Mô hình đào tạo công chức ở Hàn Quốc

(QLNN) – Để có những thế hệ lãnh đạo và công chức có năng lực, luôn sẵn sàng phục vụ cho sự nghiệp quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc đã rất chú trọng tới việc đào tạo và phát triển họ trong suốt quá trình thực thi công vụ. Và Viện Đào đạo công chức trung ương (Central Officials Training Institute – COTI) là một trong số những cơ sở được thành lập để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đó. 

 

Hàn Quốc được biết đến là quốc gia có nền kinh tế phát triển, một trong những thành viên dẫn đầu của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20). Sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những nước giàu nhất. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc nằm trong số các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Góp phần làm nên những thành tựu đó, nhân tố không thể phủ nhận chính là nhờ các thế hệ lãnh đạo và công chức có năng lực hoạch định và thực thi những đường lối, chính sách đúng đắn của đất nước này. Để có những thế hệ lãnh đạo và công chức có năng lực, luôn sẵn sàng phục vụ cho sự nghiệp quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc đã rất chú trọng tới việc đào tạo và phát triển họ trong suốt quá trình thực thi công vụ. Và Viện Đào đạo công chức Trung ương (Central Officials Training Institute – viết tắt là COTI) là một trong số những cơ sở được thành lập để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đó.

Được thành lập tương đối sớm (từ tháng 10/1961), hoạt động như một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Hành chính công và An ninh của Hàn Quốc, COTI thực thi những chức năng cơ bản về: đào tạo, phát triển năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, công chức Chính phủ thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu; hỗ trợ các cơ sở đào tạo khu vực công khác trên toàn đất nước, đồng thời cũng xúc tiến việc quảng bá và tăng cường trao đổi, hợp tác với các trung tâm phát triển nhân sự ở khu vực tư nhân.

Hiện nay, COTI đã nhanh chóng phát triển và mở rộng mạng lưới hoạt động về lĩnh vực đào tạo công chức Chính phủ không chỉ ở trong nước mà còn thông qua các hoạt động trao đổi quốc tế tăng cường hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo có uy tín ở các quốc gia khác trên thế giới. Thành công này có được bởi COTI xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của mình và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình hoạt động kể khi thành lập.

Và điều quan trọng hơn cả là COTI biết sáng tạo để hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ đó thông qua việc thiết kế các chương trình đào tạo một cách khoa học và phù hợp, đáp ứng được những đòi hỏi thực tế của đội ngũ lãnh đạo và công chức trong quá trình thực thi công vụ. Dưới đây, xin giới thiệu về các chương trình đào tạo chủ yếu ở Viện Đào tạo công chức Trung ương danh tiếng này.

Một góc khuôn viên COTI (nay là Viện Phát triển Nguồn nhân lực quốc gia – NHI) (Ảnh: http://www.nhi.go.kr).
Chương trình bồi dưỡng theo bậc

Đối tượng của chương trình này là những người mới được thăng chức lên công chức Bậc 5 (G5) thông qua kỳ thi công chức cấp cao. Nội dung chương trình này sẽ giúp họ phát triển những kỹ năng lãnh đạo toàn diện và năng lực xây dựng chính sách, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, giáo dục đạo đức công vụ và thái độ phục vụ trong thực thi công việc. Ở chương trình này, học viên cũng được khảo sát thực tế trong thời gian thực tập ở các địa phương.

Hằng năm, từ tháng 4 đến giữa tháng 10, có khoảng 320 công chức mới được tuyển dụng ở Bậc 5 tham gia vào các khoá này để được đào tạo thành những công chức sáng tạo, là đội ngũ kế cận lãnh đạo đất nước Hàn Quốc trong tương lai. Chương trình phát triển đội ngũ lãnh đạo mới (New Leader Development Program – NLDP) là một trong những chương trình tiêu biểu của COTI. Với lịch sử 46 năm (bắt đầu từ năm 1967), thời lượng đào tạo của chương trình này có nhiều thay đổi, từ 7 tuần, sau kéo dài 19 tuần, 33 tuần và được điều chỉnh lại còn 27 tuần kể từ năm 2008 đến nay.

Chương trình đào tạo năng lực thiết yếu

Chương trình đào tạo này giúp nâng cao năng lực cho các nhà quản lý để quản lý tổ chức mình thực hiện công việc nhằm đạt được hiệu quả cao. Đối tượng đào tạo chủ yếu là các ứng viên cho vị trí công chức cấp cao (Senior Civil Service – gọi tắt là SCS) và vị trí trưởng phòng.

