Áp dụng cấp độ vị trí việc làm gắn với khung năng lực tại sở ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên

(QLNN)Áp dụng xây dựng vị trí việc làm gắn với khung năng lực là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sở Ngoại vụ Thái Nguyên thực hiện áp dụng vị trí việc làm vào khung năng lực là xây dựng cơ cấu tổ chức và biên chế theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn.

 

Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 3468/QĐ-UBND ngày 28/12/2009 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh. Năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 25/8/ 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, Lãnh đạo Sở có 03 người, gồm: 1 giám đốc, 2 phó giám đốc; 4 đơn vị tham mưu, giúp việc, gồm: Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng Hợp tác Quốc tế (HTQT); Phòng Lãnh sự và Việt kiều; 1 đơn vị sự nghiệp công lập là Trung tâm thông tin và dịch vụ đối ngoại. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết, chúng tôi không nghiên cứu về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở mà phân tích, đánh giá và đưa ra những đề xuất áp dụng cấp độ việc làm của Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.

Cuối năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4289/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 phê duyệt Bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm (VTVL) trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Ngoại vụ, gồm 28 VTVL. Các VTVL đều được mô tả chi tiết gồm các nội dung như: giới thiệu chung về VTVL: tên gọi, đơn vị công tác, quản lý trực tiếp, quản lý chức năng, mục tiêu công việc…; nhiệm vụ chính, tỷ lệ thời gian, tiêu chí đánh giá hoàn thành công việc; các yêu cầu đối với VTVL làm như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực cốt lõi, năng lực chuyên môn; năng lực quản lý, những điều kiện khác… Khung năng lực cho từng VTVL chỉ ra năng lực cốt lõi, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn và kỹ năng cần có để thực hiện từng VTVL.

 

Một số kết quả đạt được trong áp dụng cấp độ vị trí việc làm gắn với khung năng lực tại Sở

Việc ban hành quyết định phê duyệt các VTVL và khung năng lực đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm và kịp thời của Sở Ngoại vụ trong việc hoàn thành đề án cơ cấu VTVL trình UBND tỉnh Thái Nguyên. Nội dung bản mô tả công việc giúp cho công tác quản lý công chức, lao động hợp đồng bước đầu có những chuyển biến tích cực, dễ dàng hơn khi phân công công việc, kiểm soát quá trình thực hiện và kiểm tra mức độ hoàn thành công việc. Bản mô tả công việc về cơ bản theo mẫu chung của Bộ Nội vụ thể hiện được các công việc quản lý, công việc chuyên trách và các công việc khác của người lao động, có định mức về mặt tỷ trọng thời gian, tiêu chí đánh giá hoàn thành công việc; yêu cầu năng lực của công chức như năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, năng lực cốt lõi.

Từ việc xem xét nói trên, việc ban hành các VTVL theo Quyết định số 4289/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên đã giúp các phòng, ban thuộc Sở có những định hướng cụ thể để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có tài vào hoạt động công vụ trong cơ quan nhà nước; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.

Những hạn chế trong quá trình thực hiện

Thứ nhất, về số lượng: 28 VTVL là khá nhiều đối với vị trí, chức năng của một Sở phụ trách về ngoại giao, đối ngoại của tỉnh. Một số vị trí còn chồng chéo về nội dung công việc cụ thể là: 2 VTVL văn thư và lưu trữ đều làm các công việc liên quan đến quản lý, lưu trữ văn bản đi, văn bản đến; 2 VTVL là lãnh sự và theo dõi người Việt Nam ở nước ngoài, khi mô tả các nhiệm vụ chính có những nội dung liên quan đến nhau về quản lý người Việt Nam tại nước ngoài và ngược lại.

Thứ hai, về chất lượng còn một số nội dung cần xem xét:

(1) Một số VTVL có tên gọi quá dài như “Quản lý hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài” (một VTVL thuộc phòng HTQT) và chưa thể hiện được bản chất của công việc. Bởi theo mô tả, VTVL này là vận động viện trợ phi chính phủ; triển khai các dự án tình nguyện có yếu tố nước ngoài; quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế trên địa bàn tỉnh và tham mưu cho lãnh đạo Sở về công tác ngoại giao văn hóa.

(2) Một số chức danh quản lý còn mô tả chung chung, chưa cụ thể với từng VTVL tại Sở. Đơn cử như: chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng được mô tả cụ thể đối với phòng HTQT nhưng chức danh này lại chưa được mô tả đối với phòng Lãnh sự và Việt kiều. Vậy, câu hỏi đặt ra là Sở mô tả chung cho vị trí trưởng phòng và phó trưởng phòng, sau đó áp dụng riêng cho từng phòng chuyên môn, hay còn thiếu bản mô tả vị trí quản lý mảng Lãnh sự – Việt kiều.

