Khắc phục khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chí đánh giá công chức cấp xã ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên

(QLNN) – Tây Nguyên là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng. Với số lượng các đơn vị hành chính và công chức cấp xã tương đối lớn (khoảng 721 đơn vị với 8.100 công chức), đánh giá đúng công chức cấp xã  sẽ góp phần không nhỏ vào việc bố trí, sắp xếp, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã một cách hiệu quả.

 

Các tiêu chí đánh giá công chức cấp xã ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện nay thực hiện đánh giá công chức cấp xã (CCCX) theo hệ thống tiêu chí được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức cũng như một số văn bản hướng dẫn cụ thể của các sở nội vụ ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Theo đó, tiêu chí đánh giá CCCX tập trung ở những nội dung sau:

(1) Đánh giá năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ:  dựa trên các tiêu chí về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước; đánh giá kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tham mưu, đề xuất, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng thu thập, xử lý thông tin; đánh giá thái độ của công chức như thái độ với nhiệm vụ được giao, với nhân dân, với cấp trên, với đồng nghiệp.

(2) Đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ và tinh thần trách nhiệm, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ:  bao gồm các tiêu chí về số lượng, tiến độ thực hiện những công việc trong năm theo kế hoạch được giao, những văn bản đã chủ trì soạn thảo, những công trình nghiên cứu hoặc tham gia nghiên cứu thực hiện, những đề xuất được chấp nhận và thực hiện, năng lực giải quyết các công việc được giao; tinh thần trách nhiệm, khả năng phối hợp trong thực thi công vụ của CCCX.

(3) Đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống:  việc đánh giá dựa trên các tiêu chí chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, chuẩn mực hành vi; kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức; thái độ, cách ứng xử trong thực thi công vụ; mức độ thực hiện phòng, chống các hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí.

Những khó khăn trong áp dụng các tiêu chí đánh giá công chức cấp xã ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên

Những năm qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã áp dụng tương đối tốt các tiêu chí đánh giá (TCĐG) CCCX. Nhờ đó, việc đánh giá CCCX đã bước đầu thực chất và khách quan hơn. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về TCĐG công chức vẫn còn hạn chế, làm giảm tính hiệu quả trong áp dụng các TCĐG đối với CCCX. Mặc dù hệ thống pháp luật về đánh giá công chức ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, song nhìn chung, việc đánh giá chủ yếu vẫn nặng về các tiêu chí thâm niên công tác, thành phần lý lịch mà chưa chú trọng vào năng lực, kết quả thực thi công vụ của công chức. Một số tiêu chí mang tính định tính, không hoặc khó định lượng được nên khi áp dụng trong thực tế sẽ khó bảo đảm tính chính xác.

Chẳng hạn, tiêu chí có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, tác phong, lề lối làm việc tốt thì hiện nay không có căn cứ định lượng, chủ yếu dựa vào các tiêu chuẩn định tính. Điều này dẫn đến việc áp dụng trong thực tiễn chỉ mang tính tương đối, bị chi phối nhiều bởi yếu tố chủ quan của các chủ thể đánh giá, chưa xem xét để chỉ ra cụ thể những điểm mạnh, điểm yếu và những điểm cần phát huy của CCCX.

Bên cạnh đó, một trong những mục đích quan trọng của công tác đánh giá CCCX là xác định năng lực, lấy đó làm cơ sở sử dụng, quản lý, đào tạo, đề bạt, khen thưởng, tuy nhiên, các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá năng lực CCCX lại thiếu các tiêu chí thể hiện kỹ năng mềm – một trong những tiêu chí rất cần thiết để đánh giá năng lực trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, việc áp dụng thực hiện các tiêu chuẩn đánh giá năng lực tại các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Tây Nguyên có phần chưa toàn diện và thực chất. Ngoài ra, Luật Cán bộ, công chức quy định xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực cũng tạo ra tính hình thức trong thực hiện đánh giá CCCX. Thực tế cho thấy rất hiếm trường hợp CCCX ở khu vực Tây Nguyên được xếp loại này.

Thứ hai, các TCĐG CCCX được áp dụng cùng với TCĐG công chức nói chung mà không có sự phân định rõ ràng làm cho việc đánh giá CCCX ở các tỉnh Tây Nguyên chưa phù hợp với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CCCX theo luật định. CCCX có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là tham mưu, giúp UBND và chủ tịch UBND cấp xã thực hiện quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, trực tiếp thực hiện việc cung ứng các dịch vụ hành chính công cho người dân trên địa bàn.

Trong khi đó, hệ thống TCĐG CCCX đang áp dụng ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay lại chưa phản ánh được những nhiệm vụ cụ thể, đặc điểm lao động riêng biệt, chức trách, nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí việc làm của CCCX, dẫn đến đánh giá không sát thực, thiếu chính xác về năng lực thực thi công vụ của đội ngũ này.

