Chính quyền cơ sở trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Tây Nguyên hiện nay

(QLNN) – Trong hệ thống chính quyền hiện nay, chính quyền cơ sở là cấp cuối cùng, nơi trực tiếp tổ chức cho nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là nơi trực tiếp thực hiện các vấn đề dân sinh, dân quyền, dân chủ, dân trí; đồng thời, giải quyết mối quan hệ trong nội bộ nhân dân và mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

 

Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước về chính trị, kinh tế – xã hội và an ninh – quốc phòng. Đồng thời, Tây Nguyên cũng là vùng đất giữ gìn được truyền thống văn hóa của cộng đồng cư dân bản địa lâu đời với những sắc thái riêng, chi phối khá mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống của người dân Tây Nguyên. Mặt khác, những yếu tố kinh tế – xã hội trong nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh mẽ vào đời sống của người dân theo những chiều hướng khác nhau, trong đó có những xu hướng rất đáng lo ngại cho quản lý nhà nước.

Toàn vùng hiện có 61 đơn vị hành chính cấp huyện, 727 đơn vị hành chính cấp xã (có 283 xã đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống), 7.824 thôn, buôn, làng (có 2.764 buôn, làng đồng bào DTTS) là những tổ chức tự quản của dân cư, là “vệ tinh”, là “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở (CQCS) chứ không phải là cấp chính quyền cuối cùng1. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức này đang được CQCS ủy nhiệm tiến hành một số hoạt động quản lý hành chính nhà nước (tuyên truyền, thu các khoản phí, thuế đất…), đặc biệt trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc giữa Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII của Đảng với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên (Nguồn: Theo chinhphu.vn),

Về chính quyền địa phương cấp cơ sở vùng Tây Nguyên hiện nay

– Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp cơ sở: đại biểu HĐND cấp xã trên địa bàn Tây Nguyên hiện có 19.880 người. Trong đó, nữ có 4.100 đại biểu (20,62%); DTTS 6.687 đại biểu (33,6%); người có đạo 2.097 đại biểu (10,55%); dưới 35 tuổi 5.276 đại biểu (26,50%). Chất lượng đại biểu HĐND được nâng lên. Trình độ học vấn: tiểu học có 1.284 đại biểu (6,54%); trung học cơ sở (THCS): 6.822 đại biểu (35,31%); trung học phổ thông (THPT): 11.560 đại biểu (58,15%).

Chuyên môn: sơ cấp có 1.096 đại biểu (5,51%); trung cấp: 4.980 đại biểu (25%); đại học, cao đẳng: 1.759 đại biểu (8,85%). Lý luận chính trị: sơ cấp: 2.573 đại biểu (13,85%); trung cấp: 4.392 đại biểu (22%); cao cấp trở lên 1.551 đại biểu (7,80%). Thường trực HĐND cấp xã (chủ tịch và phó chủ tịch) có 1.301 người (98,5% là đảng viên), DTTS có 372 người (36,08%), nữ: 126 người (12,2%); trình độ học vấn từ THCS trở lên có 1.272 người (97,77%); trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên có 819 người (62,95%)2. Nhiều cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế.

Hoạt động của HĐND đã có nhiều chuyển biến, nội dung, hình thức chuẩn bị các kỳ họp và ra nghị quyết được đổi mới, có chất lượng hơn. Công tác giám sát có nhiều tiến bộ, nhất là giám sát có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực hoạt động của Ủy ban nhân dân (UBND); nội dung, hình thức tiếp dân, tiếp xúc cử tri được cải tiến. Hầu hết, đại biểu đã chủ động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, bám sát chương trình công tác, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, chủ động và kịp thời đề xuất cơ quan chức năng giải quyết.

