(QLNN) – Mặc dù mỗi quốc gia có những quy định riêng về đạo đức công vụ, nhưng nhìn chung các quy định về đạo đức công vụ được xem như những chuẩn mực đạo đức tối thiểu của công chức. Do vậy, việc ban hành các quy định về đạo đức công vụ ở Việt Nam sẽ giúp cán bộ, công chức nhận thức rõ hơn về các hành vi, thái độ, cách ứng xử…và hạn chế các sai phạm về đạo đức công vụ.
Một số kinh nghiệm về nâng cao đạo đức công vụ của một số quốc gia
Ban hành các quy định điều chỉnh về đạo đức công vụ
Nghiên cứu về đạo đức công vụ (ĐĐCV) ở các quốc gia châu Âu, nhà nghiên cứu J. Ziller nhận xét rằng: những quy định về ĐĐCV của các nước thành viên của Cộng đồng châu Âu được quy định trong các luật công và được Tòa án Tư pháp châu Âu xác định để tham chiếu các nguyên tắc pháp lý chung về ĐĐCV, nguyên tắc hành chính đối với các quốc gia thành viên1. ĐĐCV gồm 4 khía cạnh là: (1) Độ tin cậy và khả năng dự đoán; (2) Sự cởi mở và minh bạch; (3) Trách nhiệm; (4) Hiệu quả2.
Tùy vào đặc điểm từng quốc gia mà những nội dung về ĐĐCV được thay đổi cho phù hợp. Chẳng hạn, ở CHLB Đức, ngăn chặn tham nhũng và cải thiện quản lý dịch vụ công là mục tiêu chính của việc thúc đẩy các tiêu chuẩn đạo đức của công chức. Ở Anh, ĐĐCV được quy định trong bộ Luật Dịch vụ dân sự, theo đó, ĐĐCV là các tiêu chuẩn hành vi được mong đợi của tất cả công chức trong việc duy trì các giá trị của dịch vụ công và được ví như “Bộ quy tắc ứng xử” dựa trên các tiêu chuẩn về hành vi mong đợi của tất cả công chức là tính chính trực, trung thực, khách quan, vô tư và công bằng3.
Tại Điều 27 Luật Công chức năm 1999 của Hà Lan quy định hành vi đạo đức của công chức: (1) Công chức phải cư xử theo các chuẩn mực đạo đức để xứng đáng với sự tin tưởng của công chúng. (2) Trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, công chức phải hành xử phù hợp với quyết định của người quản lý mình cũng như phục vụ công chúng tốt nhất. (3) Công chức không được phép dựa vào quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo của mình để phân biệt đối xử, ủng hộ hoặc chống lại công dân.
Đạo luật Cộng hòa số 6713 năm 1989 của Phi-líp-pin quy định chi tiết về ĐĐCV tại mục 4: “a) Cam kết với lợi ích công cộng; b) Tính chuyên nghiệp; c) Sự công bằng và chân thành; d) Tính trung lập chính trị; e) Đáp ứng cho công chúng; f) Chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước; g) Cam kết dân chủ”.
Luật Đạo đức nghề nghiệp của Thái Lan năm 1994 quy định 16 điểm cụ thể về đạo đức công chức (ĐĐCC). Theo đó, công chức phải đề cao các nguyên tắc đạo đức, bản thân phải cư xử tương xứng với cương vị là một công chức nhà nước. Các quy định của Luật ĐĐCV cũng đề cao danh dự và danh tiếng của công chức nhằm khuyến khích sự ngưỡng mộ và tôn trọng của công chúng.
Ban hành bộ Quy tắc về đạo đức công vụ
Tại Ấn Độ, Ủy ban Cải cách hành chính đã đề xuất các nguyên tắc đạo đức cho công chức như sau: tính toàn vẹn, công bằng, cam kết dịch vụ công, trách nhiệm giải trình, lòng tận tụy trong công việc, hành vi gương mẫu. Để nâng cao ĐĐCC ở Ấn Độ, Ủy ban Cải cách hành chính thứ hai đề xuất: ngoài việc trung thành với Hiến pháp, công chức phải thực hiện các chuẩn mực đạo đức: tuân thủ ở mức cao nhất về tính toàn vẹn; tính công bằng; tính khách quan; sự cống hiến cho dịch vụ công; đồng cảm và từ bi đối với những người yếu thế.
