (63 người có trình độ đào tạo sau đại học, đạt 3,7)(2).
Về trình độ đào tạo và cơ cấu chuyên ngành của đội ngũ công chức toàn ngành hiện nay như sau:
Thứ nhất, về trình độ đào tạo: ở cấp Tổng cục, số công chức có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 39,7%, số cán bộ này chủ yếu giữ các vị trí lãnh đạo cấp Tổng cục, vụ, phòng và một số công chức chuyên môn. Hơn một nửa công chức của Tổng cục có trình độ đại học, chiếm tỷ lệ 52,6 %; trình độ cao đẳng và trung cấp là 7,8%(3). Ở cấp Cục, số lượng công chức có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 12%; trình độ đại học chiếm tỷ lệ 77,2%; trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm tỷ lệ còn lại(4). Ở cấp Chi cục, số lượng công chức có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ quá thấp, chỉ có 3,7%; trình độ đại học chiếm tỷ lệ 32,9%; còn lại công chức có trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm đa số(5).
Thứ hai, về chuyên ngành: ở cấp cục, trong tổng số 686 công chức có 119 người được đào tạo chuyên ngành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành (chiếm 17,2%); 278 người có trình độ chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế (chiếm tỷ lệ 40,6%); 234 người có chuyên ngành đào tạo về luật, về quản lý hành chính nhà nước (chiếm tỷ lệ 34,2%); 55 người làm công tác kỹ thuật bảo quản, lao động tiền lương… nhưng chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí công tác (chiếm tỷ lệ 8%)(6).
Ở cấp chi cục, trong tổng số 1.702 công chức có 880 người được đào tạo chuyên ngành liên quan đến một trong những nhiệm vụ đặc thù của ngành, như: kỹ thuật bảo quản, thủ kho bảo quản hàng hóa (chiếm 51,7%); có 320 người có trình độ chuyên ngành về lĩnh vực kinh tế (chiếm tỷ lệ 18,7%); 86 người có chuyên ngành đào tạo về luật, hành chính (chiếm tỷ lệ 5,1%); 416 người làm công tác thủ kho bảo quản hàng hóa, văn thư, thủ quỹ,… nhưng lại có chuyên môn không phù hợp với vị trí công tác (chiếm tỷ lệ 24,4%)(7).
Ngành DTNN Việt Nam đã chú trọng quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) đội ngũ công chức phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển đề ra. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ sở ĐTBD cử công chức tham gia các khóa ĐTBD chuyên sâu để nâng cao trình độ cho đội ngũ. Từ năm 2013 – 2017, đã có 3 công chức được cử đi làm nghiên cứu sinh; 150 công chức tham gia học cao học và hàng ngàn lượt công chức được bồi dưỡng ngắn hạn(8).
Đối với các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hoặc phổ biến, triển khai các chế độ, chính sách mới, ngành DTNN đưa ra yêu cầu về nội dung và mời chuyên gia thuộc các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính…) trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn về nghiệp vụ, về phổ biến pháp luật, như: hành chính, tài chính, đấu thầu, công tác tổ chức cán bộ, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Cán bộ, công chức, Quy chế Văn hóa công sở, Quy chế Dân chủ cơ sở… được tổ chức thường xuyên và mang lại kết quả tích cực cho đội ngũ công chức toàn ngành.
Mục tiêu của công tác ĐTBD là tạo bước chuyển căn bản, thực chất trong việc trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức; góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp có đủ năng lực xây dựng nền tài chính tiên tiến, hiện đại. Từ đó cải thiện hiệu quả làm việc tại vị trí công việc hiện tại, đồng thời, có thể đảm nhiệm vị trí công việc mới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hiện đại hóa bộ máy công chức của ngành.
