Nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện hiện nay

(QLNN) – Đối tượng bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp huyện là những người đang giữ chức vụ hoặc được quy hoạch vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện nhằm chuẩn hóa năng lực lãnh đạo quản lý.

 

Thực trạng hoạt động bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện hiện nay

Về khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động bồi dưỡng

Hoạt động bồi dưỡng (HĐBD) lãnh đạo, quản lý (LĐQL) cấp huyện hiện nay thực hiện dựa trên quy định tại các văn bản pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC) nói chung, như: Luật CBCC năm 2008; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức; Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/ 2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức…

Hệ thống văn bản pháp luật này tạo hành lang pháp lý và định hướng cho HĐBD, trong đó: quy định mục tiêu, nguyên tắc, chế độ bồi dưỡng, nội dung chương trình bồi dưỡng (CTBD), phân công, phân cấp trong tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá chất lượng bồi dưỡng, quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia bồi dưỡng, nguồn kinh phí dành cho HĐBD CBCC nói chung…

Tuy các văn bản pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng khá đầy đủ nhưng chưa thực sự đồng bộ và chưa có quy định cụ thể cho cấp huyện dẫn đến một số bất cập trong quá trình triển khai HĐBD. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả triển khai HĐBD CBCC nói chung, bồi dưỡng cán bộ LĐQL cấp huyện nói riêng.

Về đối tượng bồi dưỡng

Đối tượng bồi dưỡng LĐQL cấp huyện là những người đang giữ chức vụ hoặc được quy hoạch vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện nhằm chuẩn hóa năng lực LĐQL. Tính đến năm 2016, cả nước có 713 chủ tịch và 1.834 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2011- 2016(1). Sau hơn hai năm triển khai bồi dưỡng LĐQL cấp huyện (2016 – 2018), đơn vị tổ chức bồi dưỡng đã mở được 14 khóa học với 531 học viên tham gia(2). Đây là con số đáng ghi nhận với một CTBD mới. Tuy vậy, con số này cũng phản ánh khả năng tiếp cận  của CTBD còn ở mức độ khiêm tốn. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như: cơ chế, chính sách về đãi ngộ dành cho người đi học, việc sử dụng kết quả bồi dưỡng trong đánh giá, quy hoạch… còn bất cập nên chưa khuyến khích được đội ngũ LĐQL chủ động tham gia; phương thức tiếp cận cho các khóa bồi dưỡng LĐQL cấp huyện còn hạn chế nên chưa thu hút được sự quan tâm của các đối tượng cần được bồi dưỡng.

Về chương trình bồi dưỡng

CTBD LĐQL cấp huyện được xây dựng dựa trên cơ sở những yêu cầu về năng lực của chức danh LĐQL cấp huyện nhằm bảo đảm chuẩn chức danh theo quy định. CTBD được xây dựng thành 8 chuyên đề ứng với các yêu cầu về năng lực chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc của chức danh LĐQL cấp huyện. Chương trình đã giảm thời lượng các chuyên đề lý thuyết, tăng thời lượng các chuyên đề kỹ năng, thực hành. Bên cạnh việc cung cấp những kiến thức chuyên môn phổ thông thì chương trình còn cung cấp kỹ năng chuyên sâu cần có của một LĐQL cấp huyện như: kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định; kỹ năng chủ trì, điều hành cuộc họp; kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp; kỹ năng kiểm tra, đánh giá; kỹ năng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kỹ năng thuyết trình và trả lời chất vấn…

Tuy nhiên, nội dung của các chuyên đề kỹ năng phần lớn mới dừng lại ở việc nêu vấn đề, mô tả kỹ năng mà chưa gắn với các tình huống cụ thể, điển hình trong thực tiễn. Một số tình huống đưa ra chưa phản ánh được tính chất phức tạp và đa dạng trong thực tế quản lý. Nguyên nhân là do những nhà khoa học tham gia biên soạn chương trình mặc dù có kiến thức chuyên môn sâu nhưng kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý còn có những hạn chế nhất định. Nguồn học viên và chất lượng của CBCC tham gia các khóa bồi dưỡng không đồng đều, nhiệm vụ quản lý đơn vị hành chính theo khu vực nông thôn và thành thị có những đặc thù riêng cũng là một thách thức đặt ra đối với các nhà khoa học và giảng viên trong việc xây dựng nội dung CTBD phù hợp.

