(QLNN) – Trước tình hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, huy động nhiều nguồn lực nhưng chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội không cao, kinh tế vĩ mô, lạm phát và an sinh xã hội đang đặt ra những thách thức lớn trong 10 năm qua.
Một số chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng kinh tế
Tại Đại hội Đảng lần thứ XI Đảng ta đã đưa ra những định hướng lớn: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”1.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định và nêu rõ hơn các chỉ tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2016 – 2020: “Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5 %/năm”2.
Việc đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu về chất lượng tăng trưởng kinh tế (TFP và các chỉ tiêu có liên quan) đã được trực tiếp đưa thành các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn phát triển kinh tế 2016 – 2020, đã thể hiện trình độ và tầm cao mới của các nhà lập kế hoạch, thể hiện tầm nhìn mới cũng như quyết tâm chính trị cao của Đảng.
Có thể nhận thấy đây là lần đầu tiên trong văn kiện chính trị của Đảng xác định các chỉ tiêu chất lượng trong tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phụ thuộc vào 3 yếu tố: vốn đầu tư phát triển, số lượng lao động đang làm việc và TFP. Hai yếu tố đầu là yếu tố số lượng, tăng trưởng theo chiều rộng, yếu tố sau là yếu tố chất lượng, phát triển theo chiều sâu.
Trong các yếu tố trên, TFP có vai trò quan trọng hàng đầu. Vai trò này được nhận diện trên 4 góc độ khác nhau.
Một là, tăng vốn, tăng lao động có giới hạn về nguồn, vì tăng vốn và lao động luôn có giới hạn, không có một quốc gia, một dân tộc hay doanh nghiệp nào có thể có năng lực vô hạn về vốn và lao động, còn tăng TFP là yếu tố liên quan đến trí tuệ, trong đó bao gồm yếu tố khoa học, công nghệ (KHCN) cao, trình độ quản lý hiện đại mang yếu tố tri thức, sáng tạo, nên gần như vô hạn.
Hai là, tăng vốn, tăng số lượng lao động thường có hiệu ứng phụ (bất ổn vĩ mô, lạm phát, nợ…), còn tăng TFP gần như không có hiệu ứng phụ gì.
Ba là, TFP là yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, bền vững.
Bốn là, tăng tỷ trọng đóng góp của TFP sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, không những chống được nguy cơ tụt hậu xa hơn, không bị sập bẫy thu nhập trung bình, mà còn xây dựng nền tảng để sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại.
Sự đóng góp của TFP vào tốc độ tăng trưởng GDP hiện chưa được đo lường chính xác, do chưa có số liệu chính thống của Tổng cục Thống kê – cơ quan được giao trách nhiệm công bố Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Con số năm 2010 được làm nền (Văn kiện Đại hội XI của Đảng năm 2011 xác định mục tiêu này đến năm 2015) là khoảng 28%. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đưa ra con số cao, thấp khá khác nhau, nhưng nhìn chung đều thấp hơn so với con số 28% như đã nói ở trên. Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đưa ra con số thấp hơn (khoảng 24 – 25%) và mục tiêu đến năm 2020 cũng ở mức 30 – 35%.
Chất lượng tăng trưởng qua chỉ số tăng trưởng ở nước ta trong những năm qua
Trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế ở nước ta phát triển theo chiều rộng, do tăng vốn và lao động là chủ yếu chiếm đến hơn 60 %, gần 20% là do trình độ quản lý và 20% là do TFP, có thể nhận thấy tác động tăng trưởng kinh tế ở nước ta như sau:
Thứ nhất, về tổng quát, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng dựa vào tăng vốn và tăng số lượng lao động là chủ yếu, chiếm tới gần 3/4 tốc độ tăng GDP. TFP là chỉ tiêu chất lượng, nhưng hiện chỉ đóng góp trên dưới 1/4.
Thứ hai, mặc dù, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam theo mục tiêu đến năm 2020 tuy không còn cao (còn thấp xa so với Hàn Quốc ở mức 51,32%), nhưng việc thực hiện cũng không dễ dàng.