– UBND cấp cơ sở: hoạt động của CQCS vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, yếu kém cả về tổ chức và cán bộ. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên năm 2015, hiện nay, trong số 720 chủ tịch UBND cấp xã, 100% là đảng viên; nữ có 35 người (4,8%), DTTS có 167 người (23,19%); tuổi đời dưới 55 có 695 người (96,52%), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên có 634 người (80,05%). Có 1.031 phó chủ tịch UBND cấp xã, trong đó có 1.021 là đảng viên (99,03%); nữ có 133 người (12,9%); DTTS có 299 người (29%), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên có 898 người (88%)3.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện chất lượng và kỹ năng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao nhưng trong những năm qua cho thấy, chất lượng hoạt động của UBND cấp xã đã được nâng lên, kết quả đánh giá chất lượng hoạt động năm 2014 thể hiện cụ thể: có 199 UBND cấp xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (27,56%), 368 UBND cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ (50,9%), 150 UBND cấp xã hoàn thành nhiệm vụ (20,77%) và chỉ có 05 UBND cấp xã chưa hoàn thành nhiệm vụ (0,69%)4. Nhìn chung, bộ máy UBND cấp xã được kiện toàn, từng bước chuẩn hóa cán bộ theo quy định của Chính phủ.

Điều này đã thúc đẩy hoạt động của UBND cấp xã từng bước đi vào nền nếp, cán bộ công chức, nhất là cán bộ chủ chốt có nhiều chuyển biến, phong cách làm việc gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tính minh bạch, công khai, dân chủ đã được đề cao.

Vai trò của cấp chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên trong thực hiện chính sách an sinh xã hội

Ở Tây Nguyên, các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư thường được điều chỉnh bằng nhiều quy định (pháp luật, hương ước hay luật tục, phong tục, tập quán,…) và thiết chế (tổ chức chính trị – xã hội, quỹ, hội, họ mạc, thôn/làng,…) khác nhau, có tính chính thức hoặc phi chính thức, trong đó có cả những quy định và thiết chế do chính những thành viên trong cộng đồng lập ra như quỹ, hội,… Với những đặc thù trên, CQCS tại đây cũng thể hiện tính chất đặc thù của hệ thống CQCS trong thực hiện vai trò khi triển khai các chính sách ASXH, cụ thể là:

Thứ nhất, là cầu nối giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là với cấp tỉnh và cấp huyện trong thực hiện và duy trì các chính sách ASXH đến với đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Bắt đầu từ khâu nghiên cứu, khảo sát chuẩn bị cho việc hoạch định các chính sách ASXH cho đến khi chính sách này được ban hành và triển khai đi vào cuộc sống thì CQCS đảm nhiệm phần nhiều các công việc liên quan trực tiếp đến việc tìm kiếm nhu cầu, tiếp nhận và duy trì các mục tiêu đặt ra có liên quan đến người dân trên địa bàn mà chính sách được triển khai.

Thứ hai, với vai trò là đại diện cho Nhà nước và nhân danh Nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước thì việc CQCS ở Tây Nguyên (cấp gần dân nhất) cần phải đủ mạnh, thể hiện đầy đủ quyền lực nhà nước của mình trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó nhưng cũng cần phải thật sự mềm dẻo, linh hoạt trong tiếp xúc, làm việc với người dân (những người luôn luôn bị các mối quan hệ cộng đồng truyền thống chi phối) nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi đa dạng của mỗi người dân, mỗi dòng họ, mỗi thôn làng, sao cho vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với truyền thống và điều kiện của mỗi địa phương, mỗi tộc người.

Thứ ba, CQCS ở Tây Nguyên là nơi trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách và pháp luật Nhà nước trên địa bàn do mình quản lý. Vì vậy, dễ dàng nhận thấy vai trò chủ công của CQCS trong triển khai thực hiện các chính sách ASXH ở Tây Nguyên, khi các chính sách ASXH trên địa bàn được giao cho CQCS thực hiện trực tiếp đến với các đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn. Do đó, các chính sách ASXH có thể triển khai thành công bao giờ cũng được thiết lập bởi đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp gần dân nhất này.

