Minh bạch hóa hoạt động chính quyền địa phương – Lý luận và thực tiễn

(QLNN) – Tính minh bạch là thực hiện chế độ công khai, minh bạch về toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước, trừ những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh cần giữ bí mật. Cần nhấn mạnh: công khai gắn với minh bạch, vì có những trường hợp có công khai nhưng không minh bạch do không thuyết minh rõ tính xác thực, căn cứ đúng đắn của những vấn đề đã công bố công khai.

 

Minh bạch và minh bạch hóa hoạt động chính quyền địa phương

Việc công bố công khai, minh bạch (CKMB) quá trình hoạch định và thi hành các cơ chế, chính sách là rất cần thiết. Được thảo luận và tranh luận công khai, dân chủ thì cơ chế, chính sách được bổ sung, hoàn chỉnh, do đó, sẽ sát thực tế, đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là khắc phục được tình trạng lợi dụng cơ chế để mưu cầu lợi ích cục bộ, địa phương, phe nhóm. Minh bạch giúp cho việc thi hành luật pháp được thông suốt, khắc phục tình trạng cùng một quy định nhưng cơ quan nhà nước hiểu và giải thích khác nhau. Môi trường kinh doanh từ chính sách, thủ tục…

Minh bạch giúp cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Thủ tục hành chính được CKMB sẽ góp phần khắc phục tệ tham nhũng, tạo thuận lợi cho nhân dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời là căn cứ để nhân dân và doanh nghiệp giám sát hoạt động của công chức, khắc phục tệ nạn công chức sách nhiễu, vòi vĩnh người dân và doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ quản trị nhà nước, khái niệm minh bạch có thể được hiểu theo hai khía cạnh quan trọng: tiếp cận thông tin và quyền hoặc cơ hội giám sát, phản biện của đối tượng quản lý đối với cơ quan quản lý.

Dưới góc độ luật pháp, mặc dù trong các văn bản pháp luật chưa có định nghĩa trực tiếp minh bạch là gì, nhưng những biểu hiện trực tiếp của minh bạch là quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 với tư cách là một trong những quyền cơ bản của công dân: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình.

Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012quy định tại khoản 2 Điều 2: “Công khai là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị công bố, cung cấp thông tin chính thức về văn bản, hoạt động hoặc về nội dung nhất định”. Như vậy, minh bạch gắn liền với công khai trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và đơn vị, như quy định về CKMB trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; về tài chính và ngân sách nhà nước; quản lý và sử dụng đất; về giáo dục…

Minh bạch rộng hơn khái niệm công khai. Minh bạch bao hàm cả cơ hội, tính bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tính tin cậy nhất quán của thông tin, tính dự đoán trước được và sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin. Dù hiểu theo cách nào, minh bạch hóa cũng gắn liền với quyền tiếp cận thông tin, nhưng mức độ tiếp cận thông tin đến đâu phụ thuộc vào giới hạn của chủ thể quản lý và rộng hơn là phụ thuộc vào bản chất của mỗi nhà nước.

Do đó, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền địa phương (CQĐP) có thể hiểu là việc CQĐP công bố, cung cấp thông tin chính thức đối với hoạt động xây dựng văn bản pháp quy, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định này và người dân dễ dàng tiếp cận được thông tin, được tham gia đóng góp và giám sát việc thực hiện hoạt động của CQĐP.

Với quan niệm trên, minh bạch hóa hoạt động của CQĐP bao gồm hai khía cạnh quan trọng là CQĐP cung cấp, công bố thông tin và khả năng tiếp cận thông tin (một cách phù hợp, kịp thời, chất lượng), quyền, cơ hội được tham gia đóng góp và giám sát của nhân dân đối với hoạt động của CQĐP. Hai khía cạnh này có quan hệ gắn bó rất chặt chẽ với nhau và có tác động qua lại.