Thứ ba, tuy số lượng lao động đông đảo (dư thừa để xuất khẩu lao động và thất nghiệp vẫn còn nhiều), lại vẫn đang tăng khoảng 1% và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP hiện chiếm khoảng 20%, nhưng sẽ có xu hướng giảm khi tốc độ tăng dân số chậm lại (do dân số già tăng nhanh).
Thứ tư, đóng góp của tăng vốn đầu tư chiếm tới gần 60% tốc độ tăng GDP. Tuy nhiên, do tích lũy nội bộ còn thấp, nên có một phần quan trọng (khoảng 40% nếu tính cả FDI, ODA, FII…), còn phải dựa vào vốn FDI và vay nợ nước ngoài, làm cho nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài tăng nhanh trong mấy năm gần đây.
Thứ năm, TFP bao gồm hiệu quả đầu tư, năng suất lao động dựa trên động lực là KHCN. Trong khi những nội dung này của Việt Nam còn thấp, chậm được cải thiện so với các nước trong khu vực và thế giới.
Hiệu quả đầu tư biểu hiện tổng hợp ở hệ số ICOR (được tính bằng cách chia tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP cho tốc độ tăng GDP). Nếu ICOR lớn và tăng, chứng tỏ hiệu quả đầu tư thấp và giảm. Nếu ICOR nhỏ và giảm, chứng tỏ hiệu quả đầu tư cao và tăng.
Trong Văn kiện chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hệ số ICOR của thời kỳ 2006 – 2010 là 6,96 lần, của thời kỳ 2011 – 2015 là 6,5 lần. Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học kinh tế ở trong nước và các nghiên cứu quốc tế, ICOR bình quân thời kỳ 2006 – 2010 là 6,2 lần, thời kỳ 2011 – 2015 là 5,5 lần, đều thấp hơn đánh giá Văn kiện Đại hội Đảng; tuy xu hướng chậm lại nhưng vẫn còn cao. Tính ra mục tiêu thời kỳ 2016 – 2020 khoảng 4,9 – 5,2 lần là có thể đạt được, chủ yếu nhờ tăng tỷ trọng vốn ngoài nhà nước và FDI, giảm tỷ trọng vốn khu vực nhà nước và thực hiện tốt Luật Đầu tư công.
Cũng cần lưu ý, ICOR của khu vực nhà nước cao nhất (6,2 lần), tiếp đến là khu vực FDI (5,1 lần), của khu vực ngoài nhà nước thấp nhất (3,4 lần).
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại khá: trong thời kỳ 2006 – 2010 đạt 3,45%/năm, trong thời kỳ 2011- 2015 đạt 4,11%/năm, mục tiêu thời kỳ 2016 – 2020 đạt 4-5%/năm. Tuy nhiên, về mặt năng suất lao động có 2 điểm đáng lưu ý:
(1) Năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp (năm 2014 đạt 74,3 triệu đồng/người, tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đạt 3.513 USD/người); trong đó, nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản còn thấp hơn nhiều (28,9 triệu đồng/người, bình quân mỗi tháng chỉ có 2,4 triệu đồng/người, khó bảo đảm cho bản thân người lao động và 0,8 người ăn theo tiêu dùng, chưa nói đến tích lũy, tái đầu tư).
(2) Năng suất tăng lên chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành (tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản giảm từ 56% năm 2005 còn 46,3% năm 2014, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng từ 18,1% lên 21,4 %, nhóm ngành dịch vụ từ 25,9 lên 32,3%).
Trong khi tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp (đến năm 2014 vẫn còn ở mức dưới 20%). Có chuyên gia đã đưa ra đánh giá: lao động nông nghiệp phần đông còn “lấy công làm lãi”, lao động công nghiệp chủ yếu “làm gia công lắp ráp”, lao động dịch vụ “tính chuyên nghiệp chưa cao”.
KHCN và các yếu tố sáng tạo trong nền kinh tế chưa trở thành động lực của phát triển, còn yếu về nhiều mặt, từ nghiên cứu đổi mới và ứng dụng KHCN, từ việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp KHCN công lập, đến thị trường KHCN phát triển còn chậm (tăng 13,5%/năm so với mục tiêu tăng 15%/năm).