Ở Ma-lai-xi-a, năm 2000, Chính phủ đã ban hành các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp công chức bao gồm: lòng tin, chính trực, trách nhiệm, xuất sắc, trung thành, cam kết, sự cống hiến, kỷ luật, siêng năng, chuyên nghiệp4.
Đưa ra các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ
Thứ nhất, đưa tiêu chí phẩm chất đạo đức vào trong công tác tuyển dụng.
Trung Quốc quy định việc tuyển chọn công chức phải tuân thủ 4 nguyên tắc: 1) Có cả đức và tài. 2) Chọn người hiền đức, dùng người có năng lực. 3) Nguyên tắc về việc chọn người. 4) Nguyên tắc tùy tài mà sử dụng.
Ở Phi-líp-pin, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban Công vụ tiến hành tuyển dụng công chức dựa trên hồ sơ của ứng viên và sử dụng phương pháp thi tuyển cạnh tranh trên máy tính kết hợp với phần thi viết và đang hoàn thiện quy trình tuyển chọn, cấu thành một hệ thống quản lý theo năng lực. Ủy ban này đưa ra 5 yếu tố mẫu: tính ổn định cảm xúc; tính hướng ngoại; cởi mở để chia sẻ kinh nghiệm; ý thức chấp hành; sự tận tâm trong công việc. 5 yếu tố mẫu này được thể hiện trong khoảng 200 câu hỏi với 20 khía cạnh của đời sống xã hội; ứng cử viên thực hiện bài thi trong vòng 40 phút5.
Ở Nhật Bản, ĐĐCC là một nội dung được xem là rất quan trọng của chất lượng công chức. Chính phủ Nhật Bản hết sức quan tâm đến phẩm chất đạo đức và ý thức công dân của công chức, cũng như việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức, chú trọng năng lực và kết quả công tác của công chức, bảo đảm cho công chức luôn là hình mẫu của công dân Nhật Bản.
Thứ hai, công chức phải được biết quyền và trách nhiệm khi thi hành công vụ.
Chính phủ Ma-lai-xi-a quy định, công chức phải khai báo tài sản của mình để tránh sự nghi ngờ và nhầm lẫn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Công chức phải bảo vệ an ninh và bảo mật thông tin cũng như các tài liệu theo quy định để không bị rơi vào tay những người không được phép vì an ninh của quốc gia6.
Nhật Bản ban hành Luật ĐĐCC năm 1999 với 6 chương, 46 điều quy định về ĐĐCC, trong đó xác định rõ mục đích của việc điều chỉnh pháp luật về ĐĐCC nhằm góp phần duy trì ĐĐCC và ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức của công chức trong hoạt động công vụ. Một trong những nội dung cơ bản của Luật ĐĐCC Nhật Bản là quy định cụ thể về vấn đề nhận quà biếu và nghĩa vụ kê khai của công chức đối với quà biếu trong hoạt động công vụ. Còn ở In-đô-nê-xi-a quy định công chức bị cấm nhận quà biếu dưới bất kỳ hình thức nào, của bất kỳ ai mà có liên quan đến vị trí hoặc công việc của công chức đó.
Theo Luật ĐĐCV của Xinh-ga-po, công chức không được phép nhận quà biếu của người dân, ngoài quà tặng thông thường của bạn bè, dù dưới hình thức tiền, hiện vật, chuyến đi miễn phí hay các quyền lợi cá nhân khác. Còn Luật Đạo đức nghề nghiệp của Thái Lan quy định: “Công chức phải kiềm chế, không được nhận từ người mình phục vụ quà biếu hay ân huệ có giá trị vượt quá giá trị mà người này thường cho người kia do quý mến và phải báo cáo với cấp trên về việc nhận quà biếu mà sau khi nhận công chức đó thấy nó có giá trị đáng kể để có các xử lý thích hợp”7.