Thứ ba, nhiều đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực Tây Nguyên chưa xây dựng được vị trí việc làm, gây khó khăn trong áp dụng các TCĐG CCCX. Các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đánh giá công chức đã quy định các nhóm tiêu chí cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức. Theo đó, việc đánh giá CCCX cũng được quy định thành các nhóm tiêu chí cụ thể. Trên thực tế, tính chất của mỗi loại công việc là không giống nhau. Chỉ khi có các tiêu chuẩn, định mức riêng, cụ thể đối với mỗi loại công việc thì mới đánh giá chính xác được kết quả thực hiện công việc của CCCX bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm, từng chức danh CCCX.

Nhưng hiện nay, việc mô tả vị trí việc làm và xác định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh CCCX ở các tỉnh Tây Nguyên chưa được thực hiện tốt nên việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của CCCX còn chung chung, chưa phải là căn cứ để đánh giá và không có tác dụng thúc đẩy công việc.

Thứ tư, tính đặc thù của đội ngũ CCCX ở khu vực Tây Nguyên tạo ra nhiều cản trở trong việc áp dụng các TCĐG. Xuất phát từ tính đa dân tộc, đa văn hóa của khu vực, đội ngũ CCCX là người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên chiếm tỷ lệ lớn nên nhiều tiêu chí được xây dựng áp dụng cho đội ngũ CCCX chưa hợp lý và thiếu khả thi.

Chẳng hạn, một trong các tiêu chí để xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là phải có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận (khoản 1 Điều 25 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP). Tiêu chí này giúp khuyến khích tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong công vụ của mỗi công chức. Tuy nhiên, với CCCX là người đồng bào DTTS hoặc công tác ở các xã biên giới, đặc biệt khó khăn thì tiêu chí này lại thể hiện sự bất hợp lý do năng lực, trình độ của đa số đội ngũ CCCX là người DTTS có phần yếu hơn so với mặt bằng công chức nói chung.

Đặc biệt, trong nghiên cứu khoa học thì điều này càng thể hiện rõ nét hơn. Tương tự, tiêu chí có sáng kiến kỹ thuật được cấp có thẩm quyền công nhận cũng rất khó áp dụng trong thực tiễn. Bởi lẽ, việc quy định cụ thể thế nào là sáng kiến chưa được làm rõ nên việc áp dụng tiêu chí này ở các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Tây Nguyên không thống nhất. Ngoài ra, yêu cầu CCCX là người DTTS phải đáp ứng yêu cầu có sáng kiến cải tiến kỹ thuật để xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là chưa phù hợp với đối tượng đánh giá.

Thứ năm, các tỉnh Tây Nguyên chưa xây dựng và áp dụng tiêu chí cụ thể để người dân tham gia đánh giá CCCX trong hệ thống đánh giá hiện nay. Vì áp dụng các TCĐG CCCX theo quy định chung của pháp luật nên hầu hết chính quyền cấp xã ở Tây Nguyên cũng chưa sẵn sàng cho việc lấy ý kiến phản hồi của người dân về thái độ, chất lượng phục vụ của CCCX để đưa vào đánh giá định kỳ. Trong khi đó, đối tượng phục vụ của chính quyền cấp xã chính là người dân trên địa bàn. Ý kiến của họ là kênh thông tin phản hồi quan trọng để đánh giá CCCX thì  chưa được xây dựng thành các tiêu chí để áp dụng ở Tây Nguyên.

Một số giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong áp dụng các tiêu chí đánh giá công chức cấp xã ở khu vực Tây Nguyên

Một là, nghiêm túc, nhất quán, khách quan và công bằng trong áp dụng thực hiện các TCĐG CCCX.

Áp dụng các TCĐG phù hợp sẽ góp phần loại bỏ những đánh giá mang tính chủ quan, giảm thiểu việc ban hành những quyết định về nhân sự tùy tiện, không dựa trên hiệu quả làm việc của CCCX. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân của tình trạng kém hiệu quả, không thực chất, thiếu khách quan, thiếu công bằng trong đánh giá là do nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như bản thân một bộ phận CCCX về đánh giá còn chưa cao, thậm chí xem nhẹ dẫn tới việc tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Do vậy, cần nâng cao nhận thức về tính nghiêm túc, khách quan, công bằng trong áp dụng các TCĐG CCCX ở khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là ở chính quyền cơ sở.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến để CCCX hiểu được vai trò của đánh giá, cơ bản hiểu được bản chất của các tiêu chí đánh giá được áp dụng ở đơn vị, từ đó tham gia một cách tích cực, dân chủ vào quá trình đánh giá, gồm cả đánh giá bản thân và đánh giá đồng nghiệp. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức phải chú ý nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng của công chức trong các bộ phận chuyên trách thực hiện đánh giá. Giúp họ nắm vững và vận dụng có hiệu quả các TCĐG vào thực tiễn.

Hai là, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định TCĐG công chức, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho việc áp dụng các TCĐG CCCX ở các địa phương trong cả nước, trong đó có khu vực Tây Nguyên.

Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về TCĐG CCCX trên cơ sở sửa đổi, bổ sung những tiêu chí không phù hợp, thiếu tính hợp lý, khó áp dụng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất và đầy đủ để các địa phương thực hiện. Phải lấy kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chính để đánh giá phẩm chất, trình độ, năng lực của CCCX.

Theo đó, phải xác định các tiêu chuẩn thực hiện công việc và các chỉ số đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đo lường kết quả thực hiện công việc và xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ để phân loại CCCX. Bổ sung nội dung TCĐG CCCX theo hướng đề cao kết quả thực thi công vụ, chú trọng năng lực và quan tâm đến ý kiến phản hồi của người dân. Chẳng hạn, nên đưa các TCĐG kỹ năng mềm để đánh giá năng lực CCCX và xây dựng các tiêu chí thể hiện ý kiến đánh giá của người dân đối với chất lượng, thái độ phục vụ của CCCX.

Các TCĐG nên được lượng hóa ở mức có thể để khi áp dụng ở các địa phương được thống nhất, khách quan. Việc xây dựng thang điểm cho mỗi tiêu chí cần căn cứ vào những yếu tố sau: khả năng lượng hóa với mỗi tiêu chí, mức độ đầy đủ thông tin về người được đánh giá, trình độ vận dụng tiêu chí của chủ thể tham gia đánh giá, khả năng áp dụng với mỗi chủ thể đánh giá, mức độ trang thiết bị, yếu tố bản địa, văn hóa cộng đồng tác động tới phạm vi, độ tin cậy của tiêu chí. Ngoài ra, nội dung TCĐG định kỳ đối với CCCX nên gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các xã, phường, thị trấn nơi công chức làm việc, để bảo đảm chính xác, công bằng trong đánh giá.

Ba là, chú ý đến tính đặc thù khi áp dụng thực hiện các TCĐG CCCX ở khu vực Tây Nguyên. Những đặc thù của đội ngũ CCCX là người DTTS, làm việc ở các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn tạo ra những vướng mắc khi áp dụng TCĐG, khó bảo đảm tính công bằng, phù hợp và khả thi. Do đó, phải linh hoạt khi xây dựng và áp dụng các TCĐG đối với CCCX ở các tỉnh Tây Nguyên. Các cơ quan cấp trên cần tạo điều kiện về mặt pháp lý để có thể áp dụng linh hoạt, hợp lý các TCĐG CCCX ở khu vực này sao cho khi đánh giá CCCX được công bằng và thực sự đạt được mục đích đánh giá.

Chẳng hạn, với CCCX là người DTTS hoặc ở các xã biên giới, đặc biệt khó khăn chưa đạt chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do không đáp ứng tiêu chí có công trình khoa học, có sáng kiến được công nhận nhưng đã đạt loại khá và đáp ứng được một số điều kiện hợp lý tương đương với tiêu chí trên thì đơn vị nên xem xét xếp loại xuất sắc để khuyến khích sự sáng tạo, nỗ lực của CCCX. Tiêu chí thay thế tương đương đó có thể là công chức có một giải pháp hữu ích đề xuất giúp cơ quan giải quyết được vấn đề quản lý đang khó khăn được tập thể ghi nhận… Chú ý đến đặc thù này sẽ góp phần bảo đảm tính hợp tình, hợp lý, khả thi khi áp dụng các TCĐG CCCX ở các khu vực đặc thù như Tây Nguyên.

Bốn là, các tỉnh Tây Nguyên cần khẩn trương triển khai đề án vị trí việc làm ở cấp xã, tạo cơ sở cho việc áp dụng các TCĐG theo hướng đề cao kết quả thực thi công vụ.

Các cơ quan cấp trên cần nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ đạo, hoàn chỉnh xác định vị trí việc làm trong các UBND cấp xã, mô tả công việc theo từng vị trí việc làm. Trong đó, nếu mô tả công việc càng chi tiết thì khi tiến hành xây dựng, áp dụng TCĐG càng thuận lợi. Cần mô tả rõ tên, sản phẩm công việc, số lượng, chất lượng sản phẩm đạt được, thời gian hoàn thành công việc, những sáng tạo giá trị trong công việc. Chỉ khi làm rõ được các vấn đề này thì mới có cơ sở rõ ràng, khoa học trong việc xây dựng, áp dụng các TCĐG CCCX.

Năm là, áp dụng các TCĐG công chức cấp xã theo hướng mở, tức là tạo điều kiện cho người dân tham gia quá trình đánh giá.

Việc để người dân nhận xét về các dịch vụ công mà họ được cung ứng sẽ vừa phát huy được quyền làm chủ của người dân, vừa có cơ sở khắc phục, điều chỉnh những thiếu sót của công chức trong thực thi công vụ.

TS. Nguyễn Đăng Quế
Học Viện Hành chính Quốc gia

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/6/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn.
2. Lại Đức Vượng. Đánh giá cán bộ, công chức. Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 9/2014.