Nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

(QLNN) – Đắk Lắk là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, trong đó TP. Buôn Ma Thuột không chỉ được xem là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Đắk Lắk, mà còn là thành phố trung tâm của khu vực Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng và cả nước. Để giữ vững được điều đó thì việc nâng cao thực thi công vụ của đội ngũ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tại TP. Buôn Ma Thuột là việc cần thiết hiện nay.

Thực trạng năng lực thực thi công vụ của đội ngũ chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Hiện nay, thành phố có 21 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 13 phường và 8 xã). Với những nét đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội, các đơn vị hành chính cấp cơ sở ở TP. Buôn Ma Thuột có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần ổn định chính trị, củng cố an ninh – quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cấp cơ sở là chủ thể đảm nhận vai trò quan trọng này.

Những năm qua, đội ngũ CBCC cấp xã nói chung và chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nói riêng đã được tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột hết sức quan tâm xây dựng, phát triển. Qua đó, đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ (TTCV), góp phần thúc đẩy sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhìn chung, đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở TP. Buôn Ma Thuột đã đáp ứng được các yêu cầu về mặt kiến  thức, kỹ năng, thái độ phục vụ cho quá trình TTCV đạt kết quả theo như kế hoạch công tác hằng năm của địa phương đặt ra.

Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của đất nước, của địa phương thì năng lực TTCV của đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã ở TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở và việc thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế – xã hội nói chung.

Mặc dù 100% chủ tịch UBND cấp xã của thành phố có trình độ học vấn trung học phổ thông, nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy có tới 42% các chủ tịch UBND cấp xã  tham gia các lớp bổ túc văn hóa chỉ để chuẩn hóa về mặt bằng cấp. Đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp (4 người, chiếm 19%) đến đại học (16 người, chiếm 76%), sau đại học (01 người, chiếm 5%)1, nhưng việc tham gia nâng cao trình độ chuyên môn chủ yếu thông qua các khóa đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học, liên thông, chuyển đổi hoặc đào tạo từ xa nên chất lượng sau đào tạo không cao, việc ứng dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo trong qua trình TTCV còn hạn chế.

Bế giảng lớp bồi dưỡng chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh : Trần Hữu Nam. http://tctdaklak.gov.vn).

Xét về trình độ quản lý nhà nước (QLNN), vẫn còn có chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chưa qua đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) theo quy định (11 người, chiếm 52%). Mặt khác, một bộ phận (10 người, chiếm 48%) tuy có bằng cấp, chứng chỉ nhưng chất lượng thực sự chưa tương xứng, bởi mới chỉ dừng lại ở việc đạt chuẩn theo quy định về văn bằng, chứng chỉ2. Hạn chế này phần nào ảnh hưởng đến năng lực và hiệu quả TTCV của đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Về trình độ ngoại ngữ – tin học: có tới 10/21 người (chiếm 48%) chưa qua ĐTBD về tin học; 12/21 người (chiếm 57%) chưa qua ĐTBD về ngoại ngữ3. Còn đối với bộ phận được tham gia các lớp bồi dưỡng cũng mới chỉ có khả năng sử dụng ở mức căn bản nhất về công nghệ thông tin.

Xét về kỹ năng TTCV, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau nên kỹ năng của chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện nay vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Trong đó, có một số kỹ năng bị đánh giá ở mức độ hạn chế và yếu, như: kỹ năng phân tích công việc (32%); kỹ năng phân công, giao việc (34,6%); kỹ năng đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện công việc (32%); kỹ năng giải quyết tranh chấp đất đai (49%); kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động lãnh đạo, điều hành công việc (49,7%); kỹ năng phối hợp trong công tác với Đảng ủy, HĐND, đoàn thể cấp xã và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (37%)4.

Ngoài ra, vẫn còn những hạn chế nhất định về thái độ, phẩm chất trong TTCV của đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã của TP. Buôn Ma Thuột. Một bộ phận chủ tịch UBND cấp xã còn thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, học tập thường xuyên, có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong công tác và đời sống, làm giảm lòng tin của nhân dân. Công tác cán bộ ở cơ sở nói chung còn một số hạn chế như hiện tượng cục bộ địa phương, nặng về cơ cấu trong việc bố trí cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ.