Mối liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học với doanh nghiệp chưa gắn kết, hiệu quả của mối liên kết chưa cao, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh vừa chậm, vừa thiếu.
Tăng trưởng vẫn còn nghiêng về số lượng, bề rộng, chưa nghiêng về chất lượng, chiều sâu. Nhiều tiêu chí để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại dự kiến không đạt. Mục tiêu này được xác định lại là “tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Một số gợi ý nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết lần thứ XII của Đảng về các chỉ số tăng trưởng
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội Đảng tới các tổ chức cơ sở và các tổ dân phố tại các cấp chính quyền ở cơ sở Đảng và các loại hình doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của mục tiêu phát triển, thông qua các chỉ số tăng trưởng chất lượng trong Văn kiện của Đại hội XII, thể hiện tầm nhìn khoa học, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của Đảng đối với phát triển kinh tế của đất nước.
Đồng thời, thông qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên và người dân phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác, sản xuất kinh doanh, phấn đấu góp phần thực hiện có kết quả mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Hiểu biết của chúng ta về chất lượng tăng trưởng, các chỉ số tăng trưởng, năng suất lao động xã hội và ý nghĩa của TFP và hệ số ICOR còn hạn chế; thông tin, dữ liệu về các loại chỉ số tăng trưởng không đầy đủ, thiếu toàn diện, không thống nhất và chưa được chuẩn hóa. Do đó, thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt Nghị quyết của Đảng và chủ trương của Nhà nước đối với tăng trưởng phát triển là yêu cầu cần thiết, khách quan trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế và quản trị doanh nghiệp nhằm quản lý có hiệu quả kinh tế quốc dân và hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với quản lý nhà nước về kinh tế, cần sớm thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, để tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các mục tiêu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, hình thành các chỉ tiêu tăng trưởng hằng năm đối với cả nước, địa phương và các bộ, ngành sớm phân bổ các nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng theo hướng nâng cao hàm lượng TFP trong GDP, thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, nâng cao chất lượng lao động, thông qua đào tạo tay nghề, kiến thức cho người lao động, bổ sung cho doanh nghiệp các nguồn nhân lực đã qua đào tạo (chiếm tỷ trọng 70 – 80 % số lao động đã qua đào tạo).
Việc phát huy vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều điều kiện, quan trọng hàng đầu là: (1) chất lượng hệ thống pháp luật kinh tế và các văn bản pháp quy mà Nhà nước ban hành; (2) chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước và năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Việc đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại cũng phải hướng tới yêu cầu mở rộng dân chủ trong hoạt động kinh tế. Vấn đề này thể hiện ở 3 khía cạnh: (1) mở rộng quyền tự do thực hiện các hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; (2) mở rộng quyền tham gia hình thành hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của các chủ thể kinh doanh. (3) Các chủ thể hoạt động kinh doanh vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Xây dựng cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nhà khoa học và Nhà nước trong phát triển và ứng dụng KHCN. Xác định rõ các giải pháp KHCN hiện đại, phù hợp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, phương thức tổ chức hoạt động về đầu tư và cơ chế tài chính trong liên kết giữa các nhà khoa học, Nhà nước với doanh nghiệp.
Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu thành phần kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên khoáng sản tái tạo, phát triển các ngành kinh tế xanh, loại bỏ dần những ngành có công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên; khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, đổi mới, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường trong các ngành khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.
Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp giảm chất thải trong sản xuất, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải sau sản xuất và tiêu dùng; thực hiện thống kê, kiểm kê và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế ít nhất 5 năm một lần, nhằm bảo đảm cung cấp thông tin về tình hình và hiệu quả khai thác, sử dụng các nguồn lực; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và sử dụng năng lượng theo hướng tăng mạnh tỷ trọng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguyên nhiên vật liệu mới, tạo ra các sản phẩm, hàng hóa mới có tính cạnh tranh cao trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhận thức rõ yêu cầu tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, với các chỉ số tăng trưởng chất lượng và phát triển bền vững, thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nền kinh tế nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước./.