Bầu cử ở Việt Nam – Những nội dung cần quan tâm

(QLNN) – Việc bầu cử ở nước ta là quá trình các cử tri đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra những đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam. Bầu cử này bao gồm: bầu cử Quốc hội (ở trung ương) và bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp (ở địa phương).

 

Đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc làm nhiệm vụ cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, tháng 4/1975 (Ảnh: http://media.quochoi.vn)
Bầu cử ở Việt Nam

Thông thường, các cuộc bầu cử được tiến hành khi các cơ quan dân cử (hay cơ quan quyền lực nhà nước) hết nhiệm kỳ. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiệm kỳ của Quốc hội mỗi khóa là 5 năm (Điều 71 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014), tương tự, 5 năm cũng là nhiệm kỳ của HĐND các cấp. Chính vì vậy, 5 năm một lần, ở Việt Nam định kỳ tiến hành bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Các cuộc bầu cử có tính chất pháp lý rất quan trọng, đó là một khâu quan trọng để thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương. Là phương thức quan trọng để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Điều 6 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Thuật ngữ bầu cử ở Việt Nam được cho là gắn kết mật thiết với khái niệm dân chủ, trong đó những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương thức bảo đảm cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đó. Trong một nền dân chủ, quyền lực của Nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân (người bị quản lý). Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Bầu cử cũng được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền cho Nhà nước và với tư cách là một chế độ tiên tiến, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể bằng một phương pháp nào khác hơn là bầu cử để thành lập ra các cơ quan của mình. Cuộc bầu cử là một trong những hình thức hoạt động xã hội – chính trị quan trọng của nhân dân.

Bầu cử thu hút sự tham gia đông đảo của cử tri đại diện cho các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, giới tính… Bởi vậy, để đạt được kết quả, các cuộc bầu cử phải được tiến hành có tổ chức, theo những trình tự chặt chẽ nhất định.

Những trình tự thủ tục này được pháp luật quy định rất chặt chẽ, ở Việt Nam có hàng loạt các văn bản pháp luật điều chỉnh về bầu cử từ Hiến pháp – văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất đến các đạo luật như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2001, 2007, 2010; Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp diễn ra vào ngày 22/5/2016 được thực hiện theo đạo luật thống nhất về bầu cử, đó là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015.

Quyền bầu cử và ứng cử

Quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là một trong những quyền cơ bản về chính trị của công dân. Pháp luật hiện hành đã quy định công dân có quyền bầu cử, có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Theo đó, công dân Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội (Điều 27 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015). Những công dân này không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử.

Những công dân không được ghi tên vào danh sách cử tri là các trường hợp người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hay người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc người đang bị tạm giam (những bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, tuy chưa phải là những người bị tòa án kết án, nhưng họ bị hạn chế quyền tự do để điều tra, xét xử hoặc để bảo đảm thi hành án phạt tù) và người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015).

Các nguyên tắc bầu cử

Các nguyên tắc bầu cử là các quy tắc, nguyên lý chỉ đạo được áp dụng cho quyền bầu cử của chủ thể (quyền bầu cử chủ động và quyền bầu cử bị động). Nguyên tắc bầu cử là điều kiện được quy định bởi pháp luật bầu cử của mỗi quốc gia, mà việc thực hiện và tuân thủ quy định đó trong quá trình bầu cử quyết định tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

Ở Việt Nam, các nguyên tắc bầu cử dân chủ được kế thừa, bổ sung và phát triển để làm một căn cứ thực hiện một chế độ bầu cử mới thực sự dân chủ. Các nguyên tắc bầu cử theo quy định của pháp luật gồm bốn nguyên tắc, đó là:

– Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu: đây là nguyên tắc rất quan trọng được khẳng định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm cho tất cả công dân, không phân biệt thành phần dân tộc, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính đều có quyền bầu cử.

– Nguyên tắc bình đẳng: được thể hiện ở một số khía cạnh, như mỗi cử tri không phân biệt đều có số lần bỏ phiếu như nhau, giá trị lá phiếu của mỗi cử tri đều như nhau, số lượng dân cư như nhau thì bầu được số lượng đại biểu bằng nhau.

– Nguyên tắc trực tiếp: nguyên tắc này nhằm bảo đảm cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong lựa chọn người đại biểu. Cụ thể: cử tri được trực tiếp bỏ phiếu vào thùng phiếu mà không qua người trung gian, cử tri cũng trực tiếp lựa chọn người mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, không bầu bằng cách thức gửi thư.

– Nguyên tắc bỏ phiếu kín: nguyên tắc này nhằm bảo đảm tôn trọng quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tạo điều kiện để quá trình lựa chọn của mỗi cử tri không bị tác động, ảnh hưởng của các cá nhân khác hoặc tổ chức.