Ảnh: ST
Thực trạng minh bạch hóa của chính quyền địa phương hiện nay

Một là, đối với hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)

Đánh giá chung từ thực tiễn ở các địa phương cho thấy, quá trình soạn thảo và ban hành VBQPPL của CQĐP cơ bản tuân thủ trình tự theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008. Quá trình xây dựng và ban hành VBQPPL đã tạo điều kiện để người dân có thể biết trước được sự ra đời, sự thay đổi của pháp luật cũng như tác động mà nó đem lại.

Đồng thời, là một trong những yếu tố nhằm thực hiện các cam kết về bảo đảm tính CKMB của pháp luật trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động, đánh giá thực trạng các quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh của văn bản, cũng như việc xin ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và của người dân đối với dự thảo văn bản còn nhiều hạn chế.

Về nội dung VBQPPL hiện nay đã bảo đảm cho công chúng có thể hiểu được các VBQPPL thông qua những điều luật đã được các nhà làm luật chi tiết hóa, cụ thể hóa, giảm dần việc ban hành luật khung, qua đó, góp phần bảo đảm yêu cầu về tính rõ ràng, dễ hiểu của pháp luật hay những quy định về sử dụng ngôn ngữ trong VBQPPL được thể hiện trong Điều 5, 8 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008.

Thời gian qua, để người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn, Trung tâm thông tin Văn phòng Quốc hội cho ra đời trang website cơ sở dữ liệu luật Việt Nam (vietlaw.gov.vn) với 20.000 VBQPPL được sắp xếp một cách khoa học để người dân có thể dễ dàng tìm kiếm chính xác các văn bản cần thiết và hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, VBQPPL này đều được đăng trên các trang website của CQĐP. Tuy nhiên, về mức độ dễ hiểu, dễ áp dụng thông tin đòi hỏi cơ quan ban hành VBQPPL phải nỗ lực hơn nữa trong việc cung cấp và phổ biến thông tin hoạt động của mình.

Về ban hành văn bản cá biệt của Ủy ban nhân dân (UBND), đây là loại văn bản được ban hành với số lượng lớn nhằm đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước tại các địa phương cũng như quản lý nội bộ. Tính minh bạch trong hoạt động ban hành các văn bản cá biệt của UBND các địa phương hiện nay chủ yếu thể hiện thông qua việc đăng tải các biểu mẫu văn bản và các văn bản đã ban hành trên trang thông tin điện tử của cơ quan, quá trình soạn thảo và ban hành văn bản cá biệt tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục… ban hành.

Quy trình ban hành VBQPPL đã được quy định rõ trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, UBND năm 2004,nhưng về quy trình, thủ tục ban hành các văn bản cá biệt không chứa đựng quy phạm lại chưa rõ ràng.

Ví dụ như, việc trước khi chính quyền cấp sổ đỏ, sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của các hộ gia đình ở một số địa phương đều phải diễn ra thảo luận, chứng kiến của các bên có quyền lợi liên quan, thậm chí hình thành tập hồ sơ xử lý của người trực tiếp thực thi công vụ.

Tuy nhiên, có không ít địa phương, người thực thi công vụ không thực hiện công đoạn thủ tục nói trên, không có sự trao đổi giữa các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt, văn bản cá biệt có nội dung trái pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, thiếu sự CKMB, gây ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Hai là, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND).

Công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu HĐND đề nghị lãnh đạo UBND quận, huyện, phường, các ban quản lý dự án, các cơ quan hữu quan được mời tham dự giải trình trực tiếp cho cử tri những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình; đồng thời yêu cầu đơn vị liên quan rà soát lại việc thực hiện, trả lời của UBND đối với ý kiến phản ánh của cử tri tại đợt tiếp xúc cử tri lần trước; những vấn đề chưa trả lời hoặc trả lời chung chung.

Chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thông qua hoạt động chất vấn, các vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế – xã hội, những ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu HĐND phản ánh rõ nét tại nghị trường của các kỳ họp. Hoạt động chất vấn trực tiếp giữa các đại biểu với cơ quan chuyên môn đã tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, đại biểu có thể chất vấn đến cùng những vấn đề còn chưa được giải trình thỏa đáng.

