Ứng dụng khoa học – công nghệ trong công tác đầu tư xây dựng tại Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội

(QLNN) – Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (tiền thân là Nhà máy đèn Bờ Hồ, xây dựng từ năm 1892) được thành lập theo Quyết định số 738/QĐ-BCT ngày 05/02/2010 của Bộ Công thương. Là một trong năm tổng công ty (TCT) phân phối điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TCT có nhiệm vụ quản lý, vận hành, kinh doanh và đầu tư phát triển lưới điện từ cấp điện áp 220 kV trở xuống trên địa bàn thành phố.

Xác định mục tiêu “Luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện của mọi khách hàng với chất lượng ngày càng cao và dịch vụ ngày càng hoàn hảo”, TCT Điện lực thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải cách hành chính trong mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh nhằm nâng cao độ tin cậy của lưới điện, bảo đảm vận hành cung ứng điện liên tục, an toàn, ổn định, phục vụ các hoạt động chính trị – xã hội, an ninh – quốc phòng, phát triển kinh tế và đời sống nhân dân trên địa bàn toàn thành phố.

TCT Điện lực thành phố Hà Nội là đơn vị bán điện trực tiếp cho khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội và chiếm trên 90% số lượng khách hàng trên địa bàn. Số lượng khách hàng năm 2018 là hơn 2,45 triệu khách (1).

Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội trên địa bàn Thủ đô, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng lên hằng năm, TCT đã đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng (ĐTXD), cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện 110 kV và trung hạ thế.

Năm 2018, TCT đã hoàn thành vượt mức kế hoạch ĐTXD với khối lượng đầu tư lớn, tăng 102% so với năm 2017. Đã khởi công 10 công trình lưới điện 220 kV, 110 kV. Hoàn thành đưa vào vận hành xấp xỉ 300 công trình lưới điện trung hạ thế với khối lượng đưa vào vận hành là 549 máy biến áp trên tổng công suất 304 MVA và 795 km dây dẫn trung thế, 965 km dây dẫn hạ thế (2).

Để nâng cao chất lượng và tiến độ thực tế công tác ĐTXD, TCT đã thực hiện nhiều giải pháp, như: hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, quản lý tiến độ, quản lý chất lượng dự án, quản lý công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện công tác ĐTXD, quản lý sử dụng hiệu quả vốn đầu tư và ứng dụng khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý ĐTXD.

Hiện tại, TCT sử dụng hai hệ thống phần mềm: hệ thống quản lý ĐTXD do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, áp dụng cho toàn bộ các đơn vị thành viên và phần mềm nhật ký quản lý dự án do TCT xây dựng.

Quá trình thực hiện cụ thể của hai hệ thống phần mềm này như sau:

Thứ nhất, triển khai áp dụng hệ thống quản lý ĐTXD.

Theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: hệ thống phần mềm được áp dụng thống nhất cho tất cả các đơn vị trong toàn TCT nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành, thông qua việc ứng dụng CNTT, đồng thời, nâng cao năng lực quản lý dự án và chất lượng dự án ĐTXD. Phần mềm này cung cấp các chức năng, công cụ quản lý, theo dõi, xử lý các công việc trong dự án một cách tổng thể từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư. Trong giai đoạn thi công, phần mềm cung cấp các công cụ giám sát thi công theo từng loại công trình (công trình trạm, công trình đường dây), công cụ tổng hợp thông tin các nhà thầu, công cụ lưu trữ tài liệu thiết kế, biên bản nghiệm thu, nhật ký giám sát nhằm nâng cao công tác giám sát, quản lý chất lượng.

Thứ hai, xây dựng và triển khai áp dụng phần mềm nhật ký quản lý dự án.

Sau một thời gian áp dụng hệ thống quản lý ĐTXD, TCT nhận thấy dữ liệu trong hệ thống quản lý ĐTXD chưa được tận dụng để phục vụ báo cáo cấp lãnh đạo trên thiết bị di động do yêu cầu bảo mật của hệ thống dùng chung trong Tập đoàn. Thêm nữa, hệ thống quản lý ĐTXD không cung cấp thông tin online về quá trình thi công của dự án, các báo cáo về quá trình thi công vẫn phải báo cáo qua các kênh như gửi email hoặc Zalo, Viber mất nhiều thời gian và không thống nhất.

Từ thực trạng trên, TCT đã xây dựng phần mềm nhật ký quản lý dự án gồm các chức năng sau:

Một là, truy xuất đến cơ sở dữ liệu hệ thống quản lý ĐTXD hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin dự án ĐTXD.

Hai là, theo dõi tiến độ dự án theo 2 giai đoạn chính là chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư, đặc biệt, tập trung vào quá trình thực hiện các công việc và các thông tin không có trên Hệ thống Quản lý ĐTXD.

Ba là, tạo lập và theo dõi, quản lý nhật ký giám sát điện tử: các đơn vị tư vấn giám sát tiến hành cập nhật hằng ngày quá trình thi công, báo cáo tổng hợp khối lượng theo tuần. Tất cả thông tin về quá trình thi công được báo cáo đến lãnh đạo qua ứng dụng trên điện thoại.

Việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào việc quản lý ĐTXD đã mang lại hiệu quả, như: thống nhất cơ sở dữ liệu về ĐTXD; giảm thời gian cho công tác báo cáo do có thể chiết xuất được báo cáo từ phần mềm; giảm thời gian phối hợp công việc giữa các bộ phận trong quá trình thực hiện dự án từ phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, mua sắm, thanh quyết toán. Đặc biệt, công tác quản lý chất lượng bằng hình ảnh giám sát thi công được thể hiện rõ ràng, khách quan, giúp lãnh đạo chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, hợp lý.

Với những kết quả nêu trên, bước sang năm  2019, TCT tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng dụng CNTT đã triển khai, nghiên cứu áp dụng thử nghiệm mô hình thông tin công trình (BIM – Building Information Modeling), ứng dụng thiết kế 3D trong hoạt động ĐTXD.

Với đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn cao, luôn sẵn sàng tiếp cận khoa học – công nghệ, TCT Điện lực TP. Hà Nội tin tưởng sẽ đạt được những kết quả tốt trong ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng công tác ĐTXD, góp phần để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác sản xuất – kinh doanh, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác sản xuất – kinh doanh năm 2018 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019 – EVN Hà Nội.

Nguyễn Danh Duyên
Tổng Công ty Điện TP. Hà Nội