Sắc lệnh đầu tiên về nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành là Sắc lệnh số 14-SL ngày 08/9/1945 về mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại biểu. Tiếp theo là Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 ấn định thể lệ tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra.

Ngày 02/3/1946, Quốc hội đã họp kỳ họp đầu tiên. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, gồm 403 đại biểu với nhiều thành phần, như: công nhân, nông dân, viên chức, quân nhân cách mạng. Quốc hội khóa I cũng đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Việt Nam, ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử ở Việt Nam mà trước đó được thông qua bởi các sắc lệnh nói ở trên.

Đáng chú ý, Hiến pháp năm 1946 ghi nhận bốn nguyên tắc của bầu cử có những khác biệt so với giai đoạn sau, đó là: chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 17).

Trong giai đoạn từ năm 1959 – 1980, nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 1959. Các nguyên tắc trực tiếp, phổ thông, bỏ phiếu kín vẫn tiếp tục được ghi nhận trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959 và Pháp lệnh Bầu cử đại biểu HĐND. Tuy nhiên, cũng từ giai đoạn này trở đi, nguyên tắc bầu cử tự do được thay thế bằng nguyên tắc bình đẳng, mà bình đẳng thì đã có trong nội hàm của nguyên tắc phổ thông.

Bí thư thứ nhất TƯ Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội, tháng 4/1976 (Ảnh: http://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi)

Chế độ bầu cử giai đoạn 1980 – 1992 được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1980 và cụ thể trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980, Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1983, 1989 với một số điểm đáng lưu ý. Là quy định về hiệp thương, một thủ tục nhằm cơ cấu, lựa chọn ra ứng cử viên, quy định này vẫn chi phối tiến trình bầu cử ở Việt Nam cho đến hiện nay. Ngoài ra, việc miễn nhiệm đại biểu khi họ không còn xứng đáng với cử tri cũng được cụ thể hóa trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980 và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1983.

Từ năm 1992 đến nay, nguyên tắc bầu cử được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1992: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.

Các nguyên tắc này được cụ thể hóa trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, 1997 (sửa đổi các năm 2001, 2007, 2010); Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 1994, 2003.Các nguyên tắc bầu cử trong giai đoạn này rõ ràng chú trọng vào tính tập trung. Các đại biểu được bầu theo định hướng của tổ chức hơn là ý chí thực sự của cử tri. Hệ thống bầu cử cũng chưa tạo ra được sự bình đẳng giữa các ứng viên, nhất là đối với các ứng viên tự ứng cử, chỉ có quy định về vận động bầu cử mà chưa có quy định về vận động tranh cử.

Hiến pháp năm 2013 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 tiếp tục giữ nguyên các nguyên tắc của bầu cử, đó là: việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đặc biệt, các điểm mới được nêu rõ trong Luật là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021 thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Một số điểm cần bàn

Theo một số nhà nghiên cứu cho rằng1, dù có nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên, cùng với thời gian, vấn đề bầu cử của chúng ta có những điểm tiếp tục cần hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, nhân dân đang tiếp tục chờ đợi từ mỗi đợt bầu cử, nhất là cơ cấu và chất lượng, vấn đề “số dư tương đối lớn” và chuẩn mực “ít nhất từ hai chọn một”, vấn đề tự ứng cử, tỷ lệ, chất lượng và tiêu chí giữa đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách…

Thứ hai, chú trọng hài hòa hơn giữa ý kiến chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo các cấp với ý kiến của nhân dân, trong đó cần tránh tình trạng: có nhiều đại biểu được bầu (có đủ phẩm chất, tư cách) nhưng chưa hẳn thực sự là đại biểu xứng đáng nhất của nhân dân. Ở một số nơi, việc cố gắng thực hiện các dự kiến của cấp ủy thực tế cũng đã dẫn tới sự chưa thống nhất, đặc biệt là ở cơ sở (có người được cấp ủy giới thiệu nhưng cử tri không bầu, có người được cử tri tín nhiệm thì không được giới thiệu…).

Thứ ba, trong điều kiện ở Việt Nam, nên khuyến khích tự ứng cử để tăng khả năng lựa chọn của cử tri. Việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú thường xuyên chưa phản ánh thực chất quyền dân chủ của nhân dân. Vì cử tri còn thụ động, họ chỉ được bày tỏ tín nhiệm đối với những người đã có sẵn trong danh sách. Sự tín nhiệm này cũng chỉ mới so với tiêu chuẩn cần thiết (tư cách) của người đại biểu chứ chưa phải là người cử tri lựa chọn trong số những người tốt nhất, xứng đáng hơn giới thiệu ra ứng cử.

