Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước – Góc nhìn từ một số quốc gia trên thế giới

(QLNN) – Việt Nam đứng thứ 3 về tỷ lệ phụ nữ tham chính cấp quốc gia. Đó là kết quả của những nỗ lực, cố gắng của bản thân các nữ cán bộ nói riêng và cả hệ thống chính trị ở nước ta thời gian qua nói chung. Song, để phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng nhiều, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các giải pháp, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm của thế giới.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: https://www.msn.com).
Những yếu tố ảnh hưởng đến việc phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước ở một số quốc gia trên thế giới

Theo thống kê của tổ chức Liên minh nghị viện thế giới (năm 2014), tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí bộ trưởng và tương đương ở 189 quốc gia là 17,2% (so với 16,1% năm 2008 và 26% năm 2012). Đứng đầu bảng xếp hạng về tỷ lệ này năm 2014 là Ni-ca-ra-goa, với 8 trong số 14 vị trí bộ trưởng là nữ (57,1%), tiếp theo là Thụy Điển 56,5% và Phần Lan 50%.

Ở các nước Bắc Âu, châu Mỹ và châu Phi, bộ trưởng là nữ cũng chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, châu Mỹ là khu vực có số phụ nữ đứng đầu nhà nước lớn nhất (với 6 quốc gia). Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội các nước Bắc Âu đứng đầu thế giới với 42,1% khiến khu vực này luôn chiếm thứ hạng cao về chỉ số quyền lực của phụ nữ và bình đẳng giới. Trên toàn cầu chỉ có 29 quốc gia có tỷ lệ nữ trong Quốc hội trên 30%, có 24 quốc gia nằm trong nhóm gần đạt đến tỷ lệ 30% (từ 25 – 29%) như: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Cuba có tỷ lệ phụ nữ tham chính từ 25 – 45%; Trung Quốc có tỷ lệ phụ nữ tham chính ở cấp địa phương rất cao tới 43%1.

Đến giai đoạn 2016 – 2017, tỷ lệ phụ nữ tham chính càng ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu về các nước An-ba-ni, Cờ-roát-chi-a, Pháp, Haiti và Bồ Đào Nha cho thấy sự thay đổi rất lớn. Trong đó, An-ba-ni có số lượng phụ nữ được đề cử và được bầu tăng lên hằng năm, đạt 40% được đề cử và 28% được bầu (con số này tăng từ 7% năm 2007 lên 28% năm 2017)2. Pê-ru trong 20 năm qua, số phụ nữ vào Quốc hội đã tăng 16% (từ 12% năm 1997 lên 28% vào năm 20173.

Ở Nam-mi-bi-a, Quốc hội mới có 41,3% nữ nghị sĩ – tăng gấp đôi về số lượng (so với năm 2004). Ở các nước châu Phi, số lượng nữ giới trong Quốc hội cũng rất cao: Sây-che-lét là 43,8%, Sê-nê-gan là 42,7%, Nam Phi là 41,5% và nước Cộng hòa Ru-an-đa là đất nước có cơ quan lập pháp thân thiện với nữ giới nhất với tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội chiếm tới 63,8%4.

Kết quả trên chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: cam kết chính trị, thể chế phù hợp của chính phủ; phong trào phụ nữ và phong trào nhân quyền, truyền thông; văn hóa và tôn giáo… ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực.

Thứ nhất, cam kết chính trị và thể chế phù hợp.

Đây là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ của phụ nữ, giúp họ có nhiều cơ hội tham gia lãnh đạo và quản lý nhà nước. Một số quốc gia quy định rõ trong Hiến pháp và luật bầu cử về tỷ lệ phụ nữ trong các danh sách bầu cử vào nghị viện và các vị trí lãnh đạo. Pháp và An-ba-ni là hai quốc gia điển hình về việc tăng cường quyền lực chính trị thực tế cho phụ nữ.

Pháp cũng là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng tỷ lệ bắt buộc có 50% nữ ứng viên của các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử. Hiến pháp của Pháp cũng quy định trách nhiệm của các đảng chính trị trong việc thúc đẩy thực hiện nguyên tắc này.

Ngoài Pháp, An-ba-ni, còn nhiều quốc gia khác có những cam kết chính trị và sự thay đổi thể chế nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phụ nữ tham gia chính trị, như: ở Mê-xi-cô, việc sửa đổi Hiến pháp năm 2014 đòi hỏi sự tương đương về giới trong việc đề cử các ứng cử viên bầu cử cho các cuộc bầu cử Quốc hội và địa phương.

Từ năm 2016, Pê-ru đã bắt đầu một quá trình cải cách chính trị, tạo ra không gian đối thoại giữa các nhân tố chính trị quan trọng và khung pháp lý, theo đó, danh sách bầu cử phải có ít nhất 30% ứng cử viên nữ đã trở thành trần tối đa thay vì ngưỡng tối thiểu để thúc đẩy tỷ lệ lãnh đạo nữ tăng.

