Nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai ở huyện Ba Vì

(QLNN) –  Trong những năm qua, quy hoạch sử dụng đất và giá trị của đất đai trên cả nước nói chung cũng như trên địa bàn huyện Ba Vì nói riêng có sự biến động lớn, dẫn đến những thay đổi không nhỏ trong quan hệ quản lý, sử dụng đất. Cùng với đó, các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai cũng có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Do đó nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là việc làm cần thiết hiện nay.

 

Theo báo cáo kết quả rà soát các trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Ba Vì từ năm 2014 đến tháng 7/2016 cho thấy, “có khoảng  6.900 vi phạm các loại, trong đó chủ yếu là vi phạm về cấp, giao thầu đất trái thẩm quyền (3.415/6.900 vi phạm, chiếm 49,4%) và vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất trái phép (2.376/6.900 vi phạm, chiếm 34,4%)”1. Trong những vi phạm này, một phần là những vi phạm đã phát sinh từ trước năm 2014 nhưng kéo dài nhiều năm và nhiều vi phạm phát sinh từ sau tháng 7/2014 đến nay.

Công trình xây dựng kiên cố ngay tại hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) Ảnh: Vương Trần.

Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Ba Vì, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp cùng các đoàn thể nhân dân của xã và thôn tiến hành công tác tuyên truyền rộng rãi các quy định pháp luật về đất đai trên hệ thống loa truyền thanh đến từng cụm dân cư để nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho người dân, đồng thời, vận động các hộ dân vi phạm tự tháo dỡ, chấm dứt vi phạm. Với sự tích cực vận động của chính quyền cấp xã và các ban, ngành, đoàn thể ở xã, nhiều hộ dân đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Nhiều vi phạm được giải quyết triệt để, không tái phạm.

UBND các xã thường xuyên nắm bắt thông tin qua các trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn và các đoàn thể ở thôn; cử cán bộ đi kiểm tra thực địa để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm đất đai xảy ra trên địa bàn.

Trong quá trình xử lý vi phạm đất đai, phần lớn các xã đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, từ lập biên bản vi phạm đến ra quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành…

Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn đã tiến hành rà soát các thửa đất đã được cấp và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; rà soát, phân loại các vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn để đề nghị UBND huyện xem xét công nhận quyền sử dụng đất cũng như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện thì kiên quyết xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu và hồ sơ địa chính trên địa bàn theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Hệ thống cơ sở dữ liệu này sau khi được thiết lập sẽ là căn cứ quan trọng để UBND các cấp quản lý đất đai chính xác, hiệu quả và góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật đất đai.

Như vậy, với sự nỗ lực của UBND huyện Ba Vì và UBND các xã, thị trấn của huyện, thời gian gần đây, công tác xử lý vi phạm đất đai đã thu được một số kết quả tích cực, góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử lý vi phạm hành chính về đất đai ở cấp xã vẫn còn gặp một số khó khăn do giữa các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm đất đai và xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Cụ thể, Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT ngày 26/8/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:

– Chủ tịch UBND cấp xã không có quyền ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà ở, công trình xây dựng trái phép trên đất mà thẩm quyền thuộc về chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện2.

– Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chỉ được áp dụng sau 10 ngày kể từ ngày chủ thể vi phạm nhận được quyết định xử phạt nhưng không chấp hành3.

Các quy định này không thống nhất với quy định về xử lý vi phạm trật tự xây dựng (quy định thời hạn ra quyết định cưỡng chế là 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ thi công)4. Do vậy, đã làm cho việc xử lý vi phạm lấn chiếm đất đai ở cơ sở bị chậm trễ, kéo dài do vướng mắc về quy trình, thủ tục xử lý, trong khi đây lại là loại vi phạm đất đai phổ biến, diễn biến nhanh trong thực tế, đòi hỏi chính quyền cấp xã phải xử lý kịp thời, không để vi phạm phát triển. Hơn nữa, Thông tư này được ban hành trên cơ sở Luật Đất đai năm 2003, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002… là những văn bản đã hết hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 38 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: “Chủ tịch UBND cấp xã được quyền ra quyết định xử phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng”. Trong khi theo quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ  về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: mức phạt tiền thấp nhất đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa, đất rừng sang đất phi nông nghiệp là 10.000.000 đồng (Điều 6 và Điều 7); đồng thời, quy định: chủ tịch UBND cấp xã được phạt tiền đến 5.000.000 đồng (điểm b, khoản 1, Điều 31).

Như vậy, giữa quy định của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về thẩm quyền xử phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã là không thống nhất và đã khó khăn trong quá trình thực hiện.

Mặt khác, trong thực tế, hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp là loại vi phạm đất đai phổ biến hiện nay nhưng với quy định của Nghị định số 102/2014/NĐ-CP thì chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền xử phạt tiền đối với những vi phạm này nên việc xử lý của cấp xã gặp không ít khó khăn.

Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ở huyện Ba Vì, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đề xuất sửa đổi nội dung Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT theo hướng đối với những công trình xây dựng nhà ở chưa hoàn chỉnh hoặc không phải là nhà ở như: tường bao, bể nước, móng nhà… thì cho phép chủ tịch UBND cấp xã được ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ và rút ngắn thời gian ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ sau khi có quyết định xử phạt để phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm được dứt điểm, kịp thời, phù hợp với quy định về xử lý vi phạm trật tự xây dựng và tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước.

Đồng thời, sửa đổi điểm b, khoản 1, Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP cho phù hợp với điểm b, khoản 1, Điều 38 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Thứ hai, UBND cấp xã cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay từ đầu năm, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai trên địa bàn. Trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật của UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức ở địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền của mình và tích cực triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức ở cơ sở với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan cấp trên để tránh chồng chéo, trùng lặp gây lãng phí và không thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhân dân.

Thứ ba, các xã, thị trấn cần thành lập tổ công tác thường xuyên để giải quyết vi phạm đất đai ở cơ sở.

Hiện nay, công tác xử lý vi phạm đất đai ở cơ sở trên địa bàn huyện Ba Vì chủ yếu do UBND cấp xã thực hiện khi có vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, cách làm này dẫn đến việc phát hiện, xử lý vi phạm nhiều khi bị chậm trễ, buông lỏng hoặc “đánh trống, bỏ dùi” do thiếu hay thay đổi nhân sự trong UBND cấp xã cũng như chưa phát huy được vai trò của các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn trong công tác phòng, chống vi phạm.

Hơn nữa, cách thực hiện này chủ yếu nặng về xử lý mà thiếu phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục nên tình trạng vi phạm đất đai ở Ba Vì trong thời gian qua không giảm, thậm chí còn có xu hướng diễn biến phức tạp. Để khắc phục tình trạng này, mỗi xã, thị trấn cần thành lập tổ công tác để giải quyết khi có vi phạm đất đai.

Thứ tư, cần xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm các vi phạm pháp luật đất đai xảy ra ở cơ sở theo đúng thẩm quyền.

Công tác quản lý về đất đai ở nhiều xã từ trước đến nay còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, còn e dè, nể nang, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng nhiều vi phạm kéo dài, diễn biến phức tạp với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, số lượng đối tượng vi phạm có xu hướng tăng lên, có biểu hiện coi thường kỷ cương, phép nước, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an của địa phương. Do đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là UBND cấp xã cần xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới nảy sinh, ổn định trật tự xã hội trên địa bàn và răn đe các đối tượng khác có ý định vi phạm.

Thứ năm, trong quá trình xử lý vi phạm, cần kết hợp giữa việc bảo đảm quy định của pháp luật và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân sao cho hợp lý, hợp tình, hài hòa lợi ích.

Sau khi phát hiện, phân loại vi phạm, Tổ công tác giải quyết vi phạm đất đai ở cơ sở cần tìm hiểu về nhân thân, hoàn cảnh gia đình của các đối tượng vi phạm cũng như các nguyên nhân dẫn đến vi phạm…, từ đó xác định đúng mức độ vi phạm và đề xuất với UBND cấp xã biện pháp giải quyết sao cho hợp lý, hợp tình, vừa bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, vừa không trái quy định pháp luật.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý, xử lý vi phạm đất đai ở cơ sở.

Hiện nay, công chức địa chính – xây dựng cấp xã của huyện Ba Vì đều đã có trình độ đại học trở lên nhưng số lượng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhiều xã phải thuê thêm lao động hợp đồng thời vụ để giải quyết hồ sơ, làm công việc giúp công chức địa chính vì công tác quản lý đất đai tại địa phương quá nhiều, phức tạp và địa bàn trải rộng. Việc thuê lao động hợp đồng tạm thời có thể giải quyết được khó khăn về nhân lực trước mắt của địa phương nhưng thiếu tính ổn định, lâu dài. Không những thế, năng lực chuyên môn và kỹ năng làm việc của lao động hợp đồng thời vụ thường không cao nên hiệu quả công việc đạt được còn thấp so với yêu cầu.

Do đó, một trong những giải pháp cần thiết là UBND cấp xã của huyện Ba Vì cần tiến hành rà soát, xác định khối lượng, yêu cầu công việc quản lý đất đai thực tế ở đơn vị và đối chiếu với số lượng công chức hiện có, trên cơ sở đó, nếu có nhu cầu thì đề nghị UBND huyện Ba Vì cho tuyển dụng hoặc điều động tăng cường thêm công chức địa chính để bảo đảm đủ người giải quyết công việc.

Ngoài ra, UBND cấp xã cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện để thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác và cập nhật thông tin văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách mới về đất đai cho các cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ này.

ThS.  Vũ Đình Lãm
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

Chú thích:
1. Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì. Báo cáo kết quả rà soát các trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Ba Vì từ năm 2014 đến tháng 7/2016. Khoản 3 Điều 4
2. Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT ngày 26/8/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Điểm 1 khoản 1 Điều 5 Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT ngày 26/8/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Điều 24 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.