Một số hạn chế và nguyên nhân trong đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Dự trữ nhà nước
Mặc dù ngành DTNN luôn quan tâm đến công tác ĐTBD để phát triển đội ngũ công chức trong giai đoạn mới nhưng thời gian qua, công tác này mới chỉ đáp ứng được một số nội dung. Còn nhiều bất cập, mất cân đối giữa các lĩnh vực như: việc xây dựng chương trình và tuyển sinh ĐTBD chưa kịp thời, dẫn đến thiếu hụt nguồn công chức có chất lượng cao ở các cấp của ngành; một số quy định về ĐTBD cán bộ, công chức trong các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; chương trình, tài liệu ĐTBD chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ ngành DTNN; cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trung tâm còn nghèo nàn.
Đội ngũ công chức ngành DTNN chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, sự mất cân đối về số lượng các chuyên ngành ĐTBD làm ảnh hưởng đến chất lượng thực thi nhiệm vụ của công chức trong lĩnh vực DTNN. Hiện nay, chuyên ngành ĐTBD vẫn tập trung nhiều ở lĩnh vực kinh tế, trong khi đó, công chức ở các vị trí như kỹ thuật bảo quản, xây dựng, tin học còn hẫng hụt.
Đối với các chuyên ngành cơ bản đòi hỏi công chức có trình độ cao, như: kỹ sư bảo quản sau thu hoạch, kỹ sư xây dựng, kỹ sư tin học… nhưng thực tế, công tác ĐTBD vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là ở cấp Cục và Chi cục. Số công chức có chuyên ngành về bảo quản sau thu hoạch ở cấp Cục và Chi cục vừa thiếu, vừa có trình độ thấp, lại chưa được quan tâm đúng mức việc ĐTBD. Số công chức có chuyên môn trái ngành chiếm tỷ lệ khá cao ở cả cấp Cục và Chi cục nhưng chưa kịp thời đào tạo để chuyển sang nghề mới.
Những hạn chế trên là do một số nguyên nhân cơ bản như: sự nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác ĐTBD; thiếu kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực để tham mưu và tổ chức ĐTBD khoa học, hợp lý; công chức tham gia các khóa ĐTBD còn thụ động; năng lực tham mưu của đội ngũ cán bộ quản lý ĐTBD còn hạn chế; cơ chế quản lý thiếu nhất quán; hoạt động tổ chức ĐTBD vẫn còn mang nặng tính bao cấp, chưa chuyển biến kịp với cơ chế mới; cơ chế, chính sách về cử cán bộ, công chức đi ĐTBD chưa phù hợp với tình hình thực tế…
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, sử dụng chưa hợp lý sau khi công chức được cử đi ĐTBD làm giảm động lực học tập, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công tác này. Mặt khác, công tác ĐTBD đội ngũ công chức của ngành DTNN vẫn còn hạn chế về tầm nhìn, tầm chiến lược, dẫn đến những lúng túng trong công tác quy hoạch, công tác đào tạo lại. Ngành DTNN chưa xây dựng được chương trình đào tạo đội ngũ công chức một cách khoa học trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của ngành. Hiện nay, vẫn còn tình trạng phụ thuộc vào chương trình đào tạo của các ngành, các học viện, trường đại học có liên quan.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Dự trữ nhà nước hiện nay
Một là, chương trình ĐTBD cần được nghiên cứu soạn thảo khoa học trên cơ sở mục tiêu ĐTBD, cập nhật thông tin và những kiến thức mới, tiên tiến, hiện đại, phù hợp với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ. Nội dung chương trình ĐTBD phải phù hợp với yêu cầu của chức danh, vị trí công tác và trình độ công chức. Ngoài phần chung, cần có cấu trúc chương trình cụ thể và thiết thực cho từng loại hình công chức quản lý từng cấp ở tổng cục, cục và chi cục theo từng lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Chương trình ĐTBD cần chú trọng trang bị kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học… theo yêu cầu công vụ của từng đối tượng công chức.