Nội dung đào tạo sẽ tập trung giúp các ứng viên SCS phát huy năng lực nhận diện vấn đề, tư duy chiến lược, định hướng phát triển khả năng bản thân, quản lý sự thay đổi, đem lại sự hài lòng trong giải quyết công việc với người dân và phát triển khả năng phối hợp, cộng tác tốt. Đồng thời, giúp các ứng viên cho vị trí trưởng phòng giải quyết các vấn đề cơ bản trong việc xây dựng chính sách, quản lý tổ chức, quản lý hiệu suất công việc, điều tiết lợi ích, tạo động lực trong công việc và khả năng giao tiếp.

Hiện nay, COTI đã và đang tổ chức 35 khoá đào tạo dạng này cho khoảng 2.300 công chức mỗi năm. Đối tượng tham gia bao gồm 4 nhóm: các ứng viên SCS; các ứng viên cho vị trí Trưởng phòng; công chức quản lý Bậc 5 và các ứng viên đủ tiêu chuẩn để có thể thăng cấp lên công chức quản lý Bậc 5. Thời gian đào tạo là 5 ngày đối với các ứng viên SCS và các ứng viên cho vị trí Trưởng phòng; hai ngày cho hai nhóm còn lại.

Chương trình phát triển năng lực cụ thể

Mục tiêu là tăng cường hiệu suất làm việc và nâng cao năng lực của công chức thông qua việc cung cấp chương trình phát triển năng lực cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế về một số năng lực của công chức do môi trường làm việc thay đổi. Chương trình này giúp đào tạo công chức một cách chuyên nghiệp theo vị trí công việc, đảm bảo cho họ vừa thành thạo với các nhiệm vụ hiện tại, vừa có khả năng cập nhật kiến thức có liên quan tới mảng công việc được giao.

Các chương trình này đã được triển khai ở COTI khoảng 40 năm nay và được phân loại thành 3 mảng: (1) Đào tạo về chiến lược và chính sách của Chính phủ; (2) Đào tạo khả năng nhạy bén và sáng tạo; (3) Đào tạo khắc phục những hạn chế ở những lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

Các chương trình này thường được áp dụng ở COTI dưới tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng công chức thi hành luật” (Public Officials Education & Training Act). Những người tổ chức các chương trình này hướng tới đối tượng học viên là những công chức có tinh thần cầu tiến và tự tin vào bản thân. Phương châm của họ là “Phát triển và làm giàu tư duy” (Develop brains, Richarge Minds). Hiện nay, COTI đang triển khai khoảng gần 20 chương trình với 50 khoá học cho khoảng 2000 công chức mỗi năm.

Chương trình đào tạo năng lực công chức mang tầm quốc tế

Với mục tiêu hướng tới là đào tạo công chức nước này có năng lực lãnh đạo đất nước Hàn Quốc trong tiến trình hội nhập quốc tế, chương trình bao gồm: Chương trình hội nhập cao cấp cho du học nước ngoài (bằng 3 thứ tiếng Anh, Trung và Nhật); Chương trình đàm phán quốc tế và Chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo quốc tế. Năm 1973 – 1974 cũng đã mở một lớp tiếng Anh chuyên ngành hành chính.

Riêng chương trình đào tạo ngoại ngữ hiện nay của COTI gồm có: đào tạo tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung. COTI đã từng phải đối mặt với nhiều trở ngại trong quá trình đào tạo công chức trung ương mặc dù cũng đã có những cải thiện đáng kể về trình độ ngoại ngữ của họ. Tuy nhiên, để đáp ứng với những yêu cầu của đào tạo trình độ cao và những thay đổi của môi trường hành chính công quốc tế, việc tăng cường trình độ ngoại ngữ cho công chức Hàn Quốc hiện vẫn đang rất được chú trọng.

Từ năm 2005, COTI đã tiến hành thực hiện các Chương trình dự bị cho du học (Overseas Study Preparation Programs – viết tắt là OSPPs), dành cho những người nhận được học bổng dài hạn của Chính phủ Hàn Quốc hoặc du học theo các chương trình thí điểm. Các phương pháp đào tạo cũng không còn đơn giản theo cách học truyền thống nữa mà được thay đổi theo yêu cầu của người học.

Theo đề xuất của các học viên, Chính phủ Hàn Quốc đã ủy nhiệm cho OSPPs đào tạo tiếng Anh từ năm 2007, tiếng Trung từ năm 2008 và tiếng Nhật từ năm 2009. Hiện nay các chương trình đào tạo ngoại ngữ này đã được đổi tên thành các chương trình hội nhập nâng cao (Advanced Integration Programs – AIPs).

Để đáp ứng với những thay đổi nhanh chóng của môi trường hành chính công quốc tế, COTI đã khởi xướng khoá đào tạo kỹ năng thuyết trình quốc tế (Global Presentation Skill Course – GPSC) từ năm 2005 và Chương trình đàm phán quốc tế (International Negotiation Program – INP) vào năm 2008 nhằm trang bị cho công chức Hàn Quốc những kỹ năng đàm phán và thuyết trình, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của họ trên trường quốc tế. Cả hai chương trình này đều được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Hiện tại, COTI cũng đã triển khai đào tạo ngoại ngữ cho học viên của Chương trình phát triển đội ngũ lãnh đạo mới (New Leader Development Program – NLDP) và Chương trình đào tạo công chức cao cấp (Senior Executive Program – SEP). Năm 2013, COTI tiếp tục cập nhật và phát triển nội dung đào tạo cho loại hình chương trình này, tập trung vào hình thức đào tạo mô phỏng tình huống thực tiễn, mở rộng đối tượng học viên với nhiều thành phần tham gia từ công chức thuộc các tổ chức công, các viên chức ngoại giao thuộc các đại sứ quán nước ngoài tại Hàn Quốc hay kể cả các công chức nước ngoài.

Chương trình đào tạo quốc tế cho công chức nước ngoài

Mục tiêu ban đầu của chương trình này là tạo điều kiện cho công chức đến từ các quốc gia trên thế giới có thể tìm kiếm những chiến lược cùng phát triển dựa trên việc tăng cường hợp tác thân thiện và hiểu biết lẫn nhau, bằng việc giới thiệu những kinh nghiệm trong cải cách phương thức quản lý công và phát triển đất nước Hàn Quốc.

Những chương trình dạng này đã được thực hiện cách đây gần 30 năm kể từ khi chương trình phát triển năng lực điều hành cho công chức Malaysia được triển khai lần đầu tiên vào năm 1984 với khẩu hiệu là “Tham khảo chính sách của Phương Đông” (Look East Policy), được cựu Bộ trưởng của Malaysia Tun Dr. Mahathir khởi xướng.

Tính đến cuối tháng 12/2012 đã có khoảng 4.000 công chức nước ngoài đến từ hơn 119 quốc gia hoàn thành các chương trình quốc tế này. Số lượng công chức nước ngoài tìm đến Hàn Quốc như một địa chỉ tin cậy để học hỏi kinh nghiệm phát triển ngày càng nhiều. Và hiện tại, COTI đang tiếp nhận và đào tạo ở loại hình này cho khoảng 200 công chức nước ngoài mỗi năm.

Riêng năm 2013 là 261 công chức ở hơn 30 quốc gia khác nhau cùng tham gia vào 14 khoá học. Các chương trình quốc tế này cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới.

Năm 2013, chương trình quốc tế của COTI gồm có: các chương trình phát triển năng lực điều hành cho công chức trung ương của từng quốc gia riêng như: Malaysia 3 đợt (từ ngày 08 – 19/4; từ ngày 10-21/6 và từ ngày 28/10 – 08/11); Việt Nam (từ 05-16/8); Nhật Bản (từ ngày 25-30/9); các chương trình phát triển đào tạo khu vực công cho Myanmar (từ 01-12/6), cho Colombia (từ 19-30/8); chương trình phát triển nguồn nhân lực cho công chức các quốc gia ASEAN (từ ngày 25/11 – 06/12),…

Các học viên của COTI (Ảnh: http://www.nhi.go.kr).
Đào tạo trực tuyến

Mục tiêu của chương trình là giúp người học có thể truy cập và tiếp cận với các khoá học trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Khoá đào tạo kỹ năng sử dụng máy vi tính cho công chức cũng đã bắt đầu có ở COTI từ năm 1971 do Trung tâm máy tính Chính phủ (Government Computer Center – GCC) trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ trước đây tiến hành.