Đến giữa năm 2017, cuộc tranh luận về việc cải thiện sự tham gia chính trị của phụ nữ đã được đưa đến Ủy ban Hiến pháp và sau đó là Quốc hội Pê-ru để bàn bạc kỹ hơn5. Ấn Độ cũng có quy định phụ nữ phải được nắm giữ 33% số ghế tại các hội đồng địa phương. Bô-li-vi-a quy định trong Luật Bầu cử ít nhất 50% ứng viên của mỗi khu vực bầu cử phải là phụ nữ. Đặc biệt, ở một số nước Mỹ Latinh quy định tỷ lệ bắt buộc là từ 20 – 40% nữ ứng viên của các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử.

Thứ hai, phong trào phụ nữ và phong trào nhân quyền, truyền thông.

Cho đến cuối thế kỷ XVIII, ở nhiều nước tư bản châu Âu và Bắc Mỹ, sự áp bức, bóc lột giai cấp ngày càng tăng, trong đó phụ nữ là giới chịu thiệt thòi nhất, bị đối xử thấp hèn trong xã hội và cả trong luật pháp. Ở nhiều quốc gia, sự phân biệt đối xử với phụ nữ được ghi trong luật, từ luật hình sự đến luật hôn nhân, thừa kế và tiếp cận tài sản. Ngay cả ở những nước mà phụ nữ đã đạt được bình đẳng trong pháp luật, sự phân biệt đối xử vẫn tiếp tục trong thực tế.

Đứng trước sự bất bình đẳng đó, phong trào phụ nữ đòi các quyền về tài sản, quyền về ký kết hợp đồng, quyền bỏ phiếu và các cơ hội khác bình đẳng như nam giới được trải rộng. Nghị viện Anh đã thông qua một đạo luật vào năm 1918 (the Representation of the People Act 1918) cho phép phụ nữ trên 30 tuổi có nhà riêng được quyền bỏ phiếu và 10 năm sau (năm 1928), quyền này được áp dụng cho mọi phụ nữ ở độ tuổi từ 21 trở lên.

Còn ở Hoa Kỳ, kết quả của phong trào đã dẫn đến sự sửa đổi lần thứ 19 Hiến pháp năm 1787 và từ năm 1848 – 1920 ghi nhận việc thực hiện quyền bầu cử của phụ nữ ở tất cả các bang. Tiếp đó, giai đoạn hai diễn ra từ những năm 60 cho tới những năm 80 của thế kỷ XX, phong trào nữ quyền lan tỏa ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác với các mục tiêu được mở rộng và phát triển hơn nữa, bao gồm các quyền bình đẳng về dân sự (trong đó có các yêu cầu về quyền bình đẳng cho phụ nữ da màu và quyền tham gia tuần hành chống chiến tranh xâm lược Việt Nam), quyền sinh sản (trong đó có các đòi hỏi về quyền tránh thai và quyền phá thai) cùng quyền được tuyển dụng ngang hàng, bình đẳng của phụ nữ trước nam giới.

Sự phát triển của phong trào nữ quyền ở giai đoạn thứ ba tính từ những năm 90 thế kỷ XX cho đến nay đã trở nên ngày càng lan tỏa hơn cùng với sự mở rộng và phát triển thêm nhiều quyền khác.

Đặc biệt, trong xã hội hiện đại ngày nay, các quyền khác ảnh hưởng đến phụ nữ bao gồm quyền tự do di chuyển, quyền kết hôn, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lựa chọn việc làm, giáo dục và tham gia vào quá trình chính trị càng được quan tâm. Những phong trào đó chính là yếu tố tích cực khiến tỷ lệ tham gia lãnh đạo, quản lý (LĐQL) nhà nước của phụ nữ trên thế giới càng ngày càng tăng.

Thứ ba, các yếu tố văn hóa và tôn giáo.

Những năm gần đây, đã có một số cải cách trong quan niệm và lối sống của phụ nữ ở các quốc gia phương Đông theo quan niệm Nho giáo và đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo. Phụ nữ đạo Hồi tuy phải chịu các quy định khắc nghiệt, bất bình đẳng giới nặng nề, nhưng số lượng thủ tướng là nữ ở các quốc gia đạo Hồi lại nhiều hơn ở các quốc gia khác. Các quốc gia đạo Hồi từng có nữ là thủ tướng có thể kể đến là: Thổ Nhĩ Kỳ, Pa-kít-xtan, Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a…

Hay phụ nữ ở các nước phương Đông, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đang tách dần những chuẩn mực công, dung, ngôn, hạnh để thích ứng với sự thay đổi của quan niệm về người phụ nữ hiện đại: có trình độ học vấn và kiến thức cao, năng động, sáng tạo, cách suy nghĩ và giải quyết công việc linh hoạt, biết vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để có thể làm giàu kiến thức của mình, có sức khỏe dẻo dai, có lối sống văn hóa, hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra cả hai lĩnh vực sự nghiệp và gia đình… Điều đó lý giải vì sao số lượng nữ LĐQL ở các quốc gia này tăng lên nhiều trong thời gian gần đây.