Hai là, đa dạng hóa các hình thức ĐTBD phù hợp với mục tiêu đào tạo, như đào tạo tập trung, tại chức, từ xa,… nhằm tận dụng tối đa khả năng đào tạo và nhu cầu học tập của công chức. Đồng thời, việc ĐTBD phải được phân loại cụ thể (theo hệ học, thời gian, ngành nghề… làm căn cứ bố trí, sử dụng công chức cho phù hợp sau khi tốt nghiệp hoặc kết thúc chương trình bồi dưỡng). Khuyến khích phương thức tự rèn luyện và tự học trên cơ sở có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Tăng cường phối hợp, liên kết với các trung tâm đào tạo, viện, trường đại học. Kết hợp giữa đào tạo chính quy tập trung với đào tạo tại chức, giữa ngắn hạn với dài hạn, giữa trong nước và ngoài nước, giữa đào tạo ở trường lớp với đào tạo qua thực tiễn…
Thứ ba, xây dựng kế hoạch ĐTBD cho toàn ngành theo kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong kế hoạch có sự đầu tư đặc biệt đối với công chức trong diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý của ngành. Bên cạnh đó, có kế hoạch đào tạo lại đối với đội ngũ công chức đang đảm nhiệm các vị trí công việc song chuyên môn chưa phù hợp để hoàn thiện và nâng cao trình độ của đội ngũ này. Đồng thời, nâng cao năng lực của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ DTNN thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học thuận lợi, hiệu quả.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng ĐTBD, trong đó nâng cao trách nhiệm và sự lãnh đạo quản lý của người đứng đầu cơ quan về việc đánh giá chất lượng ĐTBD. Thông qua khảo sát, phỏng vấn người học để xác định hoạt động ĐTBD hiệu quả đến đâu, chương trình có hấp dẫn không, có cảm thấy kết quả xứng đáng với thời gian học không… Đồng thời đánh giá trên thực tiễn kết quả công việc của công chức.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ hệ thống các chính sách ĐTBD. Chính sách đào tạo phải tương xứng để khuyến khích công chức hăng hái tham gia vào quá trình ĐTBD, như: hỗ trợ tiền học phí, tiền đi khảo sát thực tế, tham quan học tập một lần trong cả khóa học; hỗ trợ tiền đi lại trong quá trình học tập… Bên cạnh đó, trong quá trình công chức tham gia ĐTBD, nếu kết quả học tập tốt thì được đánh giá công chức đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ĐTBD. Lựa chọn công chức tham gia có thể là những người đang đảm nhận chức vụ nhất định, những công chức trẻ, có phẩm chất và năng lực được ĐTBD để kế thừa, đảm nhận các cương vị công tác trong tương lai. Đồng thời, lựa chọn đối tác phù hợp để hợp tác quốc tế trong đào tạo. Khi lựa chọn nên chú ý đến các quốc gia phát triển, có nền hành chính lâu đời, những nước có công nghệ bảo quản hàng hóa dự trữ hiện đại, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm và phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po, Thái Lan…
Giải quyết được những hạn chế, tồn tại; thực hiện quyết liệt, đồng bộ và vận dụng linh hoạt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần phát triển đội ngũ ngành DTNN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình tình mới./.
Chú thích:
1. Tổng cục Dự trữ nhà nước. Bách khoa toàn thư. https://vi.wikipedia.org, ngày 18/10/2018.
2, 3, 4, 5. Vụ Tổ chức cán bộ – Tổng cục Dự trữ nhà nước. Báo cáo số lượng, chất lượng trình độ đào tạo của đội ngũ công chức ngành Dự trữ nhà nước năm 2017.
6, 7. Vụ Tổ chức cán bộ – Tổng cục Dự trữ nhà nước. Báo cáo cơ cấu chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ công chức ngành Dự trữ nhà nước năm 2017.
8. Vụ Tổ chức cán bộ – Tổng cục Dự trữ nhà nước. Báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành Dự trữ nhà nước đến năm 2017.
ThS. Hoàng Anh Tuấn
Cục Dự trữ nhà nước khu vực Bình Trị Thiên