Thứ tư, nắm bắt được tình hình thực tiễn, CQCS ở Tây Nguyên trong quá trình triển khai các chính sách ASXH đều khai thác tốt vai trò điều tiết sự tự quản của các thôn, làng trên địa bàn xã phù hợp với đặc thù riêng có về điều kiện tự nhiên, môi trường, nếp sống, văn hóa tập tục của từng buôn làng, từng vùng đồng bào tại đây.

Một số vấn đề đặt ra trong triển khai thực thi chính sách an sinh xã hội của cấp chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên

Nhằm bảo đảm các chính sách ASXH đi vào cuộc sống tại Tây Nguyên, cần xem xét và khắc phục một số vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay của Tây Nguyên, đó là:

– Chưa phát huy đúng mức vai trò của chính quyền địa phương cấp cơ sở, người dân thụ hưởng chính sách trong tham gia hoạch định, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách.

– Nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc hằng năm chưa được cụ thể hóa trong Luật Ngân sách nên các bộ, ngành và địa phương bị động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách. Việc chia sẻ thông tin về phân bổ, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc chưa được quan tâm đúng mức.

– Nhận thức của đối tượng thụ hưởng các chính sách ASXH và đặc biệt với đối tượng là người DTTS còn nhiều hạn chế, chưa nỗ lực vươn lên tự thoát nghèo, bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, còn tâm lý tự ti, mặc cảm. Đồng thời, do quá nhiều chính sách hỗ trợ dẫn đến một số đối tượng thụ hưởng còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn một số phong tục tập quán lạc hậu ở một số dân tộc, như tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh nhiều con, cúng bái…

– Ngoại trừ một số đô thị có thể nói đóng vai trò trung tâm của vùng, như thành phố Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku,… thì ở Tây Nguyên, phần lớn là vùng DTTS và miền núi, còn nhiều khó khăn về hạ tầng, dân trí thấp, chuyên môn, kỹ năng lao động của người DTTS còn nhiều hạn chế, kinh tế chậm phát triển, xa các trung tâm phát triển nên khó thu hút đầu tư, định mức đầu tư cao… Ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm…

– Trình độ cán bộ thực hiện chính sách cấp cơ sở vùng DTTS và miền núi còn nhiều yếu kém. Trình độ, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế và chưa đồng đều. Cán bộ chuyên trách cấp xã chưa qua các chương trình đào tạo còn nhiều (khoảng 62,1%). Công tác quy hoạch, tạo nguồn, sử dụng đội ngũ cán bộ và cán bộ là người dân tộc thiểu số nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và xây dựng đội ngũ kế cận lâu dài.

Khắc phục những hạn chế và khai thác những tích cực hiện có của cấp CQCS để bảo đảm thực hiện được các chính sách ASXH, các chương trình, đề án có liên quan hướng đến góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở Tây Nguyên, bảo đảm người dân được quyền tiếp cận và thụ hưởng những dịch vụ tối thiểu nhất với những kết quả khả quan, như: tình trạng nghèo giảm đi, đời sống không ngừng cải thiện, sức khỏe được quan tâm, chăm sóc tốt hơn, đời sống tinh thần được nâng cao,… để hướng đến bảo đảm cho cấp CQCS ở Tây Nguyên triển khai thành công chính sách ASXH trên địa bàn mình.

Chú thích:
1. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Báo cáo số 172-BC/BCĐTN ngày 28/12/2015 về tình hình cơ sở đảng và kết quả thực hiện mục tiêu: Đến năm 2013, tất cả buôn làng đều có đảng viên; đến năm 2015, tất cả buôn làng đều có tổ chức đảng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
2, 3, 4. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Báo cáo chuyên đề “Hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nguyên; Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở tại các địa phương trong vùng”

NCS. Nguyễn Linh Giang
Học viện Chính trị khu vực III