Thứ ba, có biện pháp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện ĐĐCV.
Để nâng cao ĐĐCV, Luật Dịch vụ công của Anh quy định cơ quan của công chức phải có nghĩa vụ giúp công chức hiểu và thực hiện đúng những quy định của Luật này. Công chức có nghĩa vụ yêu cầu sự giúp đỡ từ người quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp cũng như đồng nghiệp để có những tư vấn nhằm nâng cao hiểu biết và thực hành ĐĐCV.
Ở Hy Lạp, Chính phủ thành lập Ủy ban ĐĐCV ở các địa phương nhằm mục đích duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về tính toàn vẹn trong dịch vụ công cộng. Mục đích chính của Ủy ban là bảo vệ công chức kháng cáo các cáo buộc hoặc khiếu nại không hợp lý về hành vi vi phạm quy tắc đạo đức hoặc vô căn cứ về các vi phạm phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ hợp lý của công chức.
Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra giải pháp tuân thủ Luật Quản trị hiệu quả. Chính phủ sẽ có các báo cáo hằng năm về thực trạng thực hiện ĐĐCV của công chức. Trên cơ sở báo cáo, chính quyền các cấp sẽ rà soát lại những điều khoản liên quan, phân tích các thủ tục và hành động can thiệp kịp thời để công chức thực hiện tốt hơn ĐĐCV.
Người dân giám sát mọi hoạt động của công chức bằng cách làm đơn gửi đến tòa án để khiếu kiện những hành vi sai trái mà công chức vô tình hay cố ý gây ra cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Đạo luật Cộng hòa số 6713 năm 1989 của Phi-líp-pin quy định: “Mọi công chức phải có nghĩa vụ thực hiện và nộp tờ khai tuyên thệ để công chúng có quyền được biết về tài sản, công nợ, giá trị ròng và lợi ích tài chính, kinh doanh, bao gồm cả vợ hoặc chồng và con chưa lập gia đình dưới 18 tuổi sống trong các hộ gia đình của công chức”8.
Thứ tư, có hình thức khen thưởng và xử phạt thích hợp trong việc thực hiện ĐĐCV.
Những hành vi vi phạm về ĐĐCV thường được áp dụng những hình thức xử phạt cụ thể. Ví dụ như Quy chế Hành vi và Kỷ luật năm 1993 của Ma-lai-xi-a quy định việc công chức không mặc đồng phục, không đeo thẻ công chức và không sử dụng thẻ đúng mục đích sẽ bị cấp quản lý trực tiếp khiển trách. Nếu người đó vi phạm lần thứ hai thì sẽ bị cấp quản lý gián tiếp khiển trách và nếu vi phạm 3 lần sẽ bị trừ 1 ngày lương9.
Đạo luật Cộng hòa số 6713 năm 1989 của Phi-líp-pin quy định nếu công chức không thực hiện nộp tờ khai tuyên thệ về tài sản sẽ bị sa thải. Cấp trên của công chức không thực hiện sẽ bị giáng cấp hoặc điều chuyển công tác tùy theo mức độ nghiêm trọng do lỗi của cấp dưới gây ra. Ngoài ra, Ủy ban Công vụ của Phi-líp-pin áp dụng những biện pháp tích cực để khuyến khích sự tuân thủ những tiêu chuẩn về đạo đức trong cán bộ, công chức (CBCC)10.
Các giải pháp mà Chính phủ Ma-lai-xi-a đưa ra để nâng cao ĐĐCV ở quốc gia này là: tôn vinh các giá trị cao quý của công chức như: lòng trung thành với tôn giáo, chủng tộc và quốc gia; tôn trọng lẫn nhau trong công việc; khiêm tốn trong giao tiếp; hợp tác đầy đủ trong thực hiện nhiệm vụ với tư cách là một đội; công bằng, chân thành, lịch sự mọi lúc mọi nơi; cư xử tốt và khả năng chấp nhận những lời chỉ trích.