Việc tiếp dân, tiếp nhận, xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân cũng là hoạt động thường xuyên của HĐND thực hiện theo quy trình, thủ tục rất minh bạch, nghiêm túc, thái độ nhiệt tình trách nhiệm, không khí dân chủ, tạo sự tin tưởng của công dân đối với đại biểu.

Tuy nhiên, hạn chế là HĐND chỉ quyết định được những vấn đề đã được quyết định từ cấp trên và từ cấp ủy đảng, do đó thiếu khách quan, độ tin cậy không cao, hiệu quả giám sát còn thấp vì thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm của HĐND được quy định cụ thể, song các quy định pháp luật về thủ tục thực hiện lại hết sức sơ sài. Phạm vi giám sát của HĐND đối với UBND chưa tương xứng cả về chất lượng và mức độ.

Ba là, thủ tục hành chính, quản lý cán bộ, công chức (CBCC).

UBND các cấp kịp thời công bố công khai và cập nhật thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia; niêm yết công khai, đầy đủ thủ tục hành chính tại nơi giải quyết công việc; tiếp nhận, xử lý có kết quả các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; thường xuyên nắm bắt tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị cấp dưới để có những biện pháp đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

UBND các cấp đã ban hành và triển khai thực hiện các quy định yêu cầu về minh bạch hóa thông tin ở các lĩnh vực theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của mình.

Ví dụ như, việc minh bạch trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp; minh bạch trong việc giao đất cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý vi phạm đất đai. Hoạt động minh bạch trong cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà đầu tư, phát triển các website của các tỉnh, sở, ngành để các doanh nghiệp dễ dàng có thể tiếp cận thông tin; tăng cường đối thoại chính quyền – doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc chủ động công khai thủ tục hành chính, thời gian, phí và lệ phí tại nơi giải quyết công việc của một số cơ quan hành chính thời gian qua còn hình thức, chiếu lệ. Một số cơ quan công khai nhưng không thực hiện đúng như đã công khai, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong giải quyết công việc của người dân còn ở mức độ phổ biến.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thiếu cơ chế xử lý vi phạm trong trường hợp các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ CKMB theo quy định của pháp luật. Đa số các quy định pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc CKMB theo yêu cầu của công dân mới chỉ dừng lại ở mức độ có tính chất nguyên tắc, thiếu cụ thể; còn thiếu vắng các biện pháp xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình không công khai theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, quy định của pháp luật về danh mục bí mật nhà nước nói chung và danh mục bí mật của các bộ, ngành, địa phương chưa được rõ ràng nên dẫn đến tình trạng phổ biến là không ít các ngành đã đưa vào danh mục bí mật những nội dung không thực sự cần thiết phải bí mật và lấy đó làm lý do để không công khai khi có yêu cầu.

Công tác quản lý CBCC bao gồm nhiều nội dung với các khâu: tuyển dụng, sử dụng, bố trí, giám sát, đánh, giá quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng luân chuyển, sử dụng thực hiện chính sách, chế độ đối với CBCC, trọng dụng đãi ngộ nhân tài…, trong các nội dung này có những khâu theo trình tự, nhưng cũng có khâu tiến hành song song, đan xen nhau, có quan hệ tương hỗ với nhau.

Đối với thi tuyển công chức trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới và cải tiến. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế mà dư luận xã hội quan tâm vì tính khách quan, công bằng, minh bạch và sự nghiêm túc, còn xảy ra nhiều tiêu cực trong các kỳ thi tuyển công chức.