Trong TTCV vẫn còn biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, quan liêu, tham ô, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân; có lúc thiếu tận tuỵ, chu đáo, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền, làm ảnh hưởng đến hiệu quả QLNN của chính quyền cấp xã. Hiện nay vẫn còn hiện tượng vi phạm kỷ luật trong quá trình công tác. Một số chính quyền cấp cơ sở mặc dù đã phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu đặt ra để đạt chính quyền vững mạnh song vẫn không đạt được. Những hạn chế này đã và đang là cản trở trước yêu cầu đặt ra của công tác quản lý hành chính nhà nước (HCNN) cấp cơ sở trong giai đoạn mới và công cuộc cải cách HCNN mà Đảng và Chính phủ đang triển khai.

Giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ở thành phố Buôn Ma Thuột

Trên cơ sở những khảo sát đánh giá về thực trạng năng lực TTCV của đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã của TP. Buôn Ma Thuột, để nâng cao năng lực TTCV của đội ngũ này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cụ thể đối với chủ tịch UBND cấp xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ QLNN cấp cơ sở của TP. Buôn Ma Thuột.

Theo đó, chính quyền tỉnh Đắk Lắk nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng cần tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh chủ tịch UBND cấp xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ QLNN ở các phường, xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng và nâng cấp chính quyền khu vực nông thôn lên thành chính quyền khu vực đô thị. Các tiêu chuẩn cụ thể, bao gồm: tiêu chuẩn về trình độ kiến thức; tiêu chuẩn về kỹ năng; tiêu chuẩn về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm; tiêu chuẩn về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tuổi đời; tiêu chuẩn về kinh nghiệm làm việc…

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ đảm nhận chức danh chủ tịch UBND cấp xã.

Việc quy hoạch cán bộ tạo nguồn cho chức danh chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cần phải chú ý một số nội dung sau đây: (1) Rà soát, phân tích, đánh giá đội ngũ cán bộ cấp xã hiện có; (2) Rà soát, kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ đang trong diện quy hoạch cho chức danh chủ tịch UBND; (3) Bảo đảm số lượng cán bộ đưa vào diện quy hoạch cho chức danh chủ tịch UBND cấp xã có số dư để lựa chọn người phù hợp nhất; (4) Đổi mới nhận thức trong việc bố trí, sử dụng cán bộ quy hoạch chức danh chủ tịch UBND cấp xã; (5) Việc quy hoạch cán bộ cho chức danh này phải được thực hiện tốt các bước của quy hoạch cán bộ theo một quy trình chặt chẽ, quá trình thực hiện phải công tâm, khách quan; (6) Khi đã lựa chọn cán bộ vào diện quy hoạch, các cấp chính quyền phải quan tâm và thực hiện các biện pháp phát triển năng lực, trình độ và kỹ năng cho họ thông qua các chương trình ĐTBD; (7) Công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ cho chức danh chủ tịch UBND cấp xã phải cân đối cơ cấu cán bộ theo độ tuổi, giới tính và dân tộc hướng tới trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tăng tỷ lệ nữ giới và người đồng bào dân tộc thiểu số đảm nhận chức danh chủ tịch UBND cấp xã.

Thứ ba, đổi mới công tác đánh giá năng lực TTCV đối với chức danh chủ tịch UBND cấp xã.

Để làm tốt công tác này, trước hết cần xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với chức danh chủ tịch UBND cấp xã, bảo đảm mức độ phù hợp giữa yêu cầu vị trí việc làm của chủ tịch UBND cấp xã với nhân sự đảm nhiệm vị trí việc làm này, đó cũng chính là khung năng lực cho vị trí việc làm của chủ tịch UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả TTCV của chủ tịch UBND cấp xã với tư cách là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, cũng cần đánh giá thông qua mức độ hài lòng của công dân, tổ chức khi trực tiếp làm việc với chủ tịch UBND cấp xã; mức độ tín nhiệm của CBCC cấp xã đối với cách thức tổ chức công việc, quản lý, điều hành và lãnh đạo các hoạt động của chủ tịch UBND cấp xã.

Điều cần quan tâm trong xây dựng tiêu chí đánh giá là phải có tính rõ ràng, cụ thể, có thể đo lường được, mang tính khả thi, khách quan và nhạy cảm. Do đó, càng xây dựng các tiêu chí đánh giá tốt bao nhiêu thì  công tác đánh giá càng thuận lợi và chính xác bấy nhiêu. Đặc biệt, cần xây dựng phương pháp đánh giá mới trong hoạt động đánh giá đối với chức danh chủ tịch UBND cấp xã và mở rộng mục đích sử dụng kết quả đánh giá đối với cán bộ đảm nhận chức danh chủ tịch UBND cấp xã.