Những giá trị tham khảo cho Việt Nam

Ở Việt Nam, theo thống kê, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã tăng hơn 20% từ khóa I (2,5%) đến khóa XII (25,7%), trong đó 6/12 khóa có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 25% trở lên.

Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 – 2011 ở ba cấp đều dưới 30%, cụ thể cấp tỉnh đạt 23,88%, cấp huyện 22,94% và cấp xã đạt 20,1%. Nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt tỷ lệ như sau: cấp tỉnh đạt 11,3%, cấp huyện đạt 15,15%, cấp xã 17,98%.

Tỷ lệ nữ ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đạt 8,57%, tỷ lệ nữ ủy viên dự khuyết đạt 12%. Đến giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (tháng 6/2018), tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 27,6%, cao nhất trong 2 nhiệm kỳ gần đây, trong đó có 88 nữ đại biểu trúng cử lần đầu, có 41 nữ đại biểu dưới 40 tuổi, 41 nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên minh các nghị viện thế giới, tại thời điểm cuối năm 2011, tỷ lệ phụ nữ tham gia LĐQL ở nước ta so với các quốc gia trên thế giới vẫn còn thấp và là một trong 21 quốc gia có sự sụt giảm rõ rệt về tỷ lệ phụ nữ tham chính (tỷ lệ phụ nữ LĐQL tại Việt Nam đứng thứ 43 trên thế giới, giảm so với thứ 36 vào năm 2010 và 2009, thứ 33 năm 2008, thứ 31 năm 2007, thứ 25 năm 2006 và thứ 23 năm 2005).

Đến tháng 6/2018, trong số 7 quốc gia (Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Lào, Cộng hòa dân chủ Ả rập Xarauy, Tuốc-mê-nit-xtan và Việt Nam), Việt Nam đứng thứ 3 về tỷ lệ phụ nữ tham chính cấp quốc gia (24,4%)6.

Đó là kết quả của những nỗ lực, cố gắng của bản thân các nữ cán bộ nói riêng và cả hệ thống chính trị ở nước ta thời gian qua nói chung. Song, để phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ phụ nữ tham gia LĐQL ngày càng nhiều, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra các giải pháp, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm của thế giới để phát huy những yếu tố ảnh hưởng tích cực, hạn chế những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia nói trên như sau:

Một là, so sánh với kinh nghiệm của một số nước có tỷ lệ cao phụ nữ giữ chức vụ LĐQL, cho thấy các công cụ về thể chế, chính sách ở Việt Nam chưa đủ cụ thể và mạnh mẽ trong thể hiện cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước thúc đẩy quyền tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ.

Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm hơn đến việc giải phóng phụ nữ, coi đó là một nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, cần đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ có tính chiến lược trong toàn bộ công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước; cần có những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí LĐQL.

Hai là, phụ nữ phải được xã hội và đặc biệt là nam giới tôn trọng, ủng hộ thì vai trò của họ trong xã hội mới được phát huy. Do đó, việc thực hiện bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong chính trị nói riêng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Đặc biệt, thực hiện bình đẳng giới ngay từ trong gia đình. Sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của cả vợ và chồng sẽ giúp cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững, tạo điều kiện tốt hơn cho người phụ nữ tham gia các công việc xã hội, LĐQL. Tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ba là, cần nhận thức rõ những biểu hiện của sự bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý nhà nước là những rào cản do các chuẩn mực văn hóa, thói quen còn mang định kiến giới. Để xóa bỏ một tâm lý, tư tưởng đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều thế hệ người Việt Nam không phải là việc dễ dàng, nó đòi hỏi sự nỗ lực cao trong công tác giáo dục về bình đẳng giới, trong việc vận động người dân thay đổi tư duy văn hóa theo hướng tích cực.

Bản thân người phụ nữ Việt Nam cũng cần tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực, tham gia LĐQL nhưng không quên xây dựng gia đình no ấm để trở thành người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống vừa thay đổi định kiến của xã hội một cách thuyết phục nhất./.

Chú thích:
1. Lê Thị Thục. Quyền tham gia quản lý nhà nước của phụ nữ: kinh nghiệm của một số nước. Tạp chí Lý luận chính trị, số 8/2014.
2. William Sjotedt. Gender targeted public funding support women politics Albanian case. http://www.idea.int, ngày 06/3/2018.
3, 5. Pilar Tello Rozas. Has progress been made in the promotion of women’s political participation in Peru. http://www.idea.int, 18/10/2017.
4. Nana Kalandadze. Women in politics-achieving key milestones. http://www.idea.int, 06/3/2015.
6. Nâng cao năng lực lãnh đạo cho Phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. http://www.vn.undp.org.

TS. Nguyễn Thị Thu Hòa
Học viện Hành chính Quốc gia