(3)  Nội dung các bản mô tả VTVL phần lớn dựa trên kê khai của người lao động, chưa áp dụng các phương pháp chuyên sâu để xác định nhu cầu công việc. Bên cạnh đó, chưa thấy rõ được sự phân định rõ ràng giữa các cá nhân, còn có sự chồng chéo trong công tác quản lý các nội dung công việc của Sở.

Có thể thấy, VTVL là nội dung khó xác định và cần có quyết tâm rất lớn của các cấp lãnh đạo mới có thể thay đổi và áp dụng được. Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân căn bản là do chưa xác định được các cấp độ việc làm.

Đề xuất xây dựng cấp độ vị trí việc làm cho các phòng, ban thuộc Sở

Một là, giảm số lượng VTVL làm tại Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.

Ngoại giao là một nghề, có đầy đủ các yêu cầu: về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm để đảm nhận; về tiêu chí và mục đích rõ ràng là hướng tới các công việc mở rộng, giao tiếp với bên ngoài mang tính quốc gia với quốc gia, quốc gia với tổ chức, địa phương với địa phương, địa phương với tổ chức. Nghề này không trực tiếp làm ra của cải vật chất, nhưng bảo đảm ổn định, tăng cường mối quan hệ giữa các quốc gia trên các lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội. Trong nghề ngoại giao sẽ có các nhóm công việc gần nhau và có khả năng thay thế được cho nhau.

Về cơ bản, công tác ngoại vụ hay ngoại giao ở địa phương có các nhóm công việc chính như: nhóm công việc văn phòng; nhóm công việc thanh tra; nhóm công việc hợp tác quốc tế; nhóm công việc về lãnh sự và yếu tố nước ngoài. Trong từng nhóm công việc nên phân chia cụ thể từng cấp độ việc làm ứng với chức năng, nhiệm vụ của mỗi VTVL.

Như vậy, với việc áp dụng cấp độ việc làm như trên, về nhân sự của Sở từ 28 VTVL có thể giảm xuống còn 21 VTVL. Với một số VTVL mang tính hỗ trợ, phục vụ, Sở có thể áp dụng thuê lao động từ bên ngoài mang tính sự vụ, như: vị trí phục vụ, lái xe, công nghệ thông tin… nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Nhà nước góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế.

Hai là, nâng cao chất lượng xây dựng VTVL áp dụng vào khung năng lực.

– Nâng cao chất lượng VTVL từ việc gọi tên VTVL ngắn gọn, súc tích và bao quát được nội dung, bản chất công việc mà VTVL đó đảm nhận. Đơn cử như tên gọi VTVL “Quản lý hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài” nên thay bằng “Quản lý hoạt động có yếu tố nước ngoài”; tên gọi VTVL “Theo dõi người Việt Nam ở nước ngoài” nên thay bằng “Quản lý Việt kiều/Kiều bào”.

– Nâng cao chất lượng VTVL từ việc xây dựng bản mô tả công việc sát với tình hình thực tiễn tại Sở. Đối với các chức danh quản lý cấp phòng, có thể giảm số lượng các đầu mối thuộc Sở. Xây dựng bản mô tả VTVL cho từng vị trí quản lý cấp phòng. Cần bổ sung thêm bản mô tả VTVL cho vị trí trưởng phòng, phó trưởng phòng quản lý phòng Lãnh sự và Việt Kiều.

–  Nâng cao chất lượng VTVL từ việc bổ sung thêm phần những nhiệm vụ thường xuyên và không thường xuyên trong bản mô tả; tỷ lệ từng nhiệm vụ trong tổng thể khối lượng công việc và thời gian cần hoàn thành các nhiệm vụ đó.

Áp dụng xây dựng VTVL gắn với khung năng lực là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Sở Ngoại vụ Thái Nguyên thực hiện áp dụng VTVL vào khung năng lực là xây dựng cơ cấu tổ chức và biên chế theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, muốn phát huy tích cực các cấp độ việc làm thì cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách quản lý công chức như tuyển dụng, đào tạo – bồi dưỡng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, tiền lương, tiền thưởng…

Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Quỳnh Hoa – dịch. Christian Batal. Quản lý nguồn nhân lực trong khu vực nhà nước. H. NXB Chính trị quốc gia, 2012.
2. Quyết định 2052/QĐ-UBND ngày 15/8/ 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ Thái Nguyên.
3. Đề án Vị trí việc làm của Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, năm 2015.
4. Quyết định số 4289/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan thuộc và trực thuộc Sở Ngoại vụ.

        ThS, Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Học viện Hành chính Quốc gia