Sự thống nhất giữa chức năng giai cấp và chức năng xã hội của nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(QLNN) – Chức năng của nhà nước vừa là quy định, vừa là sự thể hiện bản chất của nhà nước. Tùy theo các tiêu chí khác nhau mà chức năng của nhà nước được đề cập, xem xét dưới nhiều góc độ. Trong bài viết này, tác giả giới hạn ở phạm vi xem xét nhà nước từ góc độ chức năng giai cấp và chức năng xã hội.

 

Theo quan niệm chung, chức năng giai cấp (CNGC) chỉ ra rằng, mọi nhà nước bao giờ cũng là công cụ chuyên chính của một giai cấp nhất định. Mọi nhà nước đều sẵn sàng sử dụng bất cứ công cụ, biện pháp nào để bảo vệ sự thống trị của giai cấp mình. Còn chức năng xã hội của nhà nước là thực hiện việc quản lý những hoạt động chung vì sự tồn tại của xã hội, đồng thời, phải chăm lo một số công việc chung của toàn xã hội.

Trong một giới hạn xác định, nhà nước phải hoạt động để thỏa mãn những nhu cầu chung của cộng đồng dân cư nằm dưới sự quản lý của nó. Trong các xã hội có giai cấp đối kháng trước đây, để giữ nhà nước trong tay mình, giai cấp thống trị buộc phải nhân danh xã hội để quản lý những công việc chung. Việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề chung của xã hội sẽ tạo điều kiện để duy trì xã hội trong vòng trật tự theo quan điểm và lợi ích của giai cấp cầm quyền. Như vậy, việc thực hiện chức năng xã hội theo quan điểm và giới hạn của giai cấp cầm quyền là phương thức, là điều kiện để nhà nước đó thực hiện vai trò thống trị của giai cấp đó.

Đề cập đến chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong khi chú trọng đến CNGC, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn coi chức năng xã hội là thuộc tính cơ bản nhất và quan trọng nhất. Trong XHCN, xã hội không còn các giai cấp đối kháng, nhà nước XHCN vẫn thực hiện hai chức năng cơ bản, nhưng cơ chế và mục đích thực hiện hai chức năng đó đã có sự thay đổi căn bản.

Cũng như mọi nhà nước khác đã từng tồn tại trong lịch sử, nhà nước XHCN muốn thực hiện được CNGC của mình, trước hết phải làm tốt chức năng xã hội, đặc biệt là việc không ngừng mở rộng dân chủ cho nhân dân, sử dụng sức mạnh, lực lượng của mình để bảo vệ và bảo đảm tuyệt đối các quyền tự do dân chủ cho nhân dân.

Thực hiện tốt chức năng xã hội là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để nhà nước XHCN bảo đảm và giữ vững địa vị thống trị xã hội về mặt chính trị, nghĩa là có đầy đủ khả năng để trấn áp sự phản kháng của các giai cấp bóc lột và các thế lực thù địch. Điều này có nghĩa, CNGC và chức năng xã hội luôn có mối quan hệ biện chứng, cái này làm tiền đề và là cơ sở cho cái kia.

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Trải qua hai cuộc chiến tranh gian khổ, Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được độc lập, thống nhất dân tộc và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội từ sau năm 1975.

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã đưa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống, mở ra bước ngoặt trong sự phát triển toàn diện của đất nước. Nhà nước ta là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của toàn thể nhân dân lao động. Nhà nước ta là nhà nước kiểu mới, ở đó có sự thống nhất giữa CNGC và chức năng xã hội của quyền lực nhà nước. Sự thống nhất đó thể hiện trên những phương diện sau:

Một là, lợi ích căn bản của giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động là thống nhất với nhau. Xét về bản chất, Nhà nước ta là công cụ chuyên chính của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định, nhà nước mang bản chất giai cấp sâu sắc, là công cụ chuyên chính của một giai cấp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc phải sử dụng chuyên chính vô sản là để trấn áp những thế lực thù địch đi ngược lại lợi ích của nhân dân lao động, nhằm bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đồng thời chức năng tổ chức, xây dựng mới là thuộc tính cơ bản nhất của chuyên chính vô sản.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong vấn đề xây dựng nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân – Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật, pháp lệnh đều phải xuất phát từ lợi ích của dân.

Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Nghĩa là, quyền lực nhà nước trước hết thuộc về giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và những người lao động khác mà nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta có được cơ sở xã hội rộng lớn là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế, trong suốt quá trình lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc mở rộng thành phần lãnh đạo các cơ quan nhà nước tới những người ngoài Đảng, đặc biệt là các nhân sĩ, trí thức yêu nước. Có thể nói, cơ sở xã hội rộng lớn nhưng có nguyên tắc của Nhà nước ta là nền tảng căn bản cho sự đồng thuận xã hội – điều kiện tiên quyết cho sự ổn định chính trị, đồng thời, là cơ sở tạo nên sức mạnh dân tộc to lớn, bảo đảm cho sự thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

Ba là, Nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, không tam quyền phân lập. Nguyên tắc tổ chức của quyền lực nhà nước được Đảng và Nhà nước xác định rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991): “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”2.

Tiếp tục hoàn thiện quan điểm trên, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”3. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”4. Cụ thể hóa những nội dung này, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”5.

Bốn là, cơ sở kinh tế của Nhà nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đối với Việt Nam, việc chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, kinh tế thị trường ở Việt Nam không thể phát triển một cách tự phát, vô nguyên tắc mà phải được định hướng chính trị. Đó là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước pháp quyền XHCN hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta thực hiện chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế thị trường định hướng XHCN bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật dựa trên nguyên tắc tiếp thu những điểm tích cực của kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều của cải, làm giàu cho xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời, hạn chế những điểm tiêu cực của kinh tế thị trường như chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh khốc liệt, bóc lột và phân hóa giàu – nghèo.

Để nền kinh tế thị trường không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm tốt các vấn đề xã hội và thực hiện công bằng xã hội, Nhà nước ta đã chủ động thực hiện và điều tiết các quan hệ phân phối. Kinh tế thị trường định hướng XHCN kết hợp nhiều hình thức phân phối, trong đó phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chính. Nhà nước chủ động điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Đồng thời, đưa ra các chính sách để giảm bớt khoảng cách chênh lệch tầng lớp giàu – nghèo, không để diễn ra sự chênh lệch quá mức giữa các vùng, miền, các dân tộc và các tầng lớp dân cư, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Năm là, cơ sở chính trị của Nhà nước ta là nền dân chủ XHCN. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định Tổng tuyển cử là một nhiệm vụ cấp bách, là điều kiện căn bản để thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Đây là một chế độ tuyển cử phổ thông cực kỳ rộng rãi, có một không hai trong lịch sử cách mạng dân chủ. Một nước Việt Nam còn vô vàn khó khăn nhưng đã có nền dân chủ tiêu biểu. Lần đầu tiên, ở Đông Nam Á đã xuất hiện một chính quyền nhân dân thật sự.

Như vậy, xét một cách tổng thể, nhiệm vụ sáng tạo và xây dựng xã hội mới là nhiệm vụ quan trọng nhất trong chức năng xã hội của Nhà nước XHCN. Trên cơ sở lý luận và phương pháp luận duy vật biện chứng, xét đến cùng, có thể nói, nhiệm vụ cơ bản và quyết định của Nhà nước XHCN là nhiệm vụ tổ chức và quản lý kinh tế, bởi một xã hội chỉ có thể ổn định, vận động và phát triển được khi có một cơ sở kinh tế – xã hội phù hợp.

Yếu tố kinh tế, nhất là lực lượng sản xuất, xét đến cùng, là yếu tố quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội. Tuy nhiên, xem xét vấn đề này ở góc độ kiến trúc thượng tầng của xã hội – xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì nhiệm vụ bảo vệ các quyền tự do và không ngừng mở rộng dân chủ cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng nhất, bởi việc thực hiện nhiệm vụ này là sự thể hiện trực tiếp nhất bản chất của Nhà nước XHCN./.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tr. 698.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tr. 45.
3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX). H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 328, 510, 673 – 674.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Trương Quốc Chính. Chức năng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và một số nhiệm vụ cơ bản thể hiện chức năng xã hội của nhà nước ta, thongtinphapluatdansu.edu.vn, ngày 15/12/2009.

TS. Trần Việt Thắng
                                                                                        Trường Đại học Bách Khoa