Đại biểu, đặc biệt là đại biểu Quốc hội nếu mới chỉ nhận được sự “bảo đảm” tư cách của cử tri nơi công tác và nơi cư trú thường xuyên thì chưa đủ, còn phải có sự “bảo đảm” rộng rãi hơn. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định danh sách ứng cử viên phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu, nhưng chưa minh định rõ phải nhiều hơn số tối thiểu là bao nhiêu, nên chưa thực sự khoa học. Thông thường, số ứng cử viên chỉ nhiều hơn số đại biểu được bầu 1 – 2 người, vì vậy chưa tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn.

Thứ tư, cần có quy định rõ sự giám sát toàn bộ quá trình bầu cử.

Những cuộc bầu cử cạnh tranh trong sự giám sát của cử tri là căn bản để cho các ứng viên và cơ quan tổ chức bầu cử phải chịu trách nhiệm giải trình khi được yêu cầu. Những cuộc bầu cử tự do và bình đẳng có ý nghĩa bao trùm lên diễn tiến của cuộc bầu cử. Nghĩa là, những thủ tục cụ thể của một cuộc đầu phiếu phổ thông: từ việc ghi danh cử tri, tổ chức vận động bầu cử, mở hòm phiếu, để bảo đảm cho việc áp dụng luật lệ một cách chặt chẽ và tránh mọi thủ đoạn gian lận có thể dẫn đến việc nghi ngờ kết quả bầu cử.

Các cuộc bầu cử dân chủ thể hiện rằng, quyền lực chính trị xuất phát từ nhân dân và được nhân dân tin cậy, đồng thời thể hiện rằng các chính trị gia phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về hành vi của mình. Bằng giải pháp cuối cùng là khả năng bị rời khỏi chức vụ sẽ bảo đảm rằng những người được bầu sẽ đạt sự tin cậy và duy trì tiêu chuẩn của công vụ và bảo đảm rằng những thay đổi về nhân sự và chính sách của Chính phủ thay đổi theo các điều kiện mà cử tri yêu cầu. Và, điều này đến từ các hoạt động thăm dò dư luận, cả trước và sau khi một cuộc bầu cử đã hoàn tất2.

Thứ năm, vai trò của truyền thông, báo chí trong việc tuyên truyền, giám sát để các cử tri tuân thủ pháp luật, sáng suốt lựa chọn những đại biểu tốt nhất… Mỗi đại biểu khi được lựa chọn bầu cử cần bảo đảm cam kết trách nhiệm đối với cử tri.

Mọi chính quyền, trong mọi hệ thống chính trị, đều tìm kiếm sự ủng hộ hoặc thừa nhận của công chúng đối với các chính sách của mình. Và vì phần đông dân số chỉ có thể tiếp cận được thông tin qua phương tiện truyền thông đại chúng – báo chí, đài phát thanh và truyền hình, các phương tiện này có vai trò chính trị trung tâm trong bầu cử đương đại.

Tuy vậy, trong một nền dân chủ, phương tiện truyền thông có các chức năng khác quan trọng hơn là chỉ đơn giản cung cấp một kênh cho hoạt động tuyên truyền của chính quyền. Đó là giám sát, phản biện xã hội các hoạt động của chính quyền, thông tin cho công chúng, cung cấp diễn đàn cho tranh luận chính trị và như là một kênh cho dư luận đến với chính quyền.

Một chính quyền chỉ hoạt động hiệu quả, chịu trách nhiệm trước cử tri nếu cử tri biết nó đang làm gì và nếu cử tri có các phương tiện độc lập để thẩm định các quan điểm của ứng cử viên thì rõ ràng tiến trình bầu chọn ra đại biểu sẽ là tốt nhất cho mỗi sự lựa chọn của cử tri.

Bên cạnh nhiệm vụ truyền tải thông tin độc lập, phương tiện truyền thông đồng thời cung cấp diễn đàn cho việc tranh cử/hoặc tiếp xúc cử tri công khai, đồng thời cũng cho phép sự đóng góp là cầu nối đưa ý kiến quan điểm của cử tri đến chính quyền, bổ sung và củng cố sự giám sát và chức năng thảo luận kỹ lưỡng của các ứng viên đại biểu bằng cách lôi cuốn sự tham gia của cử tri./.

Chú thích:
1. Phan Xuân Sơn. Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác bầu cử ở nước ta. Tạp chí Khoa học pháp lý – Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, số 3 năm 2005.
2. Lưu Đức Quang. Tự do, công bằng trong bầu cử và liên hệ với bầu cử ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp – Văn phòng Quốc hội, số 89, năm 2007.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các năm: 1946, 1959, 1980, 1992, (đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), 2013.
2. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ban hành năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2001, 2007, 2010).
3. Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003.
4. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
5. Quá trình phát triển của nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam.http://ttbd.gov.vn ngày 25/5/
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu
                                                         Học viện Hành chính Quốc gia