Những hành vi vi phạm đạo đức công vụ tại Tây Ban Nha được quy định và sẽ bị xử lý nghiêm theo luật định. Không những thế, để phát hiện công chức làm điều sai trái, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức phải có trách nhiệm báo cáo điều trần trước hội đồng dân cử hằng năm hoặc đột xuất khi có những sự vụ nghiêm trọng liên quan đến công chức như kỳ thị, tham nhũng…
Các biện pháp kỷ luật công chức In-đô-nê-xi-a vi phạm ĐĐCV gồm có: kỷ luật nhẹ (phê bình, khiển trách, cảnh cáo), kỷ luật trung bình (hoãn tăng lương, hoặc hạ lương, hoặc hoãn đề bạt tối đa là một năm), kỷ luật nặng (hạ một cấp tối đa là một năm, cách chức, cho thôi việc, sa thải)11.
Luật Dịch vụ công của Anh quy định cơ quan của công chức có nghĩa vụ giúp công chức hiểu và thực hiện đúng những quy định của Luật này. Cơ quan quản lý công chức có quyền áp dụng những hình phạt riêng đối với công chức của mình khi họ vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Có những hành vi đạo đức nếu công chức vi phạm sẽ bị xử phạt nặng. Thường những hành vi này được quy định bởi luật riêng12.
Thứ năm, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về ĐĐCV.
Luật Dịch vụ công Ấn Độ quy định mọi công chức sau khi được tuyển dụng phải qua các lớp bồi dưỡng Luật Dịch vụ công, trong đó có nội dung bồi dưỡng về ĐĐCV. Công chức làm việc trong lĩnh vực nào thì phải học về những chuẩn mực đạo đức của ngành đó theo các danh mục hành vi ghi trong Bộ quy tắc ứng xử của ngành đó. Ở Ma-lai-xi-a, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của công chức quy định công chức phải không ngừng nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng để cung cấp các dịch vụ công hiệu quả, nhanh chóng và trách nhiệm bằng cách tham gia các chương trình bồi dưỡng về ĐĐCV13. Chính phủ Tây Ban Nha có báo cáo hằng năm về việc tham gia các lớp bồi dưỡng ĐĐCV theo yêu cầu của Chính phủ14.
Bài học kinh nghiệm về nâng cao đạo đức công vụ cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về các quy định điều chỉnh ĐĐCV và các giải pháp nâng cao ĐĐCV, Việt Nam có thể tham khảo đề ra những quy định và giải pháp phù hợp với đặc điểm đội ngũ CBCC và thể chế chính trị của đất nước như sau:
Một là, ban hành Luật ĐĐCV. Qua nghiên cứu các nước cho thấy, ĐĐCV nên được ban hành và cụ thể hóa bằng một luật cụ thể.
Pháp luật liên quan đến ĐĐCV ở nước ta đã được quy định trong một số luật liên quan đến CBCC, như: Luật CBCC; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Tuy nhiên, chưa có các quy định cụ thể về ĐĐCV. Do đó, cần điều chỉnh ĐĐCV một cách cụ thể trong một luật về ĐĐCV và có các văn bản dưới luật để triển khai thực hiện.
Hai là, các tiêu chuẩn về ĐĐCV phải được quy định cụ thể và mang tính bắt buộc. Mặc dù mỗi quốc gia có những quy định riêng về ĐĐCV, nhưng nhìn chung các quy định về ĐĐCV được xem như những chuẩn mực đạo đức tối thiểu của công chức. Do vậy, việc ban hành các quy định về ĐĐCV ở Việt Nam sẽ giúp CBCC nhận thức rõ hơn về toàn bộ các hành vi, thái độ, cách ứng xử…, từ đó giúp CBCC thực hiện tốt, hạn chế các sai phạm về ĐĐCV.