Thứ tư, nâng cao chất lượng ĐTBD chủ tịch UBND cấp xã gắn với chức danh công tác.

Theo đó, cần xác định đúng nhu cầu ĐTBD; xây dựng kế hoạch ĐTBD dựa trên cơ sở nhu cầu ĐTBD đã xác định rõ; thực hiện chương trình ĐTBD bảo đảm chất lượng trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng và chú trọng tới việc đánh giá chương trình ĐTBD. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, do đó, cần phải thực hiện có chất lượng thực sự, xuất phát điểm phải từ nhu cầu của vị trí việc làm của chủ tịch UBND cấp xã và chất lượng, hiệu quả TTCV của đội ngũ này.

Thứ năm, tạo động lực làm việc tích cực cho chủ tịch UBND cấp xã thông qua việc đổi mới chế độ trả lương và các chế độ phúc lợi.

Để tiền lương trở thành động lực làm việc tích cực cho đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã, TP. Buôn Ma Thuột cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy trả lương cho đội ngũ này. Theo đó, có thể nghiên cứu xây dựng cơ chế trả lương theo một số hướng cơ bản sau:

(1) Trả lương theo vị trí công việc: cần xây dựng một hệ thống lương hợp lý, hiệu quả trên cơ sở phân tích khối lượng, nội dung và tính chất công việc của chủ tịch UBND cấp xã, từ đó xác định mức lương được hưởng một cách tương xứng.

(2) Trả lương theo kết quả hoàn thành công việc: cần phân tích và mô tả công việc cho chức danh chủ tịch UBND cấp xã khoa học và cụ thể; đồng thời, xây dựng hệ thống các tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá kết quả hoàn thành công việc một cách cụ thể, khoa học với những phương pháp, quy trình khách quan.

Thứ sáu, xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động của tập thể UBND và chế độ báo cáo đối với chủ tịch UBND cấp xã.

Đây là cơ sở để xây dựng một tập thể UBND có tính trật tự, quy củ, hoạt động đúng pháp luật, có mối liên hệ nhịp nhàng, hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ công vụ đặt ra cho tập thể UBND cấp xã, trong đó trách nhiệm đứng đầu thuộc về chủ tịch UBND cấp xã. Ngoài ra, cần quan tâm xây dựng chế độ báo cáo chính xác, kịp thời về tiến trình thực hiện công việc, về kết quả hoạt động, những tình huống xảy ra, phát sinh ngẫu nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc của CBCC cấp xã cho chủ tịch UBND cấp xã có ý nghĩa lớn đối với người đứng đầu chịu trách nhiệm cá nhân về lãnh đạo, quản lý và điều hành hoạt động tập thể của UBND cấp xã.

Thứ bảy, bảo đảm các điều kiện làm việc cho chủ tịch UBND cấp xã ở TP. Buôn Ma Thuột.

Ngày nay, tính chất công việc đã có sự thay đổi đáng kể do sự tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự bùng nổ về khoa học, công nghệ và vấn đề thông tin. Do đó, đặt ra những yêu cầu mới về điều kiện làm việc của CBCC trong các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là đổi mới về phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của công sở để thực hiện công việc có hiệu quả hơn.

Các điều kiện làm việc cho CBCC nói chung và đội ngũ chủ tịch UBND cấp xã nói riêng được bảo đảm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, như: tạo ra môi trường làm việc văn hóa hiệu quả giúp hoàn thành tốt công việc, nâng cao năng suất lao động, hoàn thành yêu cầu công việc được giao; giúp CBCC giữ gìn sức khỏe, chống lại sự mệt mỏi trong công việc hằng ngày; giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian, giảm hao tổn sức lực trong lao động; tạo ra sự linh hoạt hơn trong công việc và khuyến khích CBCC hăng say lao động, sáng tạo trong công việc…

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Nguyễn Thị Huyền Trang. Năng lực thực thi công vụ của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Luận văn thạc sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính Quốc gia, Đắk Lắk, 2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
2. Quyết định số 124/QĐ-TTg, ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020”.

ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang
Học viện Hành chính Quốc gia