Về hệ thống cơ sở đào tạo và đội ngũ giảng viên

Hiện tại, HĐBD LĐQL cấp huyện do Bộ Nội vụ chủ trì, Học viện Hành chính Quốc gia là cơ sở triển khai tuyển sinh và tổ chức bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên của Học viện Hành chính Quốc gia tham gia vào các khóa bồi dưỡng LĐQL cấp huyện là những giảng viên được lựa chọn kỹ, có kiến thức chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hệ thống cơ sở vật chất của Học viện đã xuống cấp, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong HĐBD chưa được triển khai phù hợp; việc sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, có kinh nghiệm thực tiễn ở các lĩnh vực quản lý cũng chưa thực sự được chú trọng và quan tâm đúng mức. Đây là những nguyên nhân làm giảm hiệu quả HĐBD, trong đó có bồi dưỡng LĐQL cấp huyện.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện

Bồi dưỡng theo chức danh LĐQL là một nhu cầu của xã hội, đồng thời cũng là thách thức đối với quá trình tổ chức thực hiện. Để nâng cao chất lượng các khóa bồi dưỡng cấp huyện, cần triển khai một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống quy định để bảo đảm sự phù hợp cho việc triển khai HĐBD LĐQL cấp huyện. Các văn bản cần cụ thể hóa một số nội dung như: chế độ, chính sách, quyền và trách nhiệm của các bên tham gia vào hoạt động… Đồng thời, hoàn thiện khung năng lực mô tả kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của LĐQL cấp huyện. Việc xây dựng khung năng lực sẽ là công cụ, là cơ sở cho việc đo lường và đánh giá cụ thể, chính xác mức độ hoàn thành công việc của chức danh LĐQL cấp huyện. Khung năng lực cho LĐQL cấp huyện cũng giúp các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách có căn cứ để đưa ra chính sách, kế hoạch, xây dựng CTBD phù hợp với chức danh và nhiệm vụ của LĐQL cấp huyện trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Hai là, xây dựng đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý để tham gia giảng dạy. Bởi bồi dưỡng là một hoạt động truyền thụ không chỉ thiên về cập nhật kiến thức chuyên môn mà còn giúp người học ứng dụng các kỹ năng cụ thể để giải quyết nhiệm vụ trong thực tiễn. Hơn nữa, đối tượng học ở đây là những người đã trải qua nhiều vị trí công tác trước khi được bổ nhiệm vào chức danh LĐQL. Do đó, cần xây dựng đội ngũ giảng viên từ các nguồn như: CBCC, viên chức, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đang làm việc ở các cơ quan nhà nước của Việt Nam; thu hút giảng viên, chuyên gia nước ngoài… có trình độ, kinh nghiệm và uy tín tham gia vào quá trình bồi dưỡng. Bên cạnh đó, có chế độ, chính sách phù hợp để không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung CTBD LĐQL cấp huyện. Có thể mời các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế tham gia vào quá trình xây dựng CTBD. Bên cạnh đó, có kế hoạch định kỳ đánh giá CTBD, lấy ý kiến phản hồi từ người học để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung của chương trình và phương pháp dạy – học. Việc thu thập phiếu nhận xét, phản hồi từ các bên có liên quan đến HĐBD là một trong những kênh thông tin có giá trị tham khảo. Mức độ hài lòng của người học đối với CTBD là căn cứ quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả của HĐBD LĐQL cấp huyện.

Bốn là, nâng cao nhận thức của người học về HĐBD trong quá trình phát triển năng lực cá nhân. Có cơ chế, chính sách về vấn đề đãi ngộ, đánh giá, quy hoạch cán bộ… để khuyến khích đội ngũ LĐQL tích cực, chủ động tham gia các khóa bồi dưỡng. Đồng thời, bảo đảm mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhất cho việc dạy và học nhằm nâng cao hiệu quả HĐBDr

Chú thích:
1. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011 – 2016, ngày 02/02/2016.
2. Số liệu do Ban Đào tạo, bồi dưỡng – Học viện Hành chính Quốc gia (đơn vị chủ trì tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện) cung cấp.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Hành chính Quốc gia. Tài liệu bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện. Lưu hành nội bộ, năm 2016.
2. Lê Chi Mai. Đề tài nghiên cứu khoa học “Lý thuyết về khung năng lực và vận dụng vào xây dựng năng lực thực thi công vụ ở Việt Nam”. Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2014.

ThS. Đỗ Thuận An
 Học viện Hành chính Quốc gia