Năm 2005, Trung tâm này được đổi tên thành Trung tâm bồi dưỡng năng lực thông tin (Information Capacity Building Center – ICBC), đến năm 2011, trung tâm này phối hợp với COTI và được đổi tên thành Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin (ITTC), có nhiệm vụ cung cấp các khoá đào tạo về công nghệ thông tin cho tất cả các công chức bao gồm cả ở trung ương và các địa phương.

Hằng năm, số lượng người tham gia các khoá học này đã lên tới con số 4000. Nội dung chương trình đào tạo của ITTC được chia thành ba mảng chính: các khoá học về chính sách thông tin; công nghệ thông tin và các khoá giới thiệu về các thiết bị di động thông minh.

Tổ chức các hội thảo về chương trình nghị sự quốc gia

Các hội thảo này thường được tổ chức vào các ngày cuối tuần. Đây là diễn đàn để các công chức Hàn Quốc trao đổi, chia sẻ quan điểm về chiến lược quốc gia, về triết lý và những mục tiêu của nền hành chính; cho các công chức cấp cao như các bộ trưởng, thứ trưởng và các SCS chia sẻ quan điểm về quản lý hành chính, đưa ra những chính sách mang tính chiến lược để ứng phó với những vấn đề mà quốc gia đang phải đối mặt.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chương trình quốc tế, COTI cũng rất quan tâm tới việc xúc tiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hành chính công. Ở mảng hoạt động này, COTI đã tiến hành nhiều hoạt động như: tham gia tổ chức cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 22 và Hội đồng điều hành EROPA (năm 2006); tổ chức các hội thảo quốc tế và các buổi tái ngộ cho các cựu học viên vào 05-07/7/2004 nhân kỷ niệm 20 năm đào tạo quốc tế với khẩu hiệu: “Học viên COTI – cộng sự tin cậy – người bạn suốt đời”.

Bên cạnh đó, COTI còn liên kết với các tổ chức quốc tế, các trung tâm phát triển nguồn nhân lực và các cơ sở đào tạo có uy tín ở các quốc gia khác như: gia nhập EROPA (1966), trao đổi biên bản ghi nhớ với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh của Việt Nam (2005) và Trường Hành chính công Tunisia (2007). Học viện này cũng duy trì mối quan hệ gắn bó với các tổ chức được biết đến rộng rãi vì những đóng góp cho khoa học hành chính công như: Viện khoa học hành chính quốc tế (IIAS), Học viện hành chính quốc gia Malaysia (INTAN). Ngoài ra, COTI cũng tiếp nhận các du học sinh nước ngoài về lĩnh vực hành chính công.

Nhằm quảng bá và tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm đã được tích lũy trong lĩnh vực đào tạo công chức và bồi dưỡng phát triển trong lĩnh vực hành chính công, COTI đã xuất bản ấn phẩm tiếng Anh thường niên có tên gọi là “Điểm nhấn COTI” (COTI Highlights) và phát hành các bản này tới nhiều tổ chức quốc tế, tới các cựu học viên thông qua các chương trình đào tạo quốc tế. Đến nay, COTI đã xuất bản được 23 số.

Hiện tại, COTI đang phấn đấu phát triển trở thành trung tâm đào tạo lãnh đạo hàng đầu vì sự phát triển của đất nước Hàn Quốc. COTI tin tưởng rằng, với các chương trình đào tạo được thiết kế khoa học và luôn cập nhật sẽ giúp các học viên của mình hình thành lối tư duy tích cực. Và khi đội ngũ lãnh đạo, công chức có lối tư duy tích cực sẽ giúp thay đổi vận mệnh của quốc gia. Tư duy tích cực theo phương châm của COTI là “tư duy chiến lược, tư duy nhạy bén và tư duy công bằng” (Think big – Think fast – Think fair).

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta có điều kiện và cũng đang không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có học hỏi về kinh nghiệm quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Hàn Quốc là một trong những “hình mẫu” để nhiều quốc gia học tập. Thiết nghĩ, việc tham khảo những điểm tiến bộ trong mô hình đào tạo công chức của Hàn Quốc mà tiêu biểu là từ Viện Đào tạo công chức Trung ương này là điều cần thiết đối với chúng ta hiện nay.

Tài liệu tham khảo:
1. http://eng.coti.go.kr.
2. http://www.nhi.go.kr.

Đoàn Kim Huy
(nguồn: Tạp chí Tổ chức nhà nước).