Tình trạng phổ biến là tuyển người không phù hợp nhu cầu công việc do thiếu công khai những nội dung, như mô tả vị trí công việc và tiêu chuẩn tuyển dụng để tìm ứng viên phù hợp. Từ đó dẫn đến hệ quả là người được tuyển dụng nhưng không đáp ứng yêu cầu công việc. Việc tuyển dụng mang nặng tính hình thức, rất nhiều vị trí tuyển dụng nhưng đề thi tuyển là giống nhau, chủ yếu là tin học, ngoại ngữ và kiến thức về Luật CBCC năm 2008.

Đánh giá công chức chuyển từ cách thức tự kiểm điểm và bình bầu sang đánh giá trên các nội dung: chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc, năng lực lãnh đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm trong công tác; chú trọng kết quả thực hiện được giao.

Phương pháp đánh giá kết hợp giữa hình thức tự đánh giá kết hợp giữa hình thức tự đánh giá của công chức, các góp ý của tập thể đơn vị công tác và ý kiến của thủ trưởng đơn vị để xếp loại công chức hằng năm theo 4 mức (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ).

Tuy nhiên, công tác đánh giá hiện nay còn mang tính nội bộ, khép kín, thiếu sự đánh giá độc lập, không có tổ chức hay nhân sự đánh giá chuyên trách. Hơn nữa, các kết quả đánh giá mức độ phân loại của mỗi công chức trong từng cơ quan, đơn vị lại có sự liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, phản ánh đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thành tích của bộ máy lãnh đạo cũng như tập thể tổ chức, do vậy, việc đánh giá còn “dĩ hòa vi quý”, thiếu sự minh bạch để đánh giá chính xác, chưa minh bạch trong quy trình đánh giá.

Luân chuyển CBCC và minh bạch trong thông tin luân chuyển, điều động, biệt phái CBCC là cần thiết để đối tượng được luân chuyển tiếp nhận thông tin và cơ quan có thẩm quyền, người dân có thể giám sát được năng lực của đối tượng. Kế hoạch luân chuyển cần phải CKMB, công tác tư tưởng phải làm tốt để cán bộ luân chuyển nhận thức rằng, đây là một trọng trách, nhiệm vụ và thử thách. Chế độ, chính sách đối với CBCC luân chuyển phải rõ ràng cả trong thời gian luân chuyển và sau luân chuyển.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, tổng rà soát, sửa đổi pháp luật về bí mật nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước ở mức cần thiết.

Thứ hai, xây dựng và thực hiện cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế người phát ngôn của cơ quan nhà nước; xây dựng và ban hành luật về tiếp cận thông tin; có chế tài đối với người vi phạm quyền được thông tin của công dân.

Thứ ba, cần sớm ban hành Luật Chính quyền địa phương, đây là căn cứ pháp lý cho CQĐP thực hiện tốt những đòi hỏi hợp pháp của người dân liên quan đến quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình, cần đưa vào trong nội dung luật những nguyên lý căn bản đối với một CQĐP hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh. Trong số những nguyên lý đó, yêu cầu về CKMB, trách nhiệm giải trình có ý nghĩa then chốt. Bên cạnh đó, cần quy định những nguyên tắc, cơ chế bảo đảm CQĐP tuân thủ thực hiện những quy định hiện hành về CKMB.

Thứ tư, MBH quá trình soạn thảo, trình, ban hành chính sách, pháp luật; quyết định, văn bản hành chính của CQĐP phải gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính.

Thứ năm, tăng cường chất lượng, quy định chặt chẽ quy trình hoạt động giám sát của HĐND.

Thứ sáu, tăng cường MBH thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp./.

Tài liệu tham khảo:
1. GS.TS. Trần Ngọc Đường (Chủ biên). Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
2. Phạm Minh Anh và nhóm nghiên cứu Viện Xã hội học, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện dân chủ cơ sở (nghiên cứu trường hợp tỉnh Cao Bằng), 2012.
3. Trung tâm nghiên cứu và phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI – 2011). Đo lường từ thực tiễn của người dân.
                                                              TS. Trần Thị Diệu Oanh
  Học viện Hành chính Quốc gia