Ba là, có chế tài xử phạt đủ mạnh để CBCC không vi phạm quy định về ĐĐCV. Một trong những đặc trưng của hoạt động công vụ là tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước và xã hội. Vì vậy, nếu CBCC trong quá trình thực thi công vụ không tuân thủ các quy định của ĐĐCV sẽ dẫn đến lạm quyền, gây tổn hại cho người dân, cho đất nước.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, việc đưa ra các chế tài xử phạt nghiêm sẽ giúp hạn chế các hành vi vi phạm ĐĐCV. Hình phạt nặng nhất trong trường hợp mà các nước đang áp dụng đó là sa thải đối với công chức vi phạm ĐĐCV. Đối với Việt Nam, để làm được điều này, cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, có cơ chế, chính sách chủ động và tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực; xác định rõ trách nhiệm của mỗi công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Hình thức xử lý cần nghiêm minh và đủ sức răn đe để CBCC có ý thức không vi phạm các quy định về ĐĐCV.
Bốn là, đưa nội dung bồi dưỡng ĐĐCV vào chương trình bồi dưỡng bắt buộc hằng năm đối với CBCC. Từ kinh nghiệm của các nước, tùy theo vị trí việc làm của công chức mà có các chương trình bồi dưỡng bắt buộc về ĐĐCV của vị trí đó. Nội dung và thời gian bồi dưỡng về ĐĐCV phù hợp với từng vị trí việc làm của công chức. Sau khi kết thúc các khóa học này phải có sự đánh giá và kiểm tra các nội dung được trang bị. Do đó, hoạt động bồi dưỡng về ĐĐCV đối với CBCC cần duy trì và đưa vào nhiệm vụ thường xuyên.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ĐĐCV của CBCC. Hoạt động kiểm tra, giám sát về việc thực hiện ĐĐCV được các nước tiến hành thường xuyên dưới các hình thức báo cáo, kiểm tra đột xuất, lấy ý kiến của người dân… Thông qua kiểm tra, giám sát, người lãnh đạo hiểu được ĐĐCV được thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao, còn hạn chế những gì nhằm bổ sung, sửa đổi, phòng ngừa, uốn nắn, điều chỉnh, ngăn chặn các nội dung sai lệch với việc thực hiện ĐĐCV, giúp nâng cao hiệu quả họat động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện ĐĐCV nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của CBCC và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Sáu là, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và của CBCC, viên chức. Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thì trách nhiệm giải trình là việc CBCC phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Bên cạnh đó, công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia vào giám sát hoạt động của các cơ quan này. Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch và giải trình không chỉ là yêu cầu tiên quyết đối với việc thực hiện hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, bảo đảm quyền công dân tham gia quản lý nhà nước mà đó còn là một trong những cách ngăn chặn và phòng, chống những biểu hiện lệch lạc, vi phạm về ĐĐCV một cách hiệu quả. Minh bạch, giải trình là công cụ hữu hiệu góp phần xây dựng nên thể chế đủ mạnh để đáp ứng xu hướng phát triển hiệu quả và bền vững./.
Chú thích:
1, 14. J. Ziller, Administrations comparées: les systèmes politico-administratifs de l’Europe des Douze, Montchrestien, Paris, 1993. See also J. Schwarze, Europäisches Verwaltungsrecht, Nomos, Baden-Baden,1988.
2. J. Schwarze, Europäisches Verwaltungsrecht, Nomos, Baden-Baden, 1988. English version: European.
3. Administrative Law, London, 1992.
4, 13. Hai, Jeong Chun; Nawi, Nor Fadzlina (2007). Principles of public administration: An introduction. Shah Alam, Selangor: Karisma Publications.
5. Báo cáo của Ủy ban Công vụ Philippin tại Hội nghị tuyển dụng và sát hạch công chức, tháng 11/2014.
6. Federal Government Administrative Centre, Code of Ethics, Perdana Putra Building 2010.
7, 8, 9. Những điều cấm kỵ đối với công chức các nước khối ASEAN. http://plo.vn, ngày 02/9/2010.
10. Thang Văn Phúc, Nguyễn Minh Phương, Thu Huyền. Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004.
11. Nguyễn Thị Mơ. Xây dựng nâng cao đạo đức công vụ Philippin và bài học kinh nghiệm. http://tcnn.vn, ngày 16/6/2018.
12. Associated Press, Top German court upholds ban on strikes by civil servants, 12th June 2018.
PGS.TS. Nguyễn Minh Phương
TS. Trần